Trò chuyện Art Republik: Betty Qiffe Pallard lần đầu chia sẻ về The Gate
Mỗi lần đến The Gate Art Social Space (Hà Nội), tôi luôn ấn tượng với phong thái cởi mở và thân thiện của cô chủ, chị Betty Qiffe Pallard. The Gate mang đến không khí trẻ trung, năng động, đa bản sắc như những con người làm việc tại đây.
The Gate vốn không phải một gallery thông thường mà còn là quán cà phê và không gian sáng tạo của Công ty The Q Chemistry, nơi diễn ra nhiều sự kiện sôi nổi. Trong hai năm hoạt động, The Gate đã tổ chức triển lãm cho cả nghệ sỹ trong nước và nước ngoài, nổi bật có triển lãm “True- self” của Léopold Franckowiak. Trong triển lãm “Escapism” của Heiner Radau, chị Betty là người đã đề xuất nghệ sỹ in tranh trên canvas, một thử thách mới cho nghệ sỹ.
Vì từng sống ở Pháp, Thuỵ Sỹ và trong 10 năm gần đây là Việt Nam, chị Betty có góc nhìn độc đáo của một con người thấm nhuần các nền văn hoá Đông Tây. Buổi phỏng vấn cho Art Republik lần này là lần đầu tiên chị chia sẻ về The Gate Social Art Space cũng như tình yêu nghệ thuật của chị. Chị nói: “Có nghệ thuật xung quanh khiến tôi cảm thấy rất mạnh mẽ ”.
Chị đã được truyền cảm hứng yêu nghệ thuật như thế nào?
Theo như những gì tôi còn nhớ, nghệ thuật là một phần của tuổi thơ tôi, vì cha mẹ tôi là những người nghệ sỹ đặc biệt với nhiều tính sáng tạo. Việc sớm tiếp xúc vớiâm nhạc và cách âm thanh bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi khi còn nhỏ, là nền tảng để tôi nhận ra khả năng của mình về nghệ thuật, và góp phần nhiều trong việc tạo nên một trải nghiệm nhân văn hoàn chỉnh. Các loại nhạc cụ từ guitar, trống đến harmonica và sáo, đều giúp tôi có nền tảng vững chắc để phát triển và thưởng thức những gì nghệ thuật mang lại.
Về nhận thức trực quan về nghệ thuật, đừng quên rằng cuộc sống thường ngày của chúng ta tràn ngập những hình ảnh bắt mắt và những phong cách kiến trúc có dấu ấn ảnh hưởng bắt nguồn từ trải nghiệm của tác giả. Ngoài ra, vật phẩm nghệ thuật đến từ khắp nơi trên thế giới, là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển của con người kể từ buổi bình minh của nền văn minh. Tôi vốn thích sưu tập các loại vải, tranh và đồ vật khác nhau mà nghệ thuật của chúng “nói gì đó với tôi”.
Dân cư của thành phố nơi tôi lớn lên, Cergy ở Pháp, có khoảng 90 quốc tịch khác nhau. Chúng tôi đã có “cả thế giới ở ngay đó” với tất cả sự đa dạng, bao hàm của nó. Đó là cách tôi bắt đầu yêu Nghệ thuật; nó là một công cụ để kết nối và một đối tượng quan sát chung để chia sẻ các giá trị và cảm xúc. Sau này, tôi nhận ra nó có thể là công cụ cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, như các giá trị tập thể toàn diện về chính trị, một công cụ kinh tế để thúc đẩy và cung cấp nhiều câu chuyện.
Gần đây, bằng cách tạo ra một diễn đàn kỹ thuật số tuyệt vời có tên là LinkPower, tôi dự định đặt Nghệ thuật và Văn hóa vào vị trí trung tâm để trao đổi các giá trị nhằm cứu hành tinh và bắt đầu cùng nhau làm những việc liên quan và có tác động mạnh để bảo vệ môi trường.
“Sở hữu tác phẩm nghệ thuật là không cần thiết nhưng sở hữu trải nghiệm bạn có với tác phẩm nghệ thuật mới là điều tạo ra giá trị”
Cái nhìn của chị về không gian nghệ thuật The Gate?
Với kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng không thể thưởng thức nghệ thuật chỉ bằng cách đứng và nhìn xung quanh. Tạo một không gian ngồi nhâm nhi ly cà phê ngon, vừa ngắm tranh vừa lắng nghe nhịp điệu âm nhạc là cách thưởng thức thoải mái.
Vì vậy, việc tách biệt nghệ thuật hiện đại không phải là điều tôi định làm khi tạo ra nơi này, mà để trở thành chất xúc tác cho các nghệ sỹ và những người đam mê kết nối với nhau, xác định mối liên hệ giữa những thứ tưởng như không liên quan và tiếp cận nghệ thuật từ nhiều góc độ khác nhau.
Chị có sưu tầm nghệ thuật không? Tác phẩm sưu tầm yêu thích của chị là gì?
Sở hữu tác phẩm nghệ thuật là không cần thiết nhưng sở hữu trải nghiệm bạn có với tác phẩm nghệ thuật mới là điều tạo ra giá trị. Những tác phẩm yêu thích của tôi là những tác phẩm không thuộc sở hữu của bất kỳ tổ chức tư nhân hoặc nhà sưu tập nào.
Vậy chị có thể cho biết nghệ sỹ, tác phẩm hoặc phong cách nghệ thuật yêu thích của chị?
Điều đó phụ thuộc vào lĩnh vực và phong cách, nhưng Banksy và Ai Weiwei và thông điệp mà họ thể hiện ở những nơi công cộng khiến tôi tin rằng “thế giới là bức tranh của bạn”. Những tác phẩm này không thể được sưu tập, cũng giống như trong câu trả lời cho câu hỏi trước.
Nhìn thấy vẻ đẹp trong nghệ thuật, không chỉ trong những gì được thể hiện trước mặt chúng ta mà còn trong câu chuyện đằng sau chúng, làm cho các tác phẩm trở nên lôi cuốn. Ý định và giá trị mà tác giả gửi gắm vào linh hồn của tác phẩm, sự tài tình của họ và lý do đằng sau sự sáng tạo luôn là chủ đề khiến tôi quan tâm. Đó là khi sự kết nối giữa họ và người xem được thiết lập. Sử dụng “năm giác quan” để cảm nhận và chiết ra phản ứng cảm xúc từ cuộc hành trình là một phần không thể thiếu của cuộc sống hạnh phúc và phong phú.
Chị thường xuyên đi nghỉ ở Bến Xuân, một nơi kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên. Chị có thể cho chúng tôi biết thêm về Bến Xuân?
Lớn lên ở Châu Âu trong suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu cho tôi được tiếp xúc với nghệ thuật theo cách mà tôi gọi là “học hỏi không thành kiến”, dù là qua triển lãm tại bảo tàng hay không gian chung được dựng lên để làm chất xúc tác thúc đẩy việc trải nghiệm nghệ thuật đa dạng. Trải nghiệm này tự nhiên nâng cao và tạo ra các kết nối sâu sắc hơn và tăng hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau. Từ khi hình thành ý tưởng cho đến khi Bến Xuân mở cửa đón khách, triết lý ấy không hề thay đổi. Chúng tôi tập trung vào việc tạo ra một địa điểm được xây bằng vật liệu địa phương và những kỹ thuật được coi là di sản Việt Nam.
Chị có thể chia sẻ những khoảnh khắc yêu thích ở Bến Xuân?
Những khoảnh khắc yêu thích của tôi ở Bến Xuân là khi cuộc sống hàng ngày bắt đầu ở bất cứ đâu ở Việt Nam hay trên thế giới. Khoảnh khắc mặt trời mọc, lúc bình minh. Cách ánh sáng xuyên qua mọi thứ, từ sự hình thành của lá cây đến sự khúc xạ sống động đầy màu sắc trên sông Hương. Những chi tiết kết nối nhỏ này chính là thứ mang lại ý nghĩa cho khoảnh khắc này. Nó tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho tôi và mang lại rất nhiều hy vọng.
Tại Bến Xuân, bạn sẽ được thưởng thức nhiều tiếng hót của các loài chim, nghe và quan sát thiên nhiên trong chu kỳ hàng ngày quanh mặt trời. Nó mê hoặc và được dàn dựng như một bản hòa tấu hoàn hảo. Là con người, bạn cảm thấy hài lòng, vững vàng và bị hấp dẫn, nó giúp tôi hiểu rằng sự nhạy cảm có tính người.
“Sử dụng “năm giác quan” để cảm nhận và chiết ra phản ứng cảm xúc từ cuộc hành trình là một phần không thể thiếu của cuộc sống hạnh phúc và phong phú”
Chị có nhận định gì về nền nghệ thuật Việt Nam? Và mong muốn của chị cho tương lai của nghệ thuật Việt Nam?
Từ quan điểm kinh tế xã hội, nền nghệ thuật ở Việt Nam là điều hấp dẫn về đất nước này. Các thế hệ trẻ ngày càng thể hiện nhiều hơn sự hướng nội ở mức độ cơ bản trong cách tiếp cận nghệ thuật của họ. Với điều kiện nuôi dạy và sinh kế tốt hơn, họ quay trở lại thiên nhiên để có thêm cảm hứng và đang trên lộ trình mang lại nhiều giá trị hơn cho thế giới.
Nguyện vọng của tôi cũng giống như đại đa số cổ động viên Đội tuyển Việt Nam khi tranh tài ở giải vô địch châu Á. Họ xứng đáng nhận được sự chiếu cố và tôn trọng vì những nỗ lực mà họ bỏ ra mỗi ngày để có những tác phẩm nghệ thuật thực sự hấp dẫn với bạn bè, người xem và những người đam mê nghệ thuật trên toàn thế giới.
Dự định tương lai của chị cho The Gate Art Social Space là gì? Covid-19 đã ảnh hưởng đến không gian này như thế nào?
Chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng The Gate như một nền tảng hợp tác để khởi động một diễn đàn kỹ thuật số, nơi nghệ thuật thực sự được trao cho các giá trị xã hội, chứ không chỉ giá trị vật chất, được bản địa hóa đến cấp thành phố và mức cộng đồng.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, nhưng giống như hai mặt của một đồng tiền, khi nó thu hẹp lối sống, bạn sẽ ít bị phân tâm hơn. Mọi người sẽ tập trung vào việc tạo ra những đổi mới thông qua thứ nghệ thuật gần với giá trị cốt lõi của chúng hơn.
Bài & Ảnh: TRẦN ĐAN VY
* Bài viết thuộc chuyên mục Conversation, ấn phẩm Mag-Book song ngữ Art Republik #3 – Đừng Quên, Ta Đang Trẻ!
Giới thiệu về Đan Vy:
Trần Đan Vy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành đôi Lịch sử Mỹ thuật (ngành chính) với Điện ảnh học (ngành phụ) ở Oxford Brookes University (Anh Quốc); hoàn thành chương trình thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Nghệ thuật ở The American University of Rome (Ý). Cô đã đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực tập tại các bảo tàng và gallery ở Anh và Ý. Hiện cô viết báo, viết phê bình mỹ thuật tự do tại Hà Nội.