ART & LIFE

Vì sao tranh “xấu” lại được ưa chuộng

Aug 28, 2023 | By Art Republik

Xã hội nói chung “có mối quan hệ phức tạp” với cái đẹp – theo cách nói của giám tuyển nghệ thuật Dean Kissick.

Rita Ackermann, “Dos and Donts Nurses (United)” (2009). Tác phẩm trong triển lãm “Ugly Painting” tại Nahmad Contemporary, 2023. Nguồn: Artsy, Nahmad Contemporary

Khái niệm về cái đẹp từ lâu đã là nguyên lý trung tâm của lịch sử nghệ thuật phương Tây. Ít nhất trong nghệ thuật cổ điển, cái đẹp được coi là đại diện cho sự thiêng liêng. Cách tiếp cận truyền thống này có thể được nhìn thấy trong các tác phẩm như trần Nhà nguyện Sistine của Michelangelo, “The Creation of Adam” (1512), hay “Sacred and Profane Love” (1513 – 1514) của Titian. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XX, nhiều nghệ sỹ đã tìm cách sáng tác với những hình thức hội họa “bùng nổ” hơn – những phong cách phá vỡ sự tượng hình, thách thức hoặc bóp méo nhận thức của chúng ta về hiện thực. Những bức tranh này thường có đặc điểm là chói tai gai mắt, màu sắc không tự nhiên, hình dạng méo mó và chủ đề đáng lo ngại; chúng là những bức tranh liên quan nhiều đến sự khiêu khích về mặt thẩm mỹ, và do đó, có vẻ thể hiện cái xấu thay vì cái đẹp.

Tại phòng trưng bày đương đại Nahmad có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ), một triển lãm mới đang đưa sự xấu xí vào tầm ngắm. Triển lãm “Ugly Painting” diễn ra đến hết ngày 16 tháng 9, giám tuyển bởi Eleanor Cayre và Dean Kissick, tôn vinh các họa sỹ như Richard Prince, Carroll Dunham, và Nicole Eisenman, cùng nhiều người khác, những người cố tình sử dụng bút pháp, phong cách sáng tác và tượng hình một cách lòe loẹt, kỳ cục xuyên suốt tác phẩm của họ. Chẳng hạn như trong “Dos and Donts Nurses (United)” (2009) của Rita Ackermann, những bóng người xoáy vào nhau, tạo ra một khối cơ thể vô định hình, ướt đẫm màu nâu, đỏ, vàng và đen: một sự kết hợp màu sắc khó coi nhưng đầy gợi cảm. Hay “Pork” (2023) của Connor Marie, miêu tả một cô gái trẻ với một con lợn được cho là đã chết, với khuôn mặt cả hai phản chiếu trên mặt nước. Những nét vẽ của Marie cực kỳ mềm mại, tạo nên hình ảnh với vẻ ngoài mượt mà, kỳ quái như thể được tạo ra bởi máy tính, thể hiện khả năng tạo ra những hình ảnh kỳ lạ của công nghệ.

Connor Marie, “Pork” (2023). Không gian trưng bày trong triển lãm “Ugly Painting” tại Nahmad Contemporary, 2023. Nguồn: Nahmad Contemporary

Với sự bác bỏ những giá trị được đánh giá cao trong tiêu chuẩn nghệ thuật phương Tây, những bức tranh “xấu” thách thức những giả định của chúng ta về những gì được coi là nghệ thuật “hay/tốt”. Rachel Wetzler đã viết trong cuốn “Art in America” rằng: “Bức tranh dở/tệ và bức tranh xấu thường bị nhầm lẫn với nhau… nhưng chúng không giống nhau“. Do đó, Jana Euler được cho là “không vẽ những bức tranh tệ, nhưng cô ấy thường xuyên tạo ra những bức tranh xấu”.

Thực tế, bản thân những bức tranh tệ đã có chỗ đứng trong lịch sử nghệ thuật thông qua một triển lãm vào năm 1978, tại Bảo tàng Mới ở New York, với tên “Bad Painting”, giám tuyển bởi người sáng lập bảo tàng, Marcia Tucker. Cuộc triển lãm đó có sự góp mặt của các nghệ sỹ tượng hình như James Albertson, Joan Brown, Charles Garabedian, và William Wegman. Ví dụ, tác phẩm của Garabedian tại thời điểm triển lãm là điển hình cho “bức tranh tệ”, qua việc sử dụng màu sắc và phong cách tượng hình phẳng, cố ý gợi lên những nét vẽ nguệch ngoạc như trẻ thơ.

Từ trái sang phải: Carroll Dunham, “Clouds (2)” (2018 – 2019); [Một phần tác phẩm] Takashi Murakami, “Homage to Francis Bacon (RED + BLACK Triptych)” (2018). Không gian trưng bày trong triển lãm “Ugly Painting” tại Nahmad Contemporary, 2023. Nguồn: Nahmad Contemporary

Triển lãm “Bad Painting” xuất hiện vào thời điểm mà thẩm mỹ hội họa đang vượt qua ranh giới “đẹp”. Các nghệ sỹ đã bắt đầu từ chối phong cách cổ điển chuẩn mực trong thế giới nghệ thuật thông qua các phong trào như Pop Art và Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Một nền thẩm mỹ kỳ cục trong tác phẩm của những nghệ sỹ đó – cũng nổi lên trong Nghệ thuật Trình diễn và Chủ nghĩa Hành động của Vienna (Áo), bình luận về tình trạng và chính trị thế giới bằng cách xem xét sự xấu xí của thế giới thông qua hội họa.

Ngày nay, khái niệm “tranh tệ” dường như không đủ để định nghĩa tác phẩm của các nghệ sỹ đương đại. Đồng giám tuyển Dean Kissick giải thích về triển lãm “Ugly Painting” trong một cuộc phỏng vấn với Artsy: “Ý tưởng về bức tranh tệ không còn thực sự có ý nghĩa nữa, vì hầu hết các bức tranh đương đại đều phù hợp với buổi trưng bày tranh tệ [của Tucker] – hầu hết các bức tranh đương đại đều phá vỡ quy ước và gu thẩm mỹ theo một cách nào đó“.

Tuy nhiên, ý tưởng về sự xấu xí trong mối quan hệ với hội họa vẫn còn ảnh hưởng. Suy cho cùng, như Kissick đã lưu ý, xã hội nói chung có “mối quan hệ phức tạp” với cái đẹp. “Ý tưởng về cái đẹp trong nghệ thuật là một khái niệm khiêu khích – [nó] có thể gắn liền với chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tinh hoa và những ý tưởng phản động về nghệ thuật“. Do đó, sự an ủi đối với một bức tranh xấu là nó có thể nói lên một cách trung thực hơn về cảm xúc của chúng ta, và về khoảng thời gian mà chúng ta đang sống.

Không gian trưng bày trong triển lãm “Ugly Painting” tại Nahmad Contemporary, 2023. Trung tâm: Jana Euler, “rider/horse switch under observation ride thrown off” (2018). Nguồn: Nahmad Contemporary

Có lẽ đây là lý do vì sao những bức tranh xấu vẫn được ưa chuộng đến vậy. Ví dụ: trong “Ugly Painting”, các tác phẩm của Euler và George Condo táo bạo một cách mạnh mẽ với bố cục và cách sử dụng màu sắc, gây ấn tượng với người xem thông qua cách sử dụng hình tượng bị biến dạng: một góc nhìn thực tế qua tấm gương của ngôi nhà vui nhộn. Cả hai đều được các nhà sưu tập tìm kiếm vì phong cách đặc biệt, nhưng tranh của họ không truyền tải được vẻ đẹp hay tính thẩm mỹ “dễ chịu” của nghệ thuật cổ điển trong quá khứ, cũng như của Pop Art và Ab-Ex trước đó. Chẳng hạn, vào năm 1951, Vogue đã chụp ảnh bộ sưu tập thời trang trước các tác phẩm của Jackson Pollock, qua đó liên kết phong cách vẽ cử chỉ (gestural painting) của ông với vẻ đẹp và phong cách thanh lịch. Những bức tranh xấu của thời nay dường như không có sức hấp dẫn tương tự.

Mặc dù chúng ta có thể đưa ra giả thuyết về giá trị của một bức tranh xấu, nhưng chắc chắn có những nghệ sỹ thực sự đằng sau những tác phẩm này: Những người tạo ra những bức tranh bị dán nhãn “xấu”, họ phản ứng như thế nào với mô tả này? Suy cho cùng, không phải tất cả nghệ sỹ tham gia triển lãm đều được công nhận và có địa vị như Euler và Condo. Dán nhãn “tranh xấu” là một sự lựa chọn.

Tác phẩm trong triển lãm “Ugly Painting” tại Nahmad Contemporary, 2023. Nguồn: Nahmad Contemporary

Ví dụ, bức tranh trừu tượng “Exhale Explorer (Woman and Scrotum Flowers Continue to Stretch Together)” (2023) của Theresa Chromati dễ dàng là một trong những tác phẩm đẹp nhất được xem. Tác phẩm kết hợp các đường nét và hình thức tượng hình để tạo ra một loạt các hình dạng trừu tượng bùng nổ một cách đáng kinh ngạc với màu vàng, đỏ, xanh lá cây và xanh ngọc sáng. Ban đầu, Chromati tỏ ra không hài lòng về việc được đưa vào triển lãm này. Mặc dù nghệ sỹ gây được tiếng vang với một số ý tưởng có trong chương trình, chẳng hạn như phong cách nghịch dị (grotesque), và thử nghiệm với hình tượng, nhưng cô ấy vẫn không chắc chắn rằng tiêu để sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức về tác phẩm của cô. Như Kissick giải thích, “người nghệ sỹ muốn chắc chắn rằng lý do căn bản là trung thực chứ không chỉ là một cảnh tượng“.

Không gian trưng bày trong triển lãm “Ugly Painting” tại Nahmad Contemporary, 2023. Nguồn: Nahmad Contemporary

Theo giám tuyển Dean Kissick, sự đón nhận đối với triển lãm nhìn chung là tích cực, và cho đến nay, chưa ai tỏ ra khó chịu với tiền đề này. “Ugly Painting” yêu cầu khán giả xem xét lại sở thích của mình, gợi ý rằng vẫn có vẻ đẹp ngay cả trong những bức tranh thoạt nhìn có vẻ xấu xí này. Kissick nói: “Chúng tôi không cho rằng chúng là những tác phẩm tệ – chúng tôi đang đùa giỡn với gu thẩm mỹ”. Ông gợi ý rằng điều này ảnh hưởng đến những gì người mua muốn sưu tập: Khi nói đến việc sở hữu một tác phẩm, nó không chỉ là có thứ gì đó đẹp đẽ để ngắm nhìn. “Người sưu tập chỉ muốn có một bức tranh hay, và một bức tranh hay không nhất thiết phải đẹp”.

Vậy, tại sao bây giờ lại xấu xí? Như Dean Kissick đã khéo léo nói rằng: “Thật là một thời đại kỳ lạ. Chúng ta bị bao vây bởi những kiểu thẩm mỹ xấu xí và vô vị“. Nếu tác phẩm phản ánh trải nghiệm của nghệ sỹ đối với thế giới này, lẽ tất yếu, tính thẩm mỹ của tác phẩm sẽ thuận theo thực tế đó. Nói một cách đơn giản, chúng ta đang sống trong thời kỳ tệ hại. Những bức tranh xấu có thể cho chúng ta một cách để đương đầu với sự xấu xí của thời đại này và tìm thấy vẻ đẹp trong đó.

Nguồn: Chuyển ngữ từ bài viết “Why “Ugly” Paintings Are So Popular” của tác giả Ayanna Dozier, thực hiện cho Artsy.net

Chú thích tạm dịch:
  • bad: dở/tệ
  • good: hay/tốt
  • ugly: xấu
  • beauty: đẹp


 
Back to top