STYLE / Beauty

ECOXURY: Thời trang bền vững: Sự thật hay chỉ là ngụy biện?

Nov 23, 2019 | By Trang Ps

Khi nói đến thời trang bền vững, những thương hiệu đa quốc gia không phải là thực thể duy nhất chịu trách nhiệm đảm bảo cách tiếp cận thân thiện với môi trường. Tuy trách nhiệm của nhà sản xuất là tạo ra sản phẩm xanh nhưng ý thức mua sắm của người tiêu dùng cũng gánh trọng trách tương đương.

Sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế thế giới đẩy mọi lĩnh vực kinh doanh theo xu hướng vội vã và nhanh tiện hơn. Vì thế, chúng ta đã hình thành nên ngành thời trang nhanh, nơi mọi thiết kế rẻ tiền xuất hiện chớp nhoáng trên hình ảnh quảng cáo rồi bước vào cửa hàng cho đến khi nằm gọn trong tay người tiêu dùng. Tâm lý của con người là ưa thích mới lạ và thế, những sản phẩm thời trang nhanh lên kệ với tốc độ vũ bão, đẩy lùi giấc mơ thời trang bền vững đi xa và xa hơn.

Thời trang bền vững: Sự thật hay chỉ là ngụy biện?

Không có gì là lạ khi các nhà bán lẻ thời trang nhanh giới thiệu sản phẩm mới nhiều lần trong một tuần, nhân rộng sản xuất với vật liệu chất lượng thấp, nhằm vượt mặt đối thủ cạnh tranh trong thị trường khốc liệt.

Thế nến, từ 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, thời trang nhanh được chia ra 52 mùa (tương đương 52 tuần) trong năm. Mỗi bộ sưu tập ra đều đặn mỗi tuần, và luôn luôn được trang bị thêm lượng hàng hóa dự trữ cao chót vót. Mặc dù các phương pháp này giúp cửa hàng không rơi vào tình trạng thiếu thiết kế, mục tiêu xa hơn vẫn là đảm bảo người tiêu dùng không bao giờ nhàm chán và mệt mỏi khi bước vào gian hàng của họ.

Tốc độ sản xuất tăng tốc cùng chi phí bán lẻ thấp đã dẫn đến một núi khổng lồ những sản phẩm kém, không nhất quán, thiếu tuổi thọ và cuối cùng sẽ nhanh chóng bị loại bỏ để thay thế bằng những sản phẩm chạy theo xu hướng khác. Mặc dù đây là mô hình kinh doanh tuyệt vời nhằm giữ chân người tiêu dùng nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng và không thể lường trước. Không chỉ người lao động bị làm việc quá sức với mức lương thấp mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Thời trang nhanh “đóng góp” ô nhiễm hàng đầu trong ngành thời trang nói chung và tạo ra ít nhất 5% tổng lượng khí thải toàn cầu. Ngành sản xuất dệt may tạo ra nhiều khí thải carbon hơn các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải. Với 1,2 tỷ tấn CO2 phát thải mỗi năm, sản xuất dệt may được xem là ngành công nghiệp hủy diệt nhất thế giới.

Do hậu quả của việc sản xuất tràn lan, một nghiên cứu tiết lộ rằng tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 11 triệu tấn quần áo chứa chì, thuốc trừ sâu và vô số hóa chất bị vứt đi mỗi năm.

60% hàng dệt được sử dụng trong ngành thời trang và phần lớn quần áo được sản xuất ở các quốc gia phụ thuộc vào nhà máy điện chạy bằng than như Trung Quốc, Ấn Độ – làm gia tăng lượng khí thải carbon của mỗi sản phẩm may mặc. Ngoài ra, do hậu quả của việc sản xuất tràn lan, một nghiên cứu tiết lộ rằng tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 11 triệu tấn quần áo chứa chì, thuốc trừ sâu và vô số hóa chất bị vứt đi mỗi năm.

Stella McCarrtney là một trong những thương hiệu thời trang bền vững nổi tiếng thế giới, với các sản phẩm may sẵn cho cả nam và nữ.  Được định hình lại từ những năm đầu thập niên 90, Stella được biết đến với những sản phẩm may mặc tự nhiên, sử dụng cashmere tái cấu trúc, len có nguồn gốc rõ ràng, bông hữu cơ và dệt tái chế. Stella McCartney cũng là thành viên chính thức của Ethical Trading Initiative, tích cực hợp tác với những tổ chức bảo tồn môi trường và phi lợi nhuận khác nhau.

Vào năm 2014, thương hiệu đã ra mắt một hệ thống ghi nhãn 5 bước đơn giản giúp người tiêu dùng chăm sóc và kéo dài tuổi thọ của quần áo thông qua việc chăm sóc hàng may mặc. Hệ thống này có tên là Clevercare, nhằm giảm thiểu sự lãng phí của người tiêu dùng, xem xét lượng khí thải carbon tiềm năng của thương hiệu tại mọi địa điểm trong vòng đời của sản phẩm.

Tập đoàn Kering của Pháp cũng đang nỗ lực theo đuổi sự bền vững. Vào tháng 9 năm nay, Kering đã ký cam kết trở thành đơn vị trung tính carbon trong các hoạt động trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Các thương hiệu thuộc tập đoàn bao gồm Gucci, Yves Saint Laurent, Bottega Veneta, Alexander McQueen… hướng đến mục tiêu giảm thiểu lượng khí nhà kính từ năm 2018.

Theo đó, Gucci cùng Kering sẽ hoàn thành mục tiêu bền vững thông qua các dự án của REDD+ để bảo tồn khu rừng quan trọng, đảm bảo đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng địa phương.

Bất chấp những sáng kiến đáng kể của các thương hiệu tên tuổi, các nhà phê bình và chuyên gia đã cáo buộc một số đơn vị lạm dụng cụm từ “bền vững, xanh” để truyền thông trong khi bản chất thì chưa thực sự thay đổi.

Những buổi trình diễn thời trang đình đám trung tính carbon đã được thiết lập, từ show diễn của Gabriela Hearst tại Tuần lễ thời trang New York, đến Burberry ở London hay Gucci ở Milan.

Tuy nhiên, các chuyên gia cao cấp của Tập đoàn may mặc cho biết mặc dù một số thương hiệu cam kết trở thành đơn vị trung tính carbon nhưng chưa hẳn thương hiệu ấy đã bền vững. Ví dụ, cắt giảm nhựa sử dụng một lần chỉ là một yếu tố bền vững nhỏ, không là gì so với khía cạnh nhân đạo khi 90% công nhân may mặc trên thế giới đang bị yếu thế và đối xử không công bằng trong điều kiện tù túng của nhà máy.

Một mặt, ngành công nghiệp thời trang phải chịu áp lực luôn luôn đổi mới, mặt kia lại bắt buộc phải duy trì. Nếu bạn đặt hai mục tiêu đó cạnh nhau, chúng sẽ chống lại nhau.

Vanessa Friedman, cựu biên tập viên của Financial Times và Giám đốc – nhà phê bình thời trang mới được bổ nhiệm của New York Times, đã chỉ ra những ngụy biện của thời trang bền vững trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thời trang Copenhagen vào tháng 4 năm nay.

Phơi bày những mâu thuẫn của cụm từ “bền vững”, Friedman đã xua tan nó như một ý nghĩ sai lầm: “Một mặt, ngành công nghiệp thời trang phải chịu áp lực luôn luôn đổi mới, mặt kia, lại bắt buộc phải duy trì. Nếu bạn đặt hai mục tiêu đó cạnh nhau, chúng sẽ chống lại nhau”. Từ đó cô khuyến khích mọi người nên trao đổi quần áo cho nhau để tạo ra những phong cách thời trang mới mẻ thay vì mua tràn lan.

Các giải pháp của Friedman cũng phù hợp với tầm nhìn của nhãn hiệu thời trang sinh thái Asket – thương hiệu hoạt động với sứ mệnh duy nhất: thời trang chậm – tạo ra quần áo có tuổi thọ cao. Cái tên Asket cũng có nghĩa là: “Một kẻ không ngông cuồng và có sự tiết chế”. Hãng đã xây dựng mô hình sản xuất vừa phải, tôn trọng quyền lao động công bằng, nguyên liệu tự nhiên và hàng may mặc lâu dài.


Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – chương trình LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ khởi xướng, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động vào tháng 8.2019


 
Back to top