LUXUO LIFE: Trò chuyện cùng bà chủ nhà hàng Khoái – chị Diệp Nguyễn
Cuộc gặp của LUXUO Ladies và chị Diệp Nguyễn – chủ nhà hàng Khoái diễn ra trong ngôi nhà ấm áp gợi cảm hứng từ miền Nam nước Pháp. Ở tuổi ngoài 40, khi mọi thứ đã đủ đầy, người phụ nữ ấy chia sẻ rằng nếu cách đây hơn hai thập kỷ không tham vọng, không ước mơ, thì sẽ không bao giờ gặt hái được thành công như hiện tại.
10 năm trước, khi đang ngồi ở vị trí cao trong một tập đoàn thời trang lớn, Diệp Nguyễn quyết định rẽ ngang để thực hiện ước mơ của riêng mình: mở nhà hàng Khoái và mới đây là thương hiệu thời trang riêng dành cho phụ nữ có tên gọi Ψ /psi:/ womenswear. Cuộc gặp của chúng tôi diễn ra trong ngôi nhà ấm áp gợi cảm hứng từ miền Nam nước Pháp. Ở tuổi ngoài 40, khi mọi thứ đã đủ đầy, chị Diệp tâm sự về hành trình của mình, và về gia đình chị hết mực yêu thương.
Xin hỏi, chị đã mơ ước điều gì khi rời khỏi công ty 10 năm về trước, và giờ đây, sau khi mọi thứ dường như đã đủ đầy, ước mơ của chị Diệp ở hiện tại là gì?
Những ngày còn trẻ mình mơ mộng lắm, sau khi rời công ty, là một “tay ngang” trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ẩm thực, tôi vẫn quyết định mở nhà hàng Khoái trước hết để thỏa mãn suy nghĩ của bản thân, thứ nhì là được tự do vùng vẫy trong môi trường kinh doanh không ràng buộc. Lúc ấy chỉ đơn giản “nghĩ là làm”, thành công và thất bại ở đâu chỉ có thực hành mới rõ.
Giờ đây, Khoái cũng sắp tròn 8 tuổi. Cách đây một năm, tôi mở thêm nhãn hiệu thời trang Ψ /psi:/ womenswear. Việc bước ra kinh doanh, hiện thực ý tưởng của mình, lúc thăng lúc trầm, được đi đây đi đó cho tôi nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó, việc quan sát thế giới xung quanh bằng nội tâm nhạy cảm, yêu cái đẹp khiến tôi cho rằng tất cả sẽ trở thành câu chuyện ý nghĩa, trở thành động lực vươn lên cho những người phụ nữ dám nghĩ dám làm. Từ đó, tôi nuôi ước mơ trở thành một “lifestyle inspirer” (người truyền cảm hứng về phong cách sống) trong tương lai.
Một “lifestyle inspirer” không cần mẫu mực, không cần hoàn hảo và trải nghiệm của họ không nên quá mượt mà. Vì thực chất, những điều mà con người ngộ ra thường xuất phát từ thất bại.
Tôi có thể nhận ra điều đó, khi đọc những gì chị viết, câu chuyện về những người chị gặp, nơi chị đến, tuy nhiên, một inspirer không chỉ là những gì thể hiện mượt mà ở bề ngoài, chị có thấy vậy không?
Hai năm nay, tôi dành khá nhiều thời gian để đi học. Phần vì mình thích, phần vì suy nghĩ kiến thức luôn không bao giờ là đủ. Tôi học từ kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản trị con người và cảm xúc, thiết kế thời trang,… Một khi đã định hình bản thân là người ảnh hưởng về phong cách sống, những thành bại và trải nghiệm trong cuộc sống chính là thứ toát lên con người chân thực của mình.
Trước đây, tôi lựa chọn kinh doanh riêng vì tôi yêu cái cảm giác được phiêu lưu trong thế giới đó. Bây giờ, tôi đúc rút bài học kinh nghiệm từ hành trình gian nan ấy để chia sẻ câu chuyện mà bản thân đã trải qua. Một “lifestyle inspirer” không cần mẫu mực, không cần hoàn hảo và trải nghiệm của họ không nên quá mượt mà. Vì thực chất, những điều mà con người ngộ ra thường xuất phát từ thất bại.
“Ngày ấy không dám nghĩ dám làm, đã không có Diệp hôm nay”
Chị làm việc trong ngành thời trang khá lâu, nếu không nói là thế hệ đầu tiếp cận với thời trang hàng hiệu. Bản thân chị vô cùng đam mê thời trang, tuy nhiên, nhưng thương hiệu Ψ /psi:/ womenswear lại xuất hiện khá muộn. Vì sao vậy?
Đúng vậy, thời trang là lĩnh vực mà tôi luôn muốn thử nghiệm. Dù muộn màng.
Hồi xưa, tôi đắn đo “nghỉ việc thì đầu tư kinh doanh gì?”. Bản thân lúc ấy cho đến bây giờ đều bị ánh hào quang của thời trang cuốn hút. Nhưng quả thực, thị trường thời trang Việt Nam vào những năm 2009, 2010 hãy còn sơ khai. Ngược lại, tháp nhu cầu Maslow trả về đáp án “ẩm thực là mảng vô cùng phù hợp ở đất nước này”.
Tôi còn nhớ, cũng cách đây gần một thập niên, khi có ý định dấn thân vào mảng thời trang, tôi muốn bản thân là cầu nối giữa các stylist và giới doanh nhân, nhân viên văn phòng. Lê Minh Ngọc, một trong những stylist tên tuổi bây giờ, cũng nằm trong danh sách stylist mà tôi nói chuyện. Nhưng hầu hết họ đều lắc đầu. Họ cho rằng ngành stylist vẫn chưa đến thời.
Vài năm sau, tôi gặp lại Lê Minh Ngọc tại nhà hàng Khoái. Ngọc bảo tôi: “Chị ơi, thời điểm đã đến rồi đây!” Tôi cũng nuôi ý định quay lại mà chưa đủ duyên. Cho đến thời gian gần đây, tôi tự nhủ nếu đã thích thì phải làm bằng được. Ψ /psi:/ womenswear cuối cùng cũng ra đời!
Nhưng quả thực, thị trường thời trang Việt Nam vào những năm 2009, 2010 hãy còn sơ khai. Ngược lại, tháp nhu cầu Maslow trả về đáp án “ẩm thực là mảng vô cùng phù hợp ở đất nước này”.
Người ta luôn nhìn thấy ở Diệp Nguyễn hình ảnh một người phụ nữ tự tin, tươi rói trong công việc và cuộc sống. Liệu có hình mẫu đặc biệt nào mà chị theo đuổi?
Tôi không chọn hình mẫu nào để bị cuốn hút theo, nhưng nếu quan tâm thì chắc chắn có. Về tư tưởng, tôi ngưỡng mộ Coco Chanel. Bà ấy không giới hạn mình trong một khuôn mẫu nào.
Ngày xưa, ba hay dạy tôi như thế nào là thấu hiểu, ý tứ,… Những bài học ấy là cần thiết nhưng cũng khiến tôi cảm thấy tự ti về con người lẫn hành động của mình. Tôi băn khoăn liệu có nên làm thứ này thứ nọ theo cách này cách kia hay không. Sau này lên thành phố, va chạm và làm việc nhiều, tôi nhận thức rằng không nên suy nghĩ đóng khuôn như thế.
Trong tôi dường như tồn tại hai mâu thuẫn. Nếu nửa này muốn giữ cho bản thân một khuôn mẫu nhất định thì nửa kia lại muốn bung ra. Bề ngoài trông tôi khá rụt rè nhưng khi lên sân khấu, tôi cực kỳ tự tin. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ là Á Khôi Doanh nhân, nhiều bạn bè cùng trang lứa chắc cũng chẳng thể tin nổi.
Tư duy của Coco là sống thực với bản thân, không đặt ra khuôn mẫu trong tư duy thời trang, tôi học hỏi được nhiều thứ từ bà ấy.
Ngoài ra, tôi bị ảnh hưởng từ sự Tinh tế, tử tế và thấu hiểu của ba mình. Thời học ở Sài Gòn, ba hay viết thư tay cho tôi. Khi ở quê nhà Long An, nếu có điều gì ông cảm thấy không hài lòng, ông gọi tôi ra ngoài nói chuyện riêng chứ không quát mắng ầm ĩ. Đến bây giờ, tôi vẫn chẳng thể quên được hai bài học lối sống mà ông dạy. Một là “ý tứ”. Hai là “biết mình biết ta”.
Khi dấn thân vào thương trường, tôi vẫn hay áp dụng những lời ba dạy trong quản trị nhân sự. Nhiều khi, tôi phải đặt bản thân mình vào vị trí của nhân viên, giảm cái tôi xuống để thấu hiểu và nói chuyện với họ. Nhà hàng Khoái tồn tại được 7, 8 năm, nhưng để phát triển lâu dài hơn nữa, bắt buộc bản thân phải “biết mình biết ta”, có vậy, mới “trăm trận trăm thắng” như ông bà dặn.
Người ta bảo “Đằng sau thành công của một người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ”, liệu điều đó có còn đúng với nữ doanh nhân thành đạt như chị?
Nó đúng ở một khía cạnh nào đó.
Có những người đàn ông thành đạt là nhờ sự hỗ trợ của người phụ nữ từ phía sau. Cô ta chăm nom con cái và trang hoàng mọi thứ trong gia đình khi chồng mình ở mặt trận, chiến trường kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ, câu nói trên nên dành cho cả phụ nữ lẫn đàn ông. Vì đôi khi, “đằng sau thành công của một người phụ nữ là bóng dáng của người đàn ông”.
Thượng Đế sinh ra vai trò của người phụ nữ là sự hài hòa, chăm chút. Đàn ông dù có thể thay thế vị trí ấy nhưng khó làm tốt hơn.
Tôi nhận được sự hỗ trợ của ông xã rất nhiều. Anh là giáo viên và dạy học cùng trường với con tôi. Anh ấy thường giúp tôi đón con và chuẩn bị bữa tối. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi bỏ bê công việc gia đình.
Tôi vẫn thường xuyên đưa đón con, họp hành xong vẫn về nhà lo bữa tối cho hai bố con. Thượng Đế sinh ra vai trò của người phụ nữ là sự hài hòa, chăm chút. Đàn ông dù có thể thay thế vị trí ấy nhưng khó làm tốt hơn.
Nhiều người đến nhà tôi chơi và ngạc nhiên hỏi vì sao tôi bận đến thế mà còn có thời gian lo cho gia đình nhiều như vậy. Thật lòng, dù công việc kinh doanh vất vả thật nhưng sắp đặt trong nhà và nấu ăn cũng mang đến cho tôi nguồn năng lượng mới. Chưa bao giờ tôi nghĩ việc gia đình lại là gánh nặng.
Đó là trong cuộc sống, nhưng trong công việc thì sao? Chị là người như thế nào?
Khó tính và vô cùng cầu toàn.
Tôi luôn bảo nhân viên của mình hãy luôn đặt mục tiêu cao hơn những gì bản thân họ kỳ vọng. Khi đã đạt được cấp độ ấy rồi, hãy đặt một mức cao hơn suy nghĩ trong đầu. Có thế, họ mới phát triển, mà nhân viên phát triển thì công ty cũng sẽ phát triển.
Chị có nghĩ mình là mẫu phụ nữ tham vọng và tham vọng lấy đi của chị những gì?
Tham vọng chứ! Nếu không tham vọng, tôi đã không lên Sài Gòn học, tôi vẫn còn là cô gái quê với đàn con nheo nhóc. Nếu không tham vọng, tôi đã không ra ngoài mở doanh nghiệp riêng, mà còn cố thủ ở vị trí an toàn.
Nhưng sự tham vọng ấy không phải để chứng tỏ mình với thế giới bên ngoài, không phải đạp đổ mọi thứ để đi lên. Tham vọng ấy là tôi của hôm nay phải tốt hơn tôi của ngày hôm qua. Tham vọng ấy không cần ai phải nhìn vào noi gương.
Tôi biết mình ở đâu, biết mình muốn gì, là người như thế nào và đạt được đến mức độ nào. Xuân Diệu đã viết một câu thơ rất hay: “Thà một phút huy hoàng rồi chợp tắt, Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nó vô cùng giống với những gì mà tôi đã lựa chọn.
Hạnh phúc bây giờ của Diệp Nguyễn được định nghĩa ra sao?
Là thực hiện được điều mình mong ước, qua được một quả đồi, tôi lại vui.
Năm 2014, trong chuyến đi châu Âu, tôi bay lơ lửng trên bầu trời Thụy Sĩ ở độ cao hơn 10.000m, đó là trải nghiệm hết sức tuyệt vời, nó khiến tôi cảm động và hạnh phúc. Nấu một bữa cơm ngon cho hai bố con cũng khiến tôi nghẹn ngào. Hạnh phúc với tôi bây giờ là những khoảnh khắc mang lại cảm giác thỏa mãn khiến bản thân mình trân trọng hoặc nhớ về.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!