STYLE

Những chữ -free đáng giá của ngành làm đẹp (Phần 1)

Aug 10, 2020 | By Hai Yen

Để tái cấu trúc ngành làm đẹp theo hướng lành mạnh hơn, việc thay đổi những thói quen xưa cũ và xóa bỏ mặt trái còn tồn tại luôn là điều tất yếu. Trong nhiều cách thực hiện, ngành công nghiệp mỹ phẩm chọn “giải phóng” như một thái độ quyết liệt để mang ngành xa xỉ phẩm quay về với mục đích tốt đẹp ban đầu.

Dưới đây là các xu hướng vận động gắn liền với những chữ “free” nổi tiếng đã và đang xoay chuyển bức tranh toàn cảnh của ngành làm đẹp.

1. Cruelty Free – Làm đẹp không tàn nhẫn

Trong suốt lịch sử phát triển, làm đẹp vẫn luôn là ngành công nghiệp đầy mâu thuẫn. Đằng sau ánh hào quang xa xỉ là những góc tối chứa đầy nghịch lý đến nực cười. Một trong số đó là vẻ đẹp được làm nên từ nỗi đau thể xác của các loài động vật bé nhỏ. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, những thí nghiệm đã được thực hiện trên các loài động vật như thỏ, chuột cho đến khi tìm ra được công thức ưng ý cuối cùng.

Nếu chỉ dừng lại ở việc đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, câu chuyện đã không có gì đáng nói. Nhưng khi chúng ta nhìn nhận vấn đề ở góc độ bao quát hơn, xem thỏ, chuột hay các loài động vật là một sinh mạng đáng được trân trọng, có phải những thí nghiệm kia chẳng khác nào  sự tra tấn tàn nhẫn và biến thỏi son, hộp phấn, lọ kem chúng ta đang dùng trở nên thật “đẫm máu”?

Theo thống kế của tổ chức RSPCA, ước tính có khoảng 27.000 động vật bị đem ra thử nghiệm mỗi năm, và chỉ riêng tại Mỹ phương pháp này đã lấy đi sinh mạng của 100 triệu động vật. Con số này đã tạo nên những chấn động không nhỏ trong lòng người tiêu dùng và gióng lên hồi chuông mạnh mẽ về tính nhân văn của ngành công nghiệp làm đẹp lẫn dược phẩm.

Chính vì vậy, suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, đã có rất nhiều phong trào diễn ra để ủng hộ việc nói không với mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật (gọi tắt là Cruelty-free makeup) kể từ ngày đầu được Lady Dowling khởi xướng bvào năm 1959. Trong đó, có những cột mốc phát triển đáng ghi nhận như sự ra đời của tuần lễ National Cruelty-Free Week và được diễn ra hằng năm tại Anh kể từ năm 2006, hay Liên minh châu Âu EU đã ban hành lệnh cấm thử nghiệm trên động vật chính thức vào năm 2013. Gần đây nhất, quốc gia vẫn luôn bị chỉ trích bởi thái độ ngó lơ đến việc thử nghiệm thuốc hay mỹ phẩm trên động vật như Trung Quốc cũng đã bắt đầu xem xét thay đổi thực trạng này.

Làn da nhân tạo theo phương pháp Episkin dùng để thử nghiệm hóa mỹ phẩm của L’Oreal

Tính đến nay, đã có hơn 20 phương pháp được nghiên cứu để thay thế cho việc thử nghiệm trên động vật và bước đầu đã giúp các thương hiệu thay đổi tích cực trong dòng chảy nhân văn hóa và minh bạch hóa mọi quy trình sản xuất. Trong đó, phải kể đến phương pháp Microdose khi cung cấp lượng nhỏ lên người để kiểm tra tác động ở cấp độ tế bào hay các kỹ thuật khác như quét MRI, CT. Riêng tập đoàn L’Oréal đã tạo tiếng vang khi sở hữu cho mình một phòng thí nghiệm nhỏ sản xuất da nhân tạo từ tế bào da người với tên gọi EpiSkin. Và thực tế đã chứng minh, đây là những bước đi cần thiết giúp lành mạnh hóa ngành công nghiệp làm đẹp, tạo ra giá trị nhân văn cho các thương hiệu cũng như mang đến lợi ích thật sự cho người tiêu dùng.

Theo khảo sát của Nielsen, 57% người tiêu dùng khẳng định yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng và thị trường mỹ phẩm cruelty-free hứa hẹn có thể đạt đến 10 tỷ USD vào năm 2024, với tỉ lệ tăng trưởng 6% mỗi năm theo như ước tính của Market Research Future. Chứng tỏ, cruelty-free đang là xu hướng phát triển quan trọng mà không thương hiệu nào có thể bỏ qua nếu muốn đứng vững tại thị trường làm đẹp trong thời gian sắp tới.

2. Plastic-free – Làm đẹp không hủy hoại

Rác thải nhựa của ngành mỹ phẩm đã không còn là câu chuyện xa lạ với thế giới hiện đại, nhưng những con số thống kê khổng lồ vẫn đủ sức khiến bất kì ai trong chúng ta cảm thấy hốt hoảng trước mức độ tàn phá môi trường của nó. Theo thống kê, ngành làm đẹp tạo ra 120 tỷ đơn vị bao bì mỗi năm, trong đó chất liệu nhựa chiếm 146 triệu tấn. Đặc biệt, các loại microplastic chứa các hạt vi nhựa với kích thước nhỏ hơn 5mm là tác nhân đáng gờm khiến tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa trên hành tinh trở nên phức tạp và khó xử lý hơn.

Các loại hạt nhựa siêu nhỏ này có thể được tìm thấy trong quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem đánh răng và xà phòng. Đa phần hệ thống lọc hiện nay chưa được thiết kế để có thể lọc được các loại hạt nhựa này. Do đó, chúng phần lớn sẽ không thể được tái chế mà bị đổ trực tiếp ra biển hoặc kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp và cuối cùng bị tiêu thụ với cá, chim hoặc các loại sinh vật biển. Con người chúng ta cũng không ngoại lệ. Đã có rất nhiều hạt vi nhựa được tìm thấy trong các mẫu nước đóng chai bị cho là sẽ có nguy cơ gây ung thư cao nếu tiêu thụ trong thời gian lâu dài.

Chính vì khối lượng bao bì nhựa khổng lồ mà ngành công nghiệp mỹ phẩm thải ra môi trường mỗi năm đã khiến giới chức trách cũng như cộng đồng tiêu dùng bền vững tạo sức ép mạnh mẽ lên phía các thương hiệu để thay đổi thực trạng này. tThương hiệu càng có tên tuổi và lịch sử càng được trông đợi thể hiện trách nhiệm của mình cho cộng đồng. Plastic-free đang được xem là thang đo tiêu chuẩn của người dùng millennials cho mức độ hài lòng đối với một thương hiệu. Vì vậy, những tên tuổi lớn trong ngành làm đẹp như đã tham gia ký kết đảm bảo những mục tiêu trong “New Plastics Economy” của Ellen MacArthur Foundation.

Theo đó, L’Oreal đặt mục tiêu chuyển hóa được 100% bao bì của tập đoàn trở nên có thể tái sử dụng, tái làm đầy hoặc dễ dàng phân hủy vào năm 2025 và 50% số lượng bao bì đó sẽ được làm từ vật liệu tái chế. Khi nhận thức của cộng đồng về vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nâng cao như hiện nay, plastic-free không chỉ nên được xem xét ở vấn đề đóng góp bền vững mà còn nên được nhìn nhận như là một chiến lược phát triển lâu dài phù hợp với những yêu cầu từ chính thị trường trong tương lai. Unilever đã chứng minh được rằng làm đẹp bền vững vẫn đem lại lợi nhuận khi những nhãn hiệu thân thiện với môi trường trực thuộc tập đoàn đã đóng góp gần 75% vào tổng doanh thu cho năm 2018. Phát triển bền vững thật sự là vì một hành tinh tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn và cả một nền kinh doanh phát triển hơn.

p.oly


 
Back to top