Trò chuyện Art Republik: Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nghệ thuật Heritage Space
Vào một buổi sáng Sài Gòn cuối năm, tôi có dịp ngồi lại với Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space. Suốt hai thập niên tìm tòi nghiên cứu lẫn quản lý vận hành các dự án nghệ thuật lớn nhỏ, anh đã vạch định những hướng đi hiệu quả góp phần lan tỏa và giáo dục nghệ thuật đương đại đến công chúng.
Chào anh Nguyễn Anh Tuấn! Được biết, trước khi bén duyên làm Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space, anh đã có nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm quản lý vận hành trong lĩnh vực nghệ thuật?
Hồi xưa, tôi theo học Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ra trường thì công tác tại một viện nghiên cứu nghệ thuật của nhà nước, nơi từng dành cho nghiên cứu sau giai đoạn kháng chiến. Có giai đoạn, khoảng hơn 10 năm, tôi làm việc với tư cách trợ lý cho nhà phê bình – nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Phan Cẩm Thượng. Trải nghiệm ấy khiến tôi có cái nhìn bao quát lẫn sâu sắc hơn về bối cảnh nghệ thuật thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Từ năm 2011 đến năm 2016, tôi làm việc tại Mường Studio (Hòa Bình), mà nhà sáng lập là họa sĩ đồng thời là một người bạn tôi quen biết hồi còn ở Đại học Mỹ thuật. Trong thời gian này, tôi quản lý không gian lưu trú dành cho nghệ sĩ, không gian bảo tàng, tổ chức các chương trình lớn nhỏ khác nhau. Nhờ đó mà bản thân đã học hỏi được những kỹ năng về tổ chức, quản lý và điều hành dự án, đặc biệt là kỹ năng làm việc với những nghệ sĩ nước ngoài, tự tạo dựng suy nghĩ và định hướng lâu dài cho một dự án. Mặc dù gặp phải khá nhiều khó khăn do Hòa Bình không phải là một thị trường nghệ thuật nở rộ, nhưng mỗi năm, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện lớn thu hút. Chẳng hạn, dựa án I-CAPM vào năm 2013 với giám tuyển Trần Lương, chúng tôi đã trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại độc đáo tại không gian bảo tàng.
Hẳn là khi bén duyên với Heritage Space trong vai trò Giám đốc nghệ thuật, anh cũng đã mang đến nhiều chương trình nghệ thuật thú vị?
Trước đây, không gian của Heritage Space được tài trợ với diện tích khá lớn, với thư viện gần 300 mét vuông, có sân khấu riêng và gallery trưng bày tác phẩm cũng rộng 300 mét vuông. Vì thế, chúng tôi có cơ hội tổ chức nhiều sự kiện trò chuyện khác nhau mà không phải lo lắng đến chi phí địa điểm. Nhưng khi chuyển về không gian nhỏ hơn, và như bạn cũng biết, Heritage Space là doanh nghiệp xã hội, thì chúng tôi gần như hạn chế tổ chức sự kiện để tập trung vào các dự án dài hạn, mà Tháng thực hành Nghệ thuật (MAP ) với chủ đề “dự án XANH” vừa rồi là một ví dụ. Mỗi chương trình như chiếu phim hay wokshop có chi phí tham dự để trả những khoản chi phí khác chứ chưa thể sinh ra lợi nhuận.
Vấn đề tài chính vẫn luôn là thử thách lớn đối với tổ chức nghệ thuật tư nhân. Xét về yếu tố dài hạn, liệu anh có ý tưởng khả quan nào để khó khăn này trở nên “dễ thở” hơn?
Tôi nghĩ là cần phải có mô hình thương mại (bán dịch vụ, sản phẩm) song song với mô hình phát triển nghệ thuật phi lợi nhuận. Đó là giá trị kép, lấy cái này để nuôi cái kia, giống như Manzi Art Space ở ngoài Bắc và Quỳnh Galerie trong Nam. Chẳng hạn, Manzi có quán cà phê, mỗi năm vẫn tổ chức hội chợ nghệ thuật Art For You (mà 2020 vừa rồi là lần thứ 13), quản lý phòng tranh nhỏ,… Số tiền mà họ thu được từ mô hình kinh doanh này sẽ dùng để tổ chức sự kiện, hỗ trợ nghệ sĩ, trả tiền lương cho nhân viên đến chi phí điện nước…
Còn về việc kêu gọi tài trợ từ các tập đoàn doanh nghiệp thì sao?
Hiện tại, đã có những doanh nghiệp quan tâm đầu tư và hỗ trợ các tổ chức nghệ thuật, hoặc dùng một vài phần trăm lợi nhuận hàng năm vào tổ chức nghệ thuật riêng của mình như VCCA cúa Vingroup. Tuy nhiên, việc các công ty đồng hành cùng tổ chức như Heritage Space còn dựa trên cái nhìn của họ về lợi nhuận kinh doanh và hiểu biết nhất định về nghệ thuật để định hướng lâu dài. Nếu họ chưa hiểu về nghệ thuật mà đầu tư thì đó chỉ là một hình thức marketing nhưng theo kiểu khác mà thôi.
Ở Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Huế là trường đầu tiên giảng dạy nghệ thuật đương đại trong khi ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn im hơi lặng tiếng. Liệu một tổ chức như Heritage Space có bao giờ nghĩ đến việc sẽ thực hiện những khóa học nghệ thuật đương đại riêng?
Đúng là Đại học Mỹ thuật ở Huế đã đưa chương trình giảng dạy nghệ thuật đương đại tiếp cận đến sinh viên, nhưng thực chất, Đại học Mỹ thuật Hà Nội cũng đã có. Vào năm 1992, một nghệ sĩ Việt Kiều từng về trường thực hiện tác phẩm sắp đặt, và đến năm 1995 – 1996 thì một nghệ sĩ đương đại nước ngoài khác vào trường giảng dạy, tạo ra thế hệ nghệ sĩ đương đại đầu tiên như Trương Tân, Nguyễn Quang Huy,… Nói đúng hơn, ở Hà Nội và Sài Gòn, giảng dạy nghệ thuật đương đại vẫn chưa rõ ràng và chính thống.
Khi yếu tố chính thống chưa có, thì những tổ chức tư nhân như Heritage Space sẽ không vội vã mà hướng đến tầm nhìn dài hạn. Ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ tạo dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật đương đại, đặc biệt là nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ đó mới hình thành giáo án chuyên nghiệp. Thời gian dự kiến cho hoạt động này kéo dài từ 3 đến 5 năm trước khi quyết định đến giai đoạn giảng dạy.
Dù chưa có giảng dạy nghệ thuật đương đại chính thống và phổ cập, nhưng rõ ràng, những sự kiện về nghệ thuật đương đại như dự án Xanh vừa rồi đã là một hình thức giáo dục hiệu quả. Nhưng Covid hẳn đã khiến chương trình gặp nhiều khó khăn?
Dự án XANH nằm trong chuỗi dự án Tháng thực hành Nghệ thuật (MAP) ra đời vào năm 2015 và đến 2020 thì đã kinh qua 6 giai đoạn. Mỗi giai đoạn là mỗi chủ đề làm việc và nghệ sĩ khác nhau, nhưng hai cốt lõi chính vẫn là:
(1) Vì Việt Nam chưa có chương trình giáo dục nghệ thuật đương đại chính thống và nghệ sĩ gần như phải tự học nên chúng tôi đã mời nghệ sĩ đương đại giàu kinh nghiệm và đặc biệt là giàu trải nghiệm thực hành sáng tác trên trường quốc tế đến Việt Nam và cùng trao đổi làm việc. 6 năm qua, số lượng nghệ sĩ tham gia MAP đã hơn 100 người.
(2) Mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với khán giả. Chúng tôi có những buổi chia sẻ của nghệ sĩ trong suốt thời gian diễn ra dự án, cùng đó là tour triển lãm giải thích về tác phẩm, giúp khán giả hiểu sự khác biệt giữa nghệ thuật đương đại à nghệ thuật truyền thống.
Riêng năm 2020, dự án XANH phải chuyển sang chế độ trực tuyến, các nghệ sĩ nước ngoài không thể bay sang Việt Nam, vì thế, yếu tố trao đổi sẽ bị hạn chế khá nhiều. Hôm kết thúc triển lãm, chúng tôi thực hiện một buổi họp trao đổi để học hỏi kinh nghiệm làm việc trực tuyến.
Vì không thể bay qua Việt Nam, nên nghệ sĩ Việt phải chủ động lấy thông tin nghiên cứu rồi chuyển qua cho các bạn nghệ sĩ nước ngoài sáng tác. Khoảng cách địa lý vẫn là một điểm yếu, vì nếu có dịp sang Việt Nam khám phá, thì họ sẽ có cảm nhận đầy đủ hơn và cảm giác hiện diện hơn, từ đó, tác phẩm sẽ trở nên kết nối hơn với khán giả.
Trong năm 2020, dù đại dịch, nhưng chúng ta đã chứng kiến nhiều lễ hội nghệ thuật đương đại diễn ra. Tuy nhiên sự kết giữa nghệ thuật và khán giả dường như vẫn còn hạn chế. Còn dự án MAP của Heritage thì sao, anh đã có những chiến lược kết nối như thế nào?
Việc thiếu bệ đỡ về giáo dục và bảo tàng nghệ thuật đương đại đã dẫn đến vấn đề mà bạn nói. Hơn nữa, như cá nhân tôi, phải mất nhiều năm để bản thân có thể hiểu và định vị nghệ thuật đương đại, huống hồ là những bạn không theo đuổi chuyên môn này.
Nhưng đối với dự án hàng năm như MAP, khi đến mùa thứ 2 và thứ 3, thì chúng tôi bắt đầu thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Trong suốt 5 tuần nghệ sĩ lưu trú, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi trò chuyện để nghệ sĩ giới thiệu công việc của mình đến khán giả. Chúng tôi tuyển những tình nguyện viên trẻ (lên đến 30 người mỗi dự án). Họ sẽ được đào tạo và quan sát trực tiếp cách thực hành nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ.
Tôi tin rằng khi nền giáo dục về nghệ thuật đương đại còn hạn chế, thì việc tổ chức sự kiện thường xuyên và bền bỉ sẽ phần nào cứu rỗi bối cảnh.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ bổ ích nhé!