Những nhân vật bí ẩn đứng sau thương vụ Elon Musk thâu tóm Twitter
Theo ước tính của Bloomberg, Elon Musk – CEO Tesla chỉ có khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao. Vậy vị tỷ phú này đã làm thế nào để huy động đủ nguồn tiền cho thương vụ mua lại Twitter với con số 44 tỷ USD.
Mới đây, Elon Musk và Twitter đã đạt được thỏa thuận để tỷ phú giàu nhất thế giới mua lại nền tảng mạng xã hội Mỹ với giá 44 tỷ USD. Tuy nhiên, về phía CEO Tesla, vẫn còn một điều khiến nhiều người thắc mắc. Đó là “Làm thế nào Musk thu xếp được số tiền 21 tỷ USD còn thiếu cho thương vụ này?”.
Một trong những bước ngoặt của thương vụ diễn ra ngày 21/4, khi Elon Musk công khai kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn 46,5 tỷ USD để mua lại Twitter. Trong hồ sơ gửi đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Musk cam kết bỏ ra 21 tỷ USD vốn cá nhân, 13 tỷ USD vay của Morgan Stanley và 12,5 tỷ USD vay ký quỹ từ những ngân hàng khác.
Theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg, Elon Musk hiện là tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 257 tỷ USD. Tuy nhiên, Bloomberg ước tính CEO Tesla chỉ có khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao.
Các nhà phân tích giàu kinh nghiệm đã nêu ra một số cách để Musk thu xếp đủ số tiền ông cần, như kêu gọi thêm các nhà đầu tư; bán cổ phần Tesla, tiền điện tử… và một khả năng nữa là Elon Musk thậm chí còn giàu có hơn rất nhiều so với ước tính của Bloomberg.
Nguồn vốn từ các “ông lớn”
Theo tuyên bố được đưa ra hôm 25/4, Goldman Sachs Group, JPMorgan Chase & Co. và ngân hàng đầu tư Allen & Co. là nhóm cố vấn cho Twitter. Trong khi đó, Morgan Stanley, Bank of America Corp. và Barclays Plc là cố vấn chính của Elon Musk. Ít nhất 9 ngân hàng khác đang giúp Morgan Stanley, Bank of America và Barclays cung cấp khoản vốn 25,5 tỷ USD cho thương vụ này, bao gồm Credit Suisse Group AG, BNP Paribas SA, Citigroup Inc. và Deutsche Bank AG.
Ngoài khoản hỗ trợ 13 tỷ USD từ các ngân hàng, Musk dự kiến bổ sung thêm khoảng 21 tỷ USD tài trợ vốn cổ phần. Tuy nhiên, Musk không tiết lộ nhiều về khoản tiền 21 tỷ USD trên. Theo Bloomberg, CEO Tesla có khối tài sản 257 tỷ USD, nhưng chỉ nắm trong tay khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và một số tài sản có thanh khoản. Thế nhưng không ai biết khoản tiền này đến từ đâu.
Bloomberg đoán rằng các quỹ tư nhân có thể đã sẵn lòng cho Musk vay tiền hơn trước, sau khi thông báo mới chứng minh thỏa thuận này đã “suôn sẻ” hơn. Musk sẽ cần hỗ trợ của hơn 4 hoặc 5 quỹ khác nhau. Một số cổ đông hiện tại cũng có thể quyết định chuyển cổ phần Twitter của họ vào công ty tư nhân mới này. Như vậy, CEO Tesla sẽ không cần bỏ ra quá nhiều tiền, giúp các cổ đông của Tesla yên tâm rằng vị tỷ phú này sẽ không bán cổ phần của mình để đổ vào Twitter. Ngoài việc hỗ trợ Elon Musk mua lại Twitter, Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng từng rót vốn vào các thương vụ lớn, gây chấn động phố Wall.
Theo New York Times, năm 2021 Goldman Sachs đã hỗ trợ tập đoàn Vivendi của Pháp mua Universal Music Group với giá 32 tỷ USD và rót vốn để Salesforce mua lại Slack Technologies với giá 28,1 tỷ USD.
Trong khi đó, Morgan Stanley cũng rót vốn vào 2 giao dịch lớn trong năm 2021. Đó là vụ mua lại Maxim Integrated với giá 20 tỷ USD của nhà sản xuất chip Analog Devices và thương vụ mua Proofpoint với giá 12,3 tỷ USD của công ty cổ phần tư nhân Thoma Bravo.
Trợ thủ đắc lực của Elon Musk
Ngoài nguồn vốn từ các ngân hàng và công ty đầu tư, Elon Musk còn nhận được sự giúp sức của một trợ thủ đắc lực đứng đằng sau. Văn phòng gia đình, nơi quản lý tài sản cho người giàu nhất hành tinh, đặt tại Austin, Texas, được gọi là Excession. Người thiết kế và điều hành Excession là Jared Birchall, cựu quản lý tại ngân hàng Morgan Stanley. Birchall cũng là cố vấn của Musk trong các giao dịch với phố Wall vài năm trở lại đây.
Birchall chuyển từ Morgan Stanley sang làm việc cho Musk vào năm 2016, với vai trò xây dựng và quản lý văn phòng gia đình. Hiện Birchall đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty do Elon Musk điều hành, như Giám đốc điều hành công ty công nghệ thần kinh Neuralink, Giám đốc Boring Company và thành viên hội đồng quản trị quỹ từ thiện cá nhân của tỷ phú này.
Việc Morgan Stanley cung cấp gói hỗ trợ tài chính cũng như tư vấn cho Musk là kết quả của việc xây dựng và vun vén mối quan hệ giữa tỷ phú người Nam Phi và gã khổng lồ ngân hàng dưới bàn tay của Birchall. Hồi tháng 7/2018, một ngày sau khi Musk đăng bài trên Twitter thông báo Goldman Sachs và Silver Lake sẽ đảm nhiệm vai trò hỗ trợ kế hoạch tư nhân hóa Tesla, Birchall đã nhắn tin khuyên Musk nên xem xét tới vai trò của Morgan Stanley.
“Họ đang là nguồn lực tốt nhất của chúng ta theo phương diện cá nhân cho tới nay. Họ đã cung cấp cho ông khoản tài chính 350 triệu USD, và mỗi lần chúng ta cần vay thêm hoặc muốn lãi suất thấp hơn, họ đều chấp thuận”, trích tin nhắn của Birchall trong các tài liệu được tiết lộ xung quanh vụ điều tra dòng tweet thâu tóm Tesla của Elon Musk.
Bán cổ phần Tesla
Ngay cả khi không huy động được vốn từ các nhà đầu tư khác, Musk vẫn đủ khả năng tài chính để mua Twitter nhờ vào số cổ phiếu Tesla mà ông nắm giữ. Sau khi thế chấp 1/3 cổ phần Tesla để vay 12,5 tỷ USD mua lại Twitter, Musk vẫn còn số cổ phần trị giá 21,6 tỷ USD chưa dùng để thế chấp (dựa trên giá đóng cửa hôm 25/4). Sau khi tính thuế, khối tài sản này có thể giúp Musk hoàn tất thương vụ.
Tuy nhiên, giải pháp trên cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Đầu tiên, việc Musk bán bớt cổ phần có thể ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu Tesla. Mã này đã giảm khoảng 8% kể từ đầu tháng 4. Việc tỷ phú giàu nhất thế giới bán cổ phần trong các công ty tư nhân của ông, SpaceX và The Boring Company, là có thể nhưng khó xảy ra, bởi vì chúng không có tính thanh khoản cao.
Tiền điện tử
Một khả năng khác có thể xảy ra là Elon Musk thậm chí còn giàu có hơn rất nhiều so với ước tính của Bloomberg. Tài sản của tỷ phú gốc Nam Phi được tính toán dựa trên giá trị cổ phiếu công khai và các báo cáo liên quan, nhưng thông tin chính xác về tài chính cá nhân của ông vẫn là một ẩn số. Ví dụ: Nếu danh mục đầu tư của Musk vượt trội so với thị trường, ông có thể sở hữu nhiều tài sản hơn con số mà Bloomberg ước tính. Điều đó có nghĩa là CEO Tesla không cần đến các nguồn tài trợ khác để thu xếp số tiền 21 tỷ USD.
Tháng 7 năm ngoái, Musk cho biết ông sở hữu Bitcoin, Ether và Dogecoin. Dù Musk không tiết lộ đã mua khi nào và sở hữu trong bao lâu nhưng 2 loại tiền số đầu tiên đã tăng lần lượt 720% và 2.600% kể từ tháng 3/2020 – cao hơn nhiều mức tăng gần 90% của Chỉ số S&P 500. Trong khi đó, Dogecoin tăng gần 30% hôm 25/4 sau khi CEO Tesla “chốt” mua Twitter.