Phong cách / Đồng hồ

Thú chơi thời gian – Bài 2: Đồng hồ & Lịch sử

May 01, 2022 | By Ton Binh

Những cuốn lịch đầu tiên có thể đã xuất hiện từ cuối kỷ băng hà khi những người thợ săn dùng gậy và xương để đánh dấu tuần trăng và mùa. Những vòng tròn đá (như Stonehenge ở Anh) được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt là châu Âu thời tiền sử. Qua thời gian, con người đã phát minh ra hàng ngàn công cụ để đo đếm thời gian.

Thú chơi thời gian – Bài 1: Chúng tôi & Đồng hồ – LUXUO.VN

Dưới đây là những điều liên quan đến  đồng hồ gắn liền với các dấu ấn lịch sử của loài người.

Tên gọi đồng hồ tại Việt Nam

Đồng Hồ Lậu Khắc – 銅壺漏刻

Cái tên gọi đồng hồ khá thú vị và hiện tại nó chỉ tồn tại ở Việt Nam. Hiểu một cách nôm na, đồng hồ là một chiếc hồ (bình) bằng đồng dùng để đo thời gian bằng nước nhỏ giọt. Trong hình là chiếc đồng hồ cổ đại Á Đông thời Tây Hán, đào được ở Mãn Thành, Hà Bắc, Trung Quốc năm 1968. Chữ là Đồng Hồ Lậu Khắc 銅壺漏刻, nghĩa là cái hồ bằng đồng phía trên có cắm phù tiễn 浮箭 (que dài hình mũi tên có Khắc 刻 vạch, nổi trên mặt nước trong hồ), và vòi Lậu 漏 (tức là rỉ nước tỉ lệ với thời gian). Khi nước trong hồ đồng vơi dần do thẩm lậu ra ngoài thì số khắc trên que chỉ thị cũng giảm dần. Đếm số khắc sẽ biết giờ giấc.

Theo Hán Thư, thời này phù tiễn có khắc 120 vạch. Nghĩa là 1 khắc 刻 Tây Hán có (24h x 60 phút)/120 = 12 phút hiện nay. Các triều đại sau đó giảm xuống 100 vạch, tức 1 khắc bằng 14,4 phút. Đến đầu đời Thanh, do ảnh hưởng của thời kế phương Tây, Thanh triều ban bố Thì Hiến Thư qui định 1 ngày đêm chỉ có 96 khắc. Do vậy một khắc sẽ tròn 15 phút. Như vậy từ nguyên Đồng Hồ trong tiếng Việt có muộn nhất là cách đây trên 2000 năm và đã hoàn toàn mất dấu ở Trung Quốc.

Người Trung Quốc không còn dùng từ “đồng hồ” để chỉ các phương tiện đo thời gian. Hiện tại, họ gọi đồng hồ đeo tay là thủ biểu 手表; đồng hồ bỏ túi là hoài biểu 怀表 còn đồng hồ treo tường là thời chung 时钟.

Đồng hồ bóng đổ

Người Ai Cập cổ phát minh ra chiếc đồng hồ sử dụng một cột và tính toán thời gian dựa vào bóng đổ và các dấu hiệu khắc trên cột đứng đó. Tuy nhiên đồng hồ sử dụng bóng nhờ mặt trời nên không sử dụng được vào buổi tối hoặc khi trời âm u. Và họ lại phát minh ra một thiết bị đo thời gian gọi là merkhet. Merkhet là một chiếc gậy nhỏ được buộc thẳng đứng. Nơi thả chiếc gậy sẽ tương ứng với vị trí của sao Bắc cực và thời gian sẽ được tính toán dựa trên chuyển động của các tinh tú.

Đồng hồ nước

Có lý do để tin đồng hồ nước do người Ai Cập cổ phát minh ra đầu tiên. Chiếc đồng hồ nước cổ nhất được tìm thấy trong mộ của Amenemhet (một vị quan Ai Cậu sống ở thế kỷ 16 TCN). Có rất nhiều kiểu đồng hồ nước. Nhưng thường là một thiết bị đựng nước có lỗ nhỏ được đục để dòng nước chảy xuống thật đều, trên vật dụng đánh dấu khoảng cách để đo thời gian. Plato – nhà triết học Hy Lạp cổ đại cũng là người phát minh ra đồng hồ nước. Đồng hồ nước của Plato còn có thể báo thức. Đồng hồ nước cũng xuất hiện tại Trung Quốc từ thời nhà Ân. Sau đó có nhiều loại đồng hồ nước được cải tiến vào đời Hán (202 TCN) và kéo dài đến tận thời Tùy – Đường.

Đồng hồ cát

Đồng hồ cát cũng được cho là phát minh của người Ai Cập cổ. Cát được đóng kín trong một bình hai bầu thắt nhỏ ở giữa. Mỗi lần tính thời gian người ta quay ngược chiếc bình để cát từ từ chảy xuống. Kích cỡ của chiếc đồng hồ cát tỷ lệ thuận với độ dài thời gian.

Nhiều nền văn minh cổ trên trái đất sử dụng những hiện tượng thiên văn như mặt trời, mặt trăng để xác định ngày tháng và các mùa. Hiện tại người hiện đại sử dụng hệ thời gian 60 (1 giờ có 60 phút, 1 phút có 60 giây). Thực ra phương pháp đo thời gian hệ 60 đã xuất hiện từ 4000 năm trước tại vùng Mesopotamie (văn minh Lưỡng Hà – thuộc Trung Đông ngày nay) và Ai Cập; những hệ đo thời gian giống vậy cũng được phát triển sau đó ở vùng Trung Mỹ.

Đồng hồ nến

Không ai biết đồng hồ nến bắt đầu được dùng từ khi nào. Nhưng tại châu Âu nó được cho là dùng vào thời của vua Alfred vĩ đại (849-899). 6 cây nến làm từ 112gr sáp, mỗi cây nến dài 30cm được đặt trong một khung kim loại, trong khung đánh dấu mỗi 2.5cm. Mỗi cây nến cháy hết là 20 phút trôi qua.

Hương

Hương (hay nhang) cũng là một công cụ để tính thời gian được sử dụng từ trước CN. Người ta tính thời gian bằng cách tính số nhang đã đốt hay đoạn nhang đã cháy hết. Riêng tại Nhật Bản, các cô gheisa được trả tiền dựa trên số senkodokei (nhang) đã cháy hết trong thời gian họ phục vụ khách.

Đồng hồ thiên văn

Từ thế kỷ 11, nhà thiên văn học Tô Tụng đã tạo ra một chiếc đồng hồ thiên văn chạy bằng sức nước và đặt tại phủ Khai Phong. Vào thế kỷ 10 các nhà thiên văn Ả rập cũng tạo ra đồng hồ thiên văn chạy bằng sức nước và đến thế kỷ 13 thì được Al-Jazari hoàn thiện. Chiếc đồng hồ thiên văn của Al-Jazari có thể hiển thị đường hoàng đạo, quỹ đạo của mặt trăng. Nó cũng có thể đặt lại độ dài của ngày và đêm vào mỗi ngày.

Đồng hồ mặt trời

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Các nhà thiên văn Ả rập là những người phát minh ra đồng hồ mặt trời. Đồng hồ mặt trời là một đĩa tròn được chia làm 12 phần bằng nhau trên có một thanh kim loại và họ tính toán thời gian dựa trên bóng của thanh kim loại trên đĩa. Mỗi ngày được chia làm 12 phần bằng nhau như 12 tháng của năm. Vì vậy giờ cũng ngắn hơn vào mùa đông và dài hơn vào mùa hè.

Đồng hồ cơ khí

Ý tưởng về chiếc đồng hồ cơ khí hiện đại đã xuất hiện từ năm 1485 trên một bản vẽ tay của Leonardo da Vinci. Cho tới những năm 1500, Peter Henlein (người Đức) tạo nên chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên. Cho tới những năm 1600, việc có đồng hồ đã trở thành phổ biến. 1704, người ta bắt đầu sử dụng đá quý cho động cơ đồng hồ cơ khí. Đến 1780, Abraham Louis Perrelet phát minh ra máy tự động. Từ đó đến nay, có thêm nhiều phát minh cho đồng hồ cơ khí nhưng nguyên tắc hoạt động của loại đồng hồ này không thay đổi nhiều.

Đồng hồ điện tử

1957, Hamilton giới thiệu đồng hồ chạy pin đầu tiên trên thế giới. Đến năm 1970, Halmilton đưa “Pulsar” – chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên. Nhưng đến năm 1972, khi Longines và Senko giới thiệu LCD (màn hình tinh thể lỏng). Chiếc đồng hồ điện tử mới thực sự mang dung mạo của nó.

Đồng hồ nguyên tử

Người ta phát minh ra đồng hồ nguyên tử vào năm 1949. Chiếc đồng hồ điều chỉnh thời gian theo trạng thái dao động của nguyên tử. Tần số dao động của nguyên tử không đổi và đo được chính vì thế nên đồng hồ nguyên tử là loại đồng hồ chính xác nhất cho tới nay. Phần chính của đồng hồ nguyên tử là một máy cộng hưởng vi sóng. Máy có thể tự điều chỉnh tần số và so sánh với tần số bức xạ nguyên tử. Đồng hồ nguyên tử được dùng để đo chính xác thời gian, xác định và phối hợp các múi giờ và các hệ thống giờ. Đặc biệt nó dùng để đo thời gian xác định khoảng cách vệ tinh trong các hệ thống định vị như GPS (hệ thống định vị toàn cầu).

Tiệp Nguyễn


 
Back to top