Phong cách

The Quiet Luxury (Kỳ 6): Bottega Veneta – Kẻ giữ “danh dự” cho “Sự xa xỉ thầm lặng”

Apr 24, 2023 | By Bảo Châu

Sự “sang trọng tĩnh lặng” ngày càng được thể hiện qua những lựa chọn trang phục, và nó cũng có thể là thuật ngữ chuẩn mực nhất thể hiện tôn chỉ của những nhà mốt danh tiếng, điển hình như Bottega Veneta.

“Quiet Luxury”, sự xa xỉ thầm lặng này thường được gắn với thế giới thời trang vốn muôn hình vạn trạng. Trong thế giới đó, sự xa xỉ nhưng không phô trương này thể hiện ở những món đồ không có hình ảnh của chiếc logo bóng bẩy, những dấu ấn thương hiệu được in khắp trang phục, và tất cả chỉ dồn sự tập trung vào chất lượng sản phẩm.

“Quiet Luxury” trong thời trang

Nhưng khái niệm “Quiet Luxury” không đơn giản như vậy, bởi việc một sản phẩm mang sự “sang trọng tĩnh lặng”, nó không đơn thuần chỉ là lược bỏ chiếc logo (như một điều gì đó thừa thãi trên trang phục), mà phải là một thiết kế mang bản sắc thương hiệu hay được sử dụng bằng một loại chất liệu đặc biệt tạo ra được những đường nét sắc sảo, dáng hình của thiết kế. “Quiet Luxury” ở thời hiện đại cũng có sự khác biệt đôi chút với những định nghĩa rập khuôn đang được phổ quát hoá nhờ vào người chơi TikTok. Nếu như sự thầm lặng ở vế đầu được định nghĩa từ sự nghiên cứu về chất liệu, kỹ thuật xử lý bề mặt vải của những thương hiệu khiến món đồ bình thường, trở nên bất thường (theo chiều hướng tích cực), đặc biệt là tinh hoa của món đồ sang trọng nhưng khiêm nhường đều nằm ở độ đắt tiền của chất liệu, kỹ thuật xử lý vải, màu nhuộm, thiết kế độc bản hay những phát kiến xuất chúng chưa từng có trong ngành thời trang.

“Quiet luxury” còn là định hướng sống rõ ràng, tồn tại theo năm tháng, chứ không phải xu hướng để bắt chước. Cứ diện hết những món đồ cơ bản thông thường không đồng nghĩa với việc người mặc bộ đồ đó thể hiện được tiếng nói thời trang của mình. Cuối cùng, “Quiet Luxury”cũng một phần đến từ những khách hàng, người dùng trải nghiệm sản phẩm. Cách lựa chọn diện mạo cho bản thân từ các thương hiệu xa xỉ xuất phát từ một nhu cầu trang phục tối giản hơn, và điều này luôn đến từ chính phong cách sống của họ cũng như những giá trị họ theo đuổi.

Bottega Veneta và sự xa xỉ thầm lặng

Từ khi Daniel Lee mang đến những cú lội ngược dòng cho Bottega Veneta hay cách Matthieu Blazy tạo nên triều đại cho chính mình ở nhà mốt nước Ý, cả hai đều hướng đến sự trung thành với bốn giá trị cốt lõi mà thương hiệu muốn truyền tải về sự xa xỉ của mình: nguyên liệu thượng hạng, chế tác công phu, thiết kế tối giản tinh tế vượt thời gian cùng công năng hữu dụng ở trong các sản phẩm, đặc biệt là sự đổi mới hình ảnh của mình đi cùng với thời đại. Bottega Veneta chẳng khác gì hình ảnh một quý cô đang ở độ tuổi đằm thắm, mặn mà và không phô trương như cái cách mà thương hiệu nước Ý đang chọn cho mình con đường “Quiet Luxury”.

Daniel Lee có khả năng khéo léo tận dụng thế mạnh vốn có của Bottega Veneta là chế tác da trong sự phá cách hiện đại. Anh vẫn giữ khái niệm về dấu ấn xa xỉ của nhà mốt là kỹ thuật đan da Intrecciato cùng với việc đa dạng hoá mẫu mã với những thiết kế khác dù không dùng kỹ thuật đặc trưng của thương hiệu để thể hiện sự sang trọng dành cho người mặc. Nói về kỹ thuật chế tác da Intrecciato, thì đây được xem là thông điệp giúp những người trong giới thượng lưu nhận ra nhau và chia sẻ rõ hơn đây là kỹ thuật đan những dải da mảnh vào một mảng da lớn để tạo độ cứng cáp và bền bỉ cho bề mặt chất liệu. Dấu ấn của Daniel Lee ở Bottega Veneta gợi nhiều liên tưởng đến xu hướng “Quiet Luxury” khi thể hiện những đặc tính mềm mại và gợi cảm được thể hiện ở những tỷ lệ độc đáo trên trang phục của thương hiệu, đảm bảo tính logic trên từng thiết kế. Đường viền cổ áo, váy da và quần da chính là cách anh khoe được kỹ thuật chế tác da xa xỉ của Bottega. Những chiếc chân váy, áo khoác với họa tiết ô vuông đều nhau như được phóng to từ chiếc Knot kinh điển của nhà mốt Ý.

Daniel Lee

Những đường may phô diễn sự chắc chắn với hàng dệt kim đầy tính quyết đoán. Đường cắt dứt khoát tạo nên sự mạnh mẽ cho người phụ nữ khi khoác lên người những chiếc đầm da cổ ngang. Từ khăn tay vuông cài túi áo đến những đường cắt đan tinh tế để lộ cổ tay là bằng chứng cho thấy rằng Lee chú tâm đến tiểu tiết. Những chiếc áo len, đầm len khuyết ở eo hay áo khoác lược bỏ cổ áo với phom dáng dựng theo khối hình học đều đến từ sự trải nghiệm của Lee về xu hướng thời trang đương đại, chất tối giản hiện đại mà giới thượng lưu đang cần. Giới thượng lưu thật sự có thể đang ngày càng cần những gì thầm lặng và Bottega cũng thầm lặng như cái cách mà họ muốn, Daniel cũng tạo nên một sự bí ẩn cho thương hiệu, khi hơn 2,5 triệu người theo dõi trên Instagram rời khỏi mạng xã hội. Daniel Lee đã chọn từ bỏ hoàn toàn sự hiện diện trên mạng xã hội. Thay cho Reels, TikToks và Stories, nhà mốt Ý trước đây đã thử nghiệm một ứng dụng iPhone độc quyền, trên đó nó chia sẻ nội dung chỉ về thương hiệu. Những ai muốn hiểu “Quiet Luxury”, sự thầm lặng thì sẽ có cách riêng để tìm hiểu.

Khi Daniel Lee rời khỏi Bottega, nhiều người đặt câu hỏi ai sẽ đủ sức tiếp nối câu chuyện sự xa xỉ này của Bottega nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại? Và Matthieu Blazy đã đến và làm tốt hơn những gì người ta kỳ vọng về anh. Blazy chứng tỏ tầm nhìn vượt thời gian của bản thân với những thiết kế tôn vinh tay nghề thủ công tinh xảo, mang tính ứng dụng cao, và đặc biệt là tôn vinh kỹ thuật chế tác da thượng thừa trong một phong cách thời trang gọn gàng, sắc sảo và hiện đại. Bộ sưu tập đầu tiên ra mắt của anh đã chứng tỏ được điều đó, chứng minh về cách anh đủ sức nhìn nhận về sự “Quiet Luxury” mà Bottega hướng theo trong suốt hành trình của mình. Người mẫu xuất hiện trong một chiếc áo tank top trắng phối cùng quần jeans tưởng chừng đơn giản, Nhưng ai cũng phải thán phục rằng Matthieu Blazy đã biến chiếc áo tank-top thường làm bằng chất liệu cotton trở thành một tác phẩm xa xỉ đúng nghĩa với cách xử lý chất liệu da thật. Sự “im lặng” của Matthieu Blazy mở ra một thời kỳ, người người nhà nhà phải săn lùng những sản phẩm không chạy theo xu hướng chung trong một sự tĩnh lặng không phô trương.

Bộ sưu tập ra mắt của Blazy tại Bottega

Sự tiếp nối của các kỹ thuật đan da điêu luyện trên thiết kế Bottega Veneta tiếp tục giúp thương hiệu khẳng định tuyên ngôn về sự xa xỉ thầm lặng. Chất liệu da còn được Matthieu hào phóng sử dụng xuyên suốt bộ sưu tập. Những trang phục trông giống như làm bằng denim, flannel, cotton thực chất đều làm bằng da. Đây chính là đỉnh cao của phong cách ăn mặc xa xỉ đầy tính hiện đại.

“Quiet Luxury” của Matthieu còn là những Silhouette lạ mắt được thể hiện khéo léo qua cách sắp đặt chất liệu, đường may sắc nét với kỹ thuật cắt rập độc đáo bằng những góc nhìn mới lạ, nhưng vẫn đáp ứng cho người mặc về sự thoải mái và đặc biệt chính là tạo nên tính bền vững, thể hiện trình độ hiểu biết và gu thẩm mỹ của khách hàng. Cuộc chơi với dáng hình còn được Matthieu sử dụng trên phom dáng phồng nhẹ như chiếc kén của loạt áo khoác hải quân peacoat, người xem cũng có thể bắt gặp chút gì của Matthieu tại Maison Margiela trên thiết kế đầm rã mảnh, ghép từ nhiều mảng họa tiết. Từ cô người mẫu trong chiếc quần giả denim, được làm từ da nubuck mềm và in mô phỏng denim đến việc đeo chiếc túi Kalimero trên vai – một kiệt tác thủ công, da được đan thủ công theo kỹ thuật Intrecciato vô cùng độc đáo đã cho thấy chất liệu được xử lý tỉ mỉ với kỹ thuật riêng biệt để đạt tới độ siêu nhẹ, dày dặn, kết cấu độc đáo theo sự uyển chuyển theo từng bước đi, trên cả trang phục nam và nữ.

Bottega Veneta về bản chất là thực dụng với niềm kiêu hãnh về một thương hiệu chế tác đồ da chọn cho mình con đường đi riêng, Bottega Veneta là tuyên ngôn về tính độc lập cùng sự bản lĩnh của những con người sở hữu món đồ xa xỉ. “Quiet Luxury” của Bottega là một thứ thẩm mỹ không đòi hỏi sự định danh, định giá từ xã hội. Khi bạn thuộc về tầng lớp thượng lưu đúng nghĩa, bạn sẽ chẳng cần phải khoa trương sự đẳng cấp bằng những câu chuyện ầm ĩ. Bởi, điều gì bạn làm cũng có thể được gắn mác xa xỉ. Hãy để thời trang trở thành cách thức nói lên sự sang trọng toát ra bằng một sự lặng lẽ, những thứ giá trị càng cao lại càng khiêm nhường hơn.

Bài: Thái Khang Phạm


 
Back to top