Bất động sản

Bất động sản Việt đuối sức

Oct 27, 2022 | By Ton Binh

Lần lượt từ những ông lớn trong ngành bất động sản như Phát Đạt tới các công ty nhỏ đều ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu trong quý III năm nay. 

Theo đó, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái (11 tỷ đồng). Các quý trước đó, doanh nghiệp luôn duy trì doanh thu từ vài trăm tỷ đồng cho đến trên nghìn tỷ đồng, đỉnh cao là quý IV/2018 và quý I/2019 khi doanh thu lên tới 1.700 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Phát Đạt ghi nhận doanh thu đạt 1.490 tỷ đồng, giảm 37,7% và lãi sau thuế đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. (Ảnh: Zing News)

Mặc dù doanh thu gần như không có, PDR vẫn báo lãi sau thuế tới 711 tỷ đồng trong quý III/2022 nhờ ghi nhận khoản thu nhập không thường xuyên gần 1.250 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng một phần vốn công ty con. Đây là mức doanh thu cao thứ hai trong lịch sử hoạt động.

Bên cạnh đó, công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) chỉ đạt 2,09 tỷ đồng lợi nhuận, giảm sâu hơn 90% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động tài chính giảm mạnh 86% do quý III/2021 được ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng quyền tham gia đầu tư dự án. Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ tăng hơn 150% lên đến hơn 86,1 tỷ đồng, do doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn. Chi phí khác cũng phát sinh tăng thêm 13,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. 

Báo cáo tài chính quý III của Đầu tư Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 121 tỷ đồng, gấp 20 lần cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cũng đạt 56,6%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 300 triệu đồng, giảm đến 99,8%. (Ảnh: Zing News)

Ảnh hưởng từ việc siết tín dụng bất động sản 

Nhiều dự án bất động sản ghi nhận doanh số bán hàng thấp trong thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chỉ sau một quý bị thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa thiếu vốn vay, vừa phải kiểm soát lượng tồn kho lớn. 

Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết, phân khúc chung cư có tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới thấp nhất từ trước đến nay. Đây cũng là bức tranh chung của thị trường đất nền và nhà liền thổ ở các tỉnh miền Nam. Thậm chí các dự án biệt thự, nhà phố condotel nghỉ dưỡng trên cả nước chỉ bán được khoảng 30-45% sản phẩm mới. 

Nguyên nhân đến từ tâm lý e ngại của người mua hàng về tình hình vĩ mô, đồng thời do điểm nghẽn trong phê duyệt giải ngân cho hồ sơ vay mua nhà. Việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản đồng thời đã khiến lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng bình quân tiếp tục tăng thêm 0,1% – 0,3% chỉ sau một tháng 7. 

Trong khi dòng tiền có thể thu được từ khách hàng gặp khó, các nguồn huy động vốn khác của doanh nghiệp bất động sản như trái phiếu, tín dụng vẫn chưa được tháo gỡ. Trong tháng 7, toàn thị trường chỉ ghi nhận một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu. So với cùng kỳ, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của ngành giảm tới 98%.

Còn với nguồn vốn vay ngân hàng, ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group – cho biết sau những động thái bắt đầu kiểm soát từ tháng 4, các ngân hàng thương mại đã hoàn toàn ngừng cấp vốn trong khoảng 1-2 tháng qua. “Dòng tiền của các chủ đầu tư đang rất khó khăn, một số bên thậm chí không còn tiền để tiếp tục xây dựng”, ông chia sẻ thêm. 

Kể cả với chủ đầu tư lớn như Vạn Xuân Group, ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc, cũng cho biết có khoản vay 2.000 tỷ đồng đã được ngân hàng duyệt giải ngân, nhưng đến khi tiến hành xây dựng dự án thì bị ngân hàng dừng cho vay vì hết room tín dụng. Sự từ chối bất ngờ này khiến doanh nghiệp hụt vốn để phát triển dự án.

Dự báo triển vọng tín dụng 

Ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group chia sẻ với báo Zing, phải sang năm tài chính tiếp theo thị trường mới được bổ sung nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, tín dụng cũng sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp và dự án một cách hợp lý chứ không dàn trải như trước đây, do đó các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị dài hạn. 

Ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group

Ông nói: “Doanh nghiệp nào cũng muốn có lợi nhuận cao, nhưng đây là thời điểm nên chấp nhận giảm để bán được hàng, có dòng tiền sống sót qua khó khăn”. Đồng thời, đối với những doanh nghiệp chưa có quỹ đất phù hợp nên tìm cách tiết giảm chi phí, đồng thời huy động vốn từ các đối tác hoặc quỹ đầu tư. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết nhu cầu tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là những “nút thắt” lớn nhất của thị trường. Ông kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi để tháo gỡ kênh trái phiếu, đồng thời Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong đầu tháng 9, chậm nhất là đầu quý IV.

Tổng hợp 


 
Back to top