Bất động sản

Kiến trúc Việt: 07 công trình nỗ lực mang âm hưởng “vào trong hoang dã” vào đô thị Việt Nam

Jul 19, 2021 | By Trang Ps

Trong vài thập kỷ qua tại Việt Nam, các kiến trúc sư đang nỗ lực khai thác ý tưởng “cuộc sống hoang dã” giữa lòng thành phố. Dưới đây là 7 công trình kiến trúc mang tinh thần tiêu biểu ấy như một phần trong kế hoạch sáng tạo đô thị mới gần gũi với thiên nhiên được Wallpaper nhận định là nổi bật tại Việt Nam.  

Trước đây, khi nói đến kiến trúc Việt Nam, người ta nghĩ đến những ngôi đền chùa cổ kính, phố cổ đã trở thành di sản như Hội An và bao tòa nhà thuộc địa dọc theo con phố lớn ở Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng nhờ sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có, Việt Nam đang liên tục làm mới hình ảnh truyền thống của mình, và bấy lâu nay kiến trúc cũng nằm trong cuộc đại tu quy mô đó. Trong vài thập kỷ qua, các kiến trúc sư đang nỗ lực khai thác ý tưởng “cuộc sống hoang dã” giữa lòng thành phố như một phần trong kế hoạch sáng tạo đô thị mới gần gũi với thiên nhiên.

Dưới đây là 7 công trình kiến trúc mang tinh thần tiêu biểu ấy như một phần trong kế hoạch sáng tạo đô thị mới gần gũi với thiên nhiên được Wallpaper nhận định là nổi bật tại Việt Nam.

 1/ Không gian ký ức Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) của KTS Hồ Viết Vinh

Vừa được khánh thành tại một khu đồi núi ngoại ô Huế, Lebadang Memory Space nổi bật với không gian rộng rãi, bao quanh bởi núi đồi nhấp nhô, suối nước róc rách chảy, bên kia là rừng xanh thẳm, bên này là đồng lúa chín vàng. Ngôi làng Kim Sơn hiện lên ấn tượng với những mái nhà hiền hòa nép mình kín đáo trong rừng cây gợi nhớ đến làng Bích La Đông của ông Lê Bá Đảng ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Không gian lấy dòng nước làm yếu tố minh đường, lấy núi Kim Sơn là tiền án, và đồi Thiên An làm hậu chẩm. Công trình gồm 6 không gian nhỏ tương ứng với 6 khu chức năng. Không gian chính là khu nhà tôn vinh nghệ thuật Lê Bá Đảng, có trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật hội họa, đồ họa, với đủ chất liệu… đã làm nên thương hiệu “bậc thầy của thế giới Đông – Tây”.

Trên mái là Vườn địa đàng, có sắt đặt nhiều tác phẩm của ông theo chiều từ trời cao nhìn xuống, từ đây toàn bộ khung cảnh xung quanh như một bức tranh khéo léo của thiên nhiên và con người. Trong đó, giếng trời trung tâm cho phép các chùm ánh sáng dõi chiếu vào phòng triển lãm suốt thời gian ban ngày.

2/ Sky House của MIA Design Studio

Sky House

Khu đất xây dựng của tòa nhà Sky House lọt thỏm giữa “thung lũng” các tòa nhà cao tầng nằm san sát nhau tại Sài Gòn, từ đó tạo thách thức cho các kiến trúc sư MIA Design Studio tạo ra công trình “mở” và “thở”.

Men theo lập luận này, MIA Design Studio quyết định thiết kế một ngôi nhà có sự kết nối chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, theo chiều ngang và đứng. Họ tạo ra các khoảng trống lớn thông với nhau, từ đó, thiên nhiên có thể luồn lách vào từng ngóc ngách của không gian sống.

Công trình kiến trúc hiện lên như một cơ thể sống, thay vì mở ra bốn phía thì MIA Design Studio tạo ra sự kết nối theo chiều dọc giữa nhà và trời, giúp ngôi nhà đón nhận tự nhiên một cách gián tiếp, cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết, và giờ trong ngày trực tiếp.

3/ Khách sạn Chicland Hotel Đà Nẵng của KTS Võ Trọng Nghĩa

Chic-Land Hotel – Khi ông lớn thời trang làm khách sạn và câu chuyện của những người thợ “thổi hồn” Sigma

Dự án Chicland Hotel nằm ở trục đường đắt đỏ Võ Nguyên Giáp của thành phố Đà Nẵng với tầm nhìn hướng biển Mỹ Khê thơ mộng. Tọa lạc trên diện tích 699 m2, dự án bất động sản nghỉ dưỡng giúp du khách chỉ mất một phút để thả mình và chìm đắm giữa đại dương.

Được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của khách hàng song không giới hạn kiến trúc theo phong cách thương mại thông thường, tất cả các bộ phận kỹ thuật theo chiều dọc được chuyển về khu vực phía Bắc nhằm mang đến tầm nhìn phóng khoáng và rõ ràng hơn (trong tương lai gần sẽ có một tòa nhà cao tầng đứng cạnh dự án này ở phía Bắc). Các mặt tiền thẳng đứng được bao phủ bởi hệ thống cây xanh đơn giản, dễ vận hành và bảo trì, được tích hợp vào ban công hoặc phần trượt của phòng khách sạn.

Bên cạnh tính thẩm mỹ cao được yêu chuộng, hệ thống cây xanh còn tạo ra khí hậu ôn hòa cho tòa nhà và khiến không gian nội thất mát mẻ hơn. Các loại cây sử dụng trong dự án là những loài nhiệt đới phù hợp khí hậu biển như: lan kiếm, phong ba, sộp, hoa giấy, cúc tần…

4/ Nhà “Hang Gạch” (Brick Cave) của KTS Đoàn Thanh Hà

Hang Gạch là ngôi nhà sáng tạo, đặc biệt ở vùng có khí hậu thay đổi liên tục như Việt Nam. Công trình do H&P Architects của KTS Đoàn Thanh Hà thiết kế. Với tư duy độc đáo, ngôi nhà hiện lên trông giống như một hang động lấy cảm hứng thiên nhiên nhiều hơn nhân tạo. Hình khối linh hoạt và thú vị của Hang Gạch cũng gợi nhắc đến sự thay đổi khí hậu liên miên và truy về gốc gác của tổ tiên loài người.

Kết cấu ngôi nhà gồm hai lớp tường gạch nối nhau ở các giao điểm, bên cạnh đó, sự hiện diện của cây xanh khiến không gian thêm phần thoáng mát và tràn ngập sức sống. Vật liệu gạch vốn dĩ vừa đơn giản, vừa tự nhiên, dáng vẻ nguyên sơ trong hình khối khiến ngôi nhà toát lên nét đẹp vừa gợi cảm vừa ấm cúng.

5/ Công viên Central Park của LAVA và ASPECT Studio

LAVA và ASPECT Studio đã giành chiến thắng cuộc thi quốc tế với chủ đề thiết kế công viên 23/9 có diện tích rộng 16ha tại TP.HCM. Công trình dự kiến thi công bắt đầu từ năm 2020.

Thiết kế mang đến sức sống cho công viên 23/9 hiện tại, với những cung đường đi bộ nâng cao dựa trên những đường ray trước đây được lấy cảm hứng từ sự kết hợp hài hòa đường nét của hệ thống giao thông thời xưa (những đường ray tàu lửa thế kỉ 19) với phương tiện đi lại tương lai của thành phố (tuyến tàu điện ngầm sắp có).

Công viên trong tương lai gần sẽ gợi đến quy hoạch đô thị trước đây, sở hữu những lối đi có phương hướng, tối đa hóa mảng xanh cùng với những mảng xanh hiện hữu, gia tăng sự tiếp cận tới nhiều khu chức năng đa dạng và tái phân vùng hoạt động một cách phù hợp.

6/ Mô hình “Vườn – Ao – Chuồng” đô thị VAC Library của Farming Architects

VAC ( Vườn – Ao – Chuồng)  là hệ thống sản xuất tích hợp bao gồm ba thành phần: làm vườn, nuôi trồng thủy sản & chăn nuôi. Farming Architects tái thiết kế hệ thống VAC sẽ được triển khai trong khu vực đô thị, nhằm tạo ra việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên mà còn đóng vai trò như một trải nghiệm nuôi trồng một số loại thực vật và động vật khác nhau tại môi trường thành thị.

Điểm cốt lõi của VAC là Aquaponics, một hệ thống kết hợp nuôi trồng thủy sản thông thường (nuôi động vật thủy sinh) với thủy canh (trồng cây trong nước) trong môi trường cộng sinh. Aquaponics sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển chất thải từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng. Nước cũng được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp cho bể cá.

VAC cũng hướng đến không gian thư viện mở dành cho trẻ em. Những đứa trẻ ở trong khu vực và nơi khác có thể đến đây chơi đùa cùng nhau, đọc sách tại thư viện và học về mô hình sinh thái này một cách trực quan ngay tại công trình.

7/ Empire City của KTS Ole Scheeren

Kiến trúc sư người Đức, 47 tuổi, Ole Scheeren đảm nhận việc thiết kế công trình Empire City với tòa tháp chọc trời 88 tầng tại TP. HCM. Ông cho hay: “Khi công chúng tiếp cận với chiều cao đáng kinh ngạc của tòa nhà, họ sẽ thực sự được khám phá các lực hữu cơ của thiên nhiên.”

Emprie City gồm ba tháp, hai tháp xung quanh là các khu vườn bậc thang, được thiết kế để gợi nhớ những cánh đồng lúa bậc nhất của Việt Nam ở khu vực miền núi phía Bắc. Trong khi đó, ngọn tháp cao nhất mang hình hài của một ngọn núi, gồm những khu vườn trên cao, nơi công chúng có thể chạm tay đến bầu trời.

Tháp 88 tầng được gọi là Empire 88 Tower sẽ bao gồm các căn hộ và khách sạn, cũng như boong quan sát công cộng. Không gian tổ chức sự kiện trên cao gọi là Cloud Space.

Theo: Wallpaper


 
Back to top