5 chiến lược tiếp cận nguồn tác phẩm nghệ thuật
Tiếp cận nguồn tác phẩm nghệ thuật không khó, đặc biệt là khi chúng ta đang ở trong một thời đại đầy đủ về thông tin và trang mạng xã hội. Thế nhưng, để tiếp cận và mua được tác phẩm tốt lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
1. Tùy vào thái độ mà tiếp cận
Trong một cuộc phỏng vấn với LUXUO Vietnam, nhà sưu tập kỳ cựu Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi bắt đầu đặt câu hỏi với từng bức tranh mà bản thân đã mua, đặt trong bối cảnh không gian trưng bày: Liệu tác giả hay tác phẩm này có đủ tốt hay tôi có thực sự thích nó trong một thời gian dài hay không? Nếu tôi trả lời không, vậy thì tác giả và tác phẩm đó từ đây không nằm trong dự định sưu tập. Đó là bước chuyển mới, giai đoạn chắt lọc hơn, lùi lại xa hơn và cách tiếp cận cũng khác trước. Tôi bắt đầu xây dựng nguyên tắc của mình, nói không và có. Chỉ những tác phẩm đáp ứng được giá trị nghệ thuật – giá trị thị trường và sự tin tưởng cá nhân như là ba đỉnh của một tam giác mới trong tầm nhìn.”
Như vậy, khi mới bước vào cuộc chơi tranh, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn vẫn theo cảm tính và ngẫu hứng trong giai đoạn đầu. Chỉ trong giai đoạn về sau, anh mới bắt đầu cân nhắc nó một cách nghiêm túc, và có sự đầu tư bài bản về mặt kiến thức lẫn sự chọn lựa mang tính tư duy. Như vậy, cách tiếp cận tác phẩm vẫn tùy thuộc vào thái độ riêng của mỗi người. Nếu ngẫu hứng, bạn có thể chọn mua tác phẩm của họa sĩ mà mình yêu thích hoặc có duyên với. Nhưng nếu có sự đầu tư dài hạn, thì đầu tiên, tôi nghĩ chiến lược quan trọng nhất vẫn là kiến thức và sự trải nghiệm.
2. Đầu tư kiến thức và trải nghiệm thực tế
Việc đọc các cuốn sách mỹ thuật chưa hẳn đã nâng cao gu thẩm mỹ và tư duy về nghệ thuật, mà quan trọng nhất là phải thực sự “sống” trong thế giới ấy. Tức là bạn cần dành ra một thời gian rỗi rảnh đi đến các phòng tranh để ngắm tranh, đến studio họa sĩ xem tranh và nói chuyện cùng họ, gặp gỡ các giám tuyển nghệ thuật để ít nhất học hỏi được tư duy bình tranh của họ. Dần dà, điều này sẽ ngấm vào tiềm thức để từ đó khiến tư duy và đánh giá riêng của bạn về nghệ thuật nâng cao hơn.
Thực ra, chúng ta không nên đặt nặng việc thưởng thức nghệ thuật trong giai đoạn đầu, và thậm chí cả về sau. Chỉ đơn giản là lặng lẽ quan sát, và cũng không nên để những ý kiến đám đông, thậm chí ý kiến của một chuyên gia, làm gián đoạn quá trình thưởng tranh của bạn. Vì chính kiến của bạn quan trọng hơn bất cứ ý kiến nào khác. Và có khi, chọn một bức tranh dở cũng là hay, để sau này, bạn có cơ hội nhìn lại hành trình “trưởng thành” trong nghệ thuật.
3. Bắt đầu với những bức tranh/họa sĩ thuộc gu của bạn
Bạn không nhất thiết phải bắt đầu với họa sĩ có tiếng vì thông thường, giá tranh của những người này thường cao, và sẽ khó khăn với ai mới bắt đầu cuộc chơi sưu tầm. Vì thế, bạn có thể tìm đến những họa sĩ mới nổi, giữ sự theo dõi họ để biết được khả năng sáng tác của họ. Nếu thân thiện, bạn vẫn có thể gặp gỡ và trao đổi nói chuyện. Bằng cách này, bạn sẽ tiếp cận được một số tác phẩm ưa thích đầu tiên, trong khi học hỏi được những điều vô giá về nghệ thuật từ trải nghiệm riêng của họ.
Khi bắt đầu với người họa sĩ có phong cách sáng tác chạm vào nội tâm mình, thì dù bỏ tiền ra, ban cũng ít khi thấy tiếc. Dù đó là một họa sĩ chưa có tiếng, hay đơn giản là một người mới bắt đầu vẽ tranh.
4. Tham gia vào các cuộc đấu giá từ thiện
Một số cuộc đấu giá tranh từ thiện như “Vì mái trường cho em” có rất nhiều tranh tốt và giá cả phải chăng hơn so với khi họa sĩ tự bán. Nếu bạn là người thường cập nhật thông tin, thì có thể bắt đầu với những cuộc đấu giá như thế này. Vì những cuộc đấu giá này ít nhất đều đã qua sự giám tuyển về chất lượng tranh, nên bạn phần nào có thể yên tâm về tính “original” cũng như “thẩm mỹ” của chúng.
5. Đầu tư cho các họa sĩ
Một số nhà sưu tầm mà tôi quen có đầu tư tài chính cho các họa sĩ, và đổi lại, họ có một lượng tranh nhất định. Đây là một sự giúp đỡ win-win, mà giờ đây bạn có thể nghĩ đến. Việc theo dõi một ai đó, quý họ cũng như khả năng của họ, và bạn cũng đồng thời biết họ gặp khó khăn trong chuyện tiền bạc, thì việc tiếp cận này là chiến lược hoàn hảo cho cả họa sĩ lẫn nhà sưu tập.