LUX STYLE / Beauty

Vì sao chiếc áo khoác Chanel chính là một biểu tượng vượt thời gian?

May 06, 2020 | By Hai Yen

Được đặt trang trọng giữa kho tàng di sản đồ sộ của nhà mốt nức danh Paris, chiếc áo khoác Chanel đã trở thành biểu tượng không thể thay thế của thương hiệu nói riêng và thế giới thời trang nói chung.

Cùng Luxuo.vn điểm lại lịch sử của áo khoác Chanel có hơn 90 năm tuổi, kể từ ngày chính thức ra mắt.

Giải phóng cơ thể người phụ nữ

Năm 1925, Gabrielle “Coco” Chanel giới thiệu ý tưởng đầu tiên về một bộ trang phục dành cho nữ giới, với những đường nét mạnh mẽ từ trang phục thể thao của nam tại salon 31 Rue de Cambon. Bản thân bà cũng rất yêu thích việc mặc quần áo của người bạn trai lúc bấy giờ, Công tước xứ Westminster, vì bà cảm nhận rằng nam phục thoải mái hơn thời trang phụ nữ thời tiền chiến.

Chanel giới thiệu một trong những mẫu áo khoác Chanel đầu tiên năm 1929

Chanel giới thiệu một trong những mẫu áo khoác Chanel đầu tiên năm 1929

“Tôi luôn quan tâm đến phụ nữ, tôi muốn thấy họ diện một bộ suit thoải mái nhưng đầy nữ tính.” Gabrielle chanel

Chanel luôn muốn tìm cách giải phóng phụ nữ khỏi chiếc áo nịt và váy dài luộm thuộm phổ biến trong thời kỳ Belle Époch (được định nghĩa là giai đoạn từ năm 1871 cho đến Thế chiến thứ nhất năm 1914). Chanel mời gọi phụ nữ hãy thể hiện sự thanh lịch trong khi vẫn cho phép họ chuyển động thật tự do trong trang phục.

New Look với kiểu dáng chiết eo và phần dưới xòe nhẹ như một búp hoa tôn vinh những đường cong vàng và nét nữ tính tột đỉnh của kỷ vàng son xưa cũ

New Look với kiểu dáng chiết eo và phần dưới xòe nhẹ như một búp hoa tôn vinh những đường cong vàng và nét nữ tính tột đỉnh của kỷ vàng son xưa cũ

Năm 1947, Christian Dior, đấng sáng lập trường phái New Look với kiểu dáng chiết eo và phần dưới xòe nhẹ như một búp hoa tôn vinh những đường cong vàng và nét nữ tính tột đỉnh của kỷ vàng son xưa cũ. Điều này “tấn công” trực diện vào quan điểm giải phóng phụ nữ khỏi những bộ đầm hình đồng hồ cát của Chanel. Đáp lại, bà nói rằng: “Dior không may đồ cho phụ nữ, ông ấy đang chiều chuộng họ”.

Được may từ loại vải có nguồn gốc đặc biệt

Thương hiệu Chanel đã sáng tạo ra vô số mẫu vải tweed độc quyền mang họa tiết khác nhau từ những chất liệu cao cấp

Thương hiệu Chanel đã sáng tạo ra vô số mẫu vải tweed độc quyền mang họa tiết khác nhau từ những chất liệu cao cấp

Thông qua các sợi dọc, ta có thể dệt ra vô vàn loại vải khác nhau với những đường chỉ ngang khác nhau

Thông qua các sợi dọc, ta có thể dệt ra vô vàn loại vải khác nhau với những đường chỉ ngang khác nhau

 

Vốn dĩ là loại vải dùng cho trang phục thể thao, vải tweed ban đầu được coi là loại vải rẻ tiền, không quyến rũ và được sản xuất tại các nhà máy twill ở Scotland. Chính Coco Chanel đã phát hiện ra sự đa dạng của loại vải này. Bằng niềm đam mê, Chanel quyết tâm nữ tính hóa nó khi thay đổi chất sợi, màu sắc và hoa văn dệt, từ đó chúng ta có thể tạo ra muôn vàn loại vải tweed khác nhau. Điều này đã gây tiếng vang lớn đến nỗi những chiếc áo khoác Chanel mỏng nhẹ với khuôn cổ tròn được giới báo chí yêu thích và đặt bút định danh “Đồng phục cộp mác Chanel”; đặc biệt là tấm ảnh bìa tạp chí của nữ diễn viên Ina Claire mặc áo khoác Chanel in năm 1924. Bà đã mở ra cuộc chinh phục của các “nhà thám hiểm Pháp” đối với loại chất liệu ít được biết đến đang ngủ yên ở tận miền Bắc nước Anh.

Gắn liền với phong trào Nữ quyền thế kỷ 20…

Siêu mẫu Pháp Marie Helene Arnaud trong thiết kế áo khoác Chanel

Siêu mẫu Pháp Marie Helene Arnaud trong thiết kế áo khoác Chanel

Và cứ thế, bộ áo khoác của Chanel đóng góp đáng kể vào phong trào Nữ quyền lần thứ nhất đầu thế kỷ 20. Sau đó, chàng trai hào hoa nổi tiếng với những đường kéo thiên tài, Yves Saint Laurent, bước lên vũ đài thời trang năm 1966 với bộ tuxedo “Le Smoking” phóng khoáng đã định hình thẩm mỹ của thương hiệu cho đến ngày nay. Bộ trang phục nhấn mạnh vào ý tưởng giải phóng tình dục cho phong trào Nữ quyền lần thứ hai, nổ ra vào thập niên 60. Nó đã phá tan định kiến về giới và nhiều cơ sở công cộng đã chịu cho phụ nữ mặc quần dài bước vào.

"Le Smoking" Tuxedo

“Le Smoking” Tuxedo

Saint Laurent không dừng lại ở đó, ông còn hướng đến ý tưởng về quan hệ tình dục giữa phụ nữ với nhau. Việc giải phóng và trao quyền cho phụ nữ ban đầu đã được Chanel đưa vào chiếc áo khoác Chanel, nhưng kết hợp nó với những suy nghĩ tiến bộ về quan hệ tình dục một cách khiêu khích đối với phụ nữ vốn dĩ không nằm trong tầm nhìn của Chanel.

…Và cả những sự kiện đau thương

 Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy với bộ trang phục Chanel màu hồng vào ngày chồng bà Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị ám sát ở Texas năm 1963

Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy với bộ trang phục Chanel màu hồng vào ngày chồng bà Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị ám sát ở Texas năm 1963

Áo khoác Chanel ngày càng thu hút sự chú ý của những phụ nữ có tầm ảnh hưởng với cộng đồng. Một trong số đó là Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy với bộ trang phục Chanel màu hồng vào ngày chồng bà Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị ám sát ở Texas, năm 1963. Bộ đồ đôi màu hồng dâu từ bộ sưu tập Chanel Haute Couture Thu – Đông 1961, được hoàn thiện với chiếc mũ hình hộp theo phong cách Jackie O kinh điển. Nhiều tranh cãi nổ ra khi có những ý kiến cho rằng bộ đồ ban đầu được sản xuất bởi Chez Ninon vào năm 1961. Sau đó, sự thật được hé lộ, trang phục này là một sản phẩm thuộc dòng Line-for-line của Chanel, thương hiệu đã cung cấp chất liệu cho Ninon để sản xuất trên đất Mỹ. Bộ trang phục đã in sâu vào tâm trí người Mỹ khi sự kiện này được truyền hình trực tiếp toàn quốc. Chín năm sau khi mẹ qua đời, Caroline Kennedy dành tặng nó cho chính phủ và bộ trang phục năm xưa giờ đây được đặt trang trọng tại Bảo tàng Lưu trữ Quốc gia.

Một bản làm lại của trang phục được tạo ra vào năm 2016 cho Natalie Portman trong bộ phim “Jackie” bởi nhà thiết kế trang phục Madeline Fontaine. Đội ngũ của Chanel đã hỗ trợ tái tạo bộ trang phục bằng cách cung cấp chất liệu, bao gồm các nút, dây chuyền cũng như cho phép bộ phim ghi nhãn Chanel.

Kỹ thuật may đo bậc thầy

Bản phát thảo của Karl cho một mẫu áo khoác Chanel

Bản phác thảo của Karl cho một mẫu áo khoác Chanel

Quan sát kỹ các chi tiết, bạn sẽ hiểu được lý do vì sao đây là biểu tượng của thời trang cao cấp. Trước nhất, mỗi chiếc áo phải tuân theo quy tắc riêng của Chanel: Vẻ thanh lịch phải đi kèm với sự tự do di chuyển. Một chiếc áo khoác Chanel Haute Couture mất khoảng 130 tiếng để tạo ra. Một vị khách không ngại nhìn những tag giá 5 chữ số và vượt qua vòng xét duyệt của nhà mốt sẽ được đội ngũ của Madame Jacqueline, đứng đầu một trong 4 xưởng may lớn nhất của Chanel, lấy số đo trực tiếp. Tuyệt đối không được phép lấy dưới 30 phép đo trên cơ thể khách hàng, và sau đó một mannequin sẽ được tạo ra theo số đo ấy.

Các điều chỉnh được người thợ thực hiện cho đến khi đạt được hình dáng chuẩn xác nhất với phần eo cao hơn, vừa vặn hơn, đặt tay áo cao hơn giúp dễ dàng chuyển động. Đây chính là bí mật của Chanel Haute Couture được tư truyền qua từng thế hệ.

Chân dung Madame Jacqueline, một trong những thợ may chính của Chanel

Chân dung Madame Jacqueline, một trong những thợ may chính của Chanel

Bản thảo ban đầu được vẽ bởi giám đốc sáng tạo, các thợ rập sẽ đọc, phân tích và dựng thành bản rập hoàn chỉnh. Một bộ trang phục được dựng mẫu bằng vải muslin theo thiết kế trên bản vẽ với khoảng 18 mảnh khác nhau. Sau đó, nó chờ được Giám đốc sáng tạo kiểm tra và chỉnh sửa, chọn loại vải… Tất cả đường may ráp nối được khâu bằng tay, bởi chỉ có khâu bằng tay mới thể hiện đúng linh hồn của Haute Couture.

Một số chi tiết như khuy cài tựa như những món trang sức tuyệt đẹp từ kim loại, nhựa, đá quý, có những phiên bản được tạo hình đầu sư tử (cung hoàng đạo của Coco Chanel), hoa trà trắng, bông lúa mì hay logo CC lồng vào nhau. Điểm cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng chính là sợi dây xích được khâu tay chạy dọc theo viền thân và cổ tay giúp trang phục đứng form hòan hảo. Sau khi hoàn thiện, kể cả lớp lót và các chi tiết viền, siết cổ tay,… trang phục được mang đến Madame Jacqueline kiểm tra lần cuối trước khi đóng gói và giao tận tay khách hàng.

Kỷ nguyên Karl Lagerfeld

Chanel Xuân-Hè 1995

Chanel Xuân-Hè 1995

Chanel Xuân-Hè 1994

Chanel Xuân-Hè 1994

Chanel Metier d'Art 2019

Chanel Metier d’Art 2019

Chanel Haute Couture Xuân-Hè 1992

Chanel Haute Couture Xuân-Hè 1992

Sau sự ra đi của Gabrielle Chanel năm 1971, một số trợ lý của nhà thiết kế đảm đương dòng thời trang cao cấp và quần áo may sẵn trước khi Karl Lagerfeld được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo vào năm 1983, trong khi ông vẫn duy trì công việc trước đây tại Fendi. Ông giữ lại nhiều di sản quý giá của thương hiệu nhưng kết hợp chúng với tư duy cấp tiến để vực dậy thương hiệu vốn đang hấp hối.

Tầm nhìn của Karl rất phù hợp với mong muốn ban đầu của Chanel, đó là thúc đẩy thương hiệu hướng tới thời trang tiên phong. Ông đưa Chanel ra khỏi quá khứ những năm 50,60 để tiến vào kỷ nguyên mới.

Những thử nghiệm của Karl dựa trên nhiều thay đổi về khối lượng, tỉ lệ độ dài; người học trò 30 năm của ông, Virginie Viard tiếp tục khai thác di sản này với lối trang trí hiện đại, biến nó trở thành một trong món đồ đáng khao khát của mọi cô gái.

Mẫu áo với các mảnh được in 3D trong Chanel Haute Couture Thu-Đông 2015

Mẫu áo với các mảnh được in 3D trong Chanel Haute Couture Thu-Đông 2015

Karl dần dần thực hiện những thay đổi nhỏ đối với tác phẩm vượt thời gian, trong khi vẫn ghi nhớ sức mạnh và sự nguyên bản trong ý tưởng của Coco Chanel khi làm trẻ hóa các thiết kế với lối sáng tạo mới lạ. Ông ấy đã tạo ra những bộ đồ từ denim, vải tweed theo phong cách punk và len neon sáng màu, kết hợp với bralettes tweed. Karl đã làm từng chút một, chú ý vào từng thời kỳ, “Ngay cả khi bà ấy không bao giờ nghĩ sẽ làm theo cách này, nó rất Chanel, đúng không?” Karl là một nhà sáng tạo, ông đã trao niềm tin vào các nàng thơ và siêu mẫu thập niên 90 bao gồm Claudia Schiffer, Christy Turlington, Vanessa Paradis và Linda Evangelista cho các chiến dịch quảng bá và buổi trình diễn thời trang, thách thức một phần quá khứ bảo thủ hơn của Chanel.

“Có những điều không bao giờ lỗi mốt như quần jeans, sơ mi trắng và chiếc áo khoác Chanel.” – Karl Lagerfeld

Bất kể là hè đến hay đông sang, từ Ready-To-Wear đến Haute Couture, chiếc áo khoác là sản phẩm quen thuộc trên mọi đường băng bởi sự hấp dẫn của nó. Tại sàn diễn Xuân-Hè 2020, Virginie biến chiếc áo huyền thoại thành jumpsuit tinh nghịch với váy xếp li tinh tế. Đồng thời, cô còn giải phóng sự linh hoạt của quần áo khi diện nó với quần short Bermuda hay váy xòe.

Bước vào mùa Thu-Đông 2020, Virginie mang cảm hứng về bộ môn đua ngựa vào các thiết kế đầy lãng mạn. Những chiếc áo khoác vải tweed với kiểu dáng mới với chi tiết viền áo hình bán nguyệt, đinh tán,… mà theo Virginie là “một cử chỉ sống động” hơn.

Chanel Thu-Đông 2020

Chanel Thu-Đông 2020

Trong những năm gần đây, áo khoác Chanel vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang hiện đại. Nổi tiếng với những thiết kế sang trọng pha lẫn dí dỏm, Jeremy Scott mang đến một chiếc áo khoác Chanel thú vị trong bộ sưu tập đầu tay của mình với tư cách là Giám đốc sáng tạo của Moschino cho mùa Thu – Đông 2014.

Nó cũng gây tranh cãi dữ dội khi ý tưởng bộ trang phục là kết hợp phong cách Chanel thời Karl Lagerfeld “lai” với McDonalds. Bộ sưu tập châm biếm đã khiến thế giới thời trang trở nên náo động với những bộ đồ gần như không thể phân biệt được với các thiết kế cổ điển của Chanel (dĩ nhiên, bên cạnh logo Moschino), người ta đặt câu hỏi về việc đánh tráo khái niệm giữa lấy cảm hứng hay bắt chước các thương hiệu di sản.

Moschino Thu - Đông 2014

Moschino Thu – Đông 2014

Dưới thời Karl, các chiến dịch của Chanel thường được ông tự tay chụp ảnh. Ông vẫn luôn giữ gìn bản sắc thương hiệu, giúp Chanel luôn ngự trên đỉnh và là đại diện của người phụ nữ sang trọng và quyền lực; nhưng ở một khía cạnh khác, ông cũng trao cho họ sự trẻ trung và quyến rũ.

Karl cũng có công rất lớn khi nâng cao độ nhận diện của Chanel, ứng dụng logo CC lồng vào nhau trên các mặt hàng thời trang từ quần áo, phụ kiện, trang sức,… Tất cả những gì Karl đã làm giúp duy trì độ phổ biến, đẳng cấp và nhất là một lực lượng người hâm mộ và khách hàng trung thành, đồng thời tiếp thu cái mới từ thế hệ phụ nữ trẻ. Điều này tiếp tục được kỳ vọng nơi Virginie Viard khi cô là nữ giám đốc sáng tạo tiếp theo đảm nhận trách nhiệm lèo lái thương hiệu xa xỉ mang đậm bản sắc của nước Pháp.

Hiếu Lê


 
Back to top