STYLE

Người Việt chơi đồng hồ: “Cơn sốt thép” và những giá trị ảo trong thế giới đồng hồ

Jul 30, 2019 | By Nguyen Huu Hon

Vài năm gần đây, những mẫu đồng hồ thép đôi khi còn đắt hơn so với các phiên bản tương tự làm từ kim loại quý. Vì sao lại có hiện tượng ấy?

Rolex Submeriner (116610LN hoặc 116610 LV. Aka Hulk) từng có giá từ 5.000 đến 6.000 USD tại thị trường Việt Nam chỉ cách đây ba năm

“Steel rush” trong thế giới đồng hồ – Khi thép đắt hơn vàng.

Mở đầu bài viết này, tôi khẳng định với kha khá năm kinh nghiệm lên bờ xuống ruộng với hầu hết tất cả các hãng đồng hồ trên thị trường của cá nhân, đây là bài viết thể hiện quan điểm của riêng tôi và không có ý kiến công kích các nhà sản xuất hay bất cứ ai.

Chỉ vài năm gần đây, giới chơi đồng hồ cả trong và ngoài nước chứng kiến một hiện tượng hy hữu khi những mẫu đồng hồ thép được đội giá lên đến 200% so với giá bán lẻ niêm yết, thậm chí còn đắt hơn so với các phiên bản tương tự làm từ kim loại quý. Lấy ví dụ là chiếc GMT Pepsi hoặc Batman hay thậm chí là Hulk, giờ đây đã không còn chiếc nào có giá dưới 15.000 USD, mà cái giá để sở hữu đều tăng lên đột biến khoảng 50% – 60% so với giá bán lẻ.

Trong khi đó, việc sở hữu được chiếc Royal Oak 15202 Jumbo hay 15407 kiểu khung xương có bánh xe cân bằng kép được xem là quá đỗi may mắn. Và hy vọng để được đưa vào danh sách chờ cho chiếc Nautilus 5711 gần như là số không. Tuy nhiên, nhờ thị trường thứ cấp, những tay chơi quá khao khát biểu tượng lừng lẫy này từ Patek Philippe cũng có thể sở hữu được phiên bản đồng hồ thép ao ước năm 2014, với tầm giá 70.000 USD, cao hơn gấp đôi so với giá bán lẻ niêm yết cho mẫu mới phát hành là 30,619 USD.

Một ngày đẹp trời 2016 tại quận 1 TPHCM, một thương lái khá có tiếng ngồi rung đùi cùng ba anh khách Tây tại một Khách sạn trung tâm quận 1 sau khi đã post chủ đề lên một diễn đàn đồng hồ kín: “Cần mua tất cả daytona thép tại Việt Nam” được đăng hôm trước.

Một ngày đẹp trời 2016 tại quận 1 TPHCM, một thương lái khá có tiếng ngồi rung đùi cùng ba anh khách Tây tại một Khách sạn trung tâm quận 1 sau khi đã post chủ đề lên một diễn đàn đồng hồ kín: “Cần mua tất cả Daytona thép tại Việt Nam” được đăng hôm trước. Tôi lò dò cùng cậu em đến bán hộ ông anh mẫu Daytona thép mặt trắng với một khoảng lãi tương đối nhưng tóm lại vẫn chỉ loanh quanh 9.200USD, không hơn.

Và, một năm sau khi tất cả Rolex Daytona thép trên thị trường bị gom sạch, các nhà đấu giá với câu chuyện thần tiên Paul Newman đã làm cả thế giới sôi sục lên một lần nữa với cái tên “Daytona”. Lúc này, giá mỗi con đồng hồ thép đã tăng lên 12-13.5000 USD chỉ sau 1 năm, chúng tôi nghĩ “biết thế” một lần nữa và cũng như các bạn đã biết, thời điểm hiện tại Daytona được giao dịch với giá từ 17 – 22.000 USD là hết sức bình thường.

Giá giao dịch của đồng hồ thép Patek Philippe Nautilus 5711/1A giờ đây nằm ở khoảng 70.000 – 80.000 USD, gấp ba lần giá bán lẻ của hãng

Chuyện gì đã xảy ra?

Vì sao lại có hiện tượng ấy? Chúng ta đều biết rằng đây chỉ là kết quả tự nhiên khi cầu vượt xa cung. Sẽ rất dễ dàng khi nói rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng cách tăng nguồn cung. Tuy nhiên, điều ấy là không hề đơn giản khi có đến hai vấn đề xảy ra.

Thứ nhất, xa xỉ phẩm chính hãng chưa bao giờ có sẵn cho tất cả mọi người, và điều này là hoàn toàn hợp lý để tạo nên giá trị đích thực của hai từ “xa xỉ”. Như vị Chủ tịch Patek Philippe là Thierry Stern khi trả lời phỏng vấn World of Watches Vietnam cũng đã khẳng định, mất ít nhất 10 năm để đào tạo một nghệ nhân đồng hồ cho thương hiệu, nên việc tăng nguồn cung đồng hồ cho thị trường là điều không khả thi, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Nguyên nhân thứ hai chính là khả năng thâu tóm và đầu cơ đồng hồ mạnh mẽ từ thương lái quốc tế, đồng thời là mặt trái tác động của truyền thông xã hội. Điển hình chính là câu chuyện hấp dẫn về Paul Newman cùng Rolex Daytona được tung ra chỉ một thời gian ngắn sau khi toàn bộ Daytona trên thị trường bị thu mua toàn bộ. Đối với những người bán, vấn đề không phải là đồng hồ mà là tiền: đồng hồ không có ý nghĩa gì khác hơn là một món hàng hóa. Đối với những người mua thực sự sẵn sàng trả cái giá phi lý, họ dành sự quan tâm cho đồng hồ ít hơn là cái tôi của mình, khi có thể sở hữu một vật phẩm đang được nhiều người khác ao ước.

Câu chuyện “thần kỳ” về Rolex Daytona và Paul Newman đã khiến mức gia của chiếc đồng hồ tăng lên từ 12.000 đến 13.000 USD chỉ sau một năm

Vậy, chính xác thì hiện tượng này gây hại như thế nào đến những cá nhân thực sự muốn sở hữu chiếc đồng hồ thay vì địa vị mà chúng có thể mang lại – hay nói cách khác là những nhà sưu tầm đích thực? Thứ nhất, đó chính là cảm giác thất vọng khi không còn được tiếp cận với những mẫu đồng hồ – điều sẽ tạo nên khoảng trống lớn trong các bộ sưu tập. Và thứ hai là cảm giác bị ép buộc tham gia vào cuộc chơi vô vọng với các nhà bán lẻ, hay thậm chí là cả các thương hiệu mà họ từng ưa chuộng – điều tất yếu dẫn đến sự suy giảm lòng tin.

Vì vậy, ngay cả khi một nhà sưu tầm đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi, họ vẫn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng về cái giá “hợp lý” cần phải trả là gì, khi nào thì nên mua, nên tiếp tục đợi chờ hay đốt cháy giai đoạn? Điều đó không giống như niềm vui khi dõi theo một vật phẩm đáng ao ước, mà phần nhiều giống như vụ đánh bạc hay cá cược mang đầy tính rủi ro.

Lẽ tất nhiên, với tư cách là người chơi đồng hồ, hiển nhiên ai cũng muốn bảo toàn số vốn sau một thời gian chơi, hay tốt hơn nữa là có một khoản lời nhất định. Tuy nhiên, điều này rất khác với việc lao mình vào cuộc chơi đầu cơ của thương lái quốc tế, hay xem đồng hồ như một món đầu tư có lãi. Xét cho cùng, hiện tượng nào cũng có những mặt tích cực hay tiêu cực. Và cơn sốt giá trị ảo của đồng hồ cũng không phải ngoại lệ. Khi tất cả đều đang quay cuồng với một số lượng nhỏ đồng hồ bị thổi phồng giá trị, đó cũng là cơ hội cho các nhà sưu tầm tìm đến những điều đáng giá khác. Tin vui ở đây là hiện có rất mẫu đồng hồ như thế vẫn đang bị lẩn khuất, đợi chờ được chúng ta khám phá, chiêm ngưỡng và tận hưởng.

BÀI: JASON ĐẶNG, LINH TÚ 


 
Back to top