Du lịch hậu Covid-19: Lối ra nào cho thị trường trong nước và quốc tế?
Dịch bệnh Covid-19 đang dần được khống chế ở nhiều nơi trên thế giới. Thị trường đã bắt đầu hoạt động trở lại, với những dấu hiệu nhen nhóm tại một số quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, thói quen sinh sống, làm việc, và vui chơi của con người có thể sẽ thay đổi rất nhiều. Trước tình hình đó, ngành du lịch thế giới đang phải đưa ra những chiến lược kịp thời để tạo cú lội ngược dòng cho số liệu kinh doanh cả năm.
Cơn bão Covid-19
Covid-19 đã xóa sạch khoảng 100,8 triệu việc làm liên quan đến du lịch trên toàn thế giới và khoảng 63,4 triệu việc làm tại châu Á Thái Bình Dương. Đại dịch diễn ra khiến ngành công nghiệp không khói rơi vào tình trạng bế tắc đột ngột và hiện chỉ chiếm 10% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, lượng khách du lịch giảm 98% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2019. Sau lệnh giãn cách xã hội tại các thành phố lớn kết thúc, lần đầu tiên doanh số đặt tour trong một ngày của Vietravel đạt 1 tỷ VND. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel: “Một tỷ chẳng thấm vào đâu so với trung bình 30-40 tỷ hằng ngày trong điều kiện bình thường, nhưng vẫn mừng vì cảm nhận du khách đã khởi động lại.”
Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh chắc chắn có thể chấm dứt, vô số báo cáo cho thấy ngành du lịch có thể mất tới 10 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào các biện pháp hạn chế của mỗi quốc gia, để phục hồi sau cú đòn nặng nề này.
Theo khảo sát do Savills Việt Nam thực hiện với 635 cơ sở lưu trú bao gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng bốn và năm sao trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các địa phương có điểm du lịch nổi tiếng, 493 đơn vị, tương đương tỷ lệ 78% đã mở cửa hoạt động trở lại, và hơn 140 khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn tạm thời đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động một phần.
Tập trung cho nội địa, giảm giá để kích cầu
Trước khi thế giới đủ an toàn cho các chuyến bay xuyên quốc gia, thì xu hướng chung cho thị trường du lịch trên thế giới và tại Việt Nam sẽ là du lịch nội địa. Nghiên cứu gần đây từ Longwoods International cho thấy 82% du khách được hỏi đã thay đổi kế hoạch du lịch trong sáu tháng tới của họ và chưa tổ chức nào có thể dự đoán trước được điều gì. Điều chắc chắn duy nhất là du lịch sẽ phục hồi chậm chạp và bắt đầu từ những chuyến đi tại địa phương.
Elizabeth Monahan, người phát ngôn của Tripadvisor.com cho biết: “Khách du lịch có xu hướng đi gần khu vực sinh sống của họ, ghé thăm các nhà hàng, khu vui chơi địa phương hoặc nghỉ ngơi cuối tuần tại các điểm đến trong nước.” Omer Rabin, Giám đốc điều hành của Guesty cũng đồng tình: “Tôi nghĩ đó là điều hiển nhiên với mọi người trong ngành tại thời điểm này.”
Tại Việt Nam, trước mối quan ngại về những nguy cơ có thể xảy ra nếu mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế quá nhanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi quảng bá du lịch nội địa với các chính sách giảm giá để thu hút khách du lịch địa phương. Doanh thu du lịch tại Việt Nam đã tăng lên 726 nghìn tỷ VND (31 tỷ USD) vào năm ngoái, tương đương gần 12% GDP của Việt Nam 2019, nhưng chỉ có 17% trong số 103 triệu khách du lịch là người nước ngoài.
Tổng Giám đốc Mango Bay Resort Phú Quốc, Ronan Le Bihan, chia sẻ: “Các khu nghỉ dưỡng cần phải thích nghi với thị hiếu địa phương. Chúng tôi cần phải tập trung vào thị trường Việt Nam. Nhưng đó lại là một bài toán rất lớn bởi không phải người Việt Nam nào cũng đều quan tâm đến những dịch vụ chúng tôi cung cấp.”
Theo khảo sát của Savills Việt Nam được thực hiện trong tháng 5, thị trường khách nội địa dù chiếm 83% tổng lượng khách du lịch trong năm 2019 nhưng lại là nhóm khách nhạy cảm về ngân sách du lịch so với phân khúc khách quốc tế và khách công vụ.
Một thực tại “bình thường mới” cho ngành du lịch
Xu hướng du lịch trong tương lai sẽ thay đổi nhiều sau đại dịch, bao gồm những chuyến đi ngắn ngày bằng ô tô thay cho máy bay, chọn các điểm đến biệt lập thay vì những trung tâm đã phát triển, và đặc biệt đề cao an toàn trong các chuyến đi.
Tại sòng bạc nổi tiếng thế giới, Las Vegas, bên cạnh trung tâm là các sòng bài, nhà hàng, rạp chiếu phim cũng đều bị đóng cửa để cách ly, khiến doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài điều chỉnh lại hoạt động, nâng cấp cơ sở và áp dụng chiến lược tiếp thị khác đi cho những khách hàng đang thay đổi ý thức và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.
Sòng bạc Hialeah Park ngay bên ngoài Miami lần đầu ra mắt bàn poker ‘Covid-Free’ với một loạt yêu cầu nghiêm ngặt mới về an toàn vệ sinh. Đã qua rồi những ngày có từ 9-11 người chơi chen chúc xung quanh một bàn đánh bài, thiết kế mới sẽ cho phép không quá bốn người chơi và thêm một người chia bài, bên cạnh lá chắn trong suốt gắn liền cho mỗi bàn.
Tương tự như thế, khu du lịch Finolhu, Maldives nổi tiếng với những chiếc Lều Bong bóng Bãi biển sẽ tăng cường trang bị cho 125 biệt thự cá nhân – trang bị đầy đủ vòi sen và WC riêng, sàn gỗ và giường đôi trong các bộ ga trải giường tốt nhất, những buổi tiệc nướng ngoài trời riêng tư, quản gia và những bữa sáng trên bãi biển. Ngoài ra, chiếc lều được làm bằng vải polyester công nghệ cao, có khả năng chống tia cực tím và mang lại tầm nhìn không bị giới hạn lên bầu trời đêm hay bờ biển mênh mông cát trắng.
Tại Việt Nam, một chiến dịch xúc tiến du lịch nội địa đã được phát động nhằm mục đích giới thiệu các sản phẩm và gói dịch vụ du lịch chất lượng với giá cả hợp lý.
Ông William Haandrikman, Tổng giám đốc Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, nơi đón tiếp rất nhiều khách du lịch xa xỉ từ nước ngoài và cả trong nước, trả lời tờ Reuters: “Chúng tôi đã phải tự thay đổi để tập trung trực tiếp vào thị trường nội địa cũng như thị trường châu Á. Du lịch nội địa hiện đang tăng. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đang báo cáo rằng các chuyến bay nội địa hiện tại có khả năng tiếp cận nhanh dòng khách này.”
Vietravel đã bắt đầu chiến dịch quảng bá du lịch an toàn từ tháng 3 nằm trong dự án “Vietnam – I am Safe” mà hãng đang đề xuất triển khai cho toàn ngành du lịch. Cụ thể, họ tiên phong phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ để cung cấp sản phẩm an toàn từ điểm đến, dịch vụ và cả công tác tập huấn cho nhân viên các ứng phó an toàn. Ngoài ra, Vietravel cũng đề xuất các tour sinh thái địa phương mà mới đây nhất là “tam giác” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng với mức giảm 50% cho tất cả giá vé tham quan di tích, danh lam thắng cảnh tại địa bàn. Quảng Bình và Bình Định dự kiến là những tỉnh thành tiếp theo tham gia.
Trong khi đó, nhà khai thác tour mạo hiểm Oxalis Adventure trước đây phục vụ phần lớn khách quốc tế với cơ cấu khách quốc tế/nội địa là 80/20, thì nay cũng đã tập trung nguồn lực thu hút khách nội địa và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Oxalis Adventure, cho biết: “Để có mức giá phù hợp với kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, Oxalis phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Bình để giảm 30-50% các loại phí tham quan, phí dịch vụ môi trường rừng và những khoản thu khác. Bên cạnh đó, công ty cũng cân đối lại chi phí, lợi nhuận để đưa ra một chương trình kích cầu giảm giá, đưa giá tour Oxalis giảm trung bình 20% so với trước đây. Riêng tour Sơn Đoòng từ 3.000 USD giảm còn 2.500 USD cho khách tham gia trong năm 2020.”
Kết
Erika Richter, Giám đốc truyền thông cấp cao của Hiệp hội Cố vấn Du lịch Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang quan sát. Cho đến khi virus được kiểm soát hoàn toàn và hệ thống du lịch sẵn sàng khôi phục trở lại, thì thời điểm này quá sớm để khởi động bất kỳ kế hoạch nào.” Và khi du lịch quốc tế trở lại, chắc chắn mọi thứ sẽ khác. Anne Scully, Chủ tịch của McCabe World Travel cũng cho biết: “Ngành du lịch chắc chắn phục hồi, nhưng tôi nghĩ phải cần ít nhất 12 tháng.”
Theo dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu phục hồi về du lịch, thậm chí dẫn trước các cường quốc du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết trên tờ Reuters: “Sự phục hồi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy du lịch quốc tế. Sau khi các chương trình giảm giá kết thúc vào giữa tháng 7, chúng tôi sẽ bắt tay vào một chương trình khác để quảng bá du lịch quốc tế, tùy thuộc vào tình hình virus.”
Ngoài ra, số liệu từ Savills cũng cho thấy thị trường khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 đến 5 sao tại Việt Nam sẽ nhanh chóng nở rộ, khi các dự án bất động sản bị gián đoạn do Covid-19 đang được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, bổ sung khoảng 16.900 phòng cho thị trường.