Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Bộ tứ Đông Dương bên trời Âu (kỳ 3): Họa sỹ Vũ Cao Đàm

Jun 15, 2021 | By Art Republik

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương đã thành danh ở Pháp. Đó là một hành trình của quá nhiều khó khăn và cay đắng. 

Hoạ sỹ Vũ Cao Đàm, trong xưởng vẽ trên tầng hai ở ngôi nhà trên đường Rue Grande, trước mặt là cửa sổ nhìn ra phong cảnh thị trấn cổ Vence. Ảnh: Yannick Vũ Yakober

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường. Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925-1930). Lê Phổ là học trò “cưng” của giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926-1931). Và Lê Thị Lựu, thủ khoa hội họa khóa III (1927-1932).

“Ngay hồi còn đi học, chúng tôi vẫn ao ước được vẽ tranh ấn tượng và vẽ theo các trường phái mới mà vẫn không quên tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật Đông phương” – Vũ Cao Đàm

Mỗi người có một cá tính và con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt; cũng là nhờ quan điểm giảng dạy của các giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương, khác với quan niệm dạy vẽ của người Anh ở Ấn Độ: hoàn toàn hướng học sinh về mỹ thuật Tây phương, chối bỏ nguồn gốc văn minh Ấn Độ.

Họa sỹ Vũ Cao Đàm (giữa) cùng họa sĩ Mai Trung Thứ  (trái) và hoạ sỹ Lê Phổ (phải) trước cửa Galerie Van Rick, Paris, Pháp. Nguồn: Style-Republik.com

Họa sỹ Vũ Cao Đàm nhớ lại: “Tôi vào trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1926. Trường do ông Victor Tardieu thành lập và tôi đã học những môn: hình họa (dessin), hội họa (peinture), điêu khắc (sculpture). Chúng tôi có những giáo sư chính: Ông Victor Tardieu dạy hội họa. Ông Inguimberty dạy trang trí và điêu khắc. Ông Batteur dạy kiến trúc. Bác sĩ De Phénix dạy cơ thể học. Mỗi năm có một giáo sư hội họa được giải thưởng Đông Dương đến để giảng thêm. Ông Tardieu đã hy sinh tất cả cho học trò. Ngoài giảng dạy, ông còn dìu dắt và nâng đỡ học trò khi gặp khó khăn để có điều kiện theo đuổi việc học.

Họa sỹ Vũ Cao Đàm (hàng cao nhất, bên phải) và các sinh viên đồng khóa của trường Mỹ Thuật Đông Dương. Nguồn: AAP

Trích bài viết nghiên cứu của tác giả Thuỵ Khuê về bộ tứ Đông Dương (đã đăng trên ấn phẩm Art Republik Việt Nam issue 2), các bài viết sẽ lần lượt khái quát về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của 4 danh hoạ đời đầu của trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Hoạ sỹ Vũ Cao Đàm

Họa sỹ Vũ Cao Đàm sinh ngày 8-1-1908 tại Hà Nội, mất năm 2000 tại làng hội họa Saint-Paul de Vence, Pháp. Đỗ vào khóa II (1926-1931) trường Mỹ Thuật Đông Dương, học tới năm thứ nhì, Vũ Cao Đàm chuyển sang điêu khắc. Đỗ thủ khoa, khi ra trường, được học bổng sang Pháp học Ecole du Louvre, vừa đi học vừa làm nghề điêu khắc, cuộc sống rất khó khăn. Năm 1936, ông kết hôn với Renée, nhạc sĩ dương cầm, tại Paris.

Tại sao phải bỏ điêu khắc sang hội họa? Vũ Cao Đàm giải thích: “Từ đại chiến 1939-1945, tôi đổi sang hội họa. Thời điểm ấy rất khó nặn tượng vì thiếu chất liệu. Việc đổ khuôn đồng bị cấm trong chiến tranh. Người Đức tịch thu tất cả. Tôi phải nặn tượng bằng đất nung đánh bóng, như bức chân dung thi sĩ Jean Tardieu, con của thầy tôi và chân dung bà Marie Laure, vợ thi sĩ Tardieu”.

“Cô Gái Cài Lược” (Tête d’Indochinoise). Đồng, khoảng 1927-28, lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly, Paris. Nguồn: Redsvn

Tác phẩm “Kneeling Woman” (tạm dịch: Người đàn bà quỳ) của Vũ Cao Đàm. Nguồn: Jeanfrancoishubert.com

Trong bốn họa sỹ Việt Nam sống ở Pháp, Vũ Cao Đàm là người có công nhất trong việc tìm tòi chất liệu cho tranh lụa và sơn dầu. Ông đã tìm được cách bồi lụa trên giấy cứng, giúp họa sỹ có thể vẽ trên lụa và dùng nhiều màu, khác hẳn lối vẽ thẳng lên lụa của Trung Quốc. Nhưng sau khi đã tìm ra kỹ thuật tranh luạ rồi, tại sao ông lại bỏ tranh lụa, sang sơn dầu?

Đúng là ngày trước tôi vẽ tranh lụa, sau đổi sang tranh sơn dầu và từ đó vẽ tranh sơn dầu cho tới bây giờ. Vì tính hiếu kỳ khiến tôi hay tìm hiểu sâu thêm về hội họa và tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, lại có miếng kính che giữ gìn cho lụa nên không thể vẽ to được. Hơn nữa, ngay hồi còn đi học, chúng tôi vẫn ao ước được vẽ tranh ấn tượng và vẽ theo các trường phái mới mà vẫn không quên tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật Đông phương”.

Hòa hợp (Vũ Cao Đàm), 1978, sơn dầu trên bố, 81,5cm x 100cm / Composition, 1978, oil on canvas, 81,5cm x 100cm.

Năm 1943, Vũ Cao Đàm rời Paris, về Marciny, gần Troyes, vùng Champagne, đông nam Paris. Năm 1950, do yếu phổi, ông phải dời xuống Vence (gần Nice), nơi khí hậu ấm áp hơn. Ban đầu, triển lãm tranh không bán được vì bị bọn buôn tranh dìm giá.

Sau ông phải cùng với một nhóm họa sỹ trẻ, chung tiền thuê cửa hàng triển lãm riêng ở Saint-Paul de Vence (lúc đó chưa thành làng hội họa), một làng nhỏ trên núi có phong cảnh tuyệt đẹp, gần Vence. Lần này, tranh của họ bán được, trở nên nổi tiếng nên các họa sỹ trẻ khác bắt chước. Saint-Paul de Vence trở thành làng hội họa từ đó. Hai galerie ở Bỉ và ở Pháp mua tranh của ông để bán lại cho Galerie Findlay bên Mỹ.

Năm 1959, Vũ Cao Đàm mở phòng tranh riêng ở số 43, Rue Grande, Saint-Paul de Vence, và cũng là nhà ở của vợ chồng ông cho tới cuối đời. Kể từ năm 1964, Vũ Cao Đàm và Lê Phổ ký hợp đồng với Galerie Wally Findlay, bên Mỹ, và ông đã cộng tác trong 25 năm.

Mơ mộng, khoảng thập niên 1940, mực và bột màu trên lụa ván ép, 46cm x 60,5cm / LE RÊVE, 1940s, ink and color on silk laid on board, 46cm x 60,5cm

Là nhà điêu khắc tài ba hàng đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương, Vũ Cao Đàm đã từng nặn tượng Bảo Đại, Hồ Chí Minh. Nhưng tượng của ông đã tản mạn khắp nơi, khó tìm được, ngoài một vài bức ở nhà ông, và vài tác phẩm trưng bày ở bảo tàng trong nước mà chúng tôi có dịp thấy là những bức tượng hiếm quý.

Vũ Cao Đàm mang những đường nét uyển chuyển rất lãng mạn của hội họa vào điêu khắc hay chính những đường cong tuyệt vời trong điêu khắc của ông đã truyền sang hội họa? Tranh Vũ Cao Đàm mang tính chất xác thực trong sự khảo sát cơ thể, với những đường cong tuyệt mỹ.

Paris, năm 1937. Từ trái sang: Renée Appriou (vợ của hoạ sỹ Vũ Cao Đàm), Vũ Cao Đàm, Andrée (một người bạn), bác sĩ Nguyen Huy Thuoc, và Nguyễn Văn Hinh (tướng Hinh trong tương lai). Nguồn: Jeanfrancoishubert.com

Thời kỳ tranh lụa, Vũ Cao Đàm dựng lại không khí cổ kính phương Đông bằng nghệ thuật Phục Hưng, tạo chiều sâu cho tranh lụa bằng kỹ thuật sáng tối. Bức chân dung người phụ nữ Bắc là một tuyệt tác, có thể coi là La Joconde của Việt Nam.

Ông là họa sỹ duy nhất đã sáng tạo lại nghệ thuật Phục Hưng cho tranh lụa Việt: Hoàn toàn thoát khỏi kỹ thuật phẳng lỳ, đồng màu đồng sắc của tranh Tàu. Khuôn mặt người phụ nữ Bắc hiển lộ trên tranh với sóng mũi dọc dừa, đôi mắt bồ câu một mí huyền bí, làn tóc trần đen nhánh quấn trên đầu mềm mại, tỏa cái đẹp thuần khiết thanh cao trong tâm hồn Việt.

Tác phẩm “Chrysanthemums”, bột mày trên lụa. Nguồn:  Jeanfrancoishubert.com

“Hát cô đầu”, 1941. Lụa. 70×97 cm

“Chân dung thiếu nữ trong vườn”. Chất liệu: Tranh lụa

Khi vẽ sơn dầu, ông vùng vẫy trong những nét vờn thơ mộng, màu sắc cực kỳ tươi sáng, mới lạ. Màu xanh Cao Đàm tạo ra từ sự giao thoa trời xanh với nước biếc Địa Trung Hải. Người Pháp gọi đó là màu xanh Chagall, tôi nghĩ màu xanh Cao Đàm có trước Chagall, đi vào những bức Phật thiền trên tòa sen trắng, ánh sáng Như Lai gọi ta về chốn tịnh tâm cao khiết. Vũ Cao Đàm đã tìm đề tài trong Kiều, trong kinh Phật, trong cảnh ngàn xưa, đất cũ.

Divinité (tạm dịch: Thần tính). Tác phẩm được ký tên, đánh số, đặt tựa đề và năm 1984 ở mặt sau. Sơn dầu trên vải. Kích thước: 55 x 46 cm. Nguồn: Sotheby’s

Tác phẩm L’Offrande, 1964. 73.3 x 60.3 cm. Nguồn: Sotheby’s

Thực hiện: Thụy Khuê

(Đọc tiếp: Bộ tứ Đông Dương bên trời Âu [kỳ 4] – họa sỹ Lê Thị Lựu)


 
Back to top