LUX STYLE

Thú chơi thời gian – Bài 1: Chúng tôi & Đồng hồ

Apr 28, 2022 | By Ton Binh

Có người nói với tôi rằng đồng hồ luôn tạo nên tính nam một cách chuẩn mực nhất. Người đàn ông cần có những đức tính giống như một chiếc đồng hồ: chính xác – chi tiết – bền bỉ. Tôi tiếp xúc với nhiều người kinh doanh đồng hồ, thích đồng hồ và cũng chơi thân với vài người sưu tập đồng hồ. Chúng tôi, mỗi người, mỗi ngành nghề, lĩnh vực nhưng có một thú vui chung là ngắm nhìn và kể chuyện về những cỗ máy đo thời gian.

Chiếc Poljot (Полёт) có chức năng điểm chuông trong ảnh là sản phẩm đỉnh cao trong ngành đồng hồ cơ khí xã hội chủ nghĩa. Anh bạn tôi – người sở hữu nó, có niềm yêu thích đặc biệt với các loại mô tô phân khối lớn, mô hình đồ chơi và đồng hồ Liên Xô. Gã có điểm rất lạ là có thể lập tức chi vài chục nghìn USD cho một chiếc mô tô, vài chục triệu cho một chai rượu nhưng luôn luôn đắn đo khi bỏ tiền ra mua một thứ đơn giản như chiếc USB có giá vài trăm nghìn.

Mỗi lần gặp và nói chuyện về đồng hồ gã đều khoe về lô đồng hồ mình sở hữu là lô còn chưa được xuất xưởng khi Liên Xô vừa mới tan rã. Tôi chẳng hiểu tại sao gã lại thích đồng hồ Liên Xô đến vậy? Gã đưa ra lý do rằng bỏ tiền ra để sở hữu một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ có chức năng phức tạp cũng vẫn dễ hơn nhiều so việc kiếm ra những sản phẩm vang bóng một thời của nền kinh tế kế hoạch tập trung Đông Âu.

Và theo gã, những chiếc đồng hồ cơ khí có chức năng phức tạp đỉnh cao như điểm chuông (minute repeater) hay ghi thời gian (chronograph) thì kỹ thuật của Liên Xô sau này cũng chẳng kém gì Thụy Sĩ cả. Còn tôi, tôi thì nghĩ rằng có thể gã mê đồng hồ Liên Xô là do ám ảnh: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”. Sau này, cũng thấy trong bộ sưu tập của gã một vài chiếc đồng hồ Thụy Sĩ nhưng thường trực trên cổ tay vẫn là chiếc đồng hồ Poljot Chronograph mà mỗi khi trời mưa gã đều dừng xe tháo đồng hồ cất đi vì sợ nước lọt vào máy. Nhưng có một điều không phải là cảm tính: Những chiếc đồng hồ cơ khí do Liên Xô chế tạo thực sự bền bỉ.

Tôi từng được tặng 2 chiếc đồng hồ Ракета (Raketa), một chiếc mạ vàng, một chiếc có mặt Lênin, đều là đồng hồ lên cót bằng tay. Chúng bền “khủng khiếp”, vỡ mặt đồng hồ, tung kim, bay cả núm vặn nhưng lắp lại núm vặn lên cót thì những tiếng tic-tic vẫn vang lên đều. Có một chi tiết mà đồng hồ Liên Xô chắc chắn hơn đồng hồ Thụy Sĩ đó là tiếng của máy đồng hồ rất to.

Tôi kể về sự khó chịu của mình với anh bạn khi ở trong một căn phòng vắng mà tiếng đồng hồ ở vang đều. Gã nói: “Anh phải thưởng thức tiếng đồng hồ như tiếng pô xe máy, nổ ấm, giòn và vàng xa”. Tựu trung, nhiều người cho rằng đồng hồ Liên Xô bền là do trước đây đã copy và cải tiến lại những bộ máy của Thụy Sĩ – Nó là sự kết hợp tư duy “nồi đồng – cối đá” của Đông Âu với những nét tinh túy của các bộ máy đồng hồ Tây Âu.

Đồng hồ do George Daniels chế tác tặng con gái.

Một người bạn khác của tôi khá cực đoan trong việc sưu tập đồng hồ. Hắn chỉ mua đồng hồ Omega. Hắn có nỗi ám ảnh liên quan đến nhà chế tác đồng hồ huyền thoại George Daniels và luôn viện dẫn câu nói của ông ta: “Các trường dạy đồng hồ giờ không dạy chế tác đồng hồ nữa mà họ chỉ đào tạo ra những người sửa chữa đồng hồ”. Hắn thậm chí mua cả quyển sách Watchmaking và tập tháo lắp các bộ máy đồng hồ. Thường thì khi mới gặp một ai “đàm đạo” chuyện đồng hồ bao giờ hắn cũng kể câu chuyện về cuộc khủng hoảng đồng hồ cơ khí do sự xuất hiện của đồng hồ thạch anh, sự phát minh ra bộ thoát “Co-Axial” của George Daniels và chiếc đồng hồ mà ông tự tay làm tặng con gái. Theo hắn, sự đỉnh cao trong công nghệ chính là đồng hồ cơ khí, còn đỉnh cao về đồng hồ thì là Omega.

28 năm sau lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách Watchmaking của George Daniels tiếp tục truyền cảm hứng và khuyến khích nghệ thuật chế tác đồng hồ, đặc biệt là những thế hệ đam mê mới.

Tôi có chút “thù hằn” với Omega cũng vì kỷ niệm với một chiếc đồng hồ. Khoảng 15 năm trước tôi được tặng một chiếc Chronograph của Timecraft – một thương hiệu từng sản xuất những chiếc đồng hồ đeo tay quân sự. Chiếc đồng hồ này ra đời vào khoảng những năm 1960, không quá đắt, khá tinh tế và giản dị. Nó nằm trong một lố đồng hồ mua giá rẻ tại một cửa hàng đồ cũ tại Hoa Kỳ khi ông anh làm thường trú tại đó. Ngoài dây đeo đã hỏng phải thay, mọi chi tiết của đồng hồ đều được giữ nguyên bản, chỉ lau dầu là nhảy “tanh tách”.

Nhưng, có lần do bất cẩn tôi đã làm mất núm vặn đồng hồ. Và khi đem đi sửa thay vì lựa chọn cho chiếc đồng hồ một chiếc núm vặn như nguyên bản, trơn bóng – không nhãn mác, người thợ sửa đồng hồ đã lắp cho nó một chiếc núm vặn có logo của Omega. Tôi đã bỏ đeo chiếc đồng hồ này kể từ đó. Có lẽ, do không có duyên đeo đồng hồ nên cái hỏng, cái vỡ mặt, cái tung kim, cái mất núm vặn, giờ có lẽ tôi chỉ tìm hiểu về những kỹ thuật mới trên đồng hồ và kể chuyện về chúng.

Chiếc Timecraft ra đời khoảng những năm 1960.

Một người bạn nữa của tôi thì chơi đồng hồ theo chủ nghĩa công năng, chơi theo đúng lứa tuổi và đặc thù cá tính cũng như công việc. Mọi đồ anh mua sắm đều theo quan niệm: “Mua để sử dụng chúng chứ không phải để chúng sử dụng mình và không nên mất quá nhiều thời gian vào một chiếc đồng hồ”. Anh này có kiến thức rộng về đồng hồ và cũng có điều kiện để tiếp xúc với nhiều loại đồng hồ khác nhau. Các mẫu đồng hồ hay đeo đều mang hơi hướng “hành động”.

Xem thêm: Nhà sưu tập Đặng Văn Hào: Tôi không muốn quá quan tâm đến một chiếc đồng hồ! – LUXUO.VN

Theo anh thì đồng hồ nó mang trong nội tại cả niềm đam mê của người sở hữu lần người chế tác. Nó mang trong mình sự tinh tế nhưng cũng thể hiện sự cực đoan về chất lượng về tính chính xác và sự tập trung, là những gì đỉnh cao nhất trong công nghệ. Hiện tại, anh ta đang đeo những mẫu đồng hồ có thiết kế tương đối nổi bật, dễ nhận ra từ xa. Nó giống như một cách thức gì đó để thể hiện phong cách, sở thích, cá tính cá nhân.

Chiếc IWC Portuguese Automatic Chronograph.

Nhắc đến phong cách và sở thích, tất cả những người bạn trên của tôi đều có điểm chung là thích nghe nhạc rock, uống rượu, và luôn chi bộn tiền cho những gì mình đam mê, nhất là đồng hồ. Anh bạn cuối cùng cũng vậy, cũng có niềm đam mê đồng hồ nhưng hay chơi theo thương hiệu và độ danh tiếng của chúng. Anh sở hữu rất nhiều các loại đồng hồ của các thương hiệu đắt giá khác nhau. Có lẽ anh chơi đồng hồ theo kiểu hơi “tả bổ xiểng”. Anh này còn có một thói quen đặc biệt là hay “soi” xem những người nổi tiếng trên thế giới đeo đồng hồ gì, nhất là các nhân vật trên phim điện ảnh. Anh ta từng phàn nàn về một gã công tố viên trẻ trong phim Fracture (diễn viên chính Ryan Gosling, Anthony Hopkins) thì làm gì có tiền để đeo một chiếc IWC Porto. Anh cũng hay bình phẩm về BST đồng hồ “Iron man”, của Putin hay thói quen đeo đồng hồ của những chính khách, yếu nhân khác…

Chính anh đã khiến tôi có ý định viết về những người xung quanh ta, những nhân vật nổi tiếng, yếu nhân đeo đồng hồ gì, họ quan niệm thế nào về đồng hồ? Và trước khi các bạn đọc về Họ và đồng hồ! hãy cùng tìm hiểu Thú chơi thời gian – Bài 2: Đồng hồ & Lịch sử

Tiệp Nguyễn


 
Back to top