STYLE

No Concept: Khác biệt từ niềm vui

Feb 10, 2024 | By Nguyen Huu Hon

Điểm khác biệt mà No Concept mang đến cho khách hàng không chỉ về sản phẩm, mà còn là niềm vui trong hành trình tư vấn, dịch vụ chăm sóc từng người khi đến với thương hiệu.

Cám ơn anh Phan Anh Bùi đã nhận lời phỏng vấn của Men’s Folio Vietnam. Đầu tiên, chúng ta sẽ nhắc đến hành trình đến với thời trang của anh?

Từ thưở nhỏ, tôi luôn để tâm đến quần áo, nhưng việc bắt đầu có sự định hình rõ ràng cho niềm đam mê với thời trang đến từ những năm đại học. Vào năm nhất đại học, tôi cũng như nhiều bạn khác, thích mặc trang phục thùng thình. Sang năm thứ hai, tôi có môn học bắt buộc sinh viên phải mặc trang phục business đến lớp. Lúc đó, bản thân nghĩ rằng dù có 10 năm nữa, cố gắng lắm cũng không còn mặc kiểu đồ quá khổ như thế nữa? Nếu vậy những bộ quần áo này chẳng còn dùng, nên tôi quyết định thay cả tủ quần áo.

Tôi luôn yêu thích cái đẹp nói chung và thời trang nói riêng, nhưng tôi đã chọn classic menswear để bắt đầu vì nó có rất nhiều luật lệ. Tôi cho rằng, đây là lựa chọn nền tảng tốt, giống như một cái khung, để từ đó khai phá sâu rộng hơn thế giới thời trang.

Một chút về sự ra đời của thương hiệu, tại sao lại là No Concept mà không phải một nhãn hàng khác? No concept có ý nghĩa như thế nào với anh?

Khi lựa chọn cái tên này, chúng tôi có hai góc nhìn. Thứ nhất là chúng tôi muốn mô hình có khả năng chuyển đổi cơ động, phù hợp với từng thời điểm của thị trường, đồng thời có thể trưởng thành cùng khách hàng thay vì “mắc kẹt” ở một phong cách cố định. Thứ hai với nền tảng là trang phục nam cổ điển, những thương hiệu và sản phẩm tôi lựa chọn dù có thể oversize, có hơi hướng workwear, military hay urban thì đều ít nhiều dựa trên nền tảng này. Tôi thấy điều đó cho phép chúng có tính triển khai và ứng dụng cao, phù hợp với sự đa dạng trong phong cách.

Dù khách hàng theo đuổi hình ảnh nào cũng có thể tìm thấy điều gì đó tại No Concept, chưa kể đến các sản phẩm và dịch vụ khác như sách, nội thất và không gian triển lãm. Chúng đều dễ dàng thích nghi và phù hợp với nhiều phong cách sống của các nhóm khách hàng khác nhau. Nói thế không đồng nghĩa với việc No Concept không có cá tính riêng. Sự vui vẻ, hài hước, song hành cùng chất lượng sản phẩm và tư vấn ở mức cao nhất luôn là giá trị cốt lõi xuyên suốt của No Concept.

Để góp phần đem lại sự hoàn hảo tuyệt đối cho các sản phẩm trước khi đến tay khách hàng, tôi thấy No Concept cũng mang đến cho họ nhiều trải nghiệm hơn chỉ là mua sắm với dịch vụ tư vấn, giúp giải đáp những thắc mắc thường nhật của khách hàng về chuyện ăn mặc, anh Phan Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Trước hết, cần khẳng định rằng những người bán hàng có khả năng tư vấn chuyên sâu là chuyện đương nhiên phải có. Đây là điều luôn đảm bảo ở mọi doanh nghiệp tôi từng đồng hành, không chỉ riêng No Concept. Tôi thấy dù kinh doanh sản phẩm nào thì đây cũng nên là yêu cầu tối thiểu. Khách hàng cần một người họ tin tưởng, giúp giải quyết những vấn đề họ gặp phải, chứ không chỉ là người bán sản phẩm đơn thuần. Việc đẩy công tác tư vấn, giải đáp cho khách hàng trên các nền tảng thành một dịch vụ trải nghiệm rõ ràng đến từ 2 lý do chính. Đầu tiên, tôi cùng đội ngũ luôn có tôn chỉ ngoài việc mua bán, hãy cố gắng cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt nhất trong khả năng của mình. Khách hàng “nuôi sống” chúng tôi, vì vậy No Concept luôn muốn tri ân họ mỗi lần tiếp xúc chứ không chỉ khi có chương trình hay chiến dịch nào đó.

Thứ hai, ngoài công việc chính tại No Concept, tôi vẫn thường xuyên nghiên cứu và chia sẻ các bài viết trên blog cá nhân. Các độc giả vẫn thường xuyên tìm đến tôi khi cần tư vấn hay giải đáp bất cứ thắc mắc nào liên quan đến thời trang nam giới. Ở No Concept, tôi chỉ hoàn thiện điều này để mang đến một phiên bản dịch vụ chuyên nghiệp hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính cá nhân và có phần hài hước gửi đến khách hàng như một món quà. Chúng tôi quan trọng nhất vẫn là niềm vui, bởi việc này giúp thương hiệu có cá tính khác biệt hơn các nhãn hàng khác. Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, mọi sự độc đáo với chiều hướng tích cực đều quan trọng và nên được khai thác. Năng lực biến sự chân thành với khách hàng thành hành động là một ví dụ và chúng tôi tự hào về điều đó.

Tầm nhìn của một cửa hàng đa trải nghiệm mà anh từng chia sẻ có nghĩa như thế nào?

Đối với tôi, một concept store phải thoả mãn 2 điều kiện. Đầu tiên phải có nhiều hơn 1 trải nghiệm. Thứ hai là bắt buộc cửa hàng đó phải có một cá tính rõ ràng, định hướng xuyên suốt về câu chuyện ý tưởng. Tại No Concept, khách hàng sẽ “được ăn, được nói, được gói mang về” một cách thú vị và nhiều cảm xúc với sự đồng hành, trợ của đội ngũ nhân viên.

Việc mua sắm trực tuyến ngày nay diễn ra dễ dàng và ngày càng được cải tiến để trở nên thuận tiện hơn cho người mua, nhưng điều này lại gây sức ép lên những mô hình kinh doanh có cửa hàng vật lý, buộc những cửa hàng bán lẻ phải tạo nên sự khác biệt để hấp dẫn khách hàng trở lại với việc mua sắm bằng hình thức thông thường. Tôi luôn trân trọng việc trò chuyện trực tiếp giữa người với người, nên bản thân hiểu khách hàng mong chờ điều gì ở một cửa hàng thực thụ. Vì thế chúng tôi đã cố gắng đáp lại nhiều hơn thế bằng việc mở một cửa hàng đa trải nghiệm, nơi mà mua sắm sẽ chỉ là một phần trong hành trình của khách hàng.

Anh đánh giá thế nào về lợi thế hay bất lợi trước những đối thủ cạnh tranh? Đặc biệt, khi nhiều đối thủ sử dụng hình thức KOLs, nghệ sĩ để quảng bá còn ở No Concept tôi nhận thấy điều này không quá được chú trọng, anh có thể chia sẻ về quan điểm riêng của mình?

Chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi và xuyên suốt giúp chúng tôi vận hành No Concept. Các thương hiệu được chúng tôi phân phối đều là những cái tên không phổ biến, nhưng có chất lượng cao và câu chuyện độc đáo. Chúng tôi muốn khách hàng nhớ đến No Concept như một địa chỉ họ nghĩ đến khi có nhu cầu tìm những món đồ mang tính thẩm mỹ, cảm giác mặc thoải mái, tính ứng dụng cao và chắc chắn đủ độ bền để đồng hành cùng họ lâu dài, không theo xu hướng nhất thời.

Mỗi khách hàng hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của No Concept là chúng tôi lại có thêm một ‘KOLs’ trong chính cộng đồng nhỏ của họ. Tôi cần những trải nghiệm, review thật được truyền tải chứ không phải một người được thuê để “bảo gì nói đấy”. Tôi muốn khách hàng đến với No Concept vì năng lực nội tại của thương hiệu.

Ngày nay, thị trường thời trang nội địa phát triển khá mạnh mẽ và một chỗ đứng nhất định trong tủ đồ của khách hàng. No Concept có cảm thấy đây là một thách thức? Nếu có, thương hiệu có những giải pháp gì cho việc này?

Chúng tôi có một thương hiệu khác là Gare de Frank, vận dụng những kiến thức và kĩ thuật chúng tôi tích luỹ trong nhiều năm, chú trọng vào chất liệu để làm ra những sản phẩm cơ bản như quần tây, áo sơ mi và phụ kiện cho nam giới với chất lượng cao hơn hẳn.

Nếu là 5 năm trước, tôi sẽ không dám làm một thương hiệu nội địa như Gare de Frank. Sự bùng nổ của các hãng nội địa là tín hiệu đáng mừng với ngành thời trang Việt. Chúng tôi không coi điều này là thách thức, bởi mỗi hãng sẽ có phân khúc khách hàng riêng. Một thị trường lành mạnh nên sôi động và cạnh tranh tích cực. Đây là cơ sở để tính sáng tạo, phương thức hoạt động mới được đẩy mạnh, thị trường phát triển và doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Ảnh: Giang Lê


 
Back to top