ART & LIFE

Đạo diễn Việt Tú – “Tôi thấy mình bay bổng một cách thực tế”

Oct 09, 2020 | By Stephanie Nguyen

“Câu hỏi thường trực của tôi mỗi sáng thức dậy, hay mỗi khi gặp thách thức là ‘Chẳng phải mình muốn điều đó hay sao? Chẳng phải ngày nào mình cũng ước mơ được làm việc mình yêu thích lâu nhất có thể hay sao?’ Và thế là tôi lại có động lực để tiếp tục, không ngừng.”

Việt Tú sinh năm 1977 tại Hà Nội. Người hướng nghiệp cho anh là đạo diễn ca nhạc Việt Tuấn, người cha và cũng là người đồng nghiệp tại Đài truyền hình Việt Nam. Với cá tính đặc biệt được bộc lộ từ sớm, Việt Tú đã chọn nghề Đạo diễn sân khấu ca nhạc và ngành công nghiệp giải trí làm đam mê lớn nhất của đời mình.

Ngay từ những sự kiện đầu tiên, anh đã đạt được thành công vang dội với những tác phẩm ghi dấu tiên phong như Nhật Thực 1 của Trần Thu Hà, đặt ra khái niệm vở thời trang với Cơn ác mộng của người thợ may

Với 20 năm làm nghề, khách hàng và đối tác của Việt Tú là những nghệ sĩ hạng A, những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và trên thế giới. Anh cũng là người đứng sau những chương trình lớn nhất nền công nghiệp giải trí Việt Nam trong nhiều năm qua, và mới đây nhất là show diễn thực cảnh đa phương tiện tại Vinpearl Land Nha Trang. Tata Show là hành trình siêu thực được kể bằng công nghệ, nơi các khán giả Việt Nam và quốc tế lần đầu tiên được thưởng thức một sản phẩm giải trí nghệ thuật đẳng cấp thế giới, được tạo ra bởi người Việt Nam.

Việt Tú thích người ta nhắc đến mình với danh xưng gì? Đạo diễn? Nhà sản xuất? Người tổ chức sự kiện? Phù thủy sân khấu?

Tôi luôn muốn được nhắc đến như một người sáng tạo, chỉ đơn giản như vậy. Tôi không hiểu sao mọi người hay gọi mình là “phù thuỷ”, vì tôi cho rằng hình thức của mình cũng không đến nỗi tệ. (cười)

So với ngày đầu khởi nghiệp và vị thế hiện tại, anh thấy mình giống và khác gì? Hiện tại, Việt Tú có còn làm việc với đam mê và lý tưởng của những ngày đầu không, hay đã chuyển thành một mục tiêu nào khác? 

Điều duy nhất tôi thay đổi trong suốt 20 năm qua là tính hệ thống –  khả năng quản trị và cách nhìn nhận thị trường. Mọi thứ còn lại thì không, vì tôi xem đó là giá trị cốt lõi của mình. Tôi luôn bước vào những dự án mới với tâm thế như người mới bắt đầu, vẫn hồi hộp và thường xuyên mất ngủ y như thời điểm lúc mới vào nghề. Tuy nhiên kinh nghiệm hồi hộp thì có sự khác biệt. Trước đây tôi hồi hộp vì không biết mình sẽ phải làm cái gì như thế nào, lúc ấy mình như người bị bịt mắt trong đêm tối, phải mò mẫm dò đường. Còn giờ đây tôi biết con đường mình đi, nhưng hiểu rằng khoảng cách giữa những gì mình viết ra trên giấy và hiện thực là một con đường rất dài và nhiều thách thức, đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao độ. Chưa kể, tôi luôn nghĩ mỗi thành công của mình đều có phần của sự may mắn, và tôi hồi hộp không biết lần sau mình có còn được may mắn như trước không.

Nhiều nghệ sĩ không chấp nhận một thực tế rằng họ phải tìm cách tương thích với cuộc sống để sáng tạo. Thay vào đó, họ chống lại đám đông, thậm chí từ chối để đám đông hiểu mình và tác phẩm. Họ cho tất cả những ai không đồng cảm được với nghệ thuật của họ là không am hiểu và rồi đau khổ về nhiều điều mà theo quan điểm của tôi là không đáng. Họ cũng quên mất rằng những nghệ sĩ tài năng luôn biết cách thuyết phục số đông, thay vì đổ lỗi cho khán giả không đủ trình độ thưởng thức. 

Tôi không nói gộp tất cả nghệ sĩ, nhưng đó là thực tế. Nghệ thuật chắc chắn phải có khán giả. Và có một thực tế mà chúng ta cần chấp nhận là văn hoá, đặc biệt là văn hoá đại chúng, vô cùng đa dạng. Mỗi thể loại đều có giá trị và khán giả riêng. Nếu chọn con đường độc đạo, người nghệ sĩ cần chấp nhận khu biệt khán giả và đổi lại, họ sẽ có đền đài của riêng mình. Nhưng nếu người nghệ sĩ lựa chọn đại lộ, nghiễm nhiên đó sẽ là nơi đông đúc, náo nhiệt, và có những giá trị phải đánh đổi như một lẽ tất dĩ.

Con đường nào cũng đáng được tôn trọng. Đáng sợ nhất trong nghệ thuật không phải là tính hàn lâm hay phổ cập, mà là tất cả đều như nhau.

“Tôi luôn bước vào những dự án mới với tâm thế như người mới bắt đầu, vẫn hồi hộp và thường xuyên mất ngủ y như thời điểm lúc mới vào nghề. Tuy nhiên kinh nghiệm hồi hộp thì có sự khác biệt. Giờ đây tôi biết con đường mình đi, nhưng hiểu rằng khoảng cách giữa những gì mình viết ra trên giấy và hiện thực là một con đường rất dài và nhiều thách thức, đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao độ.”

Việt Tú định nghĩa những gì mình làm là “tác phẩm” hay “sản phẩm”, vì tôi thấy anh sử dụng cả hai từ? Với anh, hai cụm từ này có khác biệt trong nghệ thuật không?

Với nghệ sĩ, đó là “tác phẩm”; còn với khách hàng, đó là “sản phẩm”. Chúng khác nhau về tên gọi, nhưng trong nghệ thuật, bản chất chúng hoàn toàn giống nhau. Nhiều nghệ sĩ không vui khi tác phẩm của mình được gọi là “sản phẩm”. Tôi thì nghĩ khác: mỗi người đều có mục đích và tiêu chí riêng. Nghệ sĩ có mục đích tối thượng là “tác phẩm” và sự sáng tạo. Người kinh doanh có mục đích tối thượng là “sản phẩm” và thị trường. Mỗi bên đều có giá trị riêng và gặp nhau ở điểm chung là “tác phẩm – sản phẩm”. Đây là mối quan hệ tương hỗ đã tồn tại từ lâu chứ không phải bây giờ mới bàn tới. Mục tiêu tôi hướng đến không phải là tên gọi, mà là kết quả. Khi tạo được kết quả tốt, bạn có thể gọi tên mọi thứ theo định nghĩa của mình.

Tôi cũng luôn cố gắng tách bạch giữa tiền bạc và tác phẩm, mặc dù điều này đôi khi bất khả thi. Nhưng cho dù thế nào, tôi vẫn luôn phải dựa vào nền tảng cảm xúc. Chỉ khi tôi giữ được nguyên vẹn sự xúc động trước cái mới, cái đẹp và cảm thấy niềm hứng khởi khi đứng trước các tác phẩm nghệ thuật, khi đó tôi mới có thể sáng tạo.

Việt Tú có trong tay nhiều tác (sản) phẩm thành công trải dài 20 năm làm nghề, hầu hết đều tạo ra những giới hạn và tiêu chuẩn mới cho thị trường, anh duy trì động lực cho mình như thế nào?

Tôi luôn đặt câu hỏi rằng liệu mình có thể làm tốt hơn những gì đã có hay không? Tôi cũng có thói quen “nhìn lên” để biết những gì đã làm được còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, bài học lớn nhất tôi nhận được trong suốt 20 năm làm nghề là: sự tự mãn sẽ huỷ hoại sáng tạo. Khi bạn đắm đuối trong vinh quang quá khứ, bạn sẽ bị mắc kẹt ở đó. 

Năm 2006, tôi dựng vở thời trang “Cơn ác mộng của người thợ may” để nói về chính vấn đề này. Và tác phẩm đôi khi lại là tấm gương phản chiếu chính xác thực tại của người nghệ sĩ – tôi đã mắc đúng những lỗi trong câu chuyện mình kể, nhưng may mắn kịp nhìn thấy và sửa sai để tiếp tục con đường như nhiều người thấy hôm nay. 

Đó là cơ duyên không phải ai cũng có được. Giờ đây, mỗi khi cảm thấy quá hài lòng với bất kỳ điều gì, trong tôi luôn có nỗi sợ –  sợ mắc phải những sai lầm ngày xưa. Tôi hy vọng mình luôn đủ tỉnh táo để duy trì sự đổi mới mỗi ngày.

Dream Studio của Việt Tú ra đời như nào? Điều gì giúp một công ty nhân sự lúc nào cũng chỉ không quá 10 người với một văn phòng khiêm tốn tại Hà Nội kiểm soát những hợp đồng lớn nhất thị trường trong những năm qua?

Dream Studio ra đời sau khi tôi đóng cửa T’s Studio. Tên của hai studio đã phản ảnh tầm nhìn của tôi ở hai thời điểm khác nhau trong cuộc sống và nghệ thuật. 

T’s (Tú) Studio mang tầm nhìn cá nhân, đóng vai trò như một chốn riêng, nơi tôi và những người bạn dành cả ngày để mơ mộng trong những cuốn sách nghệ thuật và chỉ nhận làm rất ít chương trình. Chúng tôi sẵn sàng tắt điện thoại và vác ba lô đi vòng quanh thế giới bất cứ khi nào thích. Dream Studio (Xưởng sản xuất những giấc mơ), ngược lại, ra đời ở giai đoạn tôi đang lơ lửng giữa những điều mình đã và chưa làm được trong cuộc sống, đối mặt với những vận hạn lớn nhất trong cả công việc lẫn đời tư. 

Năm 2010 là thời điểm tôi nhận ra mình cần phải thay đổi – không thể khư khư giữ những giá trị và cách làm của một Việt Tú đã cũ nữa. Tôi nhận ra mình cần một hệ thống con người và cách làm việc mới để có thể tiếp tục sáng tạo. Chữ “Dream” là giá trị cốt lõi, vì tôi vốn là người mơ mộng, còn “Studio” chính là phân xưởng nơi tôi cùng nhiều người khác hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Dream Studio, nói tóm lại, là nơi chúng tôi biến giấc mơ của một người thành niềm tin và lý tưởng của nhiều người.

Tôi tìm được văn phòng cho Dream Studio giữa một cơn sốt kéo dài gần hai tuần. Văn phòng nhỏ, nơi trở thành “tổng hành dinh” cho Dream Studio, đến với chúng tôi vào giây phút tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tuyệt vọng và đang trên ngưỡng từ bỏ hy vọng tìm được ngôi nhà mới cho “đứa con tinh thần” của mình. Có nhiều điều về duy tâm, không muốn tin cũng phải tin, và chỉ người trong cuộc mới hiểu. Và Dream Studio ra đời từ đó, trong một căn phòng nhỏ cùng lực lượng nhân sự vô cùng khiêm tốn.

Dream Studio, nói tóm lại, là nơi chúng tôi biến giấc mơ của một người thành niềm tin và lý tưởng của nhiều người.

Vốn không phải là người ưa hình thức trong công việc, tôi cho rằng điều quan trọng là hệ thống chứ không phải quy mô. Nếu sở hữu tư duy hệ thống, tự khắc bạn sẽ vận hành được mọi dự án có quy mô từ lớn đến nhỏ mà không cần quá nhiều điều kiện.

Trong ngành sáng tạo, nếu chúng tôi kết hợp tất thảy mà không sàng lọc, thì khả năng Dream Studio trở thành một “hàng xén” (tạp hóa) là rất cao. Khi đã xác định giá trị cốt lõi của công ty là sáng tạo thì chúng tôi cần phải tập trung hết sức cho điều đó và làm mọi thứ có thể để trở nên khác biệt, thay vì làm thật nhiều nhưng không để lại ấn tượng. Thế giới phẳng và nền kinh tế chia sẻ cho phép chúng tôi thuê ngoài mọi thứ và ráp chúng vào hệ thống của mình. Đó chính là điều khiến Dream Studio khác biệt. Khác biệt như thế nào thì ngay trong câu hỏi của bạn đã có câu trả lời – chúng tôi tự hào vì đang nắm giữ trong tay nhiều dự án lớn nhất thị trường.

Dream Studio là một cái tên mơ mộng, nhưng người sở hữu nó lại rất thực tế, thậm chí có thể nói là thực dụng. Việt Tú bắt đầu trở nên thực tế từ khi nào? Làm thế nào để cân bằng được giữa nghệ thuật và thực tế?

Chính xác thì tôi thấy mình bay bổng một cách thực tế. 

Tôi học được điều này từ thời còn đi học ở Mỹ. Có một câu hỏi kinh điển mà mọi sinh viên đều gặp khi mới đăng ký nhập học là: “Bạn muốn trở thành Van Gogh hay Picasso?”

Đương nhiên, có lẽ bạn cũng như tôi, sẽ cảm thấy bối rối khi phải so sánh hai con người này về danh tiếng và khả năng hội hoạ. Nhưng có sự khác biệt rõ ràng giữa hai số phận – một người nổi tiếng ngay lúc còn sống, một người phải chờ đến vài trăm năm sau. Đó cũng là con đường mà người làm nghệ thuật phải chọn lựa và là thực tế mà nghệ sĩ Việt Nam phải học cách đối diện. Họ không chấp nhận rằng một số tác phẩm mình tạo ra không (hoặc chưa) có người hiểu; họ chống lại những nghệ sĩ đương thời có đông khán giả hơn và cho đó là nghệ thuật phổ thông, không xứng tầm. 

Tôi cho rằng nghệ thuật nào cũng xứng đáng được tôn trọng, nghệ sĩ nào cũng xứng đáng được yêu quý. Nhưng khán giả và cuộc sống có lựa chọn của riêng họ. Với tôi, việc cân bằng giữa nghệ thuật và thực tế là nhiệm vụ của bất kỳ người nghệ sĩ nào. Khi làm được điều này, người nghệ sĩ sẽ có thêm cơ hội để theo đuổi những gì điên rồ nhất trong sáng tạo.

Việt Tú nghĩ sao giữa giấc mơ và hiện thực? Để “Xưởng sản xuất những giấc mơ – Dream Studio” trở thành hiện thực trước mắt người xem, thậm chí, để họ có thể sống được trong nó, có phải chỉ cần giấc mơ và trí tưởng tượng là đủ? 

Giấc mơ là giá trị cốt lõi của người nghệ sĩ. Không lãng mạn, bay bổng thì không sáng tạo được. Còn hiện thực lại là điều bắt buộc phải có nếu người nghệ sĩ đó muốn sống sót, và đi đến cùng những giấc mộng của mình. Cho đến giờ, trong con người tôi thường xuyên tồn tại song song hai con người tượng trưng cho hai thái cực này. Chỉ có điều tôi giữ sự điên rồ cho riêng mình. 

Tôi nghĩ mình là một người làm việc rất nghiêm khắc và nghiêm túc. Tôi nghiêm khắc đầu tiên là với bản thân, sau đó là những đồng nghiệp và chưa bao giờ tôi từ bỏ nguyên tắc này. Bí quyết đơn giản chỉ có vậy. Vì bạn không thể nào theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình nếu chỉ có tình yêu mù quáng. Điều đó rất dễ làm chúng ta mất sự tập trung và nguồn cảm hứng để đi đến đích. Tất cả thành công đều là kết quả của một quá trình rất dài, rất mệt mỏi, đau đớn và đôi khi phải nói rất bất lực.

Muốn đi đến tận cùng công việc đam mê thì phải nhìn vào bản chất tận cùng của nó, đừng chỉ nhìn những lớp vỏ màu hồng.

Giá trị cốt lõi của Dream Studio là sáng tạo. Sáng tạo là điều đầu tiên mà khách hàng sẽ nói về Dream Studio và tất cả mọi thành viên trong đó. Cá nhân tôi chưa bao giờ xa rời cụm từ này. Tuy nhiên, tầm nhìn cho Dream Studio là trở thành một “bộ não về sáng tạo” – tức có con đường và phong cách riêng, cùng một hệ thống đủ mạnh để biến những ý tưởng trong thế giới mộng mơ thành hiện thực thực tế.

Bên cạnh đó, Dream Studio cũng có tiêu chuẩn riêng mà tôi cố gắng để tất cả mọi người, từ khách hàng đến nhân sự công ty đều hiểu. Đó là hoạt động dựa trên sự hiểu biết và trân trọng nhu cầu của khách hàng cũng như nắm bắt được tư duy của họ.

Việt Tú định vị vai trò của mình như thế nào trong “Xưởng sản xuất những giấc mơ” – người sáng tạo, người quản lý, hay ông chủ? 

Andrea Pirlo, người được mệnh danh là Leonardo da Vinci của bóng đá thế giới có nói một câu rất hay: “Ngày nay, định nghĩa về các vị trí trong bóng đá đã thay đổi, nghĩa là vai trò của cầu thủ hay HLV cũng thay đổi. Nếu trước đây các HLV được gọi là ‘Coach’, thì bây giờ họ được gọi là ‘Football Manager’. Nếu trước đây cầu thủ chỉ đá một vị trí thì bây giờ họ đang tự tạo ra nhiều vị trí hơn cho mình.” 

Tương tự, các đạo diễn điện ảnh và sân khấu hiện đại cũng không chỉ tạo ra tác phẩm, mà còn tạo ra cả hệ sinh thái sản phẩm bán được xung quanh tác phẩm của mình. Tư duy của tôi về vấn đề này cũng tương tự như vậy.

Anh thường xuyên nói về tính hệ thống, quản trị, vận hành, những khái niệm nếu không nói là xa lạ thì cũng rất mới với nghệ sĩ ở Việt Nam. Những yếu tố này có phải là bổn phận của người nghệ sĩ hay chỉ đơn giản là giờ đây Việt Tú đã không còn là một nghệ sĩ nữa?

Đó là điều tôi đã đề cập ở trên. Nếu một người chỉ muốn là nghệ sĩ thuần sáng tác, họ cần có đủ tự do. Nhưng điều gì sẽ mang lại tự do? 

Rất nhiều người hiểu lầm khái niệm “tự do” với “tùy hứng”, làm việc không có kế hoạch, không trả lời điện thoại khách hàng, trễ deadline,.. Bản thân tôi không thể nào sáng tác khi xung quanh là một mớ hỗn độn các câu hỏi của khách hàng, hay các deadline phải trả. 

Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng trừ khi bạn sinh ra ở vạch đích và gia đình để lại cho bạn cả gia tài, nếu không, tôi cho rằng “tự do sáng tạo” phải đi qua hệ thống hoặc do người nghệ sĩ tự tạo, hoặc khi họ được ở trong một hệ thống đủ mạnh. Thời gian sẽ chứng minh một lần nữa rằng tôi là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam tư duy đúng về điều này.

Chỉ khi tôi giữ được nguyên vẹn sự xúc động trước cái mới, cái đẹp và cảm thấy niềm hứng khởi khi đứng trước các tác phẩm nghệ thuật, khi đó tôi mới có thể sáng tạo.

2020 là một cột mốc đặc biệt khi anh sẽ kỷ niệm 20 năm sự nghiệp của Việt Tú và 10 năm Dream Studio xuất hiện trên thị trường. Hướng đi nào cho tương lai của Dream Studio? Và sản phẩm tiếp theo sẽ là gì?

Cho dù Dream Studio có phát triển theo hướng nào thì giá trị cốt lõi là sự sáng tạo vẫn sẽ luôn được duy trì. Trong suốt 10 năm qua, chính điều này đã đưa Dream Studio lên vị trí như ngày hôm nay. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế rằng đó là những điều đã qua. Và trong một thế giới phẳng, phát triển nhanh như hiện nay, tôi cho rằng cá nhân mình cũng như Dream Studio sẽ còn phải nỗ lực gấp nhiều lần để duy trì vị trí này trong 10 hay 20 năm tới. 

Tôi thực sự muốn chia sẻ rất nhiều về những gì đang làm, nhưng với tất cả sự thận trọng cần thiết, tôi cho rằng chỉ nên nói về những dự án trong trạng thái đã hoàn thành và được bàn giao. Tương lai là điều khó đoán định và mọi thứ có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Tôi vui vì trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, mọi thứ vẫn rộng mở ở phía trước với cá nhân tôi và Dream Studio. Việc còn lại phụ thuộc vào nỗ lực hết sức và sự may mắn.

Câu hỏi ngắn

Nếu một người hứng thú với nghề đạo diễn sân khấu, với nghệ thuật thực cảnh đa phương tiện, họ có thể bắt đầu từ đâu?

Hãy bắt đầu với sự đam mê. Mặc dù khó định tính, định lượng, nhưng khi có đủ đam mê, cả vũ trụ sẽ giúp bạn thực hiện tâm nguyện của mình. Ngoài ra, do con đường tôi đi và những gì tôi làm chưa chắc đã là điều đúng với tất cả mọi người, nên tôi tránh đưa ra những lời khuyên quá cụ thể cho bất kỳ ai.

Ai là người truyền cảm hứng cho đạo diễn Việt Tú?

Karl Lagerfeld, Madonna và bố nuôi của con gái tôi – một doanh nhân đồng thời là nghệ sĩ vô cùng tài ba người Nhật, một người đã qua đời ở độ tuổi 89, trong lúc làm việc.

Chia sẻ một sở thích của Việt Tú?

Tôi thích đồ chơi hypebeast và lưu giữ sách về nghệ thuật.

Những khi bí ý tưởng, Việt Tú sẽ làm gì?

Thu xếp công việc ổn thỏa, xách balo và lên đường. Nhưng không phải đi phượt, đi chơi.

Nếu được tự mô tả về mình, Việt Tú sẽ nói gì?

Có nhiều điều tưởng như không thể tồn tại dưới dạng hai trong một, nhưng chúng lại cùng lúc tồn tại trong con người nghệ thuật của tôi. Đó là sự điên rồ, bay bổng và tính thực tế, kỷ luật.

Nếu không là đạo diễn thì Việt Tú sẽ là ai?

Có lẽ vẫn sẽ là một kẻ lông bông. Tôi của những ngày tuổi trẻ từng lang thang trong vô định cho đến khi tìm được con đường hiện tại. Nghệ thuật đã cho tôi được sống là chính mình.

Ảnh: Alvis


 
Back to top