Mai Trung Thứ và 3 bản Mona Lisa Việt
“Mona Lisa” năm 1958 của Mai Trung Thứ, là một trong 13 tác phẩm thời Đông Dương nổi bật nhất tại phiên đấu giá Nghệ thuật Hiện đại & Đương đại vừa mới kết thúc của Sotheby’s Singapore.
Trong tứ kiệt trời Âu, Mai Trung Thứ thường được coi là họa sỹ thấm đẫm văn hóa Việt nhất, và luôn đau đáu gìn giữ bản sắc cho nhiều bộ môn. Với tính dân tộc cao, ông thường hay Việt hóa nhiều tác phẩm nổi tiếng trong hội họa Tây phương. Các ví dụ khác có thể kể đến bức “Khỏa thân) (c.1970s) lấy cảm hứng từ “La Grande Odalisque” (1814) của Jean-Auguste-Dominique Ingres hay những bức “Mẹ bồng con trong vườn” (1971) hoặc “Mẹ và con” (c.1970s) lấy cảm hứng từ những bức họa cổ điển vẽ đức mẹ và chúa hài đồng như “Madonna of the Pinks” (c.1506-1507) của Raphael. Nhưng có lẽ dễ nhận biết nhất là những bức của họa sỹ vẽ theo tứ “Mona Lisa” (c.1503-1506) của Leonardo da Vinci.
Chiều ngày 2 tháng 7 năm 2023, phiên đấu giá Nghệ thuật Hiện đại & Đương đại của Sotheby’s tại Singapore giới thiệu 13 tác phẩm Đông Dương, trong đó nổi bật là bức “Mona Lisa” của Mai Trung Thứ. Như vậy, đây là bức Mona Lisa thứ ba của họa sỹ xuất hiện trên thị trường (cả ba đều từng được đấu tại sàn Sotheby’s). Tuy nhiên, xét theo dòng thời gian, đây lại là bức đầu tiên, được sáng tác năm 1958. Cả ba bức đều là bột màu trên lụa, đi kèm với khung do họa sỹ tự làm, với kích cỡ khác nhau, nhưng tỉ lệ chiều cao:chiều rộng đều tôn trọng tỉ lệ nguyên bản trong “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci.
Bức 1958 có kích cỡ tầm trung, 34,5 x 27,6 cm, vẽ nàng Mona Lisa tóc đen mắt lá liễu, bận áo dài Le Mur đỏ thẫm và đội voan lụa màu rêu trải dài xuống thân mình. Khuôn mặt nhân vật còn lộ rõ những nét chì phác thảo và nét mực được họa sỹ sửa đi sửa lại – một nét đặc trưng trong nhiều sáng tác lụa giai đoạn 1950 – 1970 của Mai Thứ. Dựa theo bản gốc, cô ngồi trên một chiếc ghế gỗ ở ban công, với thiết kế của ghế và ban công đều có các motif họa tiết Á đông. Khung cảnh đằng sau cũng phóng chiếu theo bản gốc, với lối thể hiện là sự kết hợp giữa cách vẽ hàn lâm sơn dầu Tây phương và thủy mặc Đông phương. Triện đỏ Mai Thứ và năm vẽ “1958” bằng chữ Nho nằm ở bên vai phải nhân vật. Tác phẩm đi kèm giấy chứng thực bởi bà Mai Lan Phương, con gái họa sỹ, và Hội đồng Mai Thứ.
Bức 1961 là phiên bản thu gọn của bức 1958, 25 x 17,5 cm, đã được triển lãm ở Paris tại Salon de Noel cùng năm 1961, khi vừa sáng tác xong. Trong phiên bản này, tấm khăn voan chuyển sang màu lam, cùng tông với những dãy núi phía sau để tạo thêm tương phản gam màu và không gian tươi tắn hơn. Thiết kế áo dài được chuyển sang cổ tròn, phía dưới đùi lộ ra vạt áo trong màu lục nổi bật trên nền quần lanh trắng. Phần lưng ghế cũng được vẽ lộ ra, và họa tiết ghế có nhiều đường cong mềm mại hơn so với bản trước, làm tăng phần nữ tính và duyên dáng của nhân vật. Triện đỏ được chuyển lên góc trên bên trái. Phiên bản này được đấu giá tại nhà Sotheby’s năm 2010 với giá gõ búa 137.500 HKD, tương đương 17.500 USD tại thời điểm đó.
Cuối cùng, phiên bản 1974 có cỡ lớn nhất, 53,5 x 37,5 cm, lần đầu xuất hiện trên sàn Sotheby’s năm 1998, và gần đây tái xuất trên sàn Christie’s năm 2021 với giá gõ búa 5.625.000 HKD, tương đương 717.000 USD tại thời điểm đó. Ở bản này, gam màu chuyển sang tông lạnh, đối lập với tông vàng lên của làn da nhân vật. Khăn voan chuyển sang màu lục tươi, còn áo dài thì chuyển sang màu lam thẫm với họa tiết chữ thọ tối giản, cổ tròn đính cúc đỏ. Quần lanh trắng nay đã chuyển sang đen – có lẽ thiếu nữ giờ đã là thiếu phụ, trải qua những biến cố nhất định trong cuộc đời. Rặng núi phía sau với màu nước chuyển xanh, có vẻ đã nhìn ra vịnh Hạ Long. Ráng trời hoàng hôn, nói cho chúng ta biết rằng đây vẫn là một nhân vật, chỉ ở một độ tuổi trầm tư hơn mà thôi. Ban công và ghế gỗ vì thế đã quay trở về với những họa tiết vuông vắn, lược bỏ đi những đường cong phô mỹ ở phiên bản trước. Dấu triện cũng được chuyển xuống khiêm tốn ở góc dưới bên phải.
Như vậy có thể coi đây là ba họa phẩm khác nhau vẽ cùng một nhân vật với những ý tứ, suy tư khác nhau. Một tin vui là phiên bản cuối cùng đã được hồi hương, và hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quang San, TP. Hồ Chí Minh, mở cửa cho công chúng tới chiêm ngưỡng.