Họa sĩ Vũ Mười: Dù khó nhưng đi mãi thì cũng thành đường
Hội họa đậm chất siêu thực của nghệ sĩ Vũ Mười sẽ cảm hóa những tâm hồn có cùng sự đồng cảm và tiềm thức. Tranh có thể kén nhà sưu tầm hay người xem, nhưng anh tâm niệm, “mình đi mãi thì cũng thành đường”.
Phong cách siêu thực trong hội họa Việt Nam vẫn khá kén người theo đuổi, thế nhưng, Vũ Mười lại bén duyên với trường phái này từ sớm. Anh có thể chia sẻ thêm về mối nhân duyên?
Tôi yêu thích hội họa siêu thực và bắt đầu theo đuổi trường phái này kể từ khi còn là sinh viên. Ở giai đoạn này, nói tranh của Vũ Mười đậm chất siêu thực cũng đúng nhưng để đạt đến độ siêu thực mong muốn, tôi cần thêm thời gian, và đó cũng là đích đến trong nghệ thuật của cá nhân mình.
Cách sáng tác của tôi không hoàn toàn dựa vào những giấc mơ, mà hình thành qua những suy tư, nhiều khi chỉ là ý nghĩ thoáng chốc. Tôi góp nhặt, bố cục tất cả trên mặt toan theo ý thích cá nhân. Thông thường, suy niệm của tôi xoay quanh chủ đề tình yêu cuộc sống, thời gian và âm nhạc. Những yếu tố này trở thành “nàng thơ” trong bức họa của tôi từ lúc nào không hay.
Gần đây, họa sĩ có chia sẻ bộ tranh “Những xúc cảm”, mang đến nhiều chiêm nghiệm sâu sắc cho công chúng trong thời gian đại dịch Covid-19. Anh đã sáng tác series này trong hoàn cảnh nào và thông điệp gửi gắm là gì?
Bộ tranh “Những xúc cảm” được tôi sáng tác trong khoảng năm 2012 – 2014. Tôi muốn thể hiện muôn mặt cung bậc cảm xúc của con người. Đó cũng là giai đoạn tôi lùi lại phía sau để quan sát bản thân và mọi người.
Dường như, cuộc sống này, chúng ta đóng vai trò như những người diễn viên. Hàng ngày, chúng ta thực hiện các vai diễn phức tạp của mình. Cảm xúc vì thế mà thay đổi chóng vánh. Đang vui thế kia mà giờ lại đau khổ, buồn chán, muộn phiền rồi đau khổ. Từng lớp xúc cảm khác nhau, tô vẽ xuất hiện trong cùng một con người cụ thể. Tôi muốn lột tả tất cả điều đó, và đại dịch này là thời điểm đặc biệt để chia sẻ lại. Nếu phải nói tới một thông điệp, thì đó là hãy can đảm đối diện với chính mình trong cuộc sống.
Anh tự nhận mình là một nghệ sĩ như thế nào?
Nếu phải mô tả con người mình thật ngắn gọn thì có lẽ là: trung thực, thẳng thắn, phiêu lưu.
Một Vũ Mười đậm cá tính siêu thực trong hội họa đã trải qua những giai đoạn bước ngoặt như thế nào?
Quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi chưa được dài, nhưng có thể chia thành hai giai đoạn chính như sau:
Từ năm 2012 – 2015: Những sáng tác của tôi trong thời kỳ này thiên về khuynh hướng pop art. Tôi thích sử dụng những mảng màu phẳng, tương phản mạnh kết hợp chân dung mà tôi lấy chính mình làm mẫu. Tôi thực hiện bộ tranh “Những xúc cảm”, với hình ảnh chân dung mình được “nhân bản” thành năm, thành bảy nhân vật, sắp xếp trong những hình dáng giống nhau nhưng thay đổi về hòa sắc. Hoặc nhiều chân dung với những cảm xúc khác nhau, đồng hiện trên một mặt tranh.
Từ 2015 đến nay: Các tác phẩm được sáng tác gần với khuynh hướng siêu thực. Thời kỳ này, tôi thực hiện bộ tranh “Dự cảm” và “Di cư”. Các tác phẩm trong bộ “Dự cảm” không nhiều nhưng đánh đấu giai đoạn thay đổi tư duy khá rõ rệt của tôi. Nội dung bộ tranh là những xúc cảm đau thương do chiến tranh mang đến cho loài người. Nó gieo rắc sợ hãi, đau khổ, đói nghèo, chà đạp đời sống và phá hụy mọi giá trị mà nhân loại tạo dựng. Qua bộ tranh này, tôi muốn gửi gắm thông điệp về một thế giới không còn bom đạn và chiến tranh. Hiện tại, tôi đang thực hiện bộ tranh “Di cư” và đồng thời nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật siêu thực.
Tôi thấy siêu thực đang ăn sâu vào từng tế bào. Phong cách này phù hợp với suy nghĩ và tư duy sáng tác của tôi.
Anh đã tô vẽ một thế giới, thoạt đầu nhìn, không phân chia rõ ràng thực tại hay mơ tưởng, nhưng càng chiêm ngưỡng, càng thấy tiềm ẩn lý tưởng sâu xa khó diễn tả. Điều đó có lẽ được thể hiện qua các gam màu nóng mà anh chọn?
Trong các sáng tác của mình, tôi thường sử dụng gam màu nóng chủ đạo, đặc biệt là sắc đỏ và vàng. Màu đỏ xuất hiện hầu hết các tác phẩm của tôi. Tôi thích màu đỏ. Nó luôn mang đến cái nhìn ấn tượng và có khi là ma mị. Các hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong tranh của tôi là âm nhạc, thời gian, đồng hồ, rừng cây khô, tổ chim hay cô gái mặc váy đỏ…
Liệu có ai đó truyền cảm hứng cho anh trên con đường hội họa khó khăn này?
Nếu phải kể đến một nhân vật truyền cảm hứng tới sự nghiệp của tôi thì tôi nghĩ không ai khác ngoài bố mình. Ông không phải là nghệ sĩ, nhưng ông là một người thợ mộc giỏi chạm khắc, khéo tay và hào hoa. Chính bố tôi là người hướng cho tôi theo học Mỹ thuật, ủng hộ mọi quyết định trên con đường học tập và theo đuổi nghệ thuật của tôi.
Hình như có một giai đoạn, Vũ Mười vẽ tranh sơn mài và tại sao anh không còn tiếp tục với chất liệu này nhiều nữa?
Đúng là thời gian đầu khi mới sáng tác, tôi có sử dụng sơn mài song song với các sáng tác sơn dầu. Nhưng do sơn mài chưa đáp ứng được các yêu cầu diễn tả trong tác phẩm cá nhân, nên tôi tập trung cho chất liệu sơn dầu. Hiện tại, tôi thấy sơn dầu phù hợp với lối vẽ của mình nên chưa có ý định thay đổi hay tìm hiểu về các chất liệu khác.
Thi thoảng, tôi vẫn vẽ tranh sơn mài để thay đổi cảm xúc cũng như làm phong phú và hoàn thiện về kỹ thuật. Có thể sau này, tôi sẽ vẽ tranh siêu thực bằng chất liệu sơn mài.
Điều mà anh kỵ nhất trong sáng tác nghệ thuật là gì?
Tôi không thích sự giả dối, không thích sự láu cá trong nghệ thuật, đặc biệt là không thích phải làm theo thị hiếu đám đông.
Bộ tranh “Di cư” của anh bắt đầu từ năm nào và hẳn nhiên vẫn đang tiếp tục?
Những tác phẩm đầu tiên trong bộ này rơi vào khoảng cuối năm 2018 và vẫn đang tiếp tục đến hiện tại. Tôi vẽ rất chậm nên các tác phẩm không nhiều. Bộ tranh này tôi lấy cảm hứng từ môi trường sống của chúng ta, nhấn mạnh vào những phát triển mang đến nhiều hệ lụy. Vì thế, con người ngày càng muốn tìm tới những điều thuần khiết tự nhiên.
Tôi muốn tìm đến một nơi mới trong tiềm thức con người, ở đấy chúng ta chung sống với/trong môi trường thân thiện, tốt lành và đầy ắp tình yêu.
Đã chọn con đường khó thì khó khăn mấy cũng nhất quyết đi. Tôi vẫn tâm niệm mình đi mãi sẽ thành đường thôi.
Khi hội họa siêu thực đã kén nghệ sĩ chọn thì hẳn giới sưu tập cũng chưa thực sự mở lòng? Còn việc hợp tác với phòng tranh hay nhà đấu giá thì sao?
Thành thực, tranh của tôi cũng kén người xem, và kén cả nhà sưu tập. Đơn giản, tôi chọn đi theo sở thích và cá tính của mình. Tuy nhiên, đã chọn con đường khó thì khó khăn mấy cũng nhất quyết đi. Tôi vẫn tâm niệm mình đi mãi sẽ thành đường thôi.
Phần lớn các tác phẩm của tôi bán cho số ít nhà sưu tập mà tôi đã chạm tới được tiềm thức và niềm đồng cảm của họ với tác phẩm của mình. Hiện tại tôi chưa có ý định cộng tác với gallery hay nhà đấu giá nào. Có chăng cũng chỉ là tôi tham gia các cuộc triển lãm nhóm, đấu giá do gallery hoặc nhà đấu giá tổ chức đơn lẻ.
Cám ơn anh vì những chia sẻ chân thành nhé!