Dining Library: Văn hóa ẩm thực – Từ quốc gia đến quốc tế
Nếu để chọn một yếu tố văn hoá có khả năng túc đẩy và quảng bá mạnh mẽ nhất hình ảnh của một quốc gia ra thế giới, đó chắc chắn phải kể đến ẩm thực. Không một ai du lịch đến nơi nào mà không muốn khám phá những món ngon địa phương, để vỗ về cơn thèm, để chia sẻ những hình ảnh độc đáo, và, để hiểu sâu hơn về câu chuyện văn hóa hay những hệ giá trị, triết lý nào ẩn sau những món ăn riêng biệt như vậy.
Thế giới đã có rất nhiều quốc gia “xuất khẩu” văn hoá ẩm thực thành công. Hàn Quốc nổi tiếng với kim chi, kimbab, canh bò, mì lạnh,… Đài Loan nổi tiếng là quê hương của trà sữa, Trung Quốc thường được nhắc đến với vịt quay, cơm gà, trong khi Nhật Bản có nghệ thuật sushi hay omakase lẫy lừng. Mỗi món ăn đều làm người nghe nhớ đến ngay quê hương của nó, nhờ cách chúng xuất hiện trong vô vàn các sản phẩm văn hóa, từ phổ thông như phim truyền hình, điện ảnh, đến các trải nghiệm có một không hai tại các nhà hàng đặc trưng, hay cách chúng được đưa vào các chương trình quảng bá du lịch.
Tổng quan sự kiện “Taste Obsession: Singapore”
Từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã tổ chức một loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch của nước này. Bằng hình thức kết hợp với ẩm thực, STV đã đưa các đầu bếp và nhà hàng đại diện cho ba khía cạnh trong ẩm thực của Singapore sang giao lưu với những người bạn ở Việt Nam, tạo nên các sự kiện ẩm thực gây tiếng vang và mang nền ẩm thực đặc sắc của nước mình đến bạn bè thế giới.
Chuỗi hoạt động bao gồm 3 bữa tiệc “four-hand” khác nhau. Nếu sự kiện mở màn giữa nhà hàng gia truyền Keng Eng Kee (KEK) và MÙA Craft Sake (diễn ra trong hai ngày 19 và 20/7) giúp phong cách ẩm thực zi char của Singapore trở nên thú vị và gần gũi lạ thường khi kết hợp cùng nghệ thuật ẩm thực bốn mùa của Việt Nam, thì bữa tiệc tiếp theo do The Dragon Chamber cùng The Triệu Institute (diễn ra từ 8-10/8) lại là màn giao thoa đầy tính lịch sử giữa văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Cuối cùng, màn bắt tay đặc sắc giữa tiệm bánh hơn trăm năm tuổi của Singapore – Chin Mee Chin và một cái tên đang lên trong lòng tín đồ hảo ngọt Việt là Ivoire (diễn ra từ 29-31/8) đã để lại cái kết ấn tượng.
Việc đa dạng hóa trải nghiệm thông qua các nhà hàng giúp bộc lộ sự giàu có trong nền văn hóa ẩm thực Singapore. Ngoài ra, sự kiện đầu tiên còn diễn ra ngay trước thềm Lễ hội Ẩm thực (SFF), là lễ hội du lịch ẩm thực lớn nhất của Singapore diễn ra từ ngày 19 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7, tạo nên một đòn bẩy kích cầu du lịch tuyệt vời. Không những giúp du khách quốc tế chú ý nhiều hơn đến Singapore như một điểm đến lý tưởng cho mùa hè, mà còn góp phần khiến văn hoá ẩm thực của Singapore được lan tỏa mạnh mẽ ở các quốc gia trong khu vực.
Những điểm giống và khác giữa ẩm thực Việt Nam – Singapore
Nếu nhìn kỹ lại những sự kiện trong chuỗi “Taste Obesession” vừa qua, chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ cách nước bạn mang văn hoá ẩm thực ra với thế giới.
Sự giống nhau
Singapore vốn nổi tiếng là quốc gia có nền văn hoá đa dạng khi nằm ở vị trí cửa ngõ của châu Á, đón những làn sóng văn hóa từ Malaysia, Trung Hoa, Ấn Độ, Peranakan,… Vì vậy, thế giới ẩm thực của họ vô cùng phong phú. Ảnh hưởng của ẩm thực Malaysia mang đến những món ăn có nhiều gia vị và thảo dược như gừng, nghệ, riềng, lá chanh, nước cốt dừa. Các món có nguồn gốc Ấn Độ lại có khá nhiều phụ gia và hương vị đậm đà. Và ẩm thực Peranaka, nét văn hóa độc đáo nhất của Singapore, lại đặc trưng bởi các hương vị cuar ớt cay, mắm tôm Malaysia và nước cốt dừa…
Bạn có ngạc nhiên không khi đảo quốc gói gọn trong chỉ 728,6 km2 này lại có thể chứa đựng nhiều dòng chảy của các nền ẩm thực khác nhau đến thế?
Việt Nam cũng sở hữu một bản đồ ẩm thực vô cùng đa dạng trải dài dọc khắp chiều dài lãnh thổ. Dưới sự ảnh hưởng của nhiều thời kỳ lịch sử, ẩm thực Việt Nam phát triển phong phú từ sự sáng tạo của người dân, kết hợp với các ảnh hưởng từ ẩm thực Trung Hoa, Pháp, Campuchia, Thái Lan, hay Nhật Bản,… Nếu Singapore được mệnh danh là “thánh địa” của những nhà hàng Michelin, thì thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội của Việt Nam cũng là những “ngôi sao đang lên” với tốc độ ra mắt của hàng loạt nhà hàng mới chất lượng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng hay Cần Thơ, cũng là những điếm đến ẩm thực vô cùng hấp dẫn du khách quốc tế.
Điểm khác biệt
Nếu Singapore đã có kinh nghiệm từ lâu trong việc chinh phục các ngôi sao Michelin, thì Việt Nam hẵng còn bỡ ngỡ khi lần đầu đón Michelin vào tháng 6 năm 2023. Sự nhộn nhịp của những cơ hội lẫn thách thức vẫn là điều khiến giới F&B vừa háo hức, vừa hồi hộp.
Sở hữu một nền ẩm thực có truyền thống lâu đời và kho tàng ẩm thực phong phú, nhưng hầu hết các quán ăn ở Việt Nam vẫn còn chật vật, loay hoay làm thế nào để mang ẩm thực đi xa hơn khỏi biên giới lãnh thổ, trong khi đảo quốc sư tử đã và đang làm được điều đó thông qua rất nhiều hoạt động được đầu tư công phu, điển hình như “Taste Obsession” vừa qua.
Sự xuất hiện của những nhà hàng fine dining phong cách trẻ, hiện đại, của những chủ đầu tư, quản lý và đầu bếp trẻ từ nước ngoài về mang đến cho nền ẩm thực Việt Nam những làn sóng mới, nhanh chóng bắt kịp sự hiện đại và chất lượng của các bạn bè quốc tế.
Học được gì từ cách Singapore tổ chức sự kiện ẩm thực quốc tế tại Việt Nam?
Việc khai thác 3 nhóm nhà hàng/tiệm ăn khác nhau trong sự kiện “Taste Obession” vừa qua cho thấy sự bao quát của STB về ẩm thực nước họ, đồng thời sự đào sâu, hiểu rõ những điểm tương đồng và bổ trợ để giúp các sự kiện “four-hand collaboration” trở thành tâm điểm thu hút cộng đồng yêu ẩm thực.
Đầu bếp Trụ Lang kiêm đồng sáng lập nhà hàng MÙA, chia sẻ trong ngày đầu tiên của sự kiện: Việc là nhà hàng đầu tiên mở màn cho chuỗi kết hợp với Singapore mang đến cho đội ngũ niềm vinh hạnh, cũng như nhiều trải nghiệm phong phú. Không chỉ được mở mang tầm mắt, Trụ Lang còn được truyền cảm hứng để khám phá nhiều hơn nữa ẩm thực của Singapore và ngược lại, hào hứng để chia sẻ về ẩm thực Việt Nam với các đồng sự nước ngoài. Trong khi đó, Giám đốc nhà hàng Paul Liew của nhà hàng KAE Seafood cho biết: “Có rất nhiều điều để khám phá về ẩm thực Việt Nam. Tôi hy vọng lần hợp tác này sẽ mở ra nhiều cơ hội khác giữa KEK và Việt Nam”.
Hiện nay, việc duy trì sống còn cho nhà hàng là điều mà ai làm F&B cũng quan tâm, dù đó là chủ nhà hàng, đầu bếp hay các nhân viên vận hành. Những màn hợp tác ẩm thực đang dần trở thành một xu hướng được các nhà hàng tận dụng để mang đến không chỉ trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, mà còn là cơ hội mở rộng tầm nhìn, nâng cao năng lực và sáng tạo ra những điều mới mẻ.
STB đã khéo léo chọn ra những nhà hàng không chỉ thật sự đặc trưng cho văn hóa ẩm thực Singapore, mà còn có nhiều tính mới lạ và sáng tạo để mang đến những bữa tiệc ẩm thực đặc sắc. Sự kiện thành công nhờ vào tầm nhìn chiến lược và những hành động hết sức dứt khoát, cụ thể từ STB để thúc đẩy phát triển văn hóa ẩm thực của đảo quốc.
Theo chia sẻ từ anh Tân Nhân, người sáng lập cộng đồng Saigon Dining Guide , cả 3 sự kiện đã diễn ra của “Taste: Obsession” đều để lại ấn tượng đặc biệt về khả năng kết hợp (collab) khéo léo giữa các nhà hàng Sing/Việt nhằm tạo ra các món ăn fusion tôn vinh cả hai nền ẩm thực. “Hầu hết các món đều ngon và không bị khiên cưỡng. Ấn tượng nhất có lẽ là màn kết hợp giữa Ivoire & nhà bánh lâu đời Chin Mee Chin (có từ năm 1925, tức là gần 100 năm tuổi) với 2 món fusion hấp dẫn: Bánh Mì Mứt Kaya – phiên bản mô phỏng của món điểm tâm bánh mì nướng ăn cùng mứt kaya vốn rất phổ biến ở đảo quốc sư tử và Bánh Bò Bông Huat Kueh (215k) lấy cảm hứng từ món bánh bò khá gần gũi với ẩm thực miền Nam”.
Anh cũng nhận xét thêm:
“Singapore đã làm tốt hơn Việt Nam ở bước quảng bá ẩm thực bằng cách chăm chút về ‘câu chuyện’ của món ăn hơn. Họ biết mình không mạnh về chiều dài lịch sử khi chỉ mới giành độc lập từ năm 1965, nên câu chuyện của họ thường được xây dựng trên tính di sản của văn hóa Peranakan (*) lâu đời ở Nam Đảo. Ngoài ra, câu chuyện mà Singapore kể còn có tính xuyên suốt. Đặc biệt trong năm 2023, di sản Peranakan được xem như ‘chiến dịch’ trọng điểm, xuất hiện ở mọi nơi tại đảo quốc Singapore. Tại các trung tâm thương mại, sân bay Changi, hay thậm chí trong các tiệm cà phê Starbucks.”
(*) Peranakan là cộng đồng văn hóa từng phát triển rất rực rỡ tại Singapore. Peranakan có nghĩa là “được sinh ra tại địa phương”, hay “con lai”, là hậu duệ của những thương nhân Trung Quốc kết hôn với phụ nữ Malaysia bản địa vào khoảng thế kỷ 15-16.
Trong những sự kiện quảng bá của STB, luôn có sự hiện diện và đồng hành từ một mạng lưới kết nối cộng đồng vô cùng mạnh mẽ – từ các cơ quan ban ngành về du lịch, ẩm thực của các quốc gia, đến các đơn vị truyền thông và cộng đồng những food blogger, food reviewer có tiếng,… mang đến độ lan tỏa mạnh mẽ cho chương trình.
Singapore đã đi trước Việt Nam rất xa trong việc xây dựng những câu chuyện để quảng bá văn hóa món ăn và văn hóa ẩm thực của họ. Những món như cua sốt ớt, cháo ếch Singapore giờ đây đã không còn xa lạ với người Việt. Vậy câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể tạo ra những ảnh hưởng tương tự đối với nước bạn hay không?
Với một nền ẩm thực phong phú được thiên nhiên ban tặng, chúng ta sẽ làm như thế nào để biến những đặc sản đó, thành đặc trưng mà mỗi khi bắt gặp, thực khách quốc tế đều có thể ồ lên ngưỡng mộ và thích thú về ẩm thực Việt Nam?