Sự chuyển mình của ngành váy cưới trong kỷ nguyên Gen Z
Thế hệ Z đã đến tuổi ‘cập kê’ và đây cũng chính là lúc họ bước vào lễ đường theo cách riêng của họ. Vì thế mà các thương hiệu cần phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của họ theo một cách truyền thống nhưng vẫn pha trộn một tí trẻ trung và năng động.
Không còn những chiếc áo cưới có chân váy phồng như một chiếc bánh. Không còn lớp trang điểm đậm và kiểu tóc được tạo kiểu bằng hàng tấn keo xịt tóc và được cố định bằng rất nhiều chiếc kẹp tóc. Tạm biệt danh sách khách mời dài vô tận, lễ cắt bánh và những tấm ảnh nhóm phải có sau mỗi bữa tiệc.
Vậy thì quy tắc duy nhất mà các thương hiệu váy cưới phải lưu ý để thu hút sự chú ý của các chàng rể nàng dâu thế hệ mới là gì? Chính là tạo ra một phong cách thẩm mỹ có thể truyền tải tốt trên phương tiện truyền thông xã hội. Mọi thứ đều được chụp hoặc quay lại và dễ dàng chia sẻ, đăng lên Instagram và TikTok.
“Nội dung hóa” tất cả các sự kiện đang diễn ra này và những thay đổi về phong cách của thế hệ gen Z. Ngoài ra, chúng ta còn phải theo dõi những sở thích ấy có ảnh hưởng gì trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp đám cưới và nhanh chóng thích ứng với những nhu cầu mới. Những yếu tố mới xuất hiện trong thời đại này có thể giúp thương hiệu phát triển hơn như những content creator trong ngành cưới – họ sẽ là những người cầm điện thoại lên và ghi lại ngày đặc biệt của các cặp đôi cho những người theo dõi – và đồng thời, những cơ hội mới mở ra cho các công ty và thương hiệu tận dụng sự tiếp xúc trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và triển khai các chiến dịch nhằm thu hút các mục tiêu.
Xu hướng đám cưới của Gen Z có gì khác so với thế hệ trước?
Thế hệ Z muốn gì cho đám cưới của mình? Họ dành nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch và tận hưởng đám cưới, mong muốn cá nhân hoá sự kiện đặc biệt trong đời và coi trọng tính chân thực trong trải nghiệm đám cưới. Họ muốn làm mọi thứ theo cách của riêng mình, chỉ giữ lại một số truyền thống từ quá khứ và thêm vào các ‘nghi lễ’ mới. Họ chỉ mời những vị khách mà họ thực sự biết và muốn chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt đó; họ chọn những cách trang trí và bó hoa tối giản để cắt giảm chi phí. Không những thế, thay vì tuân theo các phong tục cưới truyền thống như cắt bánh, Gen Z có thể lựa chọn các ‘thú vui’ hiện đại hơn và lấy cảm hứng trên các mạng xã hội, chẳng hạn như phỏng vấn sau lễ cưới hoặc học theo phong cách chương trình truyền hình thực tế. Họ cũng thích chụp từ xa và không nhìn vào ống kính như cách mà những ‘tay paparazzi’ thường hay làm.
Các cặp đôi thế hệ Z đều được truyền cảm hứng từ TikTok cho đám cưới của họ. Do đó mà rất nhiều thương hiệu cố gắng tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ có thể viral, từ các điệu nhảy hiện đại đến bức vẽ cặp đôi đang hôn nhau. Những kiểu sáng tạo này ngày càng thường xuyên hơn và chúng có thể xuất hiện không chỉ trong ngày cưới mà còn có thể trong một kỳ nghỉ cuối tuần sau lễ cưới, một loạt các sự kiện mới bên cạnh các lễ truyền thống như tiệc đính hôn và đêm độc thân. Và, như đám cưới gần đây của Sofia Richie Grainge đã cho ta thấy một diện mạo mới trong các đám cưới của thế hệ gen Z.
Nhu cầu ngày càng cao của những nàng dâu hiện đại
Trong bốn ngày lễ cưới ở miền Nam nước Pháp, Sofia đã diện tổng cộng chín kiểu dáng khác nhau, một số trang phục là của hãng Chanel và đã mời Pati Dubroff chịu trách nhiệm chính cho cô dâu. Không nhiều cô dâu Gen Z có thể diện những thiết kế đến từ một nhà mốt lớn – đây cũng chính là ước mơ của mọi cô gái. Không ai trong số họ muốn từ bỏ cảm giác đặc biệt, độc đáo và xinh đẹp trong ngày trọng đại.
Họ ngày càng lựa chọn nhiều bộ váy lộng lẫy hơn, từ màu sắc và kiểu dáng – tất cả đều phá vỡ và không tuân theo quy ước truyền thống. Họ không còn giới hạn bản thân chì bằng việc mua sắm tại các cửa hàng chuyên dụng mà thay vào đó, họ tìm kiếm nhiều thương hiệu hơn, có thể có cả thời trang nhanh, thậm chí là mua sắm trên mạng hoặc tại cửa hàng, tìm kiếm những món đồ không theo tiêu chuẩn nhằm nói lên phong cách cá nhân của họ.
Thị trường đồ cưới toàn cầu, theo báo cáo của Global Bridal Wear Market Industry, đã đạt giá trị 63,4 tỷ USD Mỹ vào năm 2023, dự kiến sẽ đạt 83,5 tỷ USD Mỹ vào năm 2030. Theo Anthropologie (một trong những nhà bán lẻ không chuyên về váy cưới đầu tiên tham gia thị trường với việc ra mắt dòng sản phẩm Bhldn vào năm 2011), Reformation, Abercrombie & Fitch, Revolve, The RealReal bán thêm các sản phẩm váy cưới, và gần đây Ssense cũng đã tham gia cuộc đua, ra mắt một bộ sưu tập ‘anti bridal’ bao gồm những chiếc váy không theo tiêu chuẩn truyền thống, váy phù dâu và phụ kiện đến từ các nhà mốt lừng danh như Jacquemus, Collina Strada, Chopova Lowena, Sandy Liang, và Simone Rocha. Tất cả những điều này khẳng định rằng nhờ có Gen Z, thị trường đồ cưới liên tục phát triển và không còn giới hạn ở các cửa hàng đồ cưới nữa mà mở rộng ra toàn bộ ngành thời trang.
Tiềm năng phát triển của ngành trang điểm cô dâu
So với thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ X, cô dâu thế hệ Z lựa chọn phong cách trang điểm tự nhiên hơn và có xu hướng ‘tạm biệt’ phấn mắt đậm, mi giả, sản phẩm tạo khối và kiểu tóc quá cầu kỳ trong danh sách của mình. Họ rất am hiểu và có kiến thức về các sản phẩm thị trường và có thể tham gia vào quá trình tạo kiểu cùng các nghệ sĩ trang điểm chuyên nghiệp.
Họ biết mình muốn gì, tìm cảm hứng trên mạng xã hội để đưa phong cách cá nhân vào và tự mình chuẩn bị mọi bước tựa như một đạo diễn Hollywood. Trong video đám cưới GRWM, chúng ta có thể chứng kiến cảnh thử váy, làm trắng răng, trang điểm và luôn có cảnh cô dâu kiểm tra diện mạo của mình bằng một chiếc gương nhỏ gọn.
Nhờ thế đã tăng cơ hội phát triển đáng kể cho thị trường mỹ phẩm cô dâu toàn cầu, dự kiến sẽ đạt 70,8 tỷ USD Mỹ vào năm 2027. Một trong những thương hiệu đầu tiên nhận ra tiềm năng của ngành này là Too Faced. Thương hiệu thuộc sở hữu của Estée Lauder đã phát hành Bộ sản phẩm Ngày cưới phiên bản giới hạn hợp tác với thương hiệu phụ kiện đình đám Lele Sadoughi, bao gồm các sản phẩm như nơ cài tóc, mascara chống thấm nước và xịt cố định, tạo các web chuyên dụng để giới thiệu nhiều kiểu trang phục cô dâu khác nhau và đăng một video nổi bật trên Instagram với nhiều các mẹo về đám cưới.
Theo tiết lộ của BoF, các email với chủ đề đám cưới của Too Faced có tỷ lệ mở cao hơn 62% so với các email thông thường, trong khi trang trang phục cô dâu trên trang web của họ nhận được nhiều lượt xem hơn 46% so với các trang thịnh hành khác.
Trong nỗ lực thu hút làn sóng khách hàng mới, nhiều nhà mốt cũng đã tận dụng nội dung về đám cưới. Chẳng hạn như thương hiệu nước hoa Jo Malone London không chỉ “thổi” hương thơm vào những ngày đặc biệt của Sofia Grainge và người mẫu Olivia Culpo mà còn ra mắt “Scent Your Wedding”. Họ tổ chức một buổi thử nước hoa miễn phí kéo dài 45 phút. Các cô dâu tương lai sẽ được thử nhiều loại nước hoa trước khi chọn một loại. Có nhiều cách để tận dụng cuộc cách mạng đám cưới do thế hệ Gen Z dẫn đầu để kiếm lại lợi nhuận. Nhưng một trong những cách dễ nhất chính là sử dụng xã hội. Vì vậy, tại sao các thương hiệu đồ cưới không tạo ra các chiến lược phù hợp với mình trong thời kì ‘thịnh vượng’ và đầy tiềm năng này?