STYLE

Đồng hồ: Tình yêu của đàn ông, đồ chơi của đàn bà

Jun 18, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Đeo đồng hồ vào cổ tay, nếu lắng lòng sẽ thấy vừa bình yên vừa khắc khoải, hệt như tâm trạng khi yêu. Bởi tình yêu, và chỉ tình yêu thôi, mới thật sự đáng giá hơn thời gian.

FILE PHOTO: Britain’s Prince Harry (R) and former U.S. President Barack Obama watch a wheelchair basketball event during the Invictus Games in Toronto, Ontario, Canada September 29, 2017. REUTERS/Mark Blinch/File Photo

Thời trang giống như tâm trạng thường thay đổi, đồng hồ giống như cá tính giữ ổn định. Khi ta đeo nó lên cổ tay, hai điều tưởng chừng khác biệt ấy như hòa vào làm một, khiến cảm xúc nhất thời thành ra để đời. Món để đời đập những nhịp đều đặn và trường tồn – từng giây, từng phút, từng giờ; ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Đeo đồng hồ vào cổ tay, nếu lắng lòng sẽ thấy vừa bình yên vừa khắc khoải, hệt như tâm trạng khi yêu. Bởi tình yêu, và chỉ tình yêu thôi, mới thật sự đáng giá hơn thời gian.

Đồng hồ không chỉ để xem giờ

Không ai có thể phủ nhận rằng đồng hồ giúp con người có nhận thức sâu hơn về thời gian, dù mục đích sắm có thể rất khác nhau. Có người mua chỉ để xem giờ, có người mua để làm đồ trang sức, có người lại muốn thể hiện đẳng cấp hay tài sản, khi sắm một chiếc Chopard 201 nạm ngọc và kim cương giá 25 triệu USD.

Lại có nhiều người mua không vì lý do gì cụ thể, mà đôi khi chỉ vì cảm giác được làm chủ nhân của thời gian. Như chiếc Joaillerie 101 Manchette được thiết kế dành riêng cho Nữ hoàng Elizabeth II chẳng hạn – một vật phẩm để thể hiện quyền lực, hình ảnh độc tôn và niềm kiêu hãnh hoàng tộc – chứ không phải dùng để đo thời gian.

Đồng hồ vừa thanh lịch vừa lý trí; vừa thể hiện sự chính xác tuyệt đối, vừa ẩn dụ tính tương đối của khái niệm thời gian. Có lẽ, đó là vật duy nhất mang mối tương đồng giữa những khao khát, đam mê của đàn ông và đàn bà. Song có một điểm khác biệt ở đây: nếu đàn bà thường coi đồng hồ ngang tầm với lắc tay, nhẫn, vòng, một thứ đồ chơi thôi; thì đối với đàn ông, vị thế của đồng hồ là độc tôn. Hay nói cách khác, trang sức duy nhất cần cho đàn ông là đồng hồ.

Dù sao thì với cả đàn ông hay đàn bà, các cỗ máy thời gian đều thể hiện cá tính và phẩm cách từ những người đeo chúng. Điều này khiến ta bớt lo âu rằng hiểu biết của mình không đủ để đánh giá về một chiếc đồng hồ, hay cả vẻ ngoài của anh chàng hoặc cô nàng nào đó. Trong khi kiến thức về đồng hồ là mênh mông bể sở, thì chỉ cần có đủ độ nhạy cảm là có thể nhận ra người đeo ấy là ai qua một cái liếc nhìn.

Chính giá trị siêu hình này làm cho giá thật của một chiếc đồng hồ không còn quá quan trọng. Một chiếc Rolex thường thể hiện quyền lực, tài sản và sức mạnh mới nổi (thiết kế chắc chắn, nổi bật, tạo nên ấn tượng mạnh). Chiếc Patek Philippe đại diện cho giới nhà giàu cũ, và thường được dùng làm của gia bảo (Patek Philippe khá hiếm vì số lượng sản xuất mỗi mẫu không nhiều, và thường có hồ sơ rõ ràng, cũng như có mối dây liên hệ bền bỉ giữa các thế hệ, thiết kế đặc biệt sắc sảo và tinh tế).

Trong khi đó, Cartier lại sở hữu vẻ đẹp cổ điển dành cho những ai yêu nghệ thuật. Ngay cả ở những phân cấp thấp hơn, với vô vàn nhãn hiệu khác nhau, vẫn có thể nhìn ra những người đàn ông thanh lịch nhất khi họ đeo trên tay chiếc Tissot, Omega hay Orient chẳng hạn. Họ – những người đàn ông ấy – thổ lộ rằng họ thích nghe tiếng hoạt động của bộ máy, tiếng tích tắc vừa bình thản vừa dồn dập, và hơn hết là cảm xúc khi đeo mỗi chiếc đồng hồ trên cổ tay. Thời gian tưởng đều đặn trôi bỗng thành những trải nghiệm đời sống khác biệt. Đeo một chiếc đồng hồ khác là có thể nghe cuộc đời trôi qua theo cách rất khác biệt.

Những chiếc đồng hồ làm nên lịch sử

Một trong những giá trị siêu hình tưởng chừng đắt giá – giá trị lịch sử của đồng hồ – lại được duy trì bởi một dòng đồng hồ “bình dân” nhất. Hãng Swatch ra đời năm 1983 là hình mẫu hoàn toàn mới cho đồng hồ Thụy Sĩ, ngay lập tức đạt được thành công lớn, đồng thời đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng thạch – sự thất thế của những gã khổng lồ cơ học Thụy Sĩ trước những xưởng đồng hồ thạch anh từ Nhật Bản. Ngay từ đầu, Swatch đã có câu quảng cáo nổi tiếng “Swatch, the others are just watch” (Chúng tôi là Swatch, bọn khác chỉ là đồng hồ), giúp ngành công nghiệp hồi sinh bằng cách tạo ra những sản phẩm vui nhộn, giá rẻ và thú vị.

Bên cạnh đó, bạn có từng nghe về chiếc Tikker với khả năng đếm ngược cái chết? Tikker có thể tính toán thời điểm xảy ra cái chết bằng cách phân tích các câu hỏi liên quan tới người đeo, xem xét hàng loạt yếu tố sinh học, như người đeo có nghiện rượu, hút thuốc hay tiền sử bệnh lý gì hay không. Thậm chí, Tikker còn đánh giá được cường độ tập thể dục của người đeo. Còn thời điểm xảy ra cái chết sẽ được dự đoán theo ngày, tháng, năm, được thể hiện qua cột mốc đếm ngược trên mặt số.

Nhờ vào tính năng ưu việt kỳ quái đó, Tikker được phong danh hiệu là “đồng hồ của cái chết”. Tuy vậy, theo Fredrik Colting, nhà sáng chế sản phẩm, nó nên được gọi là “đồng hồ hạnh phúc”, bởi ông cho rằng nó có thể truyền cảm hứng cho người đeo hướng tới một lối sống lạc quan, lành mạnh và biết trân trọng thời gian hơn. “Trong xã hội hiện đại, nó giúp người đeo ý thức hơn về thời gian còn lại của mình, mà qua đó, họ có thể đưa ra những quyết định, lựa chọn tốt hơn khi vẫn còn tồn tại”, Colting chia sẻ.

Tới thế hệ thứ ba sau đồng hồ cơ học và thạch anh, ít ai biết ông tổ của đồng hồ thông minh lại là Hewlett-Packard (HP). Chiếc đầu tiên HP-01 được giới thiệu vào năm 1977. Với nó, người dùng có thể làm bất cứ điều gì từ việc xem giờ cho đến tính phí cuộc gọi đường dài. Với phi công, cỗ máy thời gian này còn đo được khoảng cách và thời gian tới điểm đến tiếp theo. HP-01 có nhiều chức năng khác như thay đổi múi giờ bằng cách trừ giờ và phút, đồng thời chính là thiết bị đeo tay đầu tiên sử dụng thạch anh và đèn LED. Ngoài ra, tính năng chống nước cũng là một trong những điểm mấu chốt để lựa chọn đồng hồ.

Các chính trị gia và đồng hồ

Tiền không phải là vấn đề

Chọn một chiếc đồng hồ phù hợp cho mình không hề khó. Nhưng phần nào đó, nó cũng giống như việc chọn một người bạn đời. Nếu bạn chọn đúng, bạn sẽ giữ chiếc đồng hồ ấy mãi bên mình. Nếu đó là sự lựa chọn sai lầm, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bạn sẽ chán ngán nó. Người ta có thể biện minh rằng túi tiền không rủng rỉnh thì làm sao có được một chiếc đồng hồ đẹp. Nhưng sự thật thì đồng hồ không cần phải đắt tiền mới có giá trị. Nếu cả thế giới chỉ đeo những Rolex, Chopard hay Omega… liệu đồng hồ có còn là đồng hồ?

Marc by Marc Jacob, Michael Kors, Fossil, DKNY, Citizen…là những hãng cung cấp rất nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng mà vẫn vừa túi tiền. Có lần tôi may mắn “canh” được đợt giảm giá 30% của Fossil và tậu được một chiếc đồng hồ của hãng với giá chỉ 90 euro (khoảng 2.5 triệu VND). Hiện nay, tôi đang đeo một chiếc Rose Falken của Triwa có dây da nâu và mặt tròn rất thanh lịch cũng chỉ với giá 145 Bảng. Tờ Telegraph của Anh Quốc thậm chí còn đưa chiếc đồng hồ này vào danh sách 20 đồng hồ tốt nhất có giá thành dưới 250 bảng.

Bạn cũng không nên bỏ qua một bước quan trọng: ghé thăm các cửa hàng. Những chi tiết như tag nguyên gốc hay hóa đơn dịch vụ tưởng chừng như không quan trọng, nhưng nó sẽ giúp bán được giá khi bạn không còn hứng thú với chiếc đồng hồ nữa. Đó là chưa kể tới việc bạn sẽ không phải gặp “hàng nhái”. Nếu là tín đồ của Rolex, có một vài phương pháp cơ bản để giúp bạn nhận biết một chiếc Rolex giả. Ví dụ, kim giây của chiếc Rolex xịn sẽ luôn luôn di chuyển theo cách trượt liên tục chứ không bao giờ quay theo kiểu tích tắc.

Mặt khác, Rolex không bao giờ sử dụng chất liệu cao su hay crom trong toàn bộ quá trình sản xuất. Thêm vào đó, chỉ có duy nhất một chiếc Rolex được nhà sản xuất sử dụng mặt sau trong suốt, trong khi có khá nhiều chiếc tương tự như thế được rao bán trên mạng. Rolex cũng không có truyền thống làm những chiếc đồng hồ có thể nhìn thấu được bộ máy bên trong.

Cuối cùng, một chiếc Rolex chuẩn nếu không có bộ vỏ nguyên khối được làm từ thép, hợp kim không gỉ thì sẽ có vỏ bằng vàng, nguyên khối chứ không mạ. Các phiên bản “giới hạn” của đồng hồ cũng mang định nghĩa riêng, như loại thép không gỉ sẽ có vài nghìn chiếc trên thế giới, trong khi đồng hồ vàng thường được làm chỉ với vài trăm chiếc.

Đồng hồ là món đồ thời trang vĩnh cửu, không bao giờ lỗi mốt. Dẫu có được thiết kế từ 30, 40 hay thậm chí 50 năm trước, đồng hồ vẫn có diện mạo rất ổn, thậm chí có thể sử dụng trong nhiều thập kỷ nữa. Không chắc rằng sau vài thập kỷ hay thế kỷ nữa, đồng hồ còn giữ được vị trí trang trọng cố hữu này hay không, nhưng nó đã đi qua một chặng đường đủ dài để người đời kính nể.

Người ta không thể tùy tiện xỉa răng, lau mặt hay chải đầu nơi công cộng, và việc kín đáo liếc xem giờ trên đồng hồ đeo tay thay vì rút phắt chiếc điện thoại thông minh sẽ vẫn là một trong những hành vi lịch sự căn bản trong tương lai. Đeo đồng hồ, yêu đồng hồ cũng là một cách trân quý thời gian, lưu giữ những hoài ức đẹp của quá khứ và những gì đã qua.

Một chiến dịch quảng bá của IWC Portofino

Hằn nhiều người còn nhớ truyện ngắn của tác giả O’Henry: Quà tặng của những nhà thông thái. Trong đó, hai vợ chồng nghèo Jim và Della đã bán đi vật quý nhất của mình để tặng người bạn đời. Della bán mái tóc dài để mua cho Jim dây đeo cho chiếc đồng hồ vàng gia bảo của chàng, và Jim thì bán mặt đồng hồ ấy để mua một bộ lược nạm ngọc cho Della. Như đã đề cập trước, đồng hồ có vị trí độc tôn với đàn ông, song vẫn có ngoại lệ, một ngoại lệ mà ta đã biết: có lẽ không phải tất cả đàn ông đều lụy tình, nhưng những người đàn ông yêu đồng hồ đều trân quý tình yêu, vì họ được bồi bổ cảm xúc yêu khi đeo đồng hồ. Với họ, tình yêu là độc tôn, chứ không phải đồng hồ. Và họ có thể sẵn sàng từ bỏ thời gian cho tình yêu.

BÀI: Lã Hoa


 
Back to top