ART & LIFE

Họa sĩ Nguyễn Công Hoài: Nghệ thuật của tôi trần trụi chứ không trần truồng

May 10, 2021 | By Trang Ps

Họa sĩ Nguyễn Công Hoài chia sẻ phần việc của ánh sáng là chiếu rọi và lấp đầy những tăm tối. Và cũng nhờ ánh sáng ấy mà anh nhận biết những sự thật khuất ẩn trong tâm hồn. Bằng cách chấp nhận và đối diện can đảm, hội họa của anh đã minh tường cho việc phô diễn và làm rõ những trần trụi này.

Nguyễn Công Hoài thử nghiệm nhiều đề tài và cách thức khác nhau nhưng cuối cùng con người vẫn là mối quan tâm xuyên suốt của anh.

Với nam họa sĩ, vẽ là tự phơi bày. Anh để nghệ thuật xoay quanh mình, lôi cuốn anh vào những vùng khát khao mãnh liệt nhất, nơi anh có thể đối diện với những bóng ma của bản thân: cô độc, căng tràn kiêu ngạo, buồn đau tuyệt vọng, mục rữa, dục vọng và cả những tia lửa hân hoan đầy khoái lạc. Nghiệp hội họa biến anh thành một con người đa sầu đa cảm hay chính đa sầu đa cảm mà hội họa thật khéo chọn anh. Ta không rõ. Nhưng Hoài khôn ngoan ở chỗ anh đã biết tìm đến sự quân bình, trung dung, khoảng giữa của biết bao cảm thọ đối nghịch. “Những ngày không mơ mộng”, triển lãm gần đây nhất của anh, đã chứng minh điều đó, một cách người họa sĩ tự nhắc nhở mình phải thực tế trên hành trình nghệ thuật và không trở thành nạn nhân của thói kiêu căng, tự mãn và ảo tưởng. Đó là một thái độ sống và sáng tác dứt khoát và nghiêm túc.

Có thể nói, tranh của Hoài trong những sáng tác gần đây mang hơi hướm tối giản về sắc màu, tinh thần Đông phương hiện đại và biểu hiện cao. Dù vẽ chân dung con người nhưng nhận dạng đối tượng không rõ nhằm bộc lộ bản tính thân phận là chính. Hướng tiếp cận này mang đến cuộc thưởng thức thú vị và chạm sâu vào giá trị nhân sinh.

Trước khi vẽ chân dung, anh nắm bắt con người từ khía cạnh nào?

Tôi tin rằng mỗi người đều có những nhân vị độc đáo và riêng biệt. Thế nhưng, tôi thường chỉ cảm nhận được sự thú vị ở những cá nhân đồng điệu với tôi về mặt tình cách. Hay giữa chúng tôi hình thành tính thấu cảm, cảm thông. Khi đó, việc vẽ bỗng trở thành niềm vui thay vì rào cản.

Nhìn con người như những cá tính riêng biệt nhưng đồng thời đây chỉ là cái cớ. Với tôi, các sinh thể vô danh sống động tồn tại như nhau qua cái nhìn và quan niệm nghệ thuật của riêng tôi.

Một chặng đường vẽ về con người, anh quan niệm về sự trưởng thành nghệ thuật của mình ra sao?

Hàng ngày, tôi làm việc liên tục không mệt mỏi. Tôi nghĩ trong lao động nghệ thuật thì không có sự trưởng thành. Mọi sự biến đổi là cuộc thay đổi về mặt cảm xúc hay sự trưởng thành trong tính cách của mình, chứ không phải nghệ thuật.

Tôi biết hành trình của tôi là một hành trình dài, đầy thử thách và chướng ngại. Tôi biết chắc sau cùng tôi sẽ tìm được ý nghĩa của nó, dù tôi đã chọn cô đơn là người bạn đồng hành.

Chủ đề khỏa thân là đề tài nhạy cảm, đặc biệt ở một quốc gia Đông phương, nhưng bộ tranh triển lãm “Những ngày không mơ mộng” của anh lại khá táo bạo, anh có chia sẻ gì về việc tháo gỡ định kiến bên trong để sáng tác?

Tôi nghĩ thật kỳ cục khi dùng thuật ngữ 18+ trong thực hành nghệ thuật. Tôi nghĩ mọi thứ mình vẽ là bình thường, không có gì gọi là mới mẻ hay cách mạng. Những mẫu trần trụi chứ không phải trần truồng.

Tôi vẽ những con người tồn tại với tất cả sự bộc lộ chân thật nhất, kể cả vấn đề giới tính chỉ là một phần trong đó mà thôi.

Mạch cảm xúc của anh trong series này có gì đặc biệt?

Trong series này, mạch cảm xúc của tôi men theo cách nhìn cá nhân về thân phận người: trực diện và thành thật, thấu cảm và chân thành. Điều khác hơn là tôi đã thử nghiệm acrylic trên giấy. Chọn lựa này mang đến những cảm xúc mới mẻ và thú vị, có được nhiều thoải mái, phóng khoáng và tự do thể hiện.

Về bút pháp thì sao, chúng có gì thay đổi suốt thời gian anh thực hành sáng tạo?

Nhìn chung, tôi thấy không có sự thay đổi lớn nào. Những biến chuyển chỉ men theo cảm xúc mỗi ngày làm việc. Tôi đã có sự tập trung nhiều hơn ở biểu hiện cơ thể và thể nghiệm nhiều màu đơn sắc.

Đôi khi, sự thay đổi gam màu chỉ vì có một số màu vẫn còn nhiều cần phải dùng.

Anh có phải là người đặt nặng về tư tưởng sáng tác?

Thực sự, tôi không nghĩ nhiều về tư tưởng sáng tác. Tôi đơn giản quan tâm về con người, những hạnh phúc, buồn đau, thâm sân si hỷ nộ ái ố của họ, từ đó đối chiếu và cảm nhận về chính mình.

3 tính từ mô tả bản chất con người anh được biểu lộ rõ qua hội họa?

Đơn giản, trực cảm và say đắm.

Theo anh, trải nghiệm nào là quan trọng đối với một người sáng tác hội họa như anh?

Mỗi người đều có những trải nghiệm và hiểu biết riêng tư và khác nhau về đời sống. Mỗi giọng điệu đều có nét thú vị, biểu trưng cho cách nhìn độc đáo về cuộc đời. Tôi nghĩ rằng khả năng sáng tác và cất tiếng nói riêng của mình đã là một phước lành mà một nghệ sĩ may mắn có được.

Một nhân vật hay câu chuyện nào ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của anh?

Tôi không có một nhân vật hay câu chuyện điển hình giữ vai trò chủ đạo cho tư duy sáng tác của mình. Cuộc sống và mọi mối quan hệ xung quanh tôi hầu hết đều thi vị hoặc ám ảnh. Tất cả chúng thúc ép sáng tạo trong tôi.

Ngoài ra, tôi cũng học hỏi ở những hoạ sĩ đàn anh thế hệ trước. Họ là những cá nhân gây nhiều cảm hứng sáng tạo cho bản thân.

Họa sĩ Nguyễn Công Hoài.

Liệu anh có bất cứ ý tưởng sẵn về các dự án tiếp theo?

Tôi không hình dung trước một dự án nào cụ thể. Mọi thứ cứ thuận theo lẽ tự nhiên. Bất cứ khi nào cần tổng kết một giai đoạn sáng tác, tôi thường làm một triển lãm.


 
Back to top