LIFE

“The Fabelmans”: Khi Spielberg vừa yêu vừa ghét nghệ thuật

Feb 17, 2023 | By Nguyen Huu Hon

Chiến thắng hai giải quan trọng nhất ở Quả cầu vàng 2023 gồm Phim chính kịch hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, “The Fabelmans” (tựa Việt: “Tuổi trẻ huy hoàng”) là thành công tiếp theo của đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg sau thành công trước đó với bản làm lại vở nhạc kịch “West Side Story”.

(from left) Sammy Fabelman (Gabriel LaBelle), Mitzi Fabelman (Michelle Williams), Burt Fabelman (Paul Dano), Natalie Fabelman (Keeley Karsten), Reggie Fabelman (Julia Butters) and Lisa Fabelman (Sophia Kopera) in The Fabelmans, co-written, produced and directed by Steven Spielberg.

 

Trở thành tên tuổi vang danh với những tác phẩm mang tính biểu tượng như “Indiana Jones”, “ET”, “Jurassic Park”, “Saving Private Ryan”… thế nhưng Spielberg chưa có dấu hiệu mình sẽ dừng lại. Năm ngoái ở tuổi 75, ông đã dựng lại “West Side Story” như lời tri ân gửi đến tác phẩm ảnh hưởng sâu nặng lên sự nghiệp mình. Một năm sau đó “The Fablemans” ra đời như lời cám ơn gửi đến điện ảnh, và cũng phần nào là góc nhìn riêng tư của ông, khi nó đồng thời cũng là tác phẩm bán tự truyện theo suốt hành trình đến với điện ảnh của vị đạo diễn lừng danh.

Bộ phim xoay quanh gia đình Fableman gốc Do Thái và mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà của mình. Mitzi (Michelle Williams thủ vai) là một tài năng dương cầm thật sự, tuy thế sau khi kết hôn cùng người kỹ sư Burt (Paul Dano đóng chính), bà đã từ bỏ nghiệp diễn để dành cuộc đời hướng về gia đình. Liệu cặp vợ chồng quá khác xa nhau về sở thích, quan điểm, hướng nhìn… có được hạnh phúc? Và những đứa trẻ trong gia đình ấy có phải chịu đựng những sự tổn thương?

Một sự nghiệp dài 

Tác phẩm mở đầu bằng những khung cảnh thập niên 50, khi cậu bé Sammy được cha và mẹ cùng dắt đi xem bộ phim đầu tiên trong cuộc đời mình. Chính những hiệu ứng của việc đâm xe, chuyển động mê hoặc của những hình ảnh… mà ngay từ nhỏ cậu đã mơ đến việc được làm phim. Từ cuộn phim đầu mô phỏng lại cảnh vua Solomon đứng trên tàu hỏa sẽ bị hất tung, cậu bé lớn lên và tự mình quay thước phim đầu tiên theo hướng gangster dựa trên John Wayne.

Trong bộ phim này, ta thấy Spielberg đã cài cắm nhiều những chi tiết phụ hướng đến các tác phẩm lớn của mình. Những con bò cạp ẩn dưới tảng đá cũng như xác ướp từ giấy vệ sinh mà cậu bé Sammy nghịch ngợm với hai em gái… như đang gợi nhắc về “Indiana Jones”, trong khi mô hình kinh dị bung ra từ tủ quần áo lại là hiện thân về các khoảnh khắc khác của phim “ET”… Xen lẫn những chi tiết đó, ông cũng thể hiện góc nhìn cá nhân trong việc làm phim “thực” nhất có thể, bằng cách tìm ra hiệu ứng ánh sáng bằng cách đục lỗ những phim âm bản, trong một giai đoạn phim chưa có tiếng và các máy tính cũng chưa ra đời.

Việc xây dựng gốc gác Do Thái cho nhà Fabelman cũng gợi nhắc đến một tuyệt tác khác của Spielberg, “Schindler’s List”. Khoảng thời gian Sammy đi học trung học cũng là thời điểm mà danh tính ấy khiến cậu gặp phải rắc rối. Ở một nước Mỹ cách xa châu Âu đã từng tham chiến, thế nhưng dấu vết về sự phân biệt như vẫn còn vẹn nguyên. Spielberg không làm cho thước phim này trở nên bi lụy bằng cách cài cắm nụ cười xen lẫn vào đó, thế nhưng tổn thương và những đau đớn mà nó gây ra vẫn vô cùng lớn và khó tránh khỏi.

Trong những thước phim vô cùng cô đọng, Spielberg cũng cho ta thấy quan điểm của ông về việc làm phim. Đó là sự thật. Phim là sự thật. Ông đã trăn trở về các hiệu ứng mà việc bắn bằng súng giả không tạo ra được, cũng như đòi hỏi anh bạn nghiệp dư phải đi bần thần sau khi đồng đội đã ngã gục xuống như điều tất yếu về mặt cảm xúc… Bộ phim cũng đã khép lại bằng một cảnh khác, khi Sammy đến Hollywood và biết bài học không nên tạo ra những thứ bình thường.

Điện ảnh đối với Sammy vừa là niềm vui và cũng là sự đau khổ. Với điện ảnh, cậu bé nhỏ nhắn, thấp bé… có thể trả thù những người đã bắt nạt mình, một cách cố ý hay là vô tình, chỉ bằng những cách sắp đặt góc quay. Với điện ảnh, cậu được thoát khỏi gia đình vô cùng bức bối, thế nhưng cũng chính vì nó mà cậu tìm thấy sự thật. Điện ảnh là phiên bản mà mắt con người không thể nhìn ra, nó không che giấu và cũng đau đớn đến đáng ngạc nhiên khi là nguồn cơn cho một gia đình bỗng dưng sụp đổ.

Vừa yêu vừa ghét 

Bên cạnh tình yêu dành cho điện ảnh như đã nói trên, Spielberg cũng đã đan cài song song các mối quan hệ phức tạp vừa yêu vừa ghét với các nhân vật. Mitzi là người ủng hộ, là sự đồng cảm đối với Sammy trong việc theo đuổi nghệ thuật và hiến dâng mình cho bộ môn ấy; thế nhưng bà cũng là người làm cho ảo mộng sụp đổ, khiến cho gia đình trở nên tan nát bằng sự yếu đuối và rồi chấp nhận buông mình cho số phận đó.

Như ông Boris cũng đã nói rằng “nghệ thuật chính là thuốc phiện, nó sẽ khiến ta điên lên vì nó”. Ở Sammy, ta thấy được sự giằng xé của việc chiều lòng gia đình cùng với quyết tâm theo đuổi đam mê. Tuy thế cũng như mẹ mình, cậu tin mọi thứ đều được sắp đặt, dẫn đến có lúc cậu bỏ rơi nó. Nhưng may mắn hơn Mitzi, bởi từ thất bại của cha mẹ mình mà cậu “ngược gió” và sống hết mình vì đam mê lớn.

Xây dựng mạch phim bổ trợ song song, Spielberg đã cho thấy rằng những người nghệ sĩ rất khó kiểm soát được bản thân mình. Ở tác phẩm này, Mitzi có lẽ là một nhân vật vô cùng nổi bật mà Spielberg đã tạo được ra. Thoáng nhìn ta có thể thấy cô là một bà mẹ ưa kịch tích, vụng về, đồng bóng … thế nhưng đằng sau chi tiết gây cười ấy, ta thấy được những sức hút của một nghệ sĩ, cũng như những gì cô muốn bảo vệ vì bản thân mình đã từng thất bại. Trong một phân đoạn khi bà ngoại Sammy vừa mới qua đời, Mitzi đã nhận một cuộc điện thoại từ chính mẹ mình, nói rằng đừng cho vị khách viếng thăm vào ngày hôm sau, và đó là ông Boris.

Đáng nói ông ấy cũng là một người hoàn toàn vô hại ở mặt bề ngoài, nhưng cũng như Sammy và Mitzi, ông có máu nghệ thuật và cũng chính ông cho cậu bé thấy khi làm nghệ thuật đau đớn đến như thế nào. Sự can ngăn mà bà ngoại truyền cho Mitzi như việc không muốn con cháu của mình sẽ quá đau khổ, bởi tính không thực ở mặt điện ảnh, để rồi sau đó ta có thể thấy Sammy hầu như trung dung với mọi nỗi đau của gia đình mình, để vẫn hỏi cưới một người con gái cách xa thực tế.

Điện ảnh vừa giúp cậu thoát khỏi những bủa vây, nhưng cũng sẽ giam hãm cậu trong những ảo tưởng của bản thân mình. Và đó là thứ duy nhất Mitzi không làm để bảo vệ cậu, vì cô thừa biết thà chết trong đời nghệ thuật còn hơn là sống mục xương không được là mình. Với “The Fablemans”, Steven Spielberg đã gửi một lời tri ân đến cho điện ảnh vừa dịu dàng mà cũng đắng cay. Không như “Babylon” của Damien Chazelle tái hiện lại dòng đời chìm nổi có phần đen tối, bộ phim này là những góc nhìn lưỡng nan của ông, của được và mất, của hạnh phúc và khổ đau, của yêu và ghét… mà những ảo hình, ảo tưởng… chi phối và làm biến đổi chính cuộc sống này.

Vẫn được đề cử ở nhiều hạng mục quan trọng ở giải Oscar sắp tới, “The Fabelmans” là đối thủ mạnh khiến đề cử còn lại sẽ phải dè chừng. Dù Quả cầu vàng không phản ánh đúng kết quả Oscar, thế nhưng với việc tri ân một đạo diễn lớn cùng một tác phẩm tôn vinh điện ảnh vô cùng tuyệt đẹp, thì cơ hội thắng vẫn sẽ rất cao với Spielberg. Một tác phẩm nhẹ nhàng, mở ra những góc nhìn khác về phim ảnh, khiến ta cảm, ta yêu và ta mê đắm.


 
Back to top