STYLE

CODE 11.59 Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie: Đưa nghệ thuật vào những cỗ máy phức tạp

Dec 26, 2020 | By Ton Binh

Vốn được coi một trong những “công trình” phức tạp và khan hiếm nhất lịch sử chế tác đồng hồ cơ học, cơ chế Grande Sonnerie vừa qua đã được Audemars Piguet đưa vào bộ sưu tập CODE 11.59 với phiên bản mang tên CODE 11.59 Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie.

Không chỉ dừng lại ở đó, Audemars Piguet còn quyết định hợp tác cùng với nghệ sĩ Anita Porchet để đưa mặt số tráng men “Grand Feu” lên chiếc đồng hồ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhằm tri ân thế hệ những người luôn tìm cách tiếp cận các công nghệ tiên phong nhưng vẫn liên tục gìn giữ và kế thừa kiến thức truyền thống tại vùng đất Le Brassus – cái nôi của những kỹ nghệ kế tác bậc thầy.

Anita Porchet – Nghệ nhân bậc thầy về kỹ thuật tráng men

Grande Sonnerie – Tinh hoa của đồng hồ điểm chuông

Để tạo nên một chiếc đồng hồ điểm chuông không chỉ đòi hỏi một con mắt tinh tường và bàn tay ổn định mà còn phải có một đôi tai tốt, người thợ đồng hồ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng bộ gõ chuông sẽ hoạt động ở một nhịp độ dễ chịu (điều mà thường thay đổi dựa trên cách sử dụng của khách hàng), cũng như tác động của đĩa chuông và cách mà chúng được gắn vào bộ chuyển động phải được phối hợp ăn ý để tạo ra âm thanh đúng cao độ mong muốn, chính xác và không chói tai. Thậm chí, nghệ thuật làm nên bộ vỏ cũng phải cân nhắc trong suốt quá trình bởi cách chế tác kim loại có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, cơ chế phức tạp và tinh tế nhất lại thuộc về Grande Sonnerie – cỗ máy tự động điểm chuông theo chu kỳ giờ, quý, và phút bằng những chiếc búa nhỏ gõ vào vòng chuông dây chạy qua lại, giống như những chiếc đồng hồ tháp trong các Khu phố Cổ Châu Âu.

“Grande Sonnerie có lẽ là cơ chế phức tạp nhất trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ, nhưng là tinh hoa của sự phức tạp khi sức cuốn hút được thể hiện qua âm thanh chứ không đơn thuần là những gì mà thị giác nhìn thấy”. Michael Friedman, Trưởng bộ phận Complications của Audemars Piguet chia sẻ.

Đồng hồ bỏ túi Grande Sonnerie bằng vàng với mặt số và mặt sau bằng Sapphire do Philippe Dufour chế tác cho Audemars Piguet vào năm 1987.

Chỉ có 28 chiếc đồng hồ Audemars Piguet có cơ chế Grande Sonnerie được sản xuất từ năm 1882 đến 1892. Năm 1892, Audemars Piguet đã hợp tác với Luois Brandt & Frère để chế tạo chiếc đồng hồ điểm chuông đeo tay đầu tiên (với đường kính chỉ 29,3mm) có thể gõ giờ, quý và phút theo yêu cầu. Từ năm 1892 đến 1957, xưởng sản xuất đã tạo ra những chiếc đồng hồ đeo tay điểm chuông theo chu kỳ 35 phút nhưng không có chiếc nào trong số này là Grande Sonnerie do độ phức tạp về mặt cơ học.

Trong khi việc sản xuất đồng hồ bỏ túi vẫn liên tục diễn ra ở Audemars Piguet thì việc sản xuất đồng hồ đeo tay có khả năng giảm dần do ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và Thế chiến thứ 2. Đồng hồ đeo tay điểm chuông chỉ thực sự trở lại vào những năm 1990, sau sự hồi sinh của những cỗ máy phức tạp khác do hậu quả của khủng hoảng thạch anh.

CODE 11.59 Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie

Audemars Piguet Grande Sonnerie trở lại một các đáng chú ý vào những năm 1980 bằng việc ra mắt 5 kiệt tác được thực hiện bởi Philippe Dufour, một nghệ nhân đồng hồ trẻ tài năng mang tinh thần tự do đến từ Vallée de Joux, được nhà sản xuất ủng hộ bởi sự nỗ lực gìn giữ những ngon nghề thủ công truyền thống của ông.

Chiếc đồng hồ Grande Sonnerie đầu tiên được giới thiệu vào năm 1994 với bộ máy rất nhỏ gọn (28,6mm x 5,2mm). Kể từ đó, cơ chế cực kỳ phức tạp này vẫn được trang bị trong bộ sưu tập Jules Audemars (mặc dù với số lượng rất ít), do vậy, việc Grande Sonnerie xuất hiện trong thiết kế CODE 11.59 hiện đại có vẻ như là sự trỗi dậy của “con sóng lớn”.

“Grande Sonnerie là chế tác đỉnh cao của đồng hồ điểm chuông. Giống như một dàn nhạc, sự đồng bộ của các thành phần phải hoàn hảo để đảm bảo cơ chế gõ chuông tự động của chu kỳ giờ và quý. Chúng tôi đã mất 4 năm để tìm ra lời giải đáp cho thử thách của việc kết hợp cơ chế truyền thống này với công nghệ Supersonnerie cùng chức năng Carillon (3 bộ). ” – Lucas Raggi, Giám đốc phát triển sản phẩm của Audemars Piguet chia sẻ.

Sự cộng hưởng giữa cơ chế Grande Sonnerie và Supersonnerie

Code 11.59 Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie sở hữu một bộ chuyển động lên dây thủ công mới. Caliber 2956 là một bộ máy cơ nhỏ gọn đáng kể, 489 thành phần được lắp đặt nằm trong một không gian có đường kính chỉ 29,9 mm và dày 5,88 mm, minh chứng cho tinh thần không thoả hiệp của Audemars Piguet. Bất chấp sự phức tạp, tất cả các chi tiết của Caliber 2956 đều được lắp ráp và trang trí bằng tay, điều mà chỉ một số ít nghệ nhân đồng hồ chuyên môn cao mới có khả năng hoàn thiện bộ máy cơ chuyển động như vậy.

Một chiếc đồng hồ Grande Sonnerie không chỉ điểm chuông theo giờ, quý và phút theo yêu cầu như một chiếc Minute Repeater truyền thống mà giống như một tháp chuông, nó cũng có thể điểm chuông giờ và chu kỳ 1/4 giờ theo cài đặt mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ người đeo. Chức năng Carillon có nghĩa là chiếc Grande Sonnerie Supersonnerie này được trang bị 3 bộ chuông đĩa và búa thay vì 2 bộ so với chiếc đồng hồ chỉnh âm tiêu chuẩn và do đó sẽ đánh từng chu kỳ 1/4 giờ với ba âm độ liên tiếp (cao, trung, trầm).

Cận cảnh Caliber 2956 (mặt sau). Bộ ba búa gõ của cơ chế gõ chuông có thể nhìn thấy ở phía bên phải của bánh xe cân bằng.

Đối với cơ chế Supersonnerie, đây là kết quả của 8 năm nghiên cứu với sự hợp tác của Viện Công Nghệ Liên bang Thuỵ Sĩ Lausanne (EPFL) giúp Grande Sonnerie đạt được hiệu suất âm thanh như một đồng hồ bỏ túi. Lấy cảm hứng từ âm thanh của những chiếc đồng hồ Minute Repeater cổ cũng như âm hưởng của các nhạc cụ, một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà sản xuất đồng hồ, kỹ thuật viên, học giả và nhạc sĩ đã xem xét cấu trúc của bộ vỏ để tạo ra một công nghệ chỉnh âm mới.

Công suất, chất lượng âm thanh và giai điệu hài hòa của Supersonnerie đạt được là nhờ cấu tạo của chuông đĩa và bộ vỏ. Chuông đĩa không được gắn vào tấm đế chính mà thay vào đó là một thiết bị mới hoạt động như bảng âm, bởi vậy Supersonnerie giúp cải thiện khả năng truyền âm thanh và cho ra đời âm với nhịp độ sắc nét hơn.

Bữa tiệc nghệ thuật của thiết kế và những cỗ máy phức tạp

Để bày tỏ sự cảm phục tới những kiệt tác Grande Sonnerie tráng men được chế tác tại Vallée de Joux giữa thế kỷ 18 và 19, Audemars Piguet đã lần đầu tiên hợp tác với nghệ nhân người Thụy Sĩ Anita Porchet trên bộ ba mặt số tráng men paillonné – kế thừa những kiến thức và kỹ năng thủ công từ xa xưa.

Mỗi mặt số tráng men là một phiên bản độc nhất do tính chất hữu cơ của vật liệu cũng như kỹ thuật sản xuất và thời gian nung đặc trưng. Một lớp cát thủy tinh mỏng trộn với nước, sau đó được phủ bằng tay lên mặt số vàng trước khi đưa vào nung ở nhiệt độ hơn 800° C trong lò nung chuyên dụng. Quy trình được lặp lại nhiều lần với nhiệt độ và thời gian khác nhau để đạt được độ trong suốt, độ sâu và ánh sáng nổi bật. Đây là một quy trình khắt khe đòi hỏi kiến thức sâu rộng về thuật giả kim màu cổ xưa.

Lấy cảm hứng từ thiết kế độc đáo của CODE 11.59, Anita Porchet đã khám phá ra những hướng sáng tạo mới bằng cách trang trí mặt số tráng men đương đại với những hoạ tiết làm từ lá vàng cổ, có tuổi đời ít nhất một thế kỷ. Mỗi chi tiết được cắt tỉ mỉ, muốn cong từ những lá vàng mỏng – một kỹ nghệ cổ xưa mà không còn tồn tại ngày nay. Nghệ nhân đã cẩn thận kết hợp từng mảnh ghép bằng tay lên tấm đế tráng men của mặt số trước khi được đưa vào lò nung.

Mặt số sau đó được phủ một lớp men mỏng trong suốt tạo nên lớp hoàn thiện bóng như gương. Đối với Anita Porchet cũng như những chuyên gia tại Audemars Piguet, sự hoàn hảo nằm ở các chi tiết dù là nhỏ nhắt mà mắt thường khó có thể nhìn thấy.

“Điều thu hút tôi với ngành nghề này là sự sáng tạo mà nó mang lại giống như khi họa sĩ đứng trước một tấm vải trống. Bằng cách hợp tác với Audemars Piguet, tôi được tự do khám phá và diễn giải lại theo một cách hiện đại kỹ thuật ‘paillonné’ từ xa xưa, vốn đã mang lại cho tôi một tầm nhìn phong phú. ”Theo Anita Porchet chia sẻ.

Ngoài ba phiên bản này, xưởng nghệ thuật của Anita Porchet cũng sẵn sàng tạo ra một mặt số tráng theo theo yêu cầu cá nhân của khách hàng.

Nâng tầm thiết kế nguyên bản của CODE 11.59

 

Độ cong nhẹ và sự kết hợp liền mạch giữa bộ vỏ hình bát giác ở giữa, vòng bezel siêu mỏng và các vấu hình vòm cách điệu của cấu trúc CODE 11.59 đã làm cho việc chế tạo, trang trí từng chi tiết trở nên đặc biệt phức tạp. Các công cụ chuyên dụng và chuyên môn của con người phải được kết hợp để công nghiệp hóa và hoàn thiện thủ công các bộ phận.

Sự xen kẽ hoàn hảo giữa các bề mặt góc cạnh hay vát tròn được đánh bóng và hoàn thiện satin cho bộ vỏ chỉ có thể đạt được bằng tay là một thách thức lớn đối với các nghệ nhân. Nhờ đó, bên cạnh việc chế tạo cơ chế phức tạp và mặt số tráng men, CODE 11.59 Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie được làm từ vàng trắng 18 carat càng gây ấn tượng mạnh mẽ bởi các chi tiết tương phản và kỹ thuật hoàn thiện bằng tay tinh tế đặc trưng của thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ 145 năm tuổi.


 
Back to top