Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Người ta không đóng cửa trường mỹ thuật nữa!”

Jul 21, 2021 | By Art Republik

Hai năm sau ngày mất của giáo sư Victor Tardieu, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân hồi tưởng: Ông già ấy cách đây sáu năm, có một hôm, nửa đêm, đến đấm cửa nhà chúng tôi, vừa hát vừa bảo: “Người ta không đóng cửa trường mỹ thuật nữa!”.

Trường Mỹ Thuật Đông Dương vào những năm mới thành lập, nay là trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Trường được thành lập theo nghị định ngày 27 tháng 10 năm 1924 của Toàn quyền Martial Merlin. Nguồn: flickr/manhhai

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân (1908 – 1954) là một trong tứ kiệt Trí-Vân-Lân-Cẩn của nền hội hoạ Việt Nam. Ông hoạt động báo chí với một số bút danh như Tô Tử, Ái Mỹ, TNV.

Hai năm sau ngày mất của giáo sư Victor Tardieu (Lyons, 30/4/1870 – Hà Nội, 12/6/1937), đăng trên báo Ngày Nay (số 166, 17/06/1939), mục Mỹ thuật, bài “Ông Victor Tardieu (Người sáng lập ra trường Mỹ-thuật Đông-dương)”, dưới bút danh Tô Tử, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân đã tường thuật lại một buổi lễ kỷ niệm cảm động tại trường Mỹ-thuật.

Tại trường Mỹ thuật, hôm 12 Juin vừa rồi đã làm lễ kỷ niệm ngày ông Victor Tardieu mất. Một lễ đơn giản, cảm động. 

Chung quanh pho tượng ông bày giữa vườn, những bó hoa đỏ chói đặt trên bệ, và viên chức cùng tân cựu học sinh trường Mỹ thuật đứng xếp hàng. 

Trong số người kính cẩn trước tượng ông, bên những người xưa nay đối với ông vẫn nhiều cảm tình, có những người, khi ông còn sống, bất hoà với ông, có những người chưa được biết ông lần nào. Nhưng ai ai cũng như chung một lòng nhớ đến ông, người đã hoàn sinh cho mỹ thuật nước nhà. 

Tranh “La Vaccination” (tạm dịch: Tiêm chủng), sơn dầu, kích thước 119 x 90 cm. Được vẽ vào khoảng năm 1923, bởi hoạ sỹ Victor Tardieu. Nguồn: Tin.moi

“Những con thuyền và cây dừa”, sơn dầu, tranh sơn dầu của hoạ sỹ Victor Tardieu, khoảng năm 1921-1922. Nguồn: Tin.moi

Người ân nhân ấy để lại cho chúng ta một sự nghiệp to tát, nguy nga, gây nên không phải dễ dàng. Những trợ lực, những sự kiềm chế ông đã gặp khi ông mở trường Mỹ-thuật, nhiều người còn nhớ. Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của trường mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy. Người ta cứ phá. Ông cứ xây. Xây bằng sự khéo léo, sự nhiệt thành, sự kiên nhẫn. 

Ông đã thắng. Nên mới có chúng ta ngày nay: những người biết yêu mỹ-thuật, nhận mỹ-thuật là cần cho sự sống, biết lo bồi đắp mỹ-thuật Việt-nam.

Ông mến học trò. Ông làm cho học trò tin ở mình, ở tương lai. Ông săn sóc ân cần đến họ, như một người cha trông nom âu yếm các con.

Ngồi ở vị trí hàng đầu, trung tâm bức ảnh là hiệu trưởng Victor Tardieu, cùng với hoạ sỹ Nam Sơn (người Việt Nam duy nhất ở hàng ghế phía trước, đầu tiên từ phải sang), là hai người thầy đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương vào năm 1924. Ảnh chụp tại Hà Nội, năm 1926. Nguồn: flickr/manhhai

Sau bài diễn văn, một cựu sinh viên đọc bày tỏ sự nhớ tiếc biết ơn ông, ông Loubet đại diện ông giám-đốc học-chính, cũng nối mấy lời. Ông nói: nếu vào thời trước, có lẽ người An-nam đã dựng đình tôn ông Tardieu làm thành hoàng. Theo phong tục Pháp, chúng ta đã kỷ niệm người ân nhân ấy bằng buổi lễ hôm nay. Cách biểu lộ tuy khác, xong lòng biết ơn không vì thế mà kém thiết tha. 

Rồi mọi người nghiêng đầu trước tượng, đứng tĩnh một phút. Rồi ai nấy tản tác ra về, ngơ ngác như nhớ một cái gì kính mến mà ta vừa mất. 

Cả một buổi lễ không đầy 15 phút.

Giáo sư Victor Tardieu trước bức tranh đang vẽ cho Trường Đại Học Đông Dương, năm 1923. Nguồn: flickr/manhhai

Trở ra, nhìn lại trường Mỹ-thuật, tôi cảm thấy phảng phất bóng ông già Tardieu, đầu bạc trắng soá, tay sách cái gậy lớn, trán đẫm mồ hôi. 

Ông già ấy cách đây sáu năm, có một hôm, nửa đêm, đến đấm cửa nhà chúng tôi, vừa hát vừa bảo: “người ta không đóng cửa trường mỹ thuật nữa!”. Ông già ấy, trước khi xe đi nhà thương, còn viết run được mấy giòng trên một cái nắp hộp, dặn dò mấy điều về hội Việt-nam mỹ-thuật. Nằm nhà thương được hai hôm, ông chết.

TÔ TỬ

Theo Ngày Nay, số 166, 17 Tháng Sáu 1939

Đọc trực tiếp bài báo tại: https://bit.ly/36vZOBm


 
Back to top