BUSINESS OF LUXURY

Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tạo ra cơ hội vàng cho các thương hiệu xa xỉ?

May 27, 2019 | By Trang Ps

Nhiều nhà bình luận kinh tế trên thế giới dự đoán chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp xa xỉ. Liệu, suy luận bi quan này có thành hiện thực?

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra với sự đổ vỡ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu đã lan nhanh ra toàn thế giới, dẫn tới những đổ vỡ tài chính, suy thoái kinh tế, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở vô vàn quốc gia khác. Khủng hoảng đi vào lịch sử này đã khiến niềm tin người tiêu dùng khắp mọi nơi bị phá vỡ. Các nhà bình luận, phân tích kinh tế cũng như báo chí truyền thông thế giới lo sợ dự báo sự chấm dứt của ngành công nghiệp xa xỉ.

Nhưng, kết quả đã đi ngược lại hoàn toàn với suy luận ấy. Thị trường xa xỉ “miễn dịch” với suy thoái kinh tế so với ngành công nghiệp không xa xỉ.

Đầu tiên, trong giai đoạn kinh tế bị thu hẹp, tầng lớp tiêu dùng thu nhập thấp mới chính là cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng người tiêu dùng giàu có dù có thể bị ảnh hưởng nhưng ít hơn nhiều. Thứ hai, xa xỉ thể hiện phong cách sống và là một phần quan trọng trong lối sống thượng lưu của người giàu và siêu giàu trên thế giới. Họ có xu hướng mua hàng xa xỉ lâu dài và trung thành với các nhãn hiệu cao cấp mà họ vẫn luôn tin tưởng. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ sự xa xỉ trừ phi bắt buộc phải làm điều đó.

Thật vậy, nhìn lại quãng thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, những kẻ bi quan đều sai lầm. Thị trường xa xỉ trên toàn câu sau đó vẫn không hề thay đổi. Ngược lại, thị trường bình dân mới là đối tượng phải chịu đựng hậu quả của sự kiện này theo chiều hướng vô cùng tiêu cực. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xa xỉ phẩm bị ảnh hưởng đều bật trở lại nhanh hơn các thị trường khác. Kể từ đó, thị trường xa xỉ phẩm đã chứng kiến một số giai đoạn tăng trưởng đáng kể nhất từ trước đến nay.

Nhìn lại quãng thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, những kẻ bi quan đều sai lầm. Ngược lại, thị trường bình dân mới là đối tượng phải chịu đựng hậu quả của sự kiện này theo chiều hướng vô cùng tiêu cực.

Doanh số bán hàng 2019 của Louis Vuitton vẫn tăng.

Hiện tại, với hiện tượng suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra căng thẳng, làn sóng bi quan một lần nữa tiếp tục dẫn đến suy đoán về sự đi xuống của ngành công nghiệp xa xỉ.

Một số thương hiệu đã sử dụng nguyên nhân chiến tranh thương mại Trung-Mỹ để bảo vệ kết quả doanh số bi quan trong những tháng gần đây. Nhưng với các thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton và Gucci, doanh số bán hàng vẫn tăng mạnh mẽ tại đất nước hơn một tỷ dân này. Diễn biến tài chính tồi tệ xuất hiện nhan nhản ở các doanh nghiệp ngoài phân khúc xa xỉ. Khi người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn, các thương hiệu yếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khi cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bùng nổ, những thương hiệu xa xỉ yếu hơn hoặc tập trung vào phân khúc cao cấp hơn có thể bị ảnh hưởng ngắn hạn. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng có thể thu hẹp nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ của thương hiệu Mỹ. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc khủng hoảng cách đây hơn một thập niên, thị trường nói chung sẽ không bị ảnh hưởng quá lâu dài. Từ đây, sự suy giảm doanh số bán hàng xảy ra ở thương hiệu xa xỉ yếu hơn sẽ được cân bằng lại.

Một lý do khiến các thương hiệu xa xỉ chống lại các cú sốc như tăng thuế vì họ đã tạo ra giá trị đáng kể cho người tiêu dùng. Thực sự, xa xỉ không gì khác hơn là tạo ra giá trị vô cùng mạnh mẽ. Giá trị gia tăng của các thương hiệu xa xỉ được thúc đẩy bởi uy tín, nhận thức về tính hấp dẫn, bảo vệ xã hội và nhiều yếu tố khác. Giá trị gia tăng thể hiện trong các sản phẩm xa xỉ được thể hiện qua yếu tố chức năng và tính bền vững.

Túi xách Gucci Zumi vẫn cháy hàng, cùng nhiều loại túi xách khác.

Xa xỉ thật sự tạo ra giá trị thật sự, vì thế, khi thuế tăng lên hai con số cũng chỉ ảnh hưởng chút ít đến doanh thu của họ. Người dùng nhận thức hai từ “giá trị” giống như “xứng đáng để bỏ tiền hay không”.  Bởi thế, nếu một chiếc túi xách cao cấp có giá 9.400 USD thay vì 8.100 USD cũng sẽ không ảnh hưởng đến thái độ và hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Nhưng, đối với thị trường không xa xỉ thì sao? Khi giá tiền một chiếc ví, dây nịt, trang sức…. tăng lên, người tiêu dùng sẽ vô cùng cân nhắc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xa xỉ luôn có định vị thương hiệu chính xác và chặt chẽ với các nhóm khách hàng mục tiêu của họ. Họ cũng tuân thủ quá trình sản xuất và bán hàng nghiêm ngặt cho cộng đồng này để đưa những rủi ro về con số 0.

Như vậy, cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, nói chính xác hơn, là cơ hội lớn cho thị trường xa xỉ.


 
Back to top