Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Cuộc trò chuyện độc quyền cùng cha con cựu thủ tướng Pháp Villepin giữa Hong Kong

Apr 05, 2021 | By Trang Ps

Gắn bó một thời gian khá dài tại quê nhà Morocco trước khi chuyển đến Venezuela, Hoa Kỳ và Pháp, cựu thủ tướng Dominique de Villepin từ lâu đã bày tỏ niềm đam mê sâu sắc với nền nghệ thuật đương đại. Tháng 04 vừa qua, ông và con trai Arthur mở cửa phòng trưng bày tại Hồng Kông với mong muốn nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và làm phong phú thêm nền văn hóa của thành phố.

Vây quanh Villepin thường là những họa sỹ và nhà thơ nổi tiếng như Anselm Kiefer, Pierre Soulages, Jack Kerouac và Zao Wou-ki. Ngài cựu thủ tướng cũng đặc biệt say mê Thế hệ Beat (Beat Generation), nhóm nhà văn đồng thời nhắc đến trào lưu văn hóa xã hội nước Mỹ nổi lên từ cuối thập niên 50 đến 60 của thế kỷ trước. Ông cùng con trai đã dành nhiều năm xây dựng bộ sưu tập cá nhân, và theo dòng chảy thời gian, biến đam mê của họ thành sự nghiệp.

Với khát vọng thay đổi bối cảnh thương mại hóa nghệ thuật Hồng Kông, bộ đôi này đã lên ý tưởng hình thành những trải nghiệm thân mật và độc đáo cho nghệ sỹ lẫn nhà sưu tập, thông qua việc khuyến khích nhiều cá nhân gắn kết, trò chuyện trong không gian chung, cho phép cả hai bên đối thoại cởi mở, sâu sắc để hướng đến cuộc sống trọn vẹn và mỹ mãn.

Tọa lạc trên đường Hollywood Road, phòng trưng bày nghệ thuật ba tầng mang tên Villepin rộng 3.000 mét vuông đóng vai trò là không gian tuyệt hảo để trò chuyện, trao đổi, suy ngẫm thông qua nhiều cuộc hội thảo và triển lãm khác nhau. Bước vào không gian, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đa dạng, bao gồm bức họa hiếm có bằng màu nước, thạch bản, mực Trung Quốc của cố nghệ sỹ người Pháp gốc Hoa Zao Wou-ki.

Arthur thân mến, điều gì đã mang anh và cha của mình đến châu Á lần đầu tiên?

Tôi đã sống ở Hồng Kông suốt 10 năm qua và nơi đây giống như nhà của tôi vậy.  Vào năm 2010, lúc tôi mới chuyển đến thành phố, bằng niềm đam mê nghệ thuật và rượu vang, tôi và Thibault Pontallier đã đồng sáng lập Pont des Arts. Trong những năm tới đây, Hồng Kông sở hữu tiềm năng cực lớn để trở thành thị trường nghệ thuật trung tâm trên toàn châu Á Thái Bình Dương. Khu vực này đang ở giai đoạn bước ngoặt, nền nghệ thuật dần đóng vai trò quan trọng hơn nữa trên thế giới và chúng tôi là một nhân tố nhỏ của phong trào này trong những năm tới.

Trong những năm tới đây, Hồng Kông sở hữu tiềm năng cực lớn để trở thành thị trường nghệ thuật trung tâm trên toàn châu Á Thái Bình Dương.

Anh có thể chia sẻ về quá trình khai trương phòng trưng bày nghệ thuật Villepin. Đây có phải là dịp đầu tiên hai cha con làm việc trực tiếp và gần gũi với nhau?

Khi ý tưởng về một phòng trưng bày nhen nhóm trong tâm trí, cha Villepin đã sẵn sàng và nghiêm túc cho cuộc phiêu lưu này. Và quan trọng, đối với tôi, đây là dự án gia đình. Cá nhân tôi nghĩ rằng khái niệm lâu dài, bền vững của một phòng trưng bày nghệ thuật được phản ánh qua ý tưởng chuyển hóa. Ngày hôm nay là cha con tôi, và ngày mai là thế hệ kế tiếp. Khi tin tưởng vào dự án và triết lý nghệ thuật đó, thật quan trọng để vạch ra tầm nhìn xa và bền.

Tôi có cơ hội làm việc cùng cha suốt thời gian sinh sống ở Hồng Kông. Vì thế, chúng tôi đã hình thành kinh nghiệm cộng tác từ đó bổ sung và phân chia vai trò khá suôn sẻ. Cha tôi đặc biệt giỏi chiến lược và là một nhà nghiên cứu tận tâm. Ông giúp tôi mở rộng tầm nhìn về thế giới và đúc rút kinh nghiệm trở thành một nhà sưu tập. Trong khi đó, tôi cũng tập trung vào các hoạt động và sự phát triển của phòng trưng bày tại châu Á.

Theo anh, phòng trưng bày Villepin khác các phòng trưng bày ở Hồng Kông như thế nào? Có vẻ, hai cha con muốn tập trung vào mối quan hệ với các nhà sưu tầm?

Tôi nghĩ ngành công nghiệp phòng trưng bày đang ở giai đoạn “chìa khóa” và đó là lý do vì sao chúng tôi muốn thiết lập một mô hình khác. Ý tưởng cốt lõi là tạo ra các trải nghiệm trung thực và mang tính cá nhân thông qua triển lãm. Từ triển lãm đó, người xem hiểu biết sâu sắc hơn về một nghệ sỹ. Chẳng hạn như hiện tại, qua triển lãm “Friendship and Reconciliation”, người tham dự có cơ hội hiểu hơn về Zao Wou-ki.

Ý tưởng đặt nghệ sỹ và mối quan hệ với nghệ sỹ cũng là triết lý cốt lõi của chúng tôi; đồng thời, chúng tôi khuyên các nhà sưu tầm nên khuyến khích/theo đuổi các họa sỹ lâu dài để đi sâu hơn vào con đường sáng tạo nghệ thuật của họ.

Điều gì đã khiến anh và Villepin chọn nghệ sỹ Zao Wou-ki trong triển lãm đầu tiên?

Zao Wou-ki là nghệ sỹ nổi tiếng trên thế giới, một trong những người duy nhất hòa giải và xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa và phong trào khác nhau. Ông sinh ra ở Trung Quốc, đã quen thuộc với phong trào nghệ thuật Á châu nhưng kể từ khi chuyển đến Paris vào năm 1948, ông đã học hỏi và tiếp thu nhiều điều mới của nền nghệ thuật Âu châu. Ông cũng từng đến Mỹ vào năm 1957 và theo học trường mỹ thuật tại Mỹ, nơi ông có cơ hội giao du và học tập cùng các nghệ sỹ vĩ đại nhất ở trường New York.

Thật hoàn hảo khi lựa chọn Zao Wou-ki để mở đầu triển lãm đầu tiên tại Villepin. Triết lý sự nghiệp và cuộc đời của ông đúng với ý nghĩa tên triển lãm “Friendship and Reconciliation” (tạm dịch: Tình bạn và sự hòa giải). Hòa giải nghĩa là hòa giải giữa các nền văn hóa để dẫn đến tình bạn trong sáng và thuần khiết.

Chúng tôi cũng biết đến nghệ sỹ từ lâu và tin rằng thông qua triển lãm tại phòng trưng bày nghệ thuật này, chúng tôi có thể chia sẻ đến công chúng góc nhìn thấu đáo hơn về cuộc đời và tác phẩm của ông.

Zao Wou-ki quả thật là một nghệ sỹ tài ba, vậy khía cạnh cuộc đời và nghệ thuật nào mà anh muốn chuyển tải đến các nhà sưu tầm còn chưa quen thuộc với nghệ sỹ?

Gia đình chúng tôi rất thân với Zao Wou-ki và từng có nhiều kỷ niệm tuyệt đẹp cùng ông ấy. Tôi nhớ trong vài bữa ăn tại vùng nông thôn Pháp, Zao Wou-ki thường ra ngoài vườn và bắt đầu vẽ màu nước. Tôi nhớ quyết tâm và tầm nhìn của ông về những gì mà chúng ta không thể nhìn thấy. Cuối cùng, tôi nhận ra là nghệ sỹ không hề vẽ khu vườn mà vẽ phần vô hình của khu vườn ấy và những gì mà ông ấy thấy trước mắt tôi. Phải mất một thời gian, tôi mới hiểu điều này và giờ đây, khi nhận ra, tôi mới tâm phục khẩu phục tài năng của ông ấy. Zao vô cùng vui vẻ và hòa đồng với mọi người; nhưng trong công việc, ông ấy nghiêm túc, tận tâm và có tầm nhìn.

Anh có thể chia sẻ thêm một số thông tin về các triển lãm sắp tới tại Villepin?

Triển lãm tiếp theo sẽ trưng bày và giới thiệu các tác phẩm của một số nghệ sỹ vĩ đại mà chúng tôi yêu thích và sưu tập như George Mathieu, Roberto Matta hoặc Nicolas de Stael. Đó là thời điểm nước Pháp xuất hiện những nghệ sỹ quan trọng vừa mang tính cá nhân vừa mang tính phong trào. Họ biết và làm việc cùng nhau, và chúng tôi mong muốn thể hiện các tác phẩm này trong thời đại của chúng ta.

Anh có dự định lựa chọn Hồng Kông như một bệ phóng để mở rộng phòng trưng bày sang các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…?

Sở hữu vị trí địa lý tuyệt vời, Hồng Kông vẫn là trung tâm nghệ thuật ở châu Á. Dù vậy, chúng tôi vẫn có kế hoạch mở rộng dự án trong tương lai, chẳng hạn như Trung Quốc và Paris. Chúng tôi tạo ra một “concept” mang đến cho mình sự tự do trong khi vẫn có thể mở các triển lãm khác nhau trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng háo hức tham gia vào các dự án khác, không nhất thiết tại không gian của mình mà là của người khác, để ủng hộ những người nghệ sỹ mà chúng tôi yêu thích.

Sống ở Hồng Kông lâu như vậy, anh có thể gợi ý vài nghệ sỹ châu Á mà anh quan tâm?

Myonghi Kang là nghệ sỹ Hàn Quốc mà chúng tôi yêu thích và sưu tập trong thời gian dài. Chúng tôi đã giúp bà ấy tổ chức một sự kiện tại Hồng Kông và chắn chắn sẽ hợp tác với nhau nữa trong tương lai. Một nghệ sỹ trẻ khác mà tôi quan tâm là Sun Xun và tất nhiên thêm cả Kusama.

Bên cạnh cha mình, ai là cố vấn ảnh hưởng đến anh và lựa chọn kinh doanh của anh nhất?

Thành thật, các nghệ sỹ là người hướng dẫn và truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất hiện nay. Trước đây, họ đã giúp tôi tìm ra con đường khi ánh sáng và hy vọng trong tôi gần như vụt tắt. Cezanne, Zao Wou-ki và Van Gogh luôn là những thiên tài tin tưởng vào những gì họ đạt được, và nỗ lực cống hiến, đấu tranh hết mình dù nỗi đau thể xác lẫn tinh thần có tìm cách lấn lướt.

Thông điệp mà anh rút ra từ khủng hoảng Covid-19?

Đó là một câu hỏi khó và thú vị! Tôi nghĩ mỗi người đều có kinh nghiệm và nhìn nhận riêng về cách họ sống, đặc biệt là những ai đang phải chống chọi trực tiếp với khủng hoảng này. Về phía mình, tôi nhận ra không có gì là vĩnh cửu. Chúng ta nên sống hết mình từng khoảnh khắc và quan tâm đến những gì quan trọng với chính mình.

Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị!


 
Back to top