BUSINESS OF LUXURY

Độc quyền: LUXUO trò chuyện cùng Chủ tịch Christie’s châu Á – Thái Bình Dương Francis Belin

Apr 05, 2021 | By Hai Yen

3 năm đứng trên cương vị Chủ tịch Christie’s châu Á – Thái Bình Dương và đồng thời là nhà sưu tầm có tiếng tăm, ông Francis Belin có lẽ là người hiểu về thế giới sưu tầm và đấu giá đồng hồ hơn ai hết. 

Ông Francis Belin, Chủ tịch Christie’s châu Á – Thái Bình Dương trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Luxuo.vn

Tham gia chuỗi sự kiện Passion Week tại khách sạn Park Hyatt, Sài Gòn vừa qua, ông Francis Belin, Chủ tịch Christie’s châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò vừa là một người thầy, vừa là một người chơi trong thú vui sưu tập đồng hồ và các vật phẩm giá trị. Cơ duyên này cũng gợi mở cho Luxuo.vn cơ hội thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền, để đưa quý độc giả phần nào bước vào thế giới sưu tầm đầy kín đáo và vô cùng hấp dẫn này.

Chào ông, xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Đầu tiên, tôi muốn được hỏi rằng điểm nổi bật trong thị trường đồng hồ vintage thời gian qua là gì, thưa ông? 

Đồng hồ vintage đã trở thành danh mục rất được chú ý trong những năm vừa qua, đặc biệt là tại Trung Quốc và Đài Loan. Ở Christie’s, chúng tôi mang đến những mẫu đồng hồ rất đặc biệt, như chiếc Patek Philippe 2523, mẫu đồng hồ cực hiếm từ những năm 1960, với giá trị ước tính từ 7 đến 10 triệu USD. Và chiếc đồng hồ ấy sẽ được đưa lên sàn đấu giá tại Hồng Kông vào tháng 11 này.

Nguyên nhân nào khiến các nhà sưu tầm châu Á quan tâm hơn về đồng hồ vintage?

Tôi cho là họ đang dần nhận ra giá trị của đồng hồ vintage, và họ hiểu cách để bước vào thế giới này. Mỗi chiếc đồng hồ vintage đều chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử. Mọi người đều muốn có một chiếc World Time của Patek Philippe từ những năm 50, cũng là thời điểm thương hiệu này lần đầu ra mắt đồng hồ World Time. Nó đánh dấu một sự chuyển biến lớn trong xã hội đương thời, khi ngày càng nhiều người bước vào những chuyến đi vượt khỏi các múi giờ. Tôi nghĩ, điều cốt lõi phía sau đồng hồ vintage chính là những câu chuyện như thế chứ không phải là hình ảnh hào nhoáng bên ngoài.

Nói như vậy nghĩa là Christie’s đang tập trung vào thị trường châu Á?

Trên thực tế, chúng tôi có trụ sở ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng tại châu Á, chúng tôi có 10 văn phòng đại diện tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Tokyo, Đài Bắc, Hồng Kông, Jakarta, Bangkok, và Singapore. Tại Hồng Kông, chúng tôi có một showroom lớn, đồng thời gia tăng hạng mục đồng hồ khi nhận thấy ngày càng nhiều nhà sưu tầm có nhu cầu.

Trong 20 năm trở lại đây, chúng tôi đã có tổng cộng 40 cuộc đấu giá tại châu Á nói chung. Đây thực sự là quãng thời gian rất thú vị vì chúng tôi được chứng kiến sự bùng nổ trong số lượng các nhà sưu tầm, như tranh, đồng hồ, đồ cổ, cùng nhiều vật phẩm khác. Bên cạnh đó, họ cũng ngày càng khôn khéo hơn trong việc tìm kiếm và đầu tư vật phẩm để sưu tầm. Nếu không tìm được món ưng ý tại Hồng Kông, các nhà sưu tầm châu Á sẵn sàng tìm đến showroom ở những nơi khác như New York, London, hay Geneva.

Nếu không tìm được món ưng ý tại Hồng Kông, các nhà sưu tầm châu Á sẵn sàng tìm đến showroom ở những nơi khác như New York, London, hay Geneva.

Vậy đâu là điều khác biệt trong danh mục đồng hồ dành cho các nhà sưu tầm châu Á và châu Âu?

Giới sưu tầm châu Âu thông thường tìm kiếm các mẫu đồng hồ có kích thước vintage, nhỏ hơn so với kích trước trung bình hiện tại. Trong khi đó, nhà sưu tầm châu Á lại yêu thích các mẫu có kích thước hiện đại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng họ lại đang chuyển hướng sang mẫu có kích thước vintage như châu Âu. Điểm chung của hai giới là họ đều yêu thích các thương hiệu lớn, lâu đời như Rolex, Vacheron Constantin và Patek Philippe.

Vậy ông định nghĩa như thế nào là một nhà sưu tầm, đặc biệt là nhà sưu tầm đồng hồ?

Chúng tôi thường phân biệt rõ giữa việc mua sắm và sưu tầm. Bất cứ ai cũng có thể bước vào một buổi đấu giá để mua, nhưng các nhà sưu tầm thường đã định rõ những gì họ muốn mua từ trước đó. Các nhà sưu tầm thường rất hiểu biết, am tường và vô cùng tinh tế. Họ tìm hiểu rất kỹ về một vật phẩm nào đó, và chúng tôi rất vui vì có nhiều nhà sưu tầm như vậy tìm đến trong mỗi lần mở phiên đấu giá. Chúng tôi tin rằng số lượng nhà sưu tầm vẫn tiếp tục tăng lên trong mỗi lần chúng tôi mở phiên đấu giá mới.

Chúng tôi tin rằng số lượng nhà sưu tầm vẫn tiếp tục tăng lên trong mỗi lần chúng tôi mở phiên đấu giá mới.

Christie’s được xem là một trong ba nhà đấu giá lớn nhất thế giới. Vậy ông có cho rằng công ty chính là nhân tố đứng sau sự phát triển của thị trường này trong vòng 3 thập kỷ qua?

Tôi xin được nhấn mạnh rằng Christie’s chính là nhà đấu giá hàng đầu thế giới trong suốt nhiều năm qua. Chúng tôi đã từng bán ra nhiều bộ sưu tập giá trị cũng như các kiệt tác thế giới, những tạo phẩm có giá cao kỷ lục cũng như những chiếc đồng hồ đắt đỏ nhất hành tinh. Điển hình là chiếc đồng hồ Patek Philippe 2523 như tôi đã đề cập. Việc liên tục bán ra những tạo phẩm đắt đỏ ấy càng minh chứng cho vị thế dẫn đầu của chúng tôi.

Làm thế nào để Christie’s có thể tìm và đưa lên sàn đấu giá những tạo phẩm quý giá như thế?

Chúng tôi có nhiều mối quan hệ với các nhà sưu tầm lớn trên thế giới. Mỗi năm, chúng tôi chọn ra từ 200 đến 300 mẫu đồng hồ đặc biệt và đảm bảo là chúng phản ánh rõ nhu cầu của thị trường. Và những thứ như thế thường mang đến giá trị rất cao, không chỉ cho người bán, người mua mà cho cả chúng tôi.

Christie’s đang kinh doanh những gì được xem là đỉnh cao của cả nền công nghiệp xa xỉ. Vậy thuận lợi và khó khăn của ngành kinh doanh này là gì, thưa ông?

Trên thực tế, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn, mà thuận lợi có thể chiếm phần nhiều. Trong bối cảnh hiện tại, với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Brexit và tình hình căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều ngành kinh doanh gặp khó. Nhưng may mắn là chúng tôi lại đang tập trung vào một ngành kinh doanh rất đặc thù và vững mạnh. Trong những tháng qua, chúng tôi chưa hề thấy bất cứ dấu hiệu suy giảm nào từ thị trường.

Thế còn cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Hồng Kông thì sao? Nó không có bất cứ tác động tiêu cực nào đến tình hình kinh doanh của Christie’s châu Á?

Thực tế là không. Hai tuần trước, chúng tôi mở một triển lãm nghệ thuật tại Hồng Kông và vẫn hoạt động tốt. Với cuộc đấu giá tháng 11, chúng tôi vẫn làm đúng như kế hoạch. Cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông quả là điều đáng tiếc, nhưng thật may là nó vẫn không làm các nhà sưu tầm bị phân tâm.

Ảnh hưởng tiêu cực chỉ xảy với thị trường bán lẻ hoặc dịch vụ ăn uống. Ví dụ, mọi người thường đi đến cửa hàng để mua sắm hay ăn uống, nhưng nếu cảm thấy nơi đó không an toàn, họ sẽ không đến nữa. Đấu giá thì khác. Với đấu giá, người mua đã định sẵn thứ mà họ muốn mua từ nhiều năm trước, và đến khi nó chính thức được bày bán, họ phải chớp ngay lấy cơ hội. Vì nếu cơ hội đó vụt qua, không có chuyện họ có thể quay lại mua chiếc khác như với các cửa hàng bán lẻ. Vấn đề ở đây là “bây giờ, hoặc là không bao giờ”.

Vấn đề ở đây là “bây giờ, hoặc là không bao giờ”.

Với tư cách là một nhà sưu tầm đích thực, ông có thể chia sẻ đôi điều về nghệ thuật sưu tầm và đầu tư các sản phẩm nghệ thuật không?

Tôi sưu tầm một vài tác phẩm nghệ thuật đương đại của Trung Quốc, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay cổ, và rượu. Nhưng bộ sưu tập của tôi không hoành tráng gì đâu, rất khiêm tốn thôi.

Trong việc sưu tầm, tôi nghĩ sự kiên nhẫn là điều rất quan trọng. Đừng bao giờ vội vã trong việc sưu tập thứ gì đó, và phải hiểu thật rõ cái chúng ta đang tìm kiếm. Việc sưu tập là quyết định rất cá nhân đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu, về các nghệ sĩ nhất định, thời kỳ nhất định, mối gắn kết giữa tác phẩm ấy với cá nhân chúng ta. Chúng ta phải thật sự tập trung để làm được điều đó.

Điều quan trọng nhất khi tìm đến nghệ thuật là tình yêu. Hãy mua nó nếu như bạn thực sự yêu thích nó, đừng nghĩ nhiều đến việc kiếm lợi nhuận sau này.

Nếu có một tác phẩm nào đó khiến tôi rất thích nhưng mọi người không thích, tôi có nên mua nó hay không?

Đương nhiên là nên, nếu như bạn thật sự thích nó. Đó là trong trường hợp bạn sưu tầm đơn thuần vì sở thích. Nhưng nếu sưu tầm vì đầu tư thì lại là câu chuyện khác. Lúc này bạn phải thật cẩn thận. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ về tác phẩm, để xem nó có khả năng sinh lời trong tương lai hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi tìm đến nghệ thuật là tình yêu. Hãy mua nó nếu như bạn thực sự yêu thích nó, đừng nghĩ nhiều đến việc kiếm lợi nhuận sau này.

Vậy ông có thể chia sẻ với độc giả của WOW về bộ sưu tập đồng hồ của mình không?

Có hai chiếc đồng hồ mà tôi khá yêu thích, một trong số đó là chiếc tôi đang đeo hôm nay, Royal Oak Skeleton Perpetual Calendar từ Audemars Piguet. Thứ hai là Patek Philippe Nautilus 5712, hay vài chiếc Reverso của Jaeger-leCoultre. Bên cạnh đó, tôi còn thích sưu tầm đồng hồ treo tường của Atmos – loại đồng hồ quả lắc rất đặc biệt không đòi hỏi lên dây cót thường xuyên, cũng do Jaeger-leCoultre sản xuất. Hiện tôi đang sở hữu một chiếc đồng hồ Atmos cổ từ những năm 1930, và một chiếc khác rất hiếm từ những năm 1970.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Ảnh: Rab Le Studio


 
Back to top