ART & CULTURE

Bước Tiếp Theo của nghệ sĩ Phan Quang

Jan 21, 2022 | By Trang Ps

… Nếu Phan Quang xem tác phẩm White Flag là The Next Step, để đặt câu hỏi về tương lai của một đất nước sẽ biến chuyển ra sao, thì tôi coi đó là lá cờ đại đồng, là lá cờ của tất cả mọi người, để ở đó, họ thấy không cần một biểu tượng riêng nào trong tâm thức nữa, mà quay trở về thấy ra cần tôn trọng sự khác biệt ở thái độ sống mở lòng đón nhận chứ không phải là đấu tranh cho sự khác biệt trên những chiến trận….

Nghệ sĩ Phan Quang tại triển lãm The Next Step, diễn ra tại Sàn Art.

Khi tiếp cận triển lãm “The Next Step – Bước tiếp theo”  đang trưng bày tai Sàn Art của nghệ sĩ đa phương tiện Phan Quang, tôi thấy được ý niệm sáng tác của anh nằm ở hai khía cạnh là lịch sử cận đại của Việt Nam (100 năm vừa qua) – được coi là giai đoạn chuyển hóa đỉnh điểm so với hàng ngàn năm trước, và những va chạm văn hóa đa phương mạnh mẽ trong thời gian này đã định hình nên số phận khác biệt của nước ta.

Bộ tác phẩm của anh được chia ra làm hai phương cách tiếp cận, một là điêu khắc với hỗn hợp chất liệu đá, đất sét, giấy, nước, lưới và keo lấy từ các vùng khác nhau của Việt Nam, và hai là những bức ảnh thoạt nhìn là thiên nhiên hoang sơ không có bóng dáng con người nhưng lại có bóng dáng chạm khắc của con người lên thiên nhiên được thể hiện qua biểu tượng các lá cờ khắc trên đá.

Từ tác điêu khắc đến nhiếp ảnh (một thực hành quen thuộc và dày dạn kinh nghiệm của Phan Quang) đều có biểu tượng lá cờ, tượng trưng cho những quốc gia đã tạo nên những ảnh hưởng đa chiều lên số phận Việt Nam suốt một thế kỷ vừa rồi. Trong đó có một lá cờ trắng, được thể hiện qua điêu khắc và vết khắc chạm lên một hòn đá, thể hiện cho ý niệm “The Next Step”, một tương lai mà người ta chỉ có thể dự đoán nhưng hoàn toàn không thể hoàn toàn chắc chắn.

Sự thật không phải là thế giới biểu tượng

Xét về giá trị thẩm mỹ thị giác, những tác phẩm điêu khắc đa chất liệu của Phan Quang là một hình thức mới lạ và độc đáo của định nghĩa “tranh” vì nó có thể được treo lên tường để thực hiện vai trò tương tự. Mà như anh nói, nếu được đặt trong một không gian trang nhã hay sang trọng, thì chất mộc, thô mà tự nhiên của chúng sẽ tạo nên một màu sắc tương phản khá thú vị. Khi đặt mình ở vị trí của một người xem giàu trí tưởng tượng, tôi coi mỗi “điêu khắc – tranh” ấy như một vùng đất, một xứ sở thu nhỏ, nhưng phần nào đã bị “mắc kẹt” trong chính biểu tượng và dấu ấn mà nó tự định hình.

Người ta có thể xem mỗi lá cờ là một biểu tượng đáng tự hào biểu trưng cho tinh thần dân tộc, nói lên cá tính riêng của dân tộc đó, nhưng có bao giờ ta tự đặt câu hỏi rằng cũng chính những quan niệm và lý tưởng (thậm chí là những quan niệm và lý tưởng được khoác lên một lớp áo choàng đạo đức ngỡ tưởng hết mực nhân văn, vị tha) lại là rào cản ngăn ta tới tự do rốt ráo, lại ngăn ta nhận chân sự thật. Bởi sự thật không phải là một thế giới khái niệm, mà là thế giới như nó đang là.

Tiếp tục “cuộc phiêu lưu” vào thế giới nhiếp ảnh của Phan Quang, thoạt đầu, ta cứ nghĩ đó là những bức ảnh phong cảnh hết sức đơn thuần, hết mực nguyên sơ, nhưng ẩn trong đó vẫn là những biểu tượng lá cờ do con người chế tác. Nhìn vào đó để ta một lần nữa chắc chắn bản ngã của loài người luôn luôn muốn tạo tác những dấu ấn, luôn muốn thể hiện mình, và những biểu tượng lẫn quan niệm mà họ tự hình thành là để làm giàu thêm cho cái ta ấy.

Khi rừng khái niệm và quan niệm càng được thiết lập, con người lại càng đánh mất đi những cái nhìn trong sáng hay nguyên thủy vào sự vật như nó là.

Suy tư về lá cờ đại đồng 

Tôi đã nhìn vào điêu khắc White Flag này rất lâu, rất lặng lẽ, và tiếp tục đăm chiêu nhìn nó trên phiến đá được lấy từ một vùng đất nào đó mà tác giả đã băng qua. Tôi tự hỏi: “Đến lúc nào con người mới thoát ra được ‘lá cờ’ mà họ tự hào, tự tạo ra, để trở về ‘không lá cờ’ nào?” Vì sống và đấu tranh cho lá cờ của đất nước mình, mà thế gian này đầy rẫy đau khổ và mất mát. Con người vẽ lên những biểu tượng, những lá cờ riêng, rồi tâm thức họ tạo ra sự phân chia giữa nước này và nước kia, nền văn hóa này và nền văn hóa kia, sự mâu thuẫn, sự phân biệt tạo ra những cuộc chiến chưa bao giờ thấy hồi kết. Những cuộc chiến tạo ra đổ máu. Khi con người còn có những lá cờ riêng bên trong họ, thế giới ắt sẽ còn những cuộc tranh giành.

Nếu Phan Quang xem White Flag là The Next Step, để đặt câu hỏi về tương lai của một đất nước sẽ biến chuyển thế nào, thì tôi coi đó là lá cờ đại đồng, là lá cờ của tất cả mọi người, để ở đó, họ đều thấy không cần một biểu tượng riêng nào trong tâm thức nữa, mà quay trở về thấy ra một thế giới thực tại cần tôn trọng sự khác biệt ở thái độ sống mở lòng đón nhận chứ không phải là đấu tranh cho sự khác biệt trên những chiến trận.

Tất nhiên sự chuyển hóa này không thể tiếp tục đi tạo ra các biểu tượng để rồi bị mắc kẹt vào chính các biểu tượng ấy, mà tôi nghĩ chúng ta cần đặt ra câu hỏi làm sao để ta có thể tự do khỏi rừng biểu tượng mà tập khí ngàn đời của ta tự thêu dệt nên?


 
Back to top