LUXUO Health: Reiki, Ayurveda, Taichi… 6 từ khóa trị liệu tinh thần để cân bằng cuộc sống
Đạt đến sự hài hòa và cân bằng trong cuộc sống luôn là mong ước khao khát của hầu hết mọi người. Nhưng cán cân ấy vẫn luôn bị lệch, và con người đã tìm đến các phương pháp chăm sóc tinh thần để có thể trải nghiệm một cuộc sống hạnh phúc.
1. Reiki – Ma thuật của những lần chạm
Được phát triển bởi bậc thầy Mikao Usui, Reiki là phương pháp trị liệu nổi tiếng ở Nhật Bản nhằm giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp cơ thể thư giãn theo cách thức hoàn toàn tự nhiên.
Reiki cũng được ví như “nghệ thuật đặt tay trị bệnh”, những lần chạm ma thuật này tựa như năng lượng ánh sáng của Chúa trời hay năng lượng của Tuệ giác lưu chuyển vô hình trong vũ trụ và chạy dọc khắp cơ thể chúng ta, tạo ra cảm giác êm dịu và thư thái lan truyền. Trị liệu bằng Reiki là quá trình tổng thể đi từ cơ thể vật lý đến cảm xúc và tâm hồn mà không lệ thuộc vào niềm tin tôn giáo nào. Nó đến và xảy ra một cách tự nhiên.
2. Ayurveda – Điểm đến của chính mình
Ayurveda là phương pháp cổ đại của người Ấn Độ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Ayurveda nổi tiếng trong việc cải thiện chất lượng sống hàng ngày của mỗi người dân với thời gian không quá 10 phút mỗi ngày.
Cũng như Reiki, Ayurveda không thuộc về tín ngưỡng hay tôn giáo nào, nó khởi nguồn từ văn hóa Vệ Đà (Vedic) của Ấn Độ, được coi là khoa học chữa bệnh lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Đây là phương pháp chữa bệnh giúp con người sống lâu, sống khỏe và đạt được sự cân bằng do không phải dùng thuốc, không đau đớn và không phải phẫu thuật phức tạp.
Ayurveda là sự tổng hòa của ba yếu tố: Vatta – điều hòa hơi thở, Kapha – duy trì sức mạnh cơ thẻ và Pitta – kiểm soát sự trao đổi chất.
3. Feng Shui (Phong thủy)
Phong thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí và mạch nước đến đời sống họa phúc của mỗi người. Người ta cho rằng phong thủy giúp tăng cường năng lượng, và tất cả mọi điều trong cuộc sống đều là năng lượng. Tất cả vật chất đều có sự rung động, và ngôi nhà của bạn là phần rung động của năng lượng ấy.
Nếu ngôi nhà có dòng năng lượng tích cực, bạn sẽ thấy đời sống tinh thần được thúc đẩy theo chiều hướng lạc quan hơn. Bởi vậy, phong thủy tạo ra một không gian thiêng liêng, nuôi dưỡng tâm trí, cơ thể và tinh thần mỗi người. Nhà là nơi mà chúng ta có thể thực sự là chính mình, trong một thế giới không an toàn, nhà luôn luôn là nơi an toàn nhất.
4. Tai Chi (Thái cực quyền)
Tai Chi là môn võ thuật cổ truyền Trung Quốc với đặc trưng là các động tác trường quyền uyển chuyển, chậm rãi kết hợp điều hòa hơi thở. Thái cực quyền từ lâu nổi tiếng là phương pháp dưỡng sinh tuyệt diệu, giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thư thái và chữa được bách bệnh mà không cần thuốc men.
Người ta ví tập thái cực quyền giống như hành trình đi tìm hơi thở cốt lõi của sự sống con người, mỗi hoạt động hít thở đều phải thật chậm rãi, để khí oxy lan tỏa khắp tế bào, làm giãn nở các mạch máu và bắp thịt. Hít thở đều bằng mũi với nhịp độ uyển chuyển phối hợp hài hòa với chuyển động tay chân. Thái cực quyền được ví như tập thiền nhưng trạng thái không bất động.
5. KonMari – Một câu chuyện về lối sống tối giản
Người Nhật luôn có những triết lý sống của riêng họ, KonMari là một trong số đó. Với bài học “chỉ giữ lại những thứ đem đến niềm vui trong cuộc sống”, Konmari cũng lan tỏa lối sống tối giản vốn thuộc về người dân xứ sở hoa anh đào.
Tác giả của KonMari là người phụ nữ 32 tuổi, Marie Kondo ở Tokyo. Công việc của cô là giúp người khác “sắp xếp lại cuộc sống” và thói quen ngăn nắp này bắt nguồn từ quãng thời gian ấu thơ của nữ tác giả. Cuốn sách The Magic – Change Magic of Tidying Up cũng nhanh chóng nằm trên kệ best-seller với series Netflix mới mang tên Tidying Up with Marie, hứa hẹn nhân rộng thông điệp KonMari ra khắp thế giới.
6. Hygge – Nghệ thuật sống của người Đan Mạch
Là lời mời gọi tận hưởng những điều nhỏ bé trong cuộc sống, Hygge là nghệ thuật sống đỉnh cao của người dân Đan Mạch. Hygge- tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt và đơn giản của cuộc sống, được người Đan Mạch áo dụng hàng ngày, trong trường học, công sở và ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Trong xã hội vô vàn bộn bề, nhiều thứ có thể che lấp đi nhiều điều ý nghĩa, hygge sinh ra và được lan tỏa như một sự tỉnh thức dành cho mỗi người, bất kể họ là trẻ con hay người lớn. Với ý nghĩa đó, hygge cần được giáo dục từ môi trường gia đình đến lớp học, và ở các cộng đồng khác.