BUSINESS OF LUXURY

BOL News: Tin tức xa xỉ từ NYFW, LDFW, Louis Vuitton, Porsche và General Motors

Feb 18, 2020 | By Stephanie Nguyen

Trong tuần vừa qua, các thương hiệu thời trang tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona. Các sàn thời trang vắng bóng KOL Trung Quốc, trong khi các buổi biểu diễn quan trọng tại Trung Quốc đại lục bị tạm hoãn. Luxuo mời bạn đón đọc những tin tức cập nhật trong thị trường thời trang, đồng hồ và xe hơi xa xỉ tuần vừa qua.

1/ Các thương hiệu xa xỉ gửi thông điệp đến người tiêu dùng Trung Quốc giữa khủng hoảng virus

Nội dung thông điệp của Louis Vuitton trên Wechat: “Sự gián đoạn này chỉ là tạm thời. Louis Vuitton hy vọng bạn và những người thân yêu luôn an toàn và khỏe mạnh.”

Gucci, Chanel và Cartier không cập nhật thông tin trên các kênh trực tuyến. Dior đã tạo một trang web độc lập để cập nhật thời gian giao hàng, thời gian phục vụ khách đang đợi cho các mặt hàng thời trang và làm đẹp. Trang web của Prada hỗ trợ khách hàng đặt hẹn tại cửa hàng kèm một thông báo trên WeChat về việc hoãn giao hàng đến tỉnh Hồ Bắc. Burberry thông báo đóng cửa 24 trong số 64 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục và giảm giờ hoạt động của các cửa hàng còn lại. Tiffany & Co. đang nỗ lực để đảm bảo nhân viên của họ ở Trung Quốc và Thái Bình Dương luôn nắm được tình hình lây lan coronavirus và tuân thủ các quy định an toàn; họ đã tạm thời đóng cửa một số cửa hàng ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Trong số đó, Louis Vuitton là thương hiệu đã tạo được chiến dịch xuất sắc giữa cuộc khủng hoảng với thông điệp chân thành trên WeChat: “Sự gián đoạn này chỉ là tạm thời. Louis Vuitton hy vọng bạn và những người thân yêu luôn an toàn và khỏe mạnh.” Trong khi đó, tuy Versace đã đóng cửa 29 cửa hàng tại Trung Quốc, hủy bỏ buổi trình diễn thời trang FW20 ở Milan, song lại thay các chiến dịch truyền thông trực tiếp bằng một chiến dịch mới mang tên “I believe”, hợp tác với tạp chí Elle và một vài thương hiệu khác để lan tỏa thông điệp tích cực.

2/ New York Fashion Week thiếu hụt các thương hiệu và KOLs đến từ Trung Quốc đại lục

Tại New York Fashion Week, các thương hiệu thời trang có vẻ gặp khó khăn khi thiếu kênh KOL để kết nối với người tiêu dùng Trung Quốc. Sự vắng mặt những nhãn hiệu như Ralph Lauren, Tom Ford và 3.1 Phillip Lim cũng khiến cán cân của tuần lễ bị lệch hẳn vào bàn tay của các nhà mốt châu Âu.

Cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc đã khiến việc đi lại bị hạn chế cùng lệnh cấm làm việc tạm thời đã khiến phần lớn những người nổi tiếng Trung Quốc không thể tham dự sự kiện thời trang quan trọng này và khiến ngành công nghiệp thời trang trên thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ. Trước khó khăn chung đó, các thương hiệu cần tận dụng sức mạnh kỹ thuật số để duy trì kết nối với khách hàng và cải thiện tình hình.

3/ Tuần lễ thời trang Trung Quốc tuyên bố hoãn sau thông báo tương tự từ Tuần lễ thời trang Thượng Hải

Tuần lễ thời trang Thượng Hải và Tuần lễ thời trang Trung Quốc tại Bắc Kinh đã tạm thời bị dừng lại do số ca mắc coronavirus tại Trung Quốc tiếp tục tăng.

Tuần lễ thời trang Trung Quốc, dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 31 tháng 3 tại Bắc Kinh, đã bị tuyên bố hoãn lại cho đến khi có thông báo mới. Nhà tổ chức đã đưa ra thông báo này ba ngày sau khi Tuần lễ thời trang Thượng Hải cũng bị hoãn trình diễn trong tuần này. Kể từ năm 1997, Tuần lễ thời trang Trung Quốc đã luôn diễn ra định kì vào tháng 3 và tháng 10 hàng năm, với gần 40% người tham gia là các nhà thiết kế mới nổi của Trung Quốc. Với ảnh hưởng đang diễn ra của cuộc khủng hoảng coronavirus, ngành công nghiệp cũng đang suy đoán liệu buổi biểu diễn đầu tiên của thương hiệu Burberry tại Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4 sắp tới cũng sẽ bị tạm dừng.

4/ Cuộc biểu tình tấn công Tuần lễ thời trang Luân Đôn 

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạt động “XR” nhắm vào tuần lễ thời trang; họ đã phủ đầy máu giả và trói mình vào lối vào sự kiện tháng 9 năm ngoái. Vào ngày thứ hai của Tuần lễ thời trang, hàng chục người biểu tình đã chặn đường gần tòa nhà chính nơi tổ chức các buổi trình diễn catwalk.

Nhiều nhà thiết kế lo ngại về tác động của thời trang đối với môi trường và đã bắt đầu chọn sử dụng vật liệu tái chế và tạo ra các chương trình hỗ trợ nghề thủ công địa phương. Tuần lễ thời trang lần này cũng đã thể hiện những nỗ lực của mình trong một triển lãm dành riêng cho “thời trang tích cực”. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường vẫn cho rằng hành động như vậy là chưa đủ và yêu cầu thêm hành động khẩn cấp.

5/ Doanh số Apple Watch vượt các hãng đồng hồ Thụy Sĩ

Apple Watch trỗi dậy từ năm 2015 khiến nhiều hãng đồng hồ Thụy Sĩ phải nỗ lực đáng kể để cạnh tranh.

Theo số liệu của Strategic Analytics, Apple đã bán ra 30,7 triệu chiếc đồng hồ thông minh trong năm 2019, trong khi con số này của tất cả các hãng đồng hồ Thụy Sĩ cộng lại chỉ là 21,1 triệu. Chứng kiến sự trỗi dậy của Apple Watch kể từ khi ra đời vào năm 2015, nhiều hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã nỗ lực đáng kể để cạnh tranh với đối thủ đáng gờm này. Nhiều người cho rằng việc doanh số của Apple Watch vượt mặt các hãng đồng hồ Thụy Sĩ là điềm báo cho cái chết của các hãng này, nhưng số khác lại không tin vào điều này.

Hiện tại, cả hai loại đồng hồ, đồng hồ cơ truyền thống và đồng hồ chạy pin vẫn cùng nhau chung sống trên thị trường. Chưa kể, sau khi những người trẻ liên tục bỏ tiền ra mua những phiên bản Apple Watch tối tân, thì khi đến một độ tuổi nhất định, họ sẽ cần tìm kiếm một sản phẩm đồng hồ có thể biểu trưng cho địa vị trong xã hội. Những chiếc đồng hồ cơ tinh xảo sản xuất tại Thụy Sĩ sẽ vẫn duy trì được lượng người mua nhất định, nhờ những người chuyên sưu tập đồng hồ và mạng internet. 

Cuối cùng, tuy không thể so kè về số lượng, các hãng đồng hồ Thụy Sĩ lại áp đảo về doanh thu, đặc biệt là nhờ phân khúc cao cấp.

6 / General Motors Corp rút lại thương hiệu Holden để tái cấu trúc cơ cấu thị trường

Mẫu xe Holden Astra được bán tại GM Úc.

Gần đây, General Motors Corp tuyên bố họ sẽ rút lại thương hiệu Holden và đẩy mạnh hoạt động bán các sản phẩm còn lại tại Úc và New Zealand trong năm 2021. Đồng thời, hãng xe cũng đã ký điều khoản ràng buộc với nhà sản xuất Great Wall Motors của Trung Quốc để mua lại nhà máy lắp ráp tại Rayong, Thái Lan, rút ​​thương hiệu Chevrolet khỏi thị trường nội địa tại nước này vào cuối năm 2020.

Được biết, nguyên nhân của việc này chính là dòng xe Holden có chi phí đầu tư quá cao mà không đem lại lợi tức đủ tốt sau nhiều cố gắng, do đó GM đã quyết định thu hồi. Mary Barra, Chủ tịch kiêm CEO của hãng phát biểu: “Chúng tôi luôn cố gắng làm điều đúng đắn, kể cả khi nó rất khó khăn. Đây là một trong những thời điểm như vậy. Chúng tôi đang tái cấu trúc toàn bộ hoạt động quốc tế để tập trung vào các thị trường phù hợp và mang lại lợi nhuận mạnh mẽ.” 

 


 
Back to top