ART & LIFE

7 câu hỏi cho dự án Tháng thực hành Nghệ thuật (MAP) của Heritage Space

Oct 31, 2020 | By Trang Ps

Dự án MAP, hay còn gọi là Tháng thực hành Nghệ thuật của Heritage Space là một trong những dự án nghệ thuật bền vững và lan tỏa nhất trong nước. Bước sang mùa thứ 6, MAP phiên bản 2020 sẽ có chủ đề là “dự án X A N H”. Art Republik/Luxuo đã thực hiện cuộc phỏng vấn chuyên sâu với anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc sáng tạo Heritage Sapce, để hiểu hơn về hành trình bền bỉ của MAP, sự khác biệt của dự án năm nay cũng như góc nhìn và nỗi trăn trở riêng của anh. 

Bài giảng của bà Julia Schäfer, giám tuyển Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Leipzig (CHLB Đức) trong dự án MAP 2020.

Chào anh Nguyễn Anh Tuấn! Trải qua 4 mùa trước của MAP và tiếp đây là mùa thứ 5 khi anh công tác tại Heritage Space, anh thấy MAP đã trưởng thành lên như thế nào, qua các mặt cụ thể nào?

Tháng thực hành Nghệ thuật (Month of Arts Practice, viết tắt là MAP) là một mô hình dự án định kì hàng năm với format về thời gian và khung chương trình khá cố định: thường chúng tôi gây quỹ vào cuối năm trước tới đầu năm, chọn và mời các nghệ sỹ tham gia vào tháng 3-4, lập chương trình làm việc vào tháng 5-6-7, triển khai các hoạt động tiền dự án vào tháng 8-9, dự án diễn ra vào tháng 10 – 12, sau đó là báo cáo, làm sách tổng kết, lại gây quỹ và tiếp tục một vòng quay cho năm sau.

Sau 5 năm trực tiếp phát triển và vận hành MAP, dự án có nhiều thành tựu đáng kể, từ việc khá lệ thuộc vào một doanh nghiệp tư nhân ở năm đầu tiên, MAP dần có độc lập tài chính, mô hình tổ chức và nhân sự, và là một trong những dự án nghệ thuật có độ bền vững và sức lan tỏa mạnh trong nước.

Về vị thế và danh tiếng, MAP có uy tín và công nhận về chất lượng trong cộng đồng nghệ thuật nội địa và ngoài nước, được chứng minh qua việc hàng năm chúng tôi vẫn luôn nhận được giới thiệu về những nghệ sỹ mới tài năng tham gia dự án, hoặc mời gọi tham gia các kênh hợp tác quốc tế mới,  tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và cơ hội trao đổi nghệ sỹ từ nhiều nước tới Hà Nội.

Mạng lưới đối tác của MAP cũng đang phát triển trong quỹ đạo tốt và rất hữu cơ. Chúng tôi có mối quan hệ vững chắc với các trung tâm văn hóa quốc tế trong nước như Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm Trao đổi Văn hóa Nhật Bản hay L’Espace, các không gian và nhóm nghệ thuật nội địa, các không gian sáng tạo để có thể kêu gọi hỗ trợ hay hợp tác trong dự án bất cứ lúc nào.

Chúng tôi cũng đang có một nhóm điều hành dự án rất ổn định và chuyên nghiệp trong từng công việc tổ chức điều phối. Mỗi thành viên, dù nhiều người trong đó không xuất thân từ nghệ thuật, nhưng gần như độc lập chịu trách nhiệm vai trò quản lý nhất định trong dự án, hay hợp tác với các thành viên khác và đối tác bên ngoài. Phần lớn họ từng là các tình nguyện viên của MAP trong các mùa trước, và sau đó ở lại làm việc lâu dài, yêu thích và trở thành nhóm chính thức của Heritage Space. Đó là điểm thú vị và bất ngờ mà khi bắt đầu làm MAP tôi chưa hình dung tới.

Theo kinh nghiệm của tôi, một dự án từ lúc mới sơ khai ở giai đoạn đầu tiên, thường sẽ cần từ 18 – 36 tháng để định hình và đi vào quỹ đạo phát triển đúng. MAP hiện tại đang ở năm thứ 6, và chúng tôi tin rằng nó đang có sự tối ưu cả về nội dung hoạt động và mô hình tổ chức-vận hành.

MAP 2020 – dự án X A N H có thể học hỏi/khắc phục “sai lầm” và “khuyết điểm” của các mùa MAP trong giai đoạn 2015-2019 như thế nào, thưa anh?

MAP đã được vận hành trong 6 năm (với riêng tôi là năm thứ 5), do vậy như đã chia sẻ ở trên, mô hình tổ chức của dự án đã tương đối hoàn thiện về các khâu điều phối, hậu cần, và quy trình tổ chức.

Tuy nhiên với các dự án, đặc biệt là dự án nghệ thuật, quá trình và kết quả thường không giống nhau. Mỗi mùa MAP được đặt trong chủ đề làm việc mới, và đối thoại với bối cảnh xã hội-chính trị-văn hóa ngay trong thời điểm đó. Các nghệ sỹ, những nhân tố trọng tâm và thực hiện nội dung chính trong dự án – luôn thay đổi mỗi năm, họ là những nhân cách sáng tạo rất thú vị, nổi loạn và cực đoan theo nhiều cách khác nhau. Do vậy khi bắt đầu một mùa MAP mới, chúng tôi lại có nhiều điều để học và tự tìm phương hướng, nhiều thứ chưa biết và và chưa thể đoán định.

Học để làm việc với các nghệ sỹ mới và kết nối họ làm việc với nhau, học để đưa ra những cách thức làm việc mới trong khung cảnh và đề tài thay đổi. Học để đem những đối thoại đó trình diễn và kết nối với khán giả, công chúng như thế nào cho hiệu quả. Đó là hành trình lâu dài với nhiều chặng, hơn là một quãng đường lặp đi lặp lại. Với những tiến trình mới, khi ta chưa biết thì sẽ luôn có những “khiếm khuyết” đi kèm không tránh khỏi. “Khiếm khuyết” đối với chúng tôi cũng là một phần thú vị và bổ ích của những dự án thể nghiệm và phát triển như MAP.

Nghệ sỹ Masahiro Wada (Tokyo) thực hiện phỏng vấn tư liệu cho tác phẩm từ xa qua ZOOM.

Bối cảnh 2020 khiến việc tổ chức dự án X  A N H chuyển sang hình thức trực tuyến, điêu đó liệu có gây khó khăn trở ngại nào không? Ưu, nhược điểm của hình thức online với một dự án như MAP là gì?

MAP vốn được xây dựng với ý tưởng mơ ước về “trường học cho nghệ thuật đương đại, nơi mọi ý tưởng đều được chấp nhận, nơi không có ai là giảng viên hay học sinh, và mọi nghệ sỹ cả từng trải hay mới đều có cơ hội làm việc, thảo luận và hợp tác”. Từ ý tưởng đó, mỗi mùa MAP đều có hai giai đoạn: Giai đoạn Thực hành & Trao đổi, trong đó các nghệ sỹ nước ngoài và ở vùng miền khác trong nước được mời tới Hà Nội lưu trú và làm việc từ 5 – 6 tuần; và Giai đoạn 2 là triển lãm các thực hành của nghệ sỹ trong quá trình nhiệm trú. Trong thời gian cùng sống và làm việc ở Hà Nội, rất nhiều hoạt động và trao đổi chính thức và không chính thức diễn ra giữa các nghệ sỹ, sự tương tác với không khí, môi trường, nhịp sinh hoạt và đặc tính văn hóa, dẫn đến hàm lượng kiến thức-trải nghiệm thu nhặt của các nghệ sỹ là rất khác biệt và phong phú.

Trực tuyến rõ ràng không thể đạt các yếu tố nói trên. Nghệ sỹ phải ở tại chỗ và làm việc từ xa. Các buổi thảo luận nhóm, bài giảng của các chuyên gia, hay tọa đàm nghệ sỹ với công chúng đều được tiến hành qua ZOOM. Chúng tôi hiện đang làm việc trên 4 múi giờ và thành viên của dự án bao gồm các nghệ sỹ và giám tuyển ở 9 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Singapore, Tokyo, Zurich, Leipzig, Paris và Stuttgart). Hàm lượng trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các nghệ sỹ sẽ ở mức độ khác, chưa biết tốt hay không, nhưng chắc chắn không thể giàu có như làm tại chỗ. Truyền thông và kết nối với công chúng như thế nào cũng là một thách thức khác, khi các thảo luận trực tuyến thường ít hiệu quả tương tác so với bình thường. Thách thức lớn nhất vẫn là làm thế nào để luôn giữ được sự kết nối trong dự án giữa các nghệ sỹ, nhà tổ chức, giám tuyển và động lực cho mọi người.

Trình diễn với của các tình nguyện viên với ô ở không gian công cộng, thực hiện với giám sát từ xa của nghệ sỹ Katja Jug tại Zurich, MAP 2020.

Việc làm từ xa cũng có những sự khác biệt, đem lại những thú vị hay thuận tiện riêng. Mới đây thôi, chúng tôi phải tổ chức thu thập gần 100 chiếc ô second-hand với các câu chuyện của những chủ nhân, và từ đó tạo ra một buổi trình diễn tập thể ở không gian công cộng với gần 50 tình nguyện viên của dự án. Sau đó ô sẽ được đóng gói, chuyển sang Thụy Sỹ để nghệ sỹ làm tiếp phần thứ hai của ý tưởng, và khi triển lãm sẽ bày song song ở cả Hà Nội và xưởng nghệ sỹ ở Zurich. Tôi khá tò mò cho tới kết quả cuối cùng ý tưởng này sẽ được trưng bày như thế nào, mặc dầu luôn theo sát tiến trình và trao đổi liên tục với nghệ sỹ. Chúng tôi cũng đang giúp một nghệ sỹ Nhật Bản thực hiện các phỏng vấn từ xa của anh với những sinh viên, người đi làm đã hoặc chưa từng sang Nhật, cho tác phẩm video trong MAP. Do vậy, triển lãm của dự án có lẽ rất đáng mong chờ để xem hiệu quả làm việc từ xa giữa các nghệ sỹ sẽ được trình diễn và xuất hiện như thế nào.

Có lẽ vẫn còn quá sớm để chia sẻ về những “ưu, nhược điểm” của dự án trực tuyến trong thời điểm hiện tại khi mới ở giữa chặng đường. Tuy vậy, tất cả chúng tôi, từ nghệ sỹ tới nhà tổ chức, đều nghĩ rằng đây là một trải nghiệm thực sự hữu ích vì có thể nó sẽ không lặp lại. Hoặc, đó sẽ là sự chuẩn bị tốt cho tương lai, khi chúng ta đều chưa biết COVID-19 sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới thế giới như thế nào trong những năm tới.

Nghệ sĩ tham gia MAP 2020 đã được tuyển chọn dựa trên tiêu chí nào?

Nghệ sỹ là nhân tố quan trọng nhất và quyết định nội dung, chất lượng và thành quả của dự án. Hơn nữa, một trong những ý nghĩa cơ bản của MAP là tạo dựng nền tảng hợp tác và trao đổi giữa các nghệ sỹ nước ngoài thành danh, nhiều kinh nghiệm hoạt động quốc tế với các nghệ sỹ trẻ giàu tiềm năng ở trong nước. Bởi vậy, chúng tôi có cách thức và nguyên tắc chọn lựa làm sao tối ưu nhất: đối với nghệ sỹ trong nước, chúng tôi vừa tự có sự quan sát và theo dõi các nghệ sỹ trẻ theo kênh của Heritage Space năm này qua năm khác, vừa trao đổi và nhờ các tổ chức, nhóm nghệ thuật như Nhà Sàn Collective, Doclab hay Matca để cử nhân tố mà họ thấy phù hợp. Năm nay với nghệ sỹ Việt Nam, chúng tôi có các đề cử từ Nhà Sàn Collective ở Hà Nội, A sông ở Đà Nẵng, và Phan Anh – nghệ sỹ ở TP. Hồ Chí Minh đã được giới thiệu bởi giám tuyển Đỗ Tường Linh (Six Space) từ mùa trước.

Với nghệ sỹ nước ngoài, chúng tôi liên hệ các bạn bè quốc tế là những giám tuyển, chủ không gian sáng tạo, giám đốc nghệ thuật hay nhà nghiên cứu-giáo dục nghệ thuật ở các nước đề cử. Những đối tác này đều có phẩm cấp ở thị trường nghệ thuật trong nước sở tại và khu vực, được chúng tôi quen biết qua các chuyến đi trao đổi, chương trình làm việc hay triển lãm nước ngoài hoặc do chính Heritage Space tổ chức. Bằng cách đó, chúng tôi có được những nghệ sỹ hay chuyên gia chất lượng tham gia mỗi năm. Các nghệ sỹ Nhật Bản năm nay cũng được giới thiệu từ kênh giám tuyển như ông Taro Amano cựu chủ tịch hội đồng giám tuyển Bảo tàng Nghệ thuật Yokohama. Trong MAP 2020, chuyên gia của dự án là bà Julia Schäfer giám tuyển của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Leipzig (Leipzig New Museum of Contemporary Art), hay ông Marc Gloede là giám đốc của Chương trình đào tạo sau Đại học về Thực hành Giám tuyển của Đại học Quốc gia Nanyang[1] (Singapore), và Naoko Horuichi giám tuyển chính và nhà giáo dục nghệ thuật từ Tokyo.

Viện Goethe Hà Nội cũng thường gửi các nghệ sỹ Đức trong chương trình trao đổi hàng năm tới làm việc trong dự án MAP. Họ là những người được tuyển chọn bởi Hội đồng Nghệ thuật lớn của quỹ Sachsen để đại diện nước Đức sang làm việc ở các quốc gia khác, vì vậy tiêu chuẩn của họ thường rất cao và ổn định hàng năm.

Một cách thức nữa là tự nghệ sỹ đề cử lẫn nhau, nghệ sỹ mùa này giới thiệu người cho mùa sau. Những nghệ sỹ tốt thường có quan hệ và nhãn quan tương ứng với phẩm cách nghệ thuật-con người của họ, do vậy họ thường đưa cho chúng tôi những gợi ý tốt. Nữ nghệ sỹ Katja Jug từng nhiều lần đạt giải của Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sỹ (Swiss Art Council), được đề cử với chúng tôi và tham gia năm nay bằng cách thức như vậy.

Anh có thể chia sẻ lý do vì sao dự án lại lấy Hà Nội làm chủ đề trong tâm cho năm nay chứ?

Thực ra MAP luôn lấy Hà Nội làm trọng tâm cho các chủ đề làm việc hàng năm. Chủ đề làm việc thường được đưa ra bởi nghệ sỹ Trần Trọng Vũ, người sáng lập và điều phối MAP từ năm 2015. Sang 2016, tôi bắt đầu công việc ở Heritage Space, và cùng anh vận hành MAP tới nay. Khi anh Vũ đưa chủ đề, chúng tôi sẽ cùng nhau thảo luận để phát triển nó theo mọi phương án có thể về cấu trúc chương trình sẽ ra sao, nghệ sỹ cần mời là ai, cần có sự khác biệt hay thay đổi chi tiết nào đó,…

Hà Nội là một thành phố đặc biệt ở Việt Nam, nhưng mỗi thành phố hay nơi chốn đều có tính riêng biệt trong tinh thần hun đúc bởi văn hóa-lịch sử-sinh hoạt và cơ thể kiến trúc của nó. Anh Vũ và tôi đều sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, chúng tôi lấy thành phố này làm chủ đề, có lẽ vì chúng tôi hiểu nó nhất và tự nhiên nhất như một phần của cơ thể và suy nghĩ. Chúng tôi không hề có ý niệm địa phương khi chỉ gắn với Hà Nội, mà cho rằng đặc tính nơi chốn và nội hàm của một đô thị luôn có thể khái quát và trừu tượng hóa thành các vấn đề lớn, bao quát của con người, không phụ thuộc đó là thành phố lớn hay thị trấn nhỏ, trung tâm hay ngoại vi, hiện đại hay chậm phát triển.

Như mọi người thấy, chủ đề của MAP hàng năm từ “Vùng Không Tưởng” – 2017, “Hữu hình Vô hình” – 2018, “Bên kia Sự Hủy Diệt” – 2019 đều được phát triển từ khung cảnh Hà Nội ở những chiều kích của không gian, đời sống đô thị, tâm tính và nhân sinh quan con người sống ở đó. Chúng đã được các nghệ sỹ đến từ nhiều đất nước với các kinh nghiệm văn hóa khác biệt đón nhận. Bởi họ nhìn thấy ở đó các vấn đề liên quan, cảm thụ hay liên hệ với các trải nghiệm văn hóa và cá nhân họ để phát triển tiếp ý tưởng riêng vào dự án.

Với tư cách là Giám đốc sáng tạo của Heritage Sapce, anh có nỗi trăn trở riêng nào cho dự án MAP: về chiều sâu, mức độ lan tỏa, tính tự do, kết nối giữa khán giả và nghệ sĩ, tổ chức và các bên liên quan…?

Có lẽ trăn trở lớn nhất là kết nối giữa dự án, nghệ sỹ với khán giả.

MAP có hai mục đích chính, một là tạo dựng nền tảng làm việc trao đổi giữa các nghệ sỹ trong và ngoài nước. Hai là tạo cơ hội để khán giả tiếp cận với nghệ thuật đương đại ở nhiều chiều kích, bởi tại Việt Nam, những cơ hội cho khán giả như thế này không nhiều.

Nghệ sỹ Việt Nam tài năng, có nhiều dự án và triển lãm nghệ thuật với hàm lượng chuyên môn cao, nhưng tôi vẫn cảm thấy khoảng cách lớn giữa nghệ thuật-nghệ sỹ với khán giả, và chưa nhìn thấy thế hệ khán giả mới của nghệ thuật mới.

Mặc dù MAP cố gắng tạo ra nhiều loại chương trình hết sức có thể để tiếp cận khán giả theo nhiều cách: mời đến nghe nghệ sỹ nói chuyện và giới thiệu tác phẩm, triển lãm có tour chuyên được dẫn dắt bởi giám tuyển và nghệ sỹ, mời những người trẻ tham gia tình nguyện viên và làm việc với nghệ sỹ… nhưng hiệu quả vẫn chưa đủ mạnh để tiếp cận số lượng nhiều hơn, tạo ra nhiều kích thích và đánh động tâm lí thụ hưởng nghệ thuật của mọi người. Yếu tố giáo dục cộng đồng của dự án mặc dù có, nhưng vẫn chưa đủ mạnh và thuyết phục, và đó là những điều chúng tôi cần làm việc để cải thiện.

Anh đánh giá như thế nào về đội ngũ nghệ sĩ và chuyên gia của MAP năm nay?  Tôi nhìn thấy có các nghệ sĩ – chuyên gia Nhật Bản, một vài ở Thụy Sĩ và Việt Nam, phải chăng để cân bằng góc nhìn về nghệ thuật toàn cầu?

MAP luôn cố gắng mời các nghệ sỹ và giám tuyển đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhằm đem đến những góc nhìn khác biệt về văn hóa, bối cảnh và nền tảng chính trị xã hội, kinh nghiệm làm việc trên nhiều giao diện khác nhau. Toàn cầu đã trở thành “não trạng” thông dụng trong các công việc ở nhiều cấp độ, lĩnh vực và hành vi sinh hoạt thường ngày rồi – không còn như khoảng 10 năm trước khi mới tiếp cận các định nghĩa về toàn cầu hóa và thế giới phẳng. Vì vậy, cá nhân tôi cảm thấy làm việc với các nghệ sỹ và chuyên gia đến từ nhiều nơi – một mặt đã trở thành bình thường trong thói quen và suy nghĩ, mặt khác luôn cảm thấy hào hứng vì mỗi người mới đem lại suy nghĩ và cách thức mới trong công việc, tạo ra những chiều kích mới cho cả chương trình.

Có lẽ từ khóa ở đây không phải là cân bằng có yếu tố toàn cầu, mà là đa dạng và (đôi khi) xung đột bởi các đối thoại và va chạm từ những khác biệt do người tham gia đem lại. Và toàn cầu, hay yếu tố nghệ thuật quốc tế của MAP, là cơ hội tốt để nghệ sĩ trẻ Việt Nam trải nghiệm, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm ở môi trường quốc tế – điều mà họ luôn thiếu ở trong nước.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!

Ảnh: Heritage Space

[1] Co-director of MA Museum Studies & Curatorial Practices at ADM/ NTU Singapore.


 
Back to top