Lời bình về vấn đề “tả thực như vậy thì thà chụp còn hơn!”
Trong phiên đấu giá mùa xuân có tên “Đêm nghệ thuật đương đại” của China Guardian hôm 20/5, một bức tranh sơn dầu cực thực của Lãnh Quân đạt giá gõ búa lên đến 12,6 triệu USD. Tuy nhiên, trong cộng đồng nghệ thuật Việt vẫn dấy lên không ít bàn luận về việc “tả thực như vậy thì thà chụp còn hơn…!”
Về vấn đề này, họa sĩ Tạ Duy (sinh năm 1989) từng tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Thạc sỹ chuyên ngành Trung Quốc họa Học viện Mỹ thuật Trung Quốc, chia sẻ: “Tôi chưa khi nào thấy ngạc nhiên trước năng lực tả thực của sinh viên mỹ thuật Trung Quốc, ít ra là ở những học viện mà tôi đã biết, bởi đó là kết quả tất yếu của một quá trình rèn luyện đáng khâm phục. Nhớ hồi mới sang đó, ấn tượng đầu tiên mà tôi được trải nghiệm là việc tất cả các phòng vẽ trong học viện không khi nào tắt đèn trước 12 giờ đêm, thậm chí có anh bạn tôi còn thông đồng với bảo vệ cho hắn ngủ qua đêm trong studio luôn.
Mặc dù giáo dục mỹ thuật tại Trung Quốc rất thoáng trong việc cho phép sinh viên thể nghiệm mọi ý tưởng cũng như mọi phương pháp thể hiện, nhưng phần đông sinh viên hội họa đều lấy hiện thực là mục tiêu để hướng tới. Với họ, hiện thực chính là thước đo, là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của một học sinh trước khi trở thành một nghệ sĩ, và tóm lại là cứ tả thực cho tới bến đi đã, ra trường vẽ gì tính sau.”
Được biết, mỗi năm, hàng nghìn sinh viên nghệ thuật Trung Quốc đến thành phố gần nhất để thi thực hành, một phần trong quá trình nộp đơn xin vào các khóa học nghệ thuật của trường đại học. Họ ngồi cùng các bạn bè trong các phòng hội nghị rộng lớn của khách sạn hoặc các cơ sở thể thao, với bộ bút chì và sơn đi kèm. Trong suốt một ngày, hoặc hơn, họ phải hoàn thành bài tập cụ thể, thứ quyết định đến cơ hội học tập và nghề nghiệp tương lai của họ.
Một báo cáo của Công ty tư vấn Daxue ở Hong Kong chỉ ra rằng Học viện Nghệ thuật Trung Quốc nhận khoảng 80.000 ứng viên mỗi năm nhưng chỉ lấy 1.600 sinh viên. Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh có hơn 40.000 ứng viên mỗi năm, 13.000 được mời tham gia kỳ thi, nhưng chỉ nhận 700 đến 800 sinh viên. Với những con số này, thật không có gì ngạc nhiên khi các trường áp dụng những biện pháp tương đối khắc nghiệt để đảm bảo rằng các giám khảo của họ không bị mua chuộc. Học viện Mỹ thuật Trung ương tổ chức các kỳ thi của mình mỗi năm tại 5 địa điểm thi: Bắc Kinh, Thanh Đảo, Trịnh Châu, Thành Đô và Thâm Quyến. Các sinh viên mỹ thuật phải thi hai ngày, với 6 giờ để vẽ, ba giờ cho lý thuyết màu và ba giờ cuối cùng để vẽ phác thảo, với tiêu chuẩn rất chuyên nghiệp và cực kỳ khó.
Các bài kiểm tra không phục vụ cho phong cách cá nhân nào, cũng không nhất thiết phải có lợi cho những sinh viên muốn theo đuổi cách tiếp cận thực hành nghệ thuật độc đáo. Ví dụ, trong một kỳ thi, tất cả học sinh vẽ cùng một tĩnh vật hoặc một bức ảnh.
Học viện Mỹ thuật Trung ương chọn từ 5 đến 11 giám khảo mỗi năm trước kỳ thi. Trước khi thi, các giám khảo được cử đến một điểm bí mật trong một khác sạn Bắc Kinh. Khi đến đây, họ bị tịch thu điện thoại, máy tính xách tay và tất cả các công cụ để liên lạc bên ngoài và những thứ này chỉ được hoàn lại cho đến khi việc chấm thi hoàn tất.
Cũng giống như nhiều trường học trên thế giới, sinh viên mỹ thuật Trung Quốc cũng trải qua đủ trường phái. Những thế hệ đầu tiên như Từ Bi Hồng, Lâm Phong Miên,… cũng học theo ấn tượng, sau đó về nước đào tạo. Họ cũng trải qua giai đoạn mỹ thuật ảnh hưởng Liên Xô, nhìn chung, lịch sử hội họa hiện đại Trung Hoa không khác Việt Nam. Việc sinh viên thích vẽ tả thực, như Tạ Duy nhấn mạnh, bắt nguồn từ mô hình đào tạo môi trường bên đó rất đề cao hiện thục, ngay bài thi vào đại học đã bắt buộc sinh viên tả thực theo ảnh.
Thảo luận về đề tài này, họa sĩ Nguyên Thanh Bình cũng lên tiếng: “Nhiều người bảo vẽ như ảnh thì thà chụp còn hơn, đó là những người chưa bao giờ vẽ, hoặc vẽ theo cách dễ nhất. Vì tôi đã từng thử, và thất bại, thử nhiều lần nữa, vẫn thất bại … nên hiểu rất rõ, phong cách cổ điển, cao hơn nữa là siêu thực và cực thực cần điều gì… Tất nhiên, cuối cùng phải tìm cho mình, không phải là cách dễ nhất mà là phù hợp với con người mình nhất, và nhìn nhận những khuynh hướng khác.”
Rất nhiều người, có cả hoạ sĩ khi khen một bức cực thực là vẽ đẹp như…ảnh chụp. Nhưng họ không phân biệt được sự khác nhau căn bản giữa hội họa và nhiếp ảnh. Về bản chất, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và “đối tượng” ở hai lĩnh vực này là hoàn toàn khác nhau.
Nói thêm về Leng Jun (Lãnh Quân), người có bức tranh tả cực thực đạt giá gõ búa 12,6 triệu USD. Ông là bậc thầy của chủ nghĩa siêu thực, người vẽ những bức tranh sơn dầu cực thực về phụ nữ. Sinh năm 1963, Lãnh Quân trưởng thành trong thời kỳ cải cách kinh tế của Trung Quốc. Sự thay đổi văn hóa đất nước cùng những ảnh hưởng Tây phương đã tác động đến nghệ thuật của ông. Mặc dù trước đó ông đã được kính trọng như một nghệ sĩ tài hoa, nhưng chỉ sau khi bức tranh sơn dầu năm 2004 với tựa đề Mona Lisa của ông được công bố, tên tuổi của ông mới được lan truyền rộng rãi. Bức chân dung tả thực này dựa trên các nguyên tắc của bức tranh mang tính biểu tượng của Leonardo da Vinci nhưng mô tả một người phụ nữ hiện đại.
Tiếp theo tác phẩm này là một loạt các bức chân dung chân thực của phụ nữ. Bằng cách kiểm tra các chi tiết trên tranh, người ta có thể ngỡ ngàng trước nét vẽ chính xác của tác giả. Mặc dù nhận không ít lời chỉ trích rằng những tác phẩm này trông quá giống ảnh chụp, nhưng Lãnh Quân khẳng định rằng bất cứ ai nhìn trực tiếp các bức tranh sẽ không cảm thấy bị lừa dối. Mục đích của ông không phải cạnh tranh hay bắt chước một bức ảnh, mà ông muốn đẩy nghệ thuật nghệ thuật của mình đến giới hạn của nó. Bằng cách cân bằng giữa kỹ thuật với khả năng mang đến cảm xúc cho bức tranh, ông đã và đang tiếp tục chạm vào trái tim của nhiều người trên thế giới.