STYLE / Beauty

6 thương hiệu thời trang bền vững cho phái đẹp

Apr 06, 2019 | By Trang Ps

Nhiều nhà thiết kế tài năng trên thế giới đang tập trung gầy dựng thương hiệu thời trang sinh thái và bền vững, cũng như mang ảnh hưởng tích cực đến môi trường và nhận thức của người tiêu dùng. 

KITX thời trang sinh thái silverkris

6 thương hiệu thời trang đến từ các quốc gia khác nhau dưới đây là những ví dụ điển hình trong cuộc cách mạng thời trang bền vững của thế kỉ 21.

1. Kowtow

Được Gosia Piatek thành lập vào năm 2007, Kowtow là một nhãn hiệu thời trang cam kết tạo ra sự thay đổi tích cực cho môi trường và trái đất. Họ luôn ý thức trong việc lựa chọn sợi tái tạo, quy trình sản xuất bền vững, mang đến những sản phẩm tối giản, thiết thực mà vẫn vô cùng nữ tính.

kowtow sinh thái thời trang silverkris

Đồ bơi là BST mới nhất của Kowtow.

Tất cả hàng may mặc của thương hiệu này đều được chứng nhận bởi các tổ chức phi lợi nhuận uy tín trên thế giới. Cơ quan kiểm toán và kiểm định độc lập luôn đưa ra những báo cáo minh bạch về giá trị của Kowtow. Đặc biệt hơn, nhãn hàng này còn thực hiện chế độ lao động công bằng và văn minh: không lao động trẻ em, thực hiện bình đẳng giới cũng như hợp tác chặt chẽ với cộng đồng trồng trọt, đảm bảo việc cung cấp sợi vải chất lượng.

Tất cả các chất liệu cotton của hãng đều được Fairtrade Labelling Organisation International (FLO) chứng nhận. Thương mại công bằng khuyến khích người nông dân thương lượng thẳng thắn với người mua để có mức giá tốt nhất cho cả hai bên. Mỗi mùa, những nhóm nông dân đạt chuẩn sẽ nhận thêm một khoản phí để chi cho các dự án cộng đồng như chi phí y tế, kế hoạch tưới tiêu tiết kiệm nước mưa, mua sách, quần áo cho trẻ em đến trường, chương trình đạo tạo, nâng cấp và giáo dục nông dân.

Trong suốt 12 năm qua, Kowtow đã phối hợp chặt chẽ với những nhà sản xuất có chứng nhận FLO tại Ấn Độ, tạo mối quan hệ gắn bó và ghé thăm các cơ sở sản xuất khoảng 2 lần trong năm.

Không dừng lại ở sợi thực vật, Kowtow còn lấy các nguồn len merino cao cấp được ZQ Merino chứng nhận từ New Zealand. Tiêu chuẩn đặt ra là đảm bảo người dân cam kết mức phúc lợi động vật, bảo vệ môi trường và duy trì trách nhiệm xã hội ở mức cao nhất. Tất cả đều được quy định ở bộ luật phúc lợi động vật năm 1999 và 2010.

2. KITX
KITX thời trang sinh thái silverkris

Trang phục nữ tính của KITX sử dụng sợi tái chế không độc hại.

KITX được nhà thiết kế người Úc Kit Willow thành lập khi cô mới bước sang tuổi 23.

KITX không phải hãng thời trang chạy theo xu hướng, và nhà sáng lập của nó cũng đã nhấn mạnh về điều này trong một chia sẻ thẳng thắn với báo chí. Kit mong muốn cho ra đời những sản phẩm may mặc gắn liền với thời gian, và tạo ra sự khác biệt từ sứ mệnh này.

Hãng luôn ý thức trong việc sử dụng các sợi vải an toàn cho môi trường và sợi tái chế từ các nguồn gốc có thể truy nguyên: chẳng hạn nắp chai PET được tái chế để trở thành vảy kim tuyến (dùng trên lớp vải cho óng ánh) hay cellulose được tái chế và sử dụng như cupro (một loại chỉ nhân tạo mịn và mềm) kết hợp với vải lanh và chuỗi hạt làm từ vỏ sò tự nhiên được thu nhặt từ quần đảo Solomon.

Nắp chai PET được tái chế để trở thành vảy kim tuyến (dùng trên lớp vải cho óng ánh) hay cellulose được tái chế và sử dụng như cupro (một loại chỉ nhân tạo mịn và mềm) kết hợp với vải lanh và chuỗi hạt làm từ vỏ sò tự nhiên được thu nhặt từ quần đảo Solomon.

Với những nhãn hiệu như KITX, nhà sáng lập rất kỹ tính và khó tính trong việc sử dụng và lựa chọn chất liệu. Chẳng hạn, họ thu mua hoặc sản xuất cotton hữu cơ từ hạt bông tự nhiên không hóa chất. Để đạt được điều này, có ba thứ cần được đảm bảo: nguồn nước sạch, sức khỏe người nông dân được đảm bảo và chất lượng đất đai được bảo vệ và quy hoạch tốt.

3. RUMI X
RumiX eco fashion silverkris

Quần áo thể thao Rumi X của thương hiệu này tốt cho sức khỏe người tiêu dùng lẫn môi trường.

RUMI X là nhãn hiệu thời trang Hồng Kông được thành lập từ năm 2014. Thương hiệu này thường sử dụng những chai nhựa tái chế được nấu chảy và sấy khô thành từng mảnh. Những mảnh này sau đó được kéo và dệt thành sợi co dãn bốn chiều.

Kỳ lạ hơn, RUMI X có thể chế tạo những chiếc áo thấm mồ hôi từ bã cà phê được tái chế, và ngay sau đó, thương hiệu tiếp tục cho ra những sợi chỉ hết sức sành điệu được sản xuất từ vỏ cua bỏ đi.

4. Studio Membrane
Studio membrane eco fashion silverkris

Các mảnh chiết trung của Studio Membrane được dán lại với nhau bằng nhựa không độc hại, có nguồn gốc động vật.

Lấy cảm hứng từ cách tư duy của giáo sư Timothy Morton, nhà sáng lập Hiroaki Tanaka của thương hiệu Studio Membrane đã đưa ra một ý niệm mới về sự kết nối giữa trang phục và cơ thể. Nhà thiết kế trẻ tài năng này tập trung vào trải nghiệm qua những cú chạm, nỗ lực đi sâu vào nhận thức mỗi người thông qua cách thiết kế sản phẩm.

Hiroaki cũng là người đã đưa ra lập luận về sự phối hợp cần thiết giữa nhà thiết kế với kỹ sư cũng như chuyên gia về môi trường để xây dựng ngành công nghiệp thời trang sinh thái cơ bản và đích thực.

Hiroaki đã tạo ra nghệ thuật ăn mặc dựa trên những chất liệu len có độ bền cao, có thể phân hủy sinh học và được dệt với nhau bằng “protein resin” (nhựa resin protein)

Thật vậy, với thương hiệu Studio Membrane của mình, Hiroaki đã tạo ra nghệ thuật ăn mặc dựa trên những chất liệu len có độ bền cao, có thể phân hủy sinh học và được dệt với nhau bằng “protein resin” (nhựa resin protein). Chất sừng (keratin) trong len khi bị làm nóng và nén sẽ biến đổi thành loại nhựa có nguồn gốc động vật không độc hại. Quá trình này giúp loại bỏ công đoạn khâu quần áo và giảm thiểu nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất.

5. Reformation
Reformation eco fashion SilverKris

Reformation đã tái chế 75% tất cả rác thải của họ và dự kiến tăng thêm 10%.

Reformation là thương hiệu thời trang Mỹ vượt ra khỏi chức năng bán lẻ để đi đến một sứ mệnh cao cả hơn, ấy là thời trang bền vững. Thời trang bền vững ở Reformation không chỉ được thể hiện ở vải vóc, trang phục mà còn ở cách sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, lao động, bán lẻ, thương mại điện tử,…

Điện được cung cấp 100% từ năng lượng gió và nhãn hiệu này sử dụng đèn LED cũng như các thiết bị đạt chuẩn sao quốc tế trong các văn phòng làm việc của mình. Họ tái chế, phân hủy rác thải hữu cơ và quyên góp phế liệu bất cứ khi nào có thể. Triệt để thực hiện mục tiêu “không lãng phí”, Reformation đã tái chế 75% rác thải của chính họ và dự kiến tăng thêm 10% để cán mốc 85%. Hơn ¾ đội ngũ nhân viên là phụ nữ và thuộc nhóm người dân tộc thiểu số.

Các chính sách phúc lợi xã hội được đảm bảo và thương hiệu này thậm chí còn khuyến khích nhân viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng cách cung cấp vé tàu điện ngầm cho họ.

Để đạt mục tiêu chuỗi cung ứng bền vững nhất, hãng phải đảm bảo các nhà cung ứng của mình thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn đạo đức xã hội và môi trường. Reformation tập trung tìm nguồn cung ứng địa phương, sẵn sàng sàng lọc tất cả các nhà cung cấp và giảm thiểu tối đa tác động môi trường do sản xuất mang lại.

6. Kilomet109
kilomet109 eco fashion silverkris

Kilomet109 hợp tác với nghệ nhân vùng dân tộc thiểu số để cùng sản xuất sợi vải.

Kilomet109 là nhãn hiệu thời trang cao cấp quy tụ những nghệ nhân địa phương cùng sáng tạo sản phẩm may mặc cho nam, nữ tại thị trường Việt Nam và châu Âu. Thương hiệu này được thành lập bởi NTK Vũ Thảo – người từng được tờ báo New York Times phỏng vấn về chủ đề “thời trang bền vững” vào năm 2017.

Có lẽ, Kilomet109 của Vũ Thảo là một trong những thương hiệu hiếm hoi theo đuổi thời trang bền vững tại Việt Nam. Vũ Thảo cũng là một trong những nhà thiết kế hiếm hoi đào sâu thời trang từ gốc đến ngọn, mà như chị đã nói, thừa hưởng ngành trồng trọt của mẹ và sự tỉ mẩn của bố, Vũ Thảo dần dà xây dựng đội ngũ nghệ nhân vùng cao và thường tổ chức những khóa học thời trang dài ngày ở đây.

Thương hiệu nổi tiếng với những mẫu trang phục màu chàm và NTK Vũ Thảo cùng đội ngũ đã phát triển 10 sắc thái màu khác nhau trong khi làm việc cùng các nghệ nhân vùng dân tộc thiểu số từ tỉnh Cao Bằng. Họ đã thử nghiệm vỏ cây, trầu, trà xanh,… để tạo ra các loại sợi nhuộm thực vật.

Nguồn: SilverKris


 
Back to top