ART & CULTURE

Bóc tách những chiêu trò trong các phiên đấu giá nghệ thuật

Jan 11, 2025 | By Nguyễn Trí Đức

Các phiên đấu giá nghệ thuật từ lâu đã trở thành sân chơi đầy mê hoặc cho giới mộ điệu và các nhà sưu tập. Tuy nhiên, đằng sau những cú gõ búa hàng triệu đô đều tiềm ẩn khả năng diễn ra những mánh khóe và cả những sơ sót, rủi ro khó lường.

Từ những câu chuyện thực tế, từ các sự kiện gây chấn động như vụ tự hủy bức tranh của Banksy, đến các tình huống tranh cãi về đạo đức và minh bạch trong giao dịch. Qua đó, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về các chiêu thức phổ biến, cách phòng tránh rủi ro, và tầm quan trọng của sự cẩn trọng khi tham gia các phiên đấu giá nghệ thuật.

Khi lằn ranh giữa những phiên đấu giá nghệ thuật bị trộn lẫn với hình thức trình diễn

Hãy tưởng tượng điều này, một người mua chưa có kinh nghiệm và tham gia một cuộc đấu giá nghệ thuật lần đầu tiên. Quyết tâm gây ấn tượng, những tay mơ này sẽ nghĩ, “Cứ chơi lớn, hoặc không chơi.” Cuộc đấu giá họ tham gia là của Sotheby’s danh tiếng, dù trước đó họ sẽ có kinh nghiệm ít hoặc nhiều trước đó, thì vẫn sẽ có cảm giác lo lắng khi nghĩ đến việc mang về một tác phẩm lớn.

Tác phẩm “Girl with ballon” (2026) của Banksy

Cuộc đấu giá diễn ra suôn sẻ cho đến khi tác phẩm quan trọng nhất của buổi đấu giá xuất hiện, tác phẩm Girl With Balloon (2006) thuộc về nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Banksy. Giá tăng lên nhanh chóng, và khi chiếc búa gõ xuống với mức giá lên đến 860.000 Bảng Anh, bức tranh được kéo ra khỏi khung và mọi người chứng kiến một nữa tác phẩm bị cắt vụn, chỉ để chừa lại nửa trên còn nguyên vẹn. Khán giả ngơ ngác tự hỏi “Liệu chúng tôi vừa bị lừa?”.

Kết quả của sự kiện này là rất thú vị, phiên đấu giá nghệ thuật trở thành một màn trình diễn thu hút truyền thông, tác phẩm nghệ thuật này đã mang một cái tên mới sau đó cũng như giá trị tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến cảm giác của một người mua lần đầu tiên tham gia đấu giá. Trải nghiệm này chắc chắn không hề dễ chịu và thậm chí sợ hãi. Theo Frieze, sự kiện diễn ra vào ngày 18/10/2018 này là độc nhất vô nhị, được gọi là một phần của lịch sử nghệ thuật.

Vụ việc sau đó được đưa ra tòa. Trong vụ kiện giữa người mua, Sotheby’s và phía Banksy, kết quả đấu giá không thể bị bác bỏ. Danh tiếng đường phố và vị thế của Banksy trong giới nghệ thuật đã giúp tác phẩm tăng giá ngay khi hình dạng nguyên thủy bị thay đổi. Trong trường hợp này có thể nói, người mua thực sự đã gặp may. Nhưng nếu tình trạng này tái lập ở một phiên đấu giá khác, với tác phẩm khác thuộc một nghệ sĩ khác, điều gì sẽ cam kết người mua sẽ gặp may mắn tương tự?

Đâu là ranh giới đạo đức trong cách phiên đấu giá

Phía trên là ví dụ về trường hợp may mắn, vậy đâu là trường hợp mà người mua gặp bất lợi trong các phiên đấu giá nghệ thuật? Vào ngày 21/10/2023, Jeremy Wilkinson của tờ báo New Zealand Herald đã lên bài viết tố cáo nhà đấu giá Lipscombe đã bán những đồng tiền xu “hiếm” giả. Sau khi bị lên án, bên đấu giá đã công bố đầy đủ thông tin về những món đồ này. Nhưng vấn đề ở đây là, khi người mua từ khởi đơn kiện và yêu cầu hoàn tiền cho giao dịch đấu giá những đồng xu vô giá trị đó, yêu cầu của đã bị tòa bác bỏ và bị buộc phải trả đủ số tiền đấu giá là 6.000 USD.

Đạo đức trong việc bán các món hàng có giá trị lớn tại các nhà đấu giá đôi khi rất khó hiểu và thiếu minh bạch. Nhiều người sẽ mang tâm lý chung rằng, các nhà đấu giá cần phải rõ ràng và minh bạch ngay từ ban đầu để không bán những đồng xu vô giá trị trong một phiên đấu giá. Tuy vậy, suy nghĩ này chưa hoàn toàn chính xác. Người mua cần phải hiểu một điều cốt yếu là một cuộc bán đấu giá nghệ thuật đơn giản chỉ là một cuộc mua và bán với mục tiêu là kiếm tiền. Họ có quyền bán bất cứ thứ gì họ muốn, còn quyết định mua hay không là ở phía người mua. Về lý thì người bán không sai!

Việc thiếu minh bạch trong trường hợp những đồng xu giả có thể được coi là hành vi không đạo đức từ phía Lipscombe, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về kiến thức cơ bản của người mua. Điều quan trọng là người mua cần trang bị kiến thức, tỉnh táo, óc quan sat và suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định tham gia một cuộc đấu giá. Liệu người mua có nên mua những món đồ một cách mù quáng chỉ vì chúng trông có vẻ thu hút và được mời gọi hấp dẫn? Những món bắt mắt trên đời này có rất nhiều, và các nhà đấu giá rất thích thổi phồng thông tin về các món đồ để hoàn thành giao dịch.

Từ việc bán hàng giả cho đến thao túng giá các món đồ trong danh mục đấu giá, các nhà đấu giá hiếm khi phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sau tất cả, họ là những người nổi tiếng với việc bán các món hàng, vì vậy quyền lợi thường nghiêng về phía họ. Và nếu ai đó nghĩ chỉ có những người mua mới tham gia vào sân chơi mới bị lợi dụng và lừa gạt thì đó lại là suy nghĩ đó là sai lầm khác.

Năm 2013, Forbes đưa tin về trường hợp của nữ tỷ phú Taylor Lynne Thomson, một trong những người thừa kế gia tộc đứng sau tập đoàn truyền thông hàng đầu Canada – Thomson Corporation. Gia đình cô là tên tuổi quen thuộc trong các buổi đấu giá, họ từng mua một bức tranh của Reuben tại nhà đấu giá Christie’s. Vào năm 1994, cô mua một bộ bình cổ từ chính nhà đấu giá này, tuy nhiên sau đó phát hiện những chiếc bình chỉ là bản sao. Điều này cho thấy, dù là tay mơ hay những người dày dạn kinh nghiệm, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân trong các phiên đấu giá. Ngay cả khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, sai sót vẫn có thể xảy ra.

Xem thêm: Sotheby’s cắt giảm nhân sự quy mô lớn vì tình hình khó khăn trong năm 2024

Hãy để những chuyên gia thẩm định vào cuộc

Vậy, làm sao để người mua có thể đảm bảo rằng họ được bảo vệ? Điều quan trọng nhất là tự hỏi bản thân trước khi mua một món đồ tại một cuộc đấu giá là mục đích của việc sở hữu món đồ đó: Nó sẽ đi đâu sau khi mua? Sẽ làm gì với nó sau đó? Liệu người mua có định bán lại không? Quyên góp nó? Có thể cho mượn?. Khi những câu hỏi này được trả lời, chỉ lúc đó người mua mới nên tiếp tục.

Tác phẩm Piazza d’Italia con fontana của Giorgio de Chirico

Chẳng hạn như tác phẩm Piazza d’Italia con fontana của Giorgio de Chirico, hiện nay được ước tính sẽ bán từ 300.000 EUR đến 500.000 EUR tại Christie’s. Với những ai hiểu rõ về de Chirico, họ sẽ biết rằng ông đã vẽ rất nhiều tác phẩm siêu thực và tĩnh vật, tạo không gian rất lớn cho những kẻ đạo nhái. Để đảm bảo tính chính xác, tờ Forbes đã gợi ý người mua nên tự kiểm tra các món đồ đó bên cạnh đội ngũ thẩm định của bên bán. Các nhà đấu giá thường xuyên thổi phồng thông tin và đôi khi chính họ cũng mua phải những tác phẩm giả.

Mời các chuyên gia là cách truyền thống và uy tín nhất để giúp người mua yên tâm. Các tác phẩm thường được xác thực bởi các nhà đấu giá, nhưng đôi khi cũng sẽ có sai sót, vây nên tốt nhất là gọi một đội ngũ chuyên gia thứ ba tham gia để tăng mức độ xác thực cho tác phẩm mà mình muốn mua.

Xem thêm: Sotheby’s gỡ bức “Nhà tranh gốc mít” vì nghi vấn tranh giả

Hãy là người sáng suốt và có đầu tư trong các phiên đấu giá nghệ thuật

Tiếp đến là người mua, dù là người mới hay người có kinh nghiệm, cần chú ý là những trò mánh khóe mà các nhà đấu giá thực hiện trong phòng đấu giá. Cuối cùng, bất kể giá trị của món đồ (giá trị xã hội, văn hóa hay tài chính), một cuộc đấu giá đơn giản là một cuộc mua bán. Người mua nên chú ý đến những mức giá được hô lên đáng ngờ từ những “chim mồi”. Nếu một loạt các tác phẩm không được bán và đột nhiên một vài người mua quan tâm đến chúng một cách dồn dập, bạn nên cảnh giác.

Ngoài ra, việc kiểm tra kỹ lưỡng lịch sử của món đồ hay lô đấu giá là cũng rất quan trọng. Các nhà đấu giá và đội ngũ của họ sẽ phải kiểm tra hàng trăm món đồ cho mỗi kỳ đấu giá, vì vậy sẽ không có nhiều thời gian cũng như sự kỹ lưỡn tuyệt đối đối với một số món đồ nhất định. Vì vậy, dù có phiền toái đến đâu, việc đảm bảo tính kỹ lưỡng trước khi chi tiền cho một tác phẩm nghệ thuật là điều tối cần thiết. Kiểm tra tình trạng của tác phẩm, liệu nhà đấu giá có quan tâm đến tác phẩm và nghệ sĩ xuất hiện tại phiên đó hay không, lịch sử đấu giá trước đây của họ có minh bạch và xảy ra vấn đề gì, và liệu đại diện nhà đấu giá có chơi cho cả hai bên hay không… Tất cả đều cần được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào những phiên đấu giá.

Xem thêm: Từ Christie’s Real Estate đến Sotheby’s Realty: Bất động sản Địa Trung Hải đáng để đầu tư

Bài viết được lược dịch và biên tập từ “Uncovering the Dirty Tricks of Auction Houses and Winning A “Prize”” của Pravin Nair đăng trên Luxuo vào ngày 10/12/2024.  

 


 
Back to top