Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Tính tiếp nối thử thách và khát khao hoàn thiện bản thân trong bộ ảnh “23:59” của Trần Lê Quỳnh Anh

Nov 29, 2020 | By Trang Ps

Lớn lên ở Sài Gòn, tốt nghiệp trường Quốc tế Sáng tạo và Nghệ Thuật ở Wellington, New Zealand, Trần Lê Quỳnh Anh được biết đến với những tác phẩm nhiếp ảnh có lối ẩn dụ riêng, gợi cảm giác nhẹ nhàng và nữ tính với một số đối tượng, nhưng đồng thời cũng gây bối rối và hoang mang cho những đối tượng khác.

Quỳnh Anh thích chơi với chất liệu, chạm và cảm nhận, kết nối và được truyền cảm hứng từ chất liệu. Cô đặc biệt hứng thú với những chất liệu thô, hình ảnh trừu tượng mang tính kể chuyện và gợi cảm xúc cao. Bên cạnh đó, những khoảng lặng tạo không gian và chừa nhịp nghỉ cho người xem là thế mạnh của cô.

Chào Quỳnh Anh! Được biết, bộ ảnh ‘23:59’ của chị đang được trưng bày trong triển lãm Noirfoto “Salon Ánh Sáng”. Chị có thể chia sẻ một chút về cảm hứng và ý niệm đằng sau dự án này được chứ?

‘23:59’ được truyền cảm hứng từ những nhịp hoạt động của chiếc đồng hồ, vừa tiến tới, vừa lặp lại chính mình.

Tôi mượn bước quy ước thời gian này phác họa và nhấn mạnh tính tiếp nối của những thử thách trong cuộc sống và khát khao hoàn thiện bản thân của một con người.

Bộ ảnh sử dụng kết hợp các kỹ thuật tạo ảnh sáng tạo trong nhiếp ảnh tạo nên những hình ảnh mang tính biểu tượng, khắc họa nội tâm qua đó phản ánh cuộc sống của một con người lần nữa trải qua và đối mặt với những bước chuyển giao. Đây cũng cách tôi kể câu chuyện của mình bằng hình ảnh, phản ánh những trải nghiệm và chiêm nghiệm của tôi trong hiện tại.

Quỳnh Anh đã bén duyên với nhiếp ảnh như thế nào?

Thực ra những gì tôi làm cũng không phải là nhiếp ảnh. Đó không phải là chủ định của hành trình này. Còn bắt đầu, tôi đã bắt đầu nhiều lần, rải rác trong một thời gian dài, nhiều lần “rơi”. Nếu bảo bắt đầu tư lần đầu tiên thì không đúng vì quá xa. Còn nếu nói mới bắt đầu gần đây cũng không phải vì chẳng đột ngột đến vậy.

Tôi không xác định theo đuổi nhiếp ảnh. Bởi vậy, trước đây, tôi đã không tìm hiểu các nghệ sĩ nhiếp ảnh và không được ảnh hưởng bởi bất cứ ai. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu với nhiếp ảnh, tôi có xem tác phẩm và theo dõi một vài người, nhưng không noi theo ai, tôi đi tìm chính mình, muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Con đường mình đi, nếu hết duyên, thì mình phải đi theo hướng khác thôi.

Để làm rõ chia sẻ trên, chị có thể chia sẻ về những trải nghiệm bước ngoặt mang mà chị đã kinh qua trong quá trình thực hành nhiếp ảnh chứ?

Bước ngoặt đầu tiên của tôi là lần đầu tiên làm quang đồ (photogram). Lúc bấy giờ, tôi muốn học để có thể làm việc trong studio. Trước đó, tôi vẫn chụp ảnh ở ngoài. Nhưng, đã nhiều lần, những gì tôi bắt lại được từ hiện thực thông qua máy ảnh lại chưa đủ để biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ của bản thân lúc ấy. Do vậy, tôi muốn tìm cách tạo ra hình ảnh theo ý mình.

Mỗi buổi trong khoá học ấy sẽ có một chủ đề riêng. Hôm thực hành kỹ thuật quang đồ, tôi phát hiện một cục đá mà tôi cho là rất đẹp, từ hình dáng đến cấu tạo bề mặt. Tôi sắp đặt đủ cách trên giấy ảnh mà kết quả vẫn chỉ là những hình trắng hếu. Tôi vừa tức lại vừa tò mò muốn biết tại sao lại như vậy, nên đã làm đi làm lại suốt cả một ngày. Buổi sáng, tôi tính toán rất nhiều, mường tượng ra các kết quả và cố gắng tạo ra được nó, nhưng thất bại. Đến chiều, dù tôi đã rất mệt và đau đầu, tôi vẫn tiếp tục vì hôm ấy là cơ hội hiếm có vì chỉ mình tôi tới sử dụng toàn bộ phòng tối. Tôi “buông” mình hơn, thay bằng tính toán kết quả mình muốn có thì tôi đơn giản là thử nghiệm, nếu thế này thì sao và nếu thế kia thì sao. Chính lúc ấy tôi đã nhận được cái mà hoá ra, tôi thực sự muốn.

Bước ngoặt thứ hai là lần đầu tiên làm triển lãm nhóm ở Noirfoto vào tháng 7/2020 vừa qua. Lúc ấy, tôi thực sự muốn giới thiệu tác phẩm tới công chúng. Lúc học ở New Zealand, tôi cùng các bạn học của mình vẫn thường xem tác phẩm của nhau nhưng luôn phản hồi một cách thân thiện, khen ngợi, động viên. Như vậy không đủ, tôi muốn phơi bày những gì mình làm ra trước con mắt khách quan của công chúng.

Có vẻ chị là một người cầu toàn và kỹ tính. Vậy, những yếu tố nào mà chị cho là quan trọng để nâng cao khả năng nhiếp ảnh?

Đó là thử cái mới, hướng ra bên ngoài. Một người bạn của tôi từng nói: Em chỉ có thể biết em là ai nếu em biết em không phải là ai.

Ngoài ra, tôi thấy trải nghiệm làm triển lãm cũng rất quan trọng. Không đơn giản là hoàn thành tác phẩm rồi treo chúng lên tường mà là toàn bộ quá trình sắp xếp tác phẩm trên tường để kể câu chuyện của mình rao sao, tổ chức sự kiện, giao tiếp với khán giả như thế nào…

Còn về vấn đề chất liệu và kỹ thuật thì sao?

Về chất liệu, tôi thích sử dụng những thứ xung quanh mình, không vì triết lý nào. Về kỹ thuật, tôi thích kết hợp các kỹ thuật khác nhau như photogram, chemigram và lumen print để tạo ra vẻ đẹp huyền bí. Tôi luôn được thôi thúc bởi câu hỏi “Nếu…”

Theo Quỳnh Anh, yếu tố nào làm nên nét riêng trong những bức ảnh mà chị chụp?

Có lẽ, printmaking và vẽ ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình sáng tác của tôi. Ngoài ra, nhiều người nhận xét những tác phẩm của tôi trông rất tình cảm.

Những từ định nghĩa nhiếp ảnh của Quỳnh Anh?

Khoảnh khắc và trực giác.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị nhé!

Ảnh: NVCC

Triển lãm nhóm Noirfoto mang tên “Salon Ánh Sáng” được Art Republik và Luxuo đồng hành bảo trợ truyền thông sẽ chính thức khai mạc vào ngày 22/11 này tại Mai Gallery, 113 Hàng Bông, Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 12/12/2020.


 
Back to top