BUSINESS OF LUXURY

Thế hệ Z – Những CEO trẻ đáng kỳ vọng của tương lai

Dec 05, 2019 | By Stephanie Nguyen

Cuộc khảo sát gần đây của Adecco đã phát hiện ra hơn một nửa người trẻ tin rằng bằng cấp không còn cần thiết, nhưng các kĩ năng giao tiếp và quản lý con người sẽ trở nên rất quan trọng.

Hãy nhớ lại những năm tháng bạn đã dành ra để tìm kiếm tấm bằng MBA. Ngày nay, những giám đốc điều hành đầy tham vọng thuộc thế hệ Z thậm chí còn chẳng màng bận tâm.

Một cuộc khảo sát về những người thuộc thế hệ Z của công ty tuyển dụng toàn cầu Adecco cho thấy hơn một nửa (51%) số người được hỏi tin rằng các CEO sẽ không còn cần bằng đại học vào năm 2050.

Những xu hướng và biểu hiện tương tự cũng được thể hiện quanh việc giáo dục đại học ngày nay. Các trường kinh doanh tại Mỹ gặp khó khăn khi phải đối mặt với tỷ lệ nhập học giảm. Nghiên cứu của Úc năm 2018 cũng cảnh báo về khó khăn tuyển sinh giáo dục đại học do vấn đề kinh phí.

Giám đốc điều hành Adecco Úc, ông Rafael Moyano, đã rất ngạc nhiên với kết quả khảo sát. Đồng thời, ông gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng mọi thứ đang phát triển và dần thay đổi. “Tương lai của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào những gì các bạn trẻ đang học được trong công việc và những kĩ năng mềm mà các bạn không được dạy ở nhà trường.”

Tuy vậy, kết quả này không gây bất ngờ cho nhiều người, trong đó có John Huang, một thanh niên thế hệ Z tham gia chương trình “Một tháng làm CEO” của Adecco. Anh được chọn làm việc cùng Moyano trong suốt quá trình theo dõi của Adecco. Có cái nhìn sâu sắc về nền giáo dục kinh doanh, Huang nhận thấy  tỷ lệ của những người nhìn thấy sự không cần thiết của giáo dục đại học đang gia tăng.

Huang cũng nhận thấy các vị trí thực sự đòi hỏi bằng cấp đang ngày càng giảm, mặc dù đó vẫn là yếu tố cần thiết khi càng làm lên cao và đòi hỏi chuyên môn nhiều hơn. Tuy nhiên, anh sẽ không yêu cầu bằng cấp từ ứng viên nếu anh đứng ra tuyển CEO cho công ty.

“Tôi nghĩ bằng đại học vẫn sẽ có giá trị, nhưng đó không nên là một yêu cầu bắt buộc để đảm đương vị trí giám đốc điều hành hay bất kì vị trí cấp cao nào khác.”

Thế hệ nhân viên trẻ cùng không gian làm việc năng động đang dần được ưa chuộng

Cá nhân Huang vẫn thấy trải nghiệm đại học là hữu ích nhưng nó không nên chỉ gói gọn trong các chương trình trên giảng đường. Việc dạy và học tại trường lớp chỉ thật sự đáng giá khi quá trình đó giúp học viên xác định những điều mình muốn và biết về kĩ năng nghề nghiệp cần thiết.

“Để tận dụng tối đa kinh nghiệm ở trường đại học, bạn phải tham gia vào các chương trình văn hóa cũng như các cuộc thi và thực tập thật nhiều. Trường học không yêu cầu điều đó, vì vậy sinh viên nên chủ động tận dụng mọi cơ hội của mình.”

Theo quan sát của Moyano, các trường đại học vẫn đang thích nghi rất chậm với xu hướng này, kể cả khi kết quả khảo sát cho thấy một nửa số người đã nhận thức rằng kinh nghiệm thực tế là kinh nghiệm tốt nhất.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy những người thuộc thế hệ Z đánh giá mức độ quan trọng của kĩ năng mềm cao hơn kiến thức ở đại học. Có lẽ đây là dấu hiệu để các trường đại học nhận ra rằng mình chưa chuẩn bị đầy đủ kĩ năng công việc cần thiết cho sinh viên.

Kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng đối với tầng lớp lãnh đạo kiểu mới

Thêm một khám phá nữa vô cùng thú vị: đa số các CEO đang điều hành trong các công ty hiện tại đang không sở hữu kĩ năng mềm ở mức mong đợi. Một số CEO đã tự nhận định rằng: “Người trẻ thuộc thế hệ Z đang ngày càng nhấn mạnh vào kĩ năng mềm, bao gồm quản lý và giao tiếp ứng xử. Đây là những kĩ năng cần thiết mà những CEO như chúng tôi bây giờ cần phải học.”

Để hỗ trợ thế hệ lãnh đạo tiếp theo, Moyano khuyến khích các nhà điều hành hiện tại bắt đầu nắm bắt sự thay đổi, đặc biệt là sức mạnh của đa dạng tuổi tác, văn hóa và giới tính. Ông tin rằng việc thuê những tài năng mới là cần thiết cho doanh nghiệp cũng như khiến các lãnh đạo hiện tại nhận thức được trọng trách xây dựng và phát triển thế hệ tương lai.

Một số CEO khác còn cho rằng nên đưa các bạn trẻ vào buổi họp hoặc phỏng vấn của công ty để tận dụng sự năng động, nhanh nhẹn của những bạn trẻ này, đồng thời khắc phục khoảng cách thế hệ ngày càng lớn giữa lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên.

Chương trình “Một tháng làm CEO” của Adecco là hành động đi theo lời khuyên trên, với mong muốn tạo cơ hội cho các giám đốc điều hành trẻ đầy tham vọng đồng hành cùng một CEO thực thụ, điều hành các công ty toàn cầu.

Ngày càng nhiều người trẻ có tham vọng điều hành công ty ở vị trí CEO

Huang cho rằng đây là một cơ hội tốt để người trẻ tham gia đóng góp và tạo ra giá trị thật sự cho tổ chức. “Những công ty nào không tin tưởng vào khả năng và tinh thần trách nhiệm của sinh viên, thực tập sinh đều là thiếu sót lớn, bởi chúng tôi có sự tò mò lớn, khả năng học hỏi nhanh và tính sáng tạo cao – những kĩ năng cần thiết nhất ngày nay. Nếu các tổ chức không thể tận dụng, họ sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.”

Moyano cũng lạc quan không kém về tiềm năng của nhân viên thế hệ Z. “Bạn có một người mang đến góc nhìn mới với sự tò mò không giới hạn và rất nhiều câu hỏi. Chúng ta đôi khi đã quen làm việc theo một cách thói quen mà không hề hay biết, cho đến khi một nhân viên mới tinh đến gõ cửa với những ý kiến và suy nghĩ hoàn toàn khác biệt, hứa hẹn tạo ra sự thay đổi đột phá.”


 
Back to top