Trần Phúc Duyên: Hòa quyện hội họa hàn lâm Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa Đông phương
Trần Phúc Duyên sinh ra trong một gia đình giàu có ở Hà Nội. Bố là Trần Diễn Giệm và mẹ là Nguyễn Thị Thược. Quê nội của ông ở làng Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây, còn quê ngoại ở làng Bạch Mai, Hà Nội. Cụ Trần Diễn Giệm được gửi sang Pháp học từ nhỏ, sau khi quay về quê hương đã thành lập xưởng đồ gỗ Phúc Mỹ tại số 1 phố Dieulefils (nay là phố Đặng Dung), Hà Nội.
Cụ Giệm là thành viên sáng lập Hội An Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ (La Société Annamite d’Encouragement à l’Art et à l’Industrie, viết tắt là S.A.D.E.A.I.) do Victor Tardieu làm Hội trưởng. Xưởng Phúc Mỹ là đơn vị được chọn thi công phần trần của gian trưng bày đồ sơn mài tại Đấu xảo Thuộc địa Quốc tế ở Paris (Exposition coloniale internationale de Paris) năm 1931.
Năm 1941, Trần Phúc Duyên theo học lớp dự bị của Trường Mỹ thuật Đông Dương do Nam Sơn và Tô Ngọc Vân giảng dạy. Năm 1942, ông thi đỗ vào khoa Sơn Mài, khóa XVI. Cùng khóa với Trần Phúc Duyên có họa sĩ Quang Phòng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thanh, Phan Thông và Võ Lăng. Khoá học của ông không có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm vì trường phải đóng cửa vào năm 1945.
Trong những năm 1948 – 1954, Trần Phúc Duyên sống và sáng tác tại Hà Nội. Cuối năm 1954, ông cùng anh trai Trần Phúc Chí và em trai Trần Phúc Trường di cư sang Pháp. Ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hội họa, đến thực hành tại xưởng của Jean Souverbie (1891 – 1981), Trường Mỹ thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris) và vẽ tranh sơn dầu để kiếm sống. Trần Phúc Duyên chuyển đến sống ở Thụy Sĩ từ cuối năm 1968, và vẫn say sưa sáng tác, miệt mài làm việc cho đến khi qua đời vào năm 1993.
Kể từ khi tha hương đất khách, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 triển lãm cá nhân ở Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Canada, nhưng “Họa Duyên Tương Ngộ” là triển lãm có quy mô phổ quát và đồ sộ nhất, với hầu hết các tác phẩm lần đầu được ra mắt công chúng trong nước. Đây cũng là một dịp trùng phùng quý giá sau 71 năm Trần Phúc Duyên có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn, tháng 1 năm 1952.
Trong số nhiều bạn đồng môn ở Trường Mỹ thuật Đông Dương và đồng cảnh ngộ sinh sống, làm việc ở châu Âu, với những tên tuổi lớn thường được nhắc đến như Mai Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Phạm Tăng, v.v.; Trần Phúc Duyên là người duy nhất vẫn say đắm sơn mài và sử dụng như một chất liệu chủ đạo trong xuyên suốt các sáng tác của mình. Trần Phúc Duyên tự nhận là một “artiste laqueur” (họa sĩ sơn mài) từ những năm đầu 1950, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh sơn mài của mình. Nơi trời Tây, bất chấp sự ly biệt với sơn ta, ngăn cách với đất nước, hồn quê tình Việt vẫn thấm đẫm trong hội họa của Trần Phúc Duyên. Và Trần Phúc Duyên đã không ngừng sáng tác, nghiên cứu, thử nghiệm và khám phá nghệ thuật sơn mài cho đến khi cái chết khép lại hành trình hội họa của ông.
Sau khi họa sĩ Trần Phúc Duyên tạ thế, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông đã được đóng gói và cất giữ trong căn gác xép của một lâu đài ở ngoại ô thành phố Bern, Thụy Sĩ. Sau 25 năm, trong một dịp tương ngộ của hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh tại Thụy Sĩ, lớp bụi thời gian đã được phủi đi và di sản ngủ quên của Trần Phúc Duyên đã được đánh thức. Mối duyên này cũng trương khai hành trình sưu tập của hai con người đam mê nghệ thuật Đông Dương, từ đó có cách gọi chung là nhà sưu tập Phạm Lê; và nay, chuyến hồi hương kỳ diệu đã cập bến với một sự kiện triển lãm rất được mong đợi: “Họa Duyên Tương Ngộ” – 100 năm Trần Phúc Duyên, 1923 – 2023.
Nói về quyết định công khai trưng bày một phần (lớn) của Bộ sưu tập Phạm Lê trong triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ” trước đây, nhà sưu tập Phạm Lê chia sẻ: “Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần. Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Đoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương”.
“Sự kiện cũng đánh dấu sự trở về của ông sau cả cuộc đời sống tại châu Âu. Đây cũng là cơ hội giới thiệu tới công chúng và những người yêu nghệ thuật Việt nam những sáng tác của ông tại Châu Âu”, bà Trần Tường Vân, cháu gái của cố họa sĩ