Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Cõi mộng ảo sặc sỡ và màu nhiệm trong bộ ảnh “Kết nối” của Nguyễn Quang Bách

Nov 27, 2020 | By Trang Ps

Tại triển lãm Noirfoto “Salon Ánh Sáng”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Bách giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật bộ ảnh “Kết nối” nhằm thể hiện những cảm nghiệm cá nhân về đời sống tâm linh tại Việt Nam.

Nguyễn Quang Bách sinh ra tại Hà Nội. Anh sử dụng nhiếp ảnh như công cụ để tìm hiểu về văn hóa, tập tục của người Việt và thông qua đó có thể định hình về một Việt Nam của cá nhân mình. Trong khoảng thời gian dài sinh sống và đi qua nhiều thành phố tại cả ba miền Việt Nam để hiểu thêm về văn hóa, hiện tại, anh quan tâm đến đời sống tâm linh và thái độ của mọi người đối với các hoạt động tâm linh.

Chào nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Bách! Anh có thể giới thiệu qua một chút về bộ ảnh “Kết nối” mà anh đang trưng bày tại triển lãm “Salon Ánh Sáng” được chứ?

Sự sặc sỡ và sống động trong các nghi thức tâm linh là điểm chung của văn hóa ba miền tại Việt Nam, được biểu hiện qua những lời cầu nguyện trong những lễ hội, lời xin phù hộ trong ngày giỗ gia tiên, hay thắp nhang đốt vàng mã. Tôi coi những tấm ảnh của mình như dấu chân trên hành trình tìm kiếm cõi hư ảo nơi mà bản thân và những người thân đã mất có thể “gặp” và “mang” những điều họ không thể có khi còn ở cõi trần.

Thông qua việc tìm hiểu những phương thức biểu đạt trong cuộc sống, trong tưởng tượng của tôi, cõi mộng ảo mà tôi đang tìm kiếm thật sặc sỡ và màu nhiệm.

Gắn bó một thời gian tương đối với nhiếp ảnh, anh có thể chia sẻ về mối nhân duyên với lĩnh vực này?

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi dành một năm rưỡi để khám phá bản thân mong muốn điều gì trong cuộc sống. Cũng chính quãng thời gian này, tôi có cơ may bén duyên với nhiếp ảnh trong một chuyến du lịch. Tôi để ý bản thân chú ý đến những công trình văn hóa, họa tiết kiến trúc và mong muốn chụp lại để khi về nhà, có thể tìm hiểu những điều đó thật rõ, cứ thế cho đến bây giờ…

Những ngày đầu tiên, khi tự mày mò về nhiếp ảnh, tôi không có người chỉ dẫn nên tư tưởng đơn thuần là học cái gì mới thì áp dụng ngay. Khi đi học, cũng như các sinh viên khác, tôi được thầy cô dẫn dắt. Những người trẻ này thông thường sẽ theo chân một giảng viên mà họ cảm thấy đồng điệu hoặc có thể giúp họ nhiều nhất. Tôi cũng vậy, đã theo chân một người thầy từ năm nhất đến năm cuối. Với tôi, tìm thấy một người có đam mê với bộ môn, sở hữu khối kiến thức đa dạng và không bó buộc sinh viên phải suy nghĩ giống họ trong môi trường sư phạm là khá quan trọng. Họ sẽ chỉ cho bạn những tiềm năng và hạn chế của lĩnh vực nhiếp ảnh để bạn đạt nền tảng vững vàng và phát triển sau khi chương trình học kết thúc.

Khi bước ra khỏi giảng đường đại học, việc theo đuổi một hình mẫu có lẽ không giúp ích nhiều. Với tôi, ở thời điểm hiện tại, việc tìm và chơi với những người bạn làm những điều họ thích với tất cả sự nghiêm túc và đam mê lại quan trọng hơn cả.

Liệu anh có nhận thấy bước ngoặt thay đổi tư tưởng nào diễn ra trong những năm nhiếp ảnh vừa qua?

Từ năm 3 đại học cho đến bây giờ, quan điểm khi làm nghề của tôi không có nhiều thay đổi. Tôi luôn coi sự chân thành và nghiêm túc là điều tất yếu trong quá trình thực hành nhiếp ảnh. Cũng giống như những bộ môn nghệ thuật khác, lĩnh vực này cần sự tập trung thì mới phát huy trọn vẹn khả năng.

Những thay đổi, nếu đáng kể, là chủ đề của những tấm ảnh tôi chụp, phần lớn đến từ việc thay đổi môi trường sống cùng phương pháp tiếp cận những điều mình làm và cách mình thể hiện.

Nếu nói về bước ngoặt thì có lẽ là quyết định trở về Việt Nam, bởi điều này tạo ra nền tảng cho những thay đổi nói trên.

Một trải nghiệm mà anh cho là quan trọng để nhiếp ảnh tiến bộ hơn mỗi ngày?

Với một người có tính tự giác kém như tôi thì quyết định lựa chọn làm việc cho một công ty nào đó khá quan trọng (cười). Vì đi làm chiếm phần lớn quỹ thời gian trong một ngày nên khi hễ rảnh một chút, mình buộc phải tập trung tối đa cho những dự định mà bản thân muốn đạt được.

Bên cạnh đó, trở thành nhân viên chụp hình cho một vài công ty cũng tạo điều kiện để bản thân nâng cao kỹ thuật hơn, qua đó, giúp các tác phẩm đạt hiệu ứng thị giác mà tôi mong muốn. Môi trường làm việc khiến mình va chạm với những người thuộc nhiều tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau. Họ giúp tôi trưởng thành hơn trong cách làm việc, đối nhân xử thế, đồng thời nới rộng nhân sinh quan. Tôi hy vọng những điều nhận được từ đồng nghiệp có thể giúp bản thân mang ý tưởng cá nhân đến gần hơn với khán giả.

Nhiếp nh là phát hin cái đẹp và thhin cái đẹp y theo mt cách khác, nhưng anh có bao gili phán xét điu gì đó trước khi nhìn thy cái đẹp không? 

Tôi không nghĩ nhiếp ảnh là phát hiện cái đẹp và thể hiện cái đẹp ấy theo cách khác. Những bộ môn nghệ thuật khác cũng làm điều tương tự mà. Tôi đơn giản nghĩ, nhiếp ảnh thể hiện cái đẹp mà nó tiếp cận với những tính năng mà nó làm tốt nhất.

Sau khi đúc kết những bài học mà tôi thu nhận từ bạn bè, thầy cô, cho đến bây giờ, tôi nghĩ rằng người làm nghệ thuật không nên phán xét điều gì khi họ nhìn thấy nó. Họ nên đón nhận mọi thứ trong cuộc sống với tâm thế mở. Cũng có thể, ở một thời điểm nào đó trong tương lai, tôi sẽ nghĩ khác. Nhưng không sao, hiện tại quan trọng hơn cả.

3 từ định nghĩa phong cách nhiếp ảnh của anh?

Thực tế, liên tưởng, tưởng tượng.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!

Ảnh: NVCC

Triển lãm nhóm Noirfoto mang tên “Salon Ánh Sáng” được Art Republik và Luxuo đồng hành bảo trợ truyền thông sẽ chính thức khai mạc vào ngày 22/11 này tại Mai Gallery, 113 Hàng Bông, Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 12/12/2020.


 
Back to top