Chủ nghĩa cổ điển: Nguồn cảm hứng vĩnh cửu trong thiết kế nội thất hiện đại
Từ những chiếc túi với họa tiết Hy Lạp đến những tàn tích La Mã bị ăn mòn bởi acid, Katrina Burroughs mang đến một bản trường ca thiết kế nội thất thú vị theo phong cách cổ điển.
“Không có gì hợp thời hơn đồ cổ”, thiên tài sáng tạo quá cố, Karl Lagerfeld, người đứng sau hai thương hiệu danh giá Chanel và Fendi, từng nói như thế. Architectures, bộ sưu tập phù điêu đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông được chế tác bằng đá cẩm thạch Nero Marquina và Arabescato Fantastico, thể hiện trọn vẹn phong cách monochromania đặc trưng của bố già trong ngành thời trang với một loạt mẫu đèn, bàn và gương (giá từ 22.000 Euro) với các chân đế mỏng manh và tinh tế . “Tôi đã lấy cảm hứng từ tỷ lệ hoàn hảo của các cột đá Hy Lạp. Chúng thực sự là tiêu chuẩn cho cái đẹp”, ông tuyên bố như thế khi tiết lộ về bộ sưu tập của mình.
Những tên tuổi của thế kỷ 21 lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ điển, nghệ thuật và văn học, hay ít nhiều mang một chút phong các đồ cổ gồm có Sacha Walckhoff, giám đốc sáng tạo của Maison Christian Lacroix, đồ nội thất Philhellene và nhà thiết kế gốm sứ Luke Edward Hall, nghệ nhân lập dị của Mỹ Jonathan Adler, người có nhiều tác phẩm trong đó có một bàn chân khổng lồ màu tím được thiết kế giống như “một tàn tích bằng đá cẩm thạch La Mã bị ăn mòn bởi axít”. Họ đang dệt nên các tác phẩm từ những tàn tích đẹp như tranh vẽ, huyền thoại về các vị thần và anh hùng, những dũng sĩ cường tráng và quái vật, những mô típ Hy Lạp bắt mắt và đưa chúng vào tác phẩm của mình.
Trong một bộ phim về Architectures cho nhà triển lãm Carpenters Workshop Gallery, Lagerfeld đã nói về trường ca Iliad của Homer, được viết về cuộc chiến người Trojan, đó là một trong những cuốn sách đầu tiên ông nhớ lại. “Tôi yêu thích thần thoại Hy Lạp,” ông ấy nói, “và tôi rất tiếc khi từ bỏ nghiên cứu về Hy Lạp cổ đại khi tôi rời trường học”. Lên ý tưởng bởi Lagerfeld, bộ sưu tập được phát triển bởi Aline Asmar d’Amman của studio Culture in Architecture. Sự hoàn hảo, vật liệu quý và tỷ lệ vàng đã hấp dẫn Lagerfeld, nhưng d’Amman, một kiến trúc sư, lại có một quan điểm khác về thời cổ đại. Cô có một niềm đam mê với những di tích khảo cổ. “Tôi sinh ra ở Lebanon, ở một đất nước có lịch sử và thần thoại ở khắp mọi nơi,” cô nói. “Di tích kiến trúc có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở đây là ngôi đền Bacchus tại Baalbek, có niên đại lên từ năm 150 trước Công Nguyên. Nó đến từ một lịch sử đầy các cuộc chiến tranh và bị phá hủy trước khi được phục chế gần đây, tôi đã học được cách tìm thấy sự tráng lệ trong những tàn tích.”
“Các tòa nhà La Mã và Hy Lạp cổ đại đã truyền cảm hứng cho hầu hết tất cả các loại hình nghệ thuật khi chúng được giới trí thức châu Âu khám phá lại.”, Walckhoff của Lacroix cho biết, các đồ nội thất mà họ hợp tác cùng với Roche Bobois gần đây đã được mở rộng với nhiều thiết kế cây cỏ. “Việc viếng thăm Rome và Athens để nâng cao các kiến thức về văn hóa trở nên đặc biệt phổ biến đối với giới quý tộc và nghệ sĩ trong Grand Tour”. Chuyến đi theo nghi thức này đã phổ biến từ thế kỷ 17 – và một tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 19 mô tả về nó là điểm khởi đầu của Walckhoff trong bộ sưu tập cho Roche Bobois và cho Maison Christian Lacroix trước đó. Bộ sưu tập bao gồm tủ gỗ sơn mài (3.980 bảng Anh) và 6 bức tranh lớn (7.920 bảng Anh) là các bản in cổ điển với hình ảnh những du khách thanh lịch đang thăm thú Roman Forum và tháp obelisk ở Arles – “thành phố La Mã cổ đại đáng yêu ở phía nam nước Pháp nơi Ngôi nhà của Lacroix đã được sinh ra”
Sinh ra ở New Zealand, nghệ sĩ trang trí Bridie Hall nói về cả ngôi nhà và nơi làm việc của cô ấy “Tôi xây dựng bảo tàng của riêng mình lấy cảm hứng từ Grand Tour mà tôi chưa từng tham gia”. Thay vì đến thăm các địa điểm cổ xưa, cô lại bị ám ảnh bởi những thứ ít được biết đến của Hy Lạp và La Mã tại Bảo tàng Anh, nơi chỉ cách cửa hàng của cô ở London một quãng đi bộ ngắn. “Căn phòng yêu thích của tôi nằm ở cầu thang gần bức phù điêu Parthenon”, cô nói. “Phòng số 77 nằm dưới lòng đất và được lót hoàn toàn bằng gạch – trông giống như một bể bơi của thành phố và chứa đầy những tàn tích của một chiếc cột thành phố khổng lồ từ thế kỷ thứ hai”. Cửa hàng do cô đồng sáng lập, Pentreath & Hall, phản ánh nét thẩm mỹ này, từ các tấm thạch cao (chân của Laocoön) do Peter Hone sáng tạo, tới những khối obelisks nhỏ được phủ bằng giấy cẩm thạch từ Parvum Opus, và tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc của riêng cô là những chiếc bình Attic được in bằng các bản in cổ.
Một nguồn sáng tạo tuyệt vời khác cho Grand Tour là cửa hàng của John Derian ở New York. Một cửa hàng ấn tượng trên phố East Second có một bộ sưu tập những bàn chân (170 đô-la Mỹ mỗi chiếc) được tham khảo từ các tác phẩm điêu khắc của các anh hùng và các vị thần Hy Lạp, bao gồm Hercules, Apollo, Jupiter và Aphrodite, được làm từ đá cẩm thạch và nhựa thạch cao. Để tạo ra nhiều màu sắc hơn trong cùng một chủ đề, thương hiệu Sophia đến từ Hy Lạp lại tạo ra các mô hình tượng mini (Winged Nike of Samothrace màu đỏ), bao gồm cả Caryatids của đền Erechtheum và bức tượng bán thân của Antinous, trong các sắc thái hài hòa với phong cách đương đại.
Trên tầng một của tòa nhà phong cách Paris thế kỷ 17 ở Ile de la Cité, căn hộ của John Coury và Florent Maillard, người sáng lập CM Studio Paris, là một lớp học chính thống cho những món đồ nội thất với phong cách cổ điển. Các nhà sưu tập trưng bày các chiến lợi phẩm từ chuyến đi của họ trên một phông nền có màu sắc rực rỡ – từ vải nhung đỏ và vải bọc màu xanh lá cây đến các bức tường màu xanh và xà sơn đỏ phía trên.
Trong số các bức tranh sơn dầu và đồ gỗ mạ vàng thế kỷ 16 và 17 của họ là các tác phẩm điêu khắc bằng thạch cao, bao gồm một vật phẩm yêu thích: bức tượng bán thân của Antinous thế kỷ 19, được “giải cứu” khỏi một cửa hàng đồ cổ ở Lyon. “Phòng trưng bày chuyên về nghệ thuật thời trung cổ,” Coury nói, “và đó là tác phẩm duy nhất không phù hợp với các tác phẩm còn lại được trưng bày. Nó dường như lạc lỏng hoàn toàn trong một môi trường đầy tương phản và tôi có cảm giác mình cần phải làm gì đó với nó!”
Căn nhà của Coury và Maillard thật sang trọng với bộ sưu tập nội thất mang nhiều giá trị lịch sử. Nhà thiết kế Rachel Chudley đã thực hiện một cách tiếp cận ngược lại nhưng không kém phần lôi cuốn để kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại trong một dự án gần đây ở London, khi cô trang trí ngôi nhà Bloomsbury cho nhà biên kịch Polly Stenham, người đã thừa hưởng một bộ sưu tập cổ vật lớn. Các đồ tạo tác Stenham đã xác định chủ đề của dự án. “Có một bức tượng bán thân của người La Mã bị vẽ thêm bộ ria mép và râu đen bởi một cô bé. Cô ấy đã thay đổi bộ mặt của nó và điều đó thật tuyệt vời.” Chudley nói. “Đó là sự tổng hợp cách chúng tôi tiếp cận khi trang trí cho ngôi nhà. Nó được xếp hạng II* loại nhà di tích trong thành phố và cô ấy muốn chúng tôi tôn trọng vẻ đẹp của tòa nhà nhưng thoải mái trong phong cách”. Chudley pha trộn đồ nội thất đương đại, nghệ thuật và thủ công với pop art, và điểm xuyết thêm các cổ vật. “Đây là điều tốt nhất về các vật dụng cổ – chúng rất dễ nhận ra, chúng ngay lập tức trở thành tâm điểm”, cô nói. Cô đã mua loại vải bọc (Pineapple Frond) với thiết kế kiểu lá cây ô rô từ Soane.
Nếu có một mô típ nào luôn truyền cảm hứng cho mọi thế hệ, thì đó chính là từ hoa văn của người Hy Lạp. Jonathan Adler, với tác phẩm bàn chân màu tím khổng lồ, là kẻ hâm mộ cuồng nhiệt. “Điều tôi thực sự thích về hoa văn Hy Lạp là nó đa chức năng. “Nếu bạn vẽ nó theo phương dọc, chỉnh sửa đôi chút, nó sẽ cho cảm giác Carnaby Street của thập niên 60. Hoặc nó có thể là điểm nhấn phù hợp với căn hộ tinh tế kiểu Chelsea”, anh ta cho biết. “Nó thật hấp dẫn, tuyệt vời, và nó đã tồn tại trong một thời gian rất dài vì một lý do, vì vậy tại sao chúng ta cần thắc mắc làm gì?”, Adler sử dụng biểu tượng trên một bộ thảm (từ 795 bảng Anh), và anh ấy không đơn độc – Công ty Rug cho biết thiết kế Key Shadow của họ (từ 2.009 bảng Anh) vẫn phổ biến cho đến ngày nay như khi nó được ra mắt hơn một thập kỷ trước.
Luke Edward Hall, người đã tạo ra một loại vải đương đại với các màu như xanh đậu và hồng blancmange, cũng thích lựa chọn các yếu tố cổ điển và tôn vinh chúng. “Tôi thích sử dụng màu sắc thật mạnh mẽ, có thể ngay lập tức khiến những thứ chúng ta nhìn thấy trước khi cảm nhận trở nên hiện đại và thú vị”, anh nói. Nghệ sĩ và nhà thiết kế nội thất và gốm sứ này có phong cách vẽ rất đặc biệt, anh mang lại sức sống cho các chủ đề cổ điển thông qua các tác phẩm của mình. “Tôi là một người hâm mộ của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích từ khi tôi còn rất trẻ – đặc biệt là thần thoại Hy Lạp và La Mã”, anh nói. “Đôi khi tôi có thể trang trí một chiếc bình bằng một bức tranh của Ganymede và một con đại bàng. Tôi thường muốn các khuôn mặt và cơ thể trông giống như những bức tượng bán thân hoặc tượng vì tôi quan tâm đến ý tưởng về vẻ đẹp cổ điển, đó là lý do tại sao tác phẩm Antinous mê hoặc tôi rất nhiều. Ông là cận thần mà hoàng đế Hadrian sủng ái, nổi tiếng vì vẻ đẹp của mình. Sau khi ông chết đuối một cách bí ẩn ở sông Nile, một giáo phái đã được thành lập để vinh danh ông và ông không chỉ được tôn thờ như một anh hùng mà còn là một vị thần.”
Ông hoàng trên đỉnh Olympian của thế giới thời trang khi nói về sự hồi sinh của các chủ đề cổ điển chính là cái tên Gianni Versace. Logo thương hiệu là Medusa, nhân vật của huyền thoại cổ đại, được bao quanh bởi một đường viền hoa văn Hy Lạp. Đầu quái vật cũng là trung tâm trong thiết kế của bộ sưu tập Barocco nổi tiếng của Versace, tên gọi của nó được lấy từ phong cách trang trí công phu xuất hiện sau thời Phục hưng và trước thời đại tân cổ điển. Medusa của Versace là một biểu tượng cổ xưa được nhìn thấy qua lăng kính thời trang Ý thế kỷ 17 và sau đó được chỉnh sửa lại vào những năm 1990 bởi một thiên tài thiết kế thế kỷ 20.
Barocco tiếp tục phát triển mạnh trong thế kỷ 21 dưới dạng bộ đồ ăn phiên bản giới hạn (đĩa ăn tối Medusa Silver, 126,50 bảng Anh), được phát hành để kỷ niệm 25 năm hợp tác giữa Versace và Rosenthal năm ngoái. “Nó là một phần của truyền thống lâu đời”, chuyên gia và nhà thiết kế Adam Nathaniel Furman đã làm mới bộ sưu tập của Versace vào những năm 1990. “Barocco tình cờ trùng với chủ nghĩa hậu hiện đại, đó là sự trở lại với trang trí và họa tiết của các thời kỳ trước. Hoa văn phong phú, sang trọng, kết hợp quá khứ theo cách triệt để. Versace là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong việc khám phá lại các hình thức cổ điển”, anh cho biết. “Ông xuất thân từ văn hóa ‘queer’. Một số người trong cộng đồng đã sử dụng các hình thức và thiết kế này như một cách để xác định về một thời đại cởi mở hơn với đồng tính luyến ái. Có lẽ, nó bắt đầu một cách nghiêm túc với Johann Joachim Winckelmann, người đã định nghĩa văn hóa cổ điển và tôn sùng cái đẹp như một cách thể hiện hợp lý các hình thức khác của tình yêu”.
Cách Furman xử lý các món đồ cổ – từng được lên án bởi một sinh viên tại British School ở Rome – được xem là thiếu tôn trọng. Tuy nhiên với anh, “Lịch sử không phải là thứ gì đó bạn phải chạm vào với đôi găng tay trắng. Tôi đã lấy một hình dáng cổ điển, kéo nó ra ngoài và mang nó đi dự tiệc. Tôi muốn làm ra một thứ gì đó dễ dàng được nhận ra nhưng đồng thời cũng đã bị biến đổi hoàn toàn. Tôi mang vào đó chút niềm vui và có lẽ là một ít nghịch ngợm”. Các dự án của anh chàng này bao gồm Vase of Diocletian, một loại gốm in 3D; một bộ ba lọ phiên bản giới hạn, Kallisto, Kalliope và Kallistrate (từ 3.000 Euro), được thực hiện với sự hợp tác của Bitossi Ceramiche; và The Roman Singularity, một thành phố in 3D lấy cảm hứng từ kiến trúc của Rome.
Aline Asmar d’Amman tin rằng sự vang vọng và ảnh hưởng của thời cổ đại luôn bao quanh chúng ta trong thiết kế và kiến trúc đương đại. “Ngay cả khi bạn đến Las Vegas hay Dubai, một nơi nào đó được xây dựng từ đầu, mọi người có xu hướng cố gắng tạo ra một thứ gì đó vượt thời gian, và điều đó thường có liên quan đến tỷ lệ hoàn hảo của một kiến trúc cổ”, cô nói. Nó là một phong cách không bao giờ lỗi thời, truyền cảm hứng vĩnh cửu, lâu đời nhất nhưng cũng hiện đại nhất – đó là lý do tại sao thế giới thiết kế luôn gắn liền với chủ nghĩa cổ điển.