Không gian sống

The A. Talk: KTS Chử Ngọc Anh – “Con người cần cân bằng, kiến trúc cũng tương tự!”

Jun 21, 2023 | By Trang Ps

Một cuộc trò chuyện dài giữa LUXUO và KTS Chử Ngọc Anh men theo nhiều vấn đề đa dạng và thú vị: từ ứng dụng kiến trúc truyền thống vào bối cảnh đương đại, sử dụng vật liệu như thế nào để tăng hiệu quả kinh tế đến theo đuổi sự sang trọng nhưng cần đi đôi với bền vững… Như anh chia sẻ, công trình cũng như một cơ thể sống, chúng ta cần cân bằng ra sao, thì kiến trúc cũng tương tự như vậy! 

Một trong những công trình gây ấn tượng nhất của KTS Chử Ngọc Anh phải kể đến Thái Bình House, nơi tạo ra cuộc đối thoại thông minh và linh hoạt giữa con người và thiên nhiên. Không chỉ dừng lại ở đó, dự án còn ứng dụng kiến trúc nhà truyền thống Bắc bộ. Anh đã tiếp cận để đưa ra những ý tưởng – giải pháp cụ thể như thế nào?

Đầu bài đặt ra cho kiến trúc sư là thiết kế một ngôi nhà ở quê dành tặng cho bố mẹ già của người con trai. Khó khăn lớn nhất đến từ việc làm sao để thuyết phục ông bà với một thiết kế mới, hiện đại đồng nghĩa với nhiều thay đổi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngôi nhà phải phù hợp với mọi thói quen, lối sống, sinh hoạt của ông bà, những người mà sống bằng việc làm nông nghiệp và trồng lúa.

Sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi, chúng tôi nhận thấy “ông bà” khá khó khăn trong việc tiếp nhận những gì mới mẻ, khác lạ. Chưa kể đến là có nhiều yêu cầu hay quan niệm phong tục, phong thủy bảo thủ và mang tính vùng miền như: nhà phải đặt tại chính xác vị trí nhà cũ trước đây (căn nhà cũ 1 tầng phải phá bỏ do xuống cấp) vì đây là vị trí “phát lộc”, phòng khách phải có 2 cửa (1 cửa vào và 1 cửa ra), vườn đã có rất nhiều cây rồi nên không cần thêm cây trong nhà, cây trồng trong nhà (nếu thuyết phục được ông bà) phải là loại ít rụng lá, tránh nắng gắt hướng Tây hay gió lùa Đông Bắc…

Sau nhiều phương án, chúng tôi quyết định lựa chọn mô hình nhà truyền thống Bắc Bộ để phát triển mặt bằng, đây là một bố cục mặt bằng kiểu “nhà 3 gian 2 chái” rất quen thuộc với những người lớn tuổi. Tuy nhiên phương án thiết kế cần phải có sự sáng tạo để không bị gượng ép, rập khuôn và đơn điệu theo bố cục đăng đối. Hình khối kiến trúc cần độc đáo, mới mẻ nhưng lại phải có cảm giác thân thuộc, gần gũi cho người sử dụng. Việc nghiên cứu thêm khối xoay dọc tại mặt chính nhà đem lại ưu điểm về đón gió, tăng thêm các góc nhìn ra vườn ao và còn tạo nên ấn tượng về sự tương phản về hình khối, vật liệu kiến trúc giữa 2 khối nhà.

Chúng tôi cũng muốn đề cao yếu tố thiên nhiên, giúp nó cân bằng hơn với yếu tố con người và kiến trúc. Cây xanh được đưa vào những vị trí, không gian tương tác nhiều nhất giữa các thành viên trong gia đình để con người với thiên nhiên giao tiếp với nhau nhiều hơn, hòa hợp và tôn trọng nhau hơn. Đồng thời cây xanh cũng làm mềm mại không gian, hình khối kiến trúc ngôi nhà hơn. Chúng tôi cũng hy vọng những “mảng xanh” này sẽ giúp cho người sử dụng thư giãn và cảm xúc, cũng như tìm thấy sự bình yên, tĩnh tại trong tâm hồn.

Thái Bình House.

Theo anh, việc ứng dụng các kiến trúc truyền thống và đặc trưng của vùng miền (như Bắc bộ, Nam bộ… ) có tính hiệu quả và thẩm mỹ ra sao, đặc biệt trong bối cảnh đương đại? 

Việt Nam có rất nhiều những kiến trúc nhà cổ, đình, chùa truyền thống trải dài khắp Bắc Trung Nam. Đây là những sản phẩm tinh túy được cha ông chúng ta đúc kết để thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và vị trí địa lý của từng vùng miền. Trải qua quá trình bị thuộc địa của người Pháp, chúng ta còn có các công trình mang phong cách Đông Dương, đó vừa là dấu ấn lịch sử nhưng cũng là những di sản kiến trúc tuyệt vời của dân tộc.

Việc ứng dụng hay mô phỏng kiến trúc truyền thống trong bối cảnh kiến trúc hiện đại luôn đem lại những giá trị lớn về tinh thần và ghi dấu ấn với kiến trúc thế giới. Đó là những nét đẹp đặc trưng về lịch sử, văn hóa truyền thống của người Á Đông. Người Việt Nam với tinh thần và bản tính hướng nội, khiêm nhường nên kiến trúc cũng sẽ thể hiện tính cách tương tự.

Trong bối cảnh hiện nay, thời của kiến trúc hiện đại, công nghệ cao thì những kiến trúc hiện đại nhưng mang đường nét kiến trúc bản địa hoặc truyền thống sẽ luôn độc đáo và được thế giới đánh giá cao.

Vậy chúng ta nên ứng dụng kiến trúc hiện tại trong góc nhìn di sản kiến trúc ra sao để có thể học hỏi từ nền tảng kiến trúc cha ông? Có một công trình nào đó là làm ví dụ tiêu biểu không?

Rất nhiều những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới đều lấy ý tưởng hoặc đường nét từ “kiến trúc truyền thống, bản địa”. Các kiến trúc sư hàng đầu thế giới đều nghiên cứu, học hỏi từ văn hóa, lịch sử kiến trúc bản địa của từng dự án. Những dự án kiến trúc này đều truyền tải thông điệp từ quá khứ, hiện tại và tương lai song hành.

Để làm được điều này và ứng dụng nó thì chúng ta cần phải hiểu về văn hóa truyền thống, lịch sử kiến trúc và con người, môi trường bản địa. Học hỏi và ứng dụng không đồng nghĩa với việc copy, sao chép khiên cưỡng hay xây mới toàn bộ kiến trúc cổ, truyền thống. Chúng ta cần chắt lọc, suy ngẫm và ứng dụng linh hoạt về kiến trúc truyền thống. Dự án có thành công hay không phụ thuộc vào việc “thấu hiểu” kiến trúc truyền thống của người kiến trúc sư.

Quang House.

Vật liệu nào được anh ưa chuộng? Và chất liệu với địa lý kiến trúc/ con người có mối quan hệ mật thiết như thế nào? KTS Chử Ngọc Anh có hướng đến các chất liệu tái chế?

Chúng tôi không đặc biệt ưa chuộng một vật liệu cụ thể nào, nhưng lại rất có cảm tình với các sản phẩm gạch gốm Bát Tràng. Các sản phẩm gạch và gốm Bát Tràng luôn toát lên vẻ thủ công, mộc mạc của đất nung qua bàn tay của các nghệ nhân. Mỗi dự án tại các vùng miền khác nhau, chúng tôi đều nghiên cứu và tìm tòi những vật liệu điển hình của vùng miền đó để có thể ứng dụng hoặc khai thác vẻ đẹp của nó. Việc này vừa giúp thuận tiện trong quá trình xây dựng công trình vừa khai thác những vật liệu gần gũi sẵn có tại địa phương.

Một ngôi nhà hoàn thiện bằng các vật liệu sản xuất tại địa phương luôn đem lại cho chủ nhà cảm giác thân thuộc và yên tâm. Chúng tôi cũng tâm niệm là vật liệu nào cũng có vẻ đẹp nguyên thủy của nó, trách nhiệm của người kiến trúc sư là phải tìm tòi và khai thác nó tối đa. Chúng tôi cũng rất thích các vật liệu tái chế và thân thiện môi trường. Có rất nhiều vật liệu còn tốt, còn có thể tái sử dụng được tại sao chúng ta lại lãng phí và thay thế cái mới.

Đây là hình ảnh về một dạng “gạch kê lò” trong các xưởng gốm Bát Tràng, mục đích là dùng nó để kê đặt các sản phẩm gốm nung trong xưởng. Và qua thời gian những viên “gạch kê lò” này mục, hỏng thì chúng sẽ bị loại bỏ.

Hình ảnh một “bức tường xuyên sáng” tại dự án “Hiếu house”. Chúng tôi khai thác việc cắt mỏng “gạch kê lò” và xếp chồng lên nhau theo phương ngang để tạo nên các khe hở với hình dạng khác lạ. Đây là một bức tường vừa giảm góc nắng chiếu, vừa tạo sự riêng tư tránh góc nhìn từ bên ngoài mà vẫn đảm bảo ánh sáng cho căn phòng.

Hình ảnh bức tường gạch trần tại dự án “Penthouse Ecopark”. Bức tường được ốp bởi gạch xây tái sử dụng từ một ngôi nhà Pháp cổ tháo dỡ ra. Để tăng hiệu quả sử dụng và kinh tế, chúng tôi cắt dọc viên gạch cũ để có thể sử dụng cả 2 mặt viên gạch.

Vậy để tạo nên sự đối lưu không khí hiệu quả cho một nhà ở chật hẹp tại đô thị, anh đã tiếp cận vấn đề này như thế nào? 

Đối với những dự án có diện tích nhỏ và nằm trong đô thị đông đúc, nơi mà người sống ở đó quan tâm nhất đến việc tối đa diện tích sử dụng cùng với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng”, chúng tôi thường định hướng chủ nhà sử dụng những khoảng hở, sân trong, thông tầng để đối lưu không khí, gió mát, cũng như cung cấp ánh sáng cho ngôi nhà. Đó là vấn đề đánh đổi diện tích để có lợi ích lâu dài và bền vững. Diện tích sử dụng riêng giảm đi, tối giản đi nhưng diện tích không gian chung tăng lên, tăng tính kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Nếu sử dụng khoảng hở đồng thời kết hợp cây xanh, ngôi nhà và con người, thiên nhiên sẽ trở nên hài hòa và cân bằng. Cây xanh giúp lọc khói bụi và giảm nhiệt cho ngôi nhà, giúp cho chủ nhà thư giãn hơn.

 

Như KTS Chử Ngọc Anh chia sẻ, anh và đội ngũ đã ứng dụng nhiều phương pháp khác nhau để tăng sự hài hòa giữa tự nhiên và con người, rốt cuộc, cũng nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người sử dụng. Vậy theo anh, kiến trúc ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người như thế nào?

Tất nhiên là như vậy. Nếu xét về sức khỏe của người sử dụng, một ngôi nhà được thiết kế tốt sẽ luôn đảm bảo các tiêu chí về thông gió, ánh sáng, cây xanh và có tác động tốt đến sức khỏe của người sống bên trong. Ngoài ra, bố trí công năng phù hợp với sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, người già, trẻ nhỏ…cũng rất quan trọng.

Về tinh thần thì rõ ràng là nếu chúng ta được ở trong một ngôi nhà đẹp, có văn hóa, thiết kế phù hợp với gu của mình, ta sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thư giãn khi ở nhà.

Có thể tóm lại rằng, một ngôi nhà đẹp, công năng hợp lý, gần gũi thiên nhiên, phù hợp với cảnh quan môi trường chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt đến đến sức khỏe và tinh thần của con người sống bên trong và đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình nói chung.

Có điều gì mà anh kỵ nhất trong quá trình thực hiện một công trình kiến trúc?

Chúng tôi kỵ nhất với những công trình mà chủ nhà muốn sản phẩm thiết kế phải giống như một kiến trúc hoặc không gian nào đó (hoặc của chính chúng tôi). Trong thời đại công nghệ với nhiều mạng xã hội phát triển, việc chủ nhà miêu tả hoặc dùng một hình ảnh cụ thể trên mạng để gợi ý suy nghĩ, tưởng tượng với kiến trúc sư trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn giữa khái niệm tham khảo ý tưởng và áp dụng khiên cưỡng khiến kiến trúc sư mất đi sự tự do trong sáng tác. Về quan điểm này, chúng tôi tuyệt đối không thỏa hiệp với khách hàng. Mỗi một tác phẩm thiết kế là một sự nghiên cứu và sáng tạo của kiến trúc sư, nó là duy nhất.

Thái Bình House.

Khi cuộc sống hiện đại ngày càng gia tăng, ai ai cũng hướng đến sự sang trọng, xa hoa. Nhưng nhiều sự sang trọng, xa hoa là tốn kém và gây hậu quả tiêu cực cho trái đất. Vậy theo anh, chúng ta có thể xây dựng kiến trúc vừa sang trọng vừa bền vững như thế nào? 

Một kiến trúc bền vững là một kiến trúc đạt được sự cân bằng của nhiều yếu tố bền vững từ kết cấu, cảnh quan, môi trường, thẩm mỹ và văn hóa. Quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng sang trọng bền vững khi công trình kiến trúc đạt được những tiêu chí sau:

  1. Đạt được giá trị cao về thẩm mỹ từ hình dáng kiến trúc cho đến không gian nội thất
  2. Đạt được sự cân bằng với môi trường địa phương (quy hoạch), thân thiện, hòa hợp với thiên nhiên và cộng sinh cùng thiên nhiên
  3. Chứa đựng những giá trị văn hóa – những giá trị tinh thần mà sẽ mãi trường tồn

Sau tất cả, linh hồn kiến trúc được thể hiện qua ý niệm thiết kế của KTS Chử Ngọc Anh?

Theo chúng tôi, một công trình kiến trúc cũng như một cơ thể sống, cũng có linh hồn, mang lại những cảm xúc, những giá trị về tinh thần cho người sử dụng. Những giá trị về văn hóa truyền thống, lịch sử, thẩm mỹ, những giá trị về tinh thần mà công trình truyền tải chính là linh hồn của kiến trúc.


 
Back to top