Leader & Business

Thuế quan Donald Trump và Việt Nam: Sự đe dọa chuỗi cung ứng thời trang thể thao

Apr 08, 2025 | By Nguyễn Trí Đức

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế quan lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đang khiến cả ngành công nghiệp thời trang thể thao “đứng ngồi không yên” – bao gồm Nike, Adidas, Lululemon, , Columbia Sportswear, Amer Sports (chủ sở hữu của Salomon và Arc’teryx)…

Việt Nam, nơi được xem là “công xưởng chiến lượt” thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giờ đây lại trở thành tâm điểm trong làn sóng áp thuế quan mới của Donald Trump, đe dọa nghiêm trọng đến chi phí, chuỗi cung ứng và chiến lược định giá của hàng loạt thương hiệu thời trang thể thao quốc tế như Nike, Adidas, American Eagle, Wayfair, Deckers, Hasbro…

Việt Nam, một trong những tâm điểm của chính sách thuế quan mới của Donald Trump

Sau nhiều năm trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu thời trang, nội thất và đồ chơi nhằm tránh những bất ổn từ Trung Quốc, Việt Nam giờ đây lại đối mặt nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo trong làn sóng thuế quan mới từ Donald Trump. Ngày 3/4/2025, Donald Trump thông báo mức thuế quan 46% sẽ được áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, dự kiến bắt đầu từ ngày 9/4.

Ảnh: Reuters/Carlos Barria

Theo thông tin của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thì Việt Nam hiện là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2023 lên đến 136,6 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng là nguồn hàng hóa lớn thứ 5 cho thị trường Mỹ. Với mức độ phụ thuộc cao vào Việt Nam ở nhiều ngành – đặc biệt là thời trang, giày dép và đồ chơi, quyết định thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump có thể làm đảo lộn chiến lược giá, chuỗi cung ứng và lợi nhuận của hàng loạt tập đoàn quốc tế.

Nike, Adidas và những thương hiệu thể thao mang nỗi lo gãy đổ chuỗi cung ứng

Trong báo cáo thường niên 2024, Nike cho biết 50% giày dép và 28% trang phục của họ được sản xuất tại Việt Nam. Adidas cũng phụ thuộc lớn vào Việt Nam với 39% giày và 18% quần áo có nguồn gốc từ quốc gia này. Cả hai thương hiệu đều đang chịu áp lực giảm giá để xử lý hàng tồn kho trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, và mức thuế mới có thể buộc họ phải tăng giá bán lẻ,  điều này có thể khiến người tiêu dùng “quay lưng”.

Ảnh: Reuters/Eduardo Munzo

Theo ông David Swartz – chuyên gia phân tích tại Morningstar chia sẻ với CNBC thì nếu thuế quan mới đối với Việt Nam thật sự được áp dụng, Nike sẽ gặp vấn đề lớn. Trong phiên giao dịch ngày 3/4/2025, cổ phiếu Nike lao dốc gần 12%. Tương tự, cổ phiếu Adidas cũng suy giảm sau tuyên bố thuế quan của Trump. Bên cạnh đó, Lululemon, Columbia Sportswear, và Amer Sports (sở hữu Salomon và Arc’Teryx) cũng đang sản xuất phần lớn sản phẩm tại Việt Nam. Thậm chí, thương hiệu On – vốn đang nổi lên trong cộng đồng chạy bộ – cho biết 90% giày và 60% trang phục của họ đến từ Việt Nam.

Ảnh: Bloomberg/Angel Garcia

Trong bối cảnh chi phí sản xuất và vận chuyển đã tăng mạnh sau đại dịch, các công ty không còn dư địa để “gồng gánh”. Hiện tại, thuế quan trung bình Mỹ đang áp lên hàng Việt Nam là 13,6% cho giày dép và 18,8% cho quần áo. Nếu mức thuế mới lên đến 46% như đề xuất của Trump, giá thành sản phẩm buộc phải tăng hoặc doanh nghiệp phải cắt giảm biên lợi nhuận. Samuel Wenger, Giám đốc vận hành của On, chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi có khả năng điều chỉnh giá nhờ định vị thương hiệu cao cấp, nhưng tất nhiên thuế quan là yếu tố bắt buộc phải cân nhắc khi đưa ra quyết định giá.”

Theo dữ liệu từ Circana, giá sneaker tại Mỹ đã tăng 25% kể từ năm 2019 do chi phí sản xuất tăng và các gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng Mỹ vừa chạm mức thấp nhất trong 4 năm gần đây – cho thấy người dân khó có thể chấp nhận thêm các đợt tăng giá mới.

Tác động lan rộng từ giày dép, quần áo đến đồ nội thất và đồ chơi

Không chỉ riêng ngành thời trang thể thao, lĩnh vực nội thất, thời trang bình dân và đồ chơi cũng đối mặt khủng hoảng chuỗi cung ứng. Trong năm 2023, 26,5% sản phẩm nội thất nhập khẩu tại Mỹ có nguồn gốc từ Việt Nam – chỉ xếp sau Trung Quốc (29%).

Wayfair, một trong những nhà bán lẻ nội thất trực tuyến lớn nhất tại Mỹ, cho biết họ đã chuyển phần lớn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, Campuchia, Indonesia… CEO Niraj Shah thừa nhận sự phụ thuộc này khiến công ty dễ tổn thương trước chính sách thuế mới. Cổ phiếu Wayfair mất gần 28% chỉ trong một ngày.

Tổng quan phần trăm lượng hàng hóa (thời trang, giày dép) xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Ngành công nghiệp đồ chơi cũng chứng kiến nhiều biến động. Hasbro, Mattel, Funko, SpinMaster – các thương hiệu lớn đều hợp tác sản xuất với GFT Group – tập đoàn có 5 nhà máy lớn tại miền Bắc Việt Nam, sử dụng hơn 15.000 công nhân. Cổ phiếu của ba hãng lớn này đồng loạt giảm trên 10% sau thông báo thuế quan. Giám đốc Tài chính Yves LePendeven của Funko cho biết công ty đang nỗ lực đàm phán lại chi phí nhà máy, chuyển sản xuất sang các nước khác và điều chỉnh giá để “chống chọi” với chi phí tăng do thuế.

American Eagle – một thương hiệu thời trang đại chúng tại Mỹ – cũng có 20% sản phẩm đến từ Việt Nam. Giám đốc Tài chính Michael Mathias cho biết công ty đang tìm cách giảm tỷ lệ này xuống mức một con số trong năm nay. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành American Eagle là ông Jay Schottenstein cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn bất định, và không ai biết nên chuyển sản xuất đi đâu.” Tình trạng tương tự xảy ra với Steve Madden – thương hiệu giày thời trang đã giảm tới 45% sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay sau chiến thắng bầu cử của Trump, nhưng nay lại phải đối mặt với khó khăn vì đã chuyển phần lớn sản xuất sang Việt Nam.

Việt Nam có thể “né đòn” nhờ khéo léo ngoại giao?

Sau các đợt trừng phạt thương mại dưới thời Donald Trump, nhiều công ty đã rời Trung Quốc để tìm đến Việt Nam như một điểm đến thay thế an toàn hơn. Và một lần nữa, khi Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo của các chính sách thuế quan, nhiều doanh nghiệp lại loay hoay tìm hướng đi mới.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển dịch dây chuyền sản xuất khỏi Việt Nam không hề đơn giản. Các lựa chọn thay thế như Campuchia hay Indonesia đang trở nên quá tải. Michael Yee, Giám đốc điều hành tại công ty sourcing MGF Sourcing, cho biết các nhà máy ở Campuchia đã tăng giá 5–10% do nhận được quá nhiều đơn hàng chuyển từ Trung Quốc và Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng nhận định rằng mức thuế áp lên hàng hóa Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực dệt may – có thể sẽ không nghiêm trọng như Trung Quốc. Lý do là Việt Nam đang duy trì mối quan hệ ngoại giao tích cực với Mỹ, đồng thời có những động thái chủ động để làm dịu căng thẳng thương mại. Những bước đi này bao gồm tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, giảm thuế một số mặt hàng từ Mỹ, cho phép Starlink – công ty vệ tinh của Elon Musk (cố vấn thân cận của Trump) – hoạt động tại Việt Nam, và mở rộng hợp tác với Trump Organization trong các dự án khách sạn, sân golf và bất động sản trị giá hàng tỷ USD.

Ảnh: AFP

Johannes Loefstrand, Giám đốc chiến lược tại T. Rowe Price, nhận định: “Việt Nam đã chứng minh khả năng chơi trò địa chính trị rất khôn ngoan”. Ngay cả Wilbur Ross, cựu Bộ trưởng Thương mại dưới thời Trump, cũng vẫn tin tưởng rằng ông Trump không có lý do để “đánh mạnh” Việt Nam, vì quan hệ hai bên đang tốt và người tiêu dùng Mỹ sẽ phản ứng dữ dội nếu giá quần áo, giày dép tăng thêm.

Bài kiểm tra sức bền cho ngành thời trang toàn cầu

Trong khi lạm phát vẫn tiếp diễn và niềm tin tiêu dùng Mỹ xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, việc áp thuế cao lên hàng Việt Nam không chỉ đe dọa doanh thu mà còn làm rung chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã “mỏng manh” sau đại dịch và các lần tăng thuế trước đây.

Các thương hiệu buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn, đó là chấp nhận chi phí tăng, chuyển sản xuất một lần nữa hay nâng giá bán và mạo hiểm đánh mất người tiêu dùng. Còn về phía Việt Nam, dù đối mặt rủi ro lớn, nhưng vẫn còn cơ hội để giảm thiểu thiệt hại nếu tiếp tục phát huy khéo léo ngoại giao và duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ. Vậy kết quả sẽ như thế nào, hãy cùng chờ đón xem!

Nguồn tham khảo: CNBC, Reuters


 
Back to top preload imagepreload image