Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” của bậc thầy nghệ thuật sơn mài Phạm Hậu

Nov 02, 2021 | By Art Republik

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long”, bức bình phong sơn mài 6 tấm từng thuộc bộ sưu tập cá nhân của Cựu Hoàng Bảo Đại và chưa từng xuất hiện trước công chúng kể từ khi được hoạ sỹ Phạm Hậu tạo ra (1938 – 1945), sẽ được giới thiệu trong phiên đấu giá sắp tới của nhà Bonhams.

Phạm Hậu (1903 – 1994), “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” (100 x 198 cm, tổng cộng sáu tấm kèm khung). Sơn mài, bột và vàng lá trên gỗ. Ký và đóng dấu triện của tác giả bên góc phải. Khoảng 1938 – 1945. Giá ước tính: 2.800.000 – 3.800.000 HKD. Đính kèm tác phẩm là danh thiếp của vua Bảo Đại.

Được tôn vinh là một trong những bậc thầy xuất sắc nhất, Phạm Hậu là một trong những người đi tiên phong, góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của sơn mài Việt Nam thành một trường phái mỹ thuật riêng biệt cho đến ngày nay.

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” là một tác phẩm hiếm có và tinh xảo, tiêu biểu cho những sáng tác đầy chất thơ của Phạm Hậu, thể hiện rõ kỹ thuật vô song và tay nghề điêu luyện của ông. Kiệt tác này từng thuộc sở hữu của Hoàng đế Bảo Đại [1]. Được tặng cho Edgar Ansel Mowrer vào khoảng năm 1950, và từ đó được truyền đến chủ sở hữu hiện tại.

Sự ra đời của Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam

Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux Arts de l’Indochine hay EBAI) do Victor Tardieu (1870 – 1937) và Nguyễn Văn Thọ (1890 – 1973) (hoạ danh Nguyễn Nam Sơn) đồng sáng lập năm 1924. Với niềm đam mê phong cảnh và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Victor Tardieu đã đề ra và theo đuổi sứ mệnh “chấn hưng” nền nghệ thuật bản địa, dù ngôi trường được ông thiết lập theo hệ thống học viện hàn lâm của Pháp [2].

Phòng trưng bày tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội

Song song với việc giảng dạy cho sinh viên kỹ thuật hội họa hiện đại Châu Âu, Tardieu cùng với Joseph Inguimberty (1896 – 1971) đã khuyến khích việc nghiên cứu và ứng dụng các chất liệu nghệ thuật bản địa. Trong sự giao thoa của hai nền văn hóa ấy, sơn mài và tranh lụa Việt Nam đã định hình nên phong cách riêng biệt của mình và phát triển mạnh mẽ, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cũ với mới, giữa yếu tố dân tộc bản địa với yếu tố nước ngoài.

Giai đoạn 1927 – 1945 đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Xưởng nghiên cứu sơn mài được thành lập tại trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1927 dưới sự lãnh đạo của Imguimberty và sự hỗ trợ của nghệ nhân Đinh Văn Thành (1898 – 1977) và Alix Aymé (1894 – 1989), người đã học kỹ thuật sơn mài từ một giáo sư người Nhật tại Trường Dạy Nghề Hà Nội [3]. Năm 1932, kỹ thuật sơn mài được dạy tại trường [4].

Năm 1938, Evarist Jonchere (1892 – 1956), Hiệu trưởng của trường giai đoạn 1935 – 1938 đã đưa sơn mài vào chương trình giảng dạy chính thức thông qua việc thành lập Khoa Sơn mài bên cạnh Khoa Hội họa và Điêu khắc trong mảng Mỹ thuật của nhà trường, qua đó nâng tầm sơn mài từ nghề thủ công truyền thống trở thành một trường phái mỹ thuật hiện đại.

Phòng trưng bày tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội

Từ đó, sơn mài nhận được sự quan tâm, chú ý rộng rãi và phát triển nhanh chóng. Xưởng sơn mài của Phạm Hậu và Nguyễn Gia Trí lần lượt ra đời vào năm 1934 và khoảng năm 1936, sau đó là xưởng sơn mài của Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù và Lê Quốc Lộc. Năm 1939, Hợp tác xã các nghệ sĩ Đông Dương (Cooperative des Artistes Indochinois), do Inguimberty lãnh đạo và Trần Văn Cẩn điều hành, được thành lập nhằm hỗ trợ các họa sĩ bán và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật thông qua những cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Chính phủ cho các nghệ sỹ vay vốn để mua các vật liệu đắt tiền cho tranh sơn mài. Trường Mỹ Thuật Đông Dương cũng lập nên một phòng trưng bày các tác phẩm của sinh viên của trường. Tranh sơn mài và bình phong đã trở thành biểu tượng địa vị cho giới tinh hoa người Việt và Pháp ở Đông Dương.

Phòng trưng bày tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội

Phạm Hậu – Bậc thầy tiên phong của Nghệ thuật Sơn mài

Phạm Hậu sinh năm 1903 tại làng Đông Ngạc, Hà Đông, Hà Nội. Khác với hầu hết bạn bè cùng trang lứa có xuất thân khá giả, Phạm Hậu mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi. Trước khi vào học tại trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1929 khi ông 26 tuổi, Phạm Hậu học nghề thợ gò tại trường Bách Nghệ Hải Phòng và làm việc tại ga xe lửa Hà Nội [5]. Có lẽ, chính kinh nghiệm sống cùng kỹ năng và sự kỷ luật được tôi luyện trong nghề thợ gò, đã lôi cuốn và khiến ông trở nên xuất sắc trong nghệ thuật sơn mài – một chất liệu có tính “nổi loạn” [6] nhất, đồng thời cũng kỳ diệu nhất.

Triển lãm tranh sơn mài của họa sỹ Phạm Hậu tại Thái Lan, tháng 10.1953

Khoảng thời gian học tập trong 5 năm của Phạm Hậu tại trường cũng là lúc các quy trình và kỹ thuật mới của sơn mài được khám phá và hoàn thiện. Nhựa thông được dùng thay cho dầu để trộn lẫn với sơn mài nhằm tạo ra bề mặt mịn láng hơn. Bụi bạc và vàng được phủ lên sơn mài ướt, cho phép tạo ra những tông màu và độ sâu khác nhau. Các màu mới được bổ sung vào bảng màu sơn mài truyền thống, vốn chỉ giới hạn ở màu nâu cánh gián, đen và các sắc độ đỏ khác nhau. Vỏ trứng, ngà và vỏ trai được dùng để tạo nên một phổ màu trắng, vốn là màu rất khó đạt được do tính ăn mòn của sơn mài [7].

Phạm Hậu và những sinh viên khác cùng thời như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang và Trần Văn Cẩn, cùng với các giáo viên và cố vấn trong trường như Joseph Inguimberty, Alix Ayme, Trần Quang Trân, Đinh Văn Thành và Lê Phổ, đã thử nghiệm, khám phá và phát minh ra những đổi mới quan trọng này của mỹ thuật sơn mài. Sự phát triển đã tạo ra bước chuyển biến đột phá, đưa kỹ thuật sơn mài từ thủ công truyền thống sang mỹ thuật hiện đại, đặt nền tảng cho sự phát triển của một loại hình nghệ thuật rất độc đáo của Việt Nam.

Năm 1934, sau khi tốt nghiệp, Phạm Hậu trở về làng Đông Ngạc ở ngoại thành Hà Nội. Ông mở xưởng sơn mài khi được Victor Tardieu tin tưởng giao cho đơn hàng thương mại đầu tiên là 50 chiếc hộp thuốc lá bằng sơn mài. Với năng khiếu nghệ thuật và kỹ thuật điêu luyện, Phạm Hậu nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi vững chắc. Ông nhận được Huy chương Vàng tại triển lãm đầu tiên của SADEAI (Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ) tại Hà Nội năm 1935 và nhận được Bằng ngoại hạng tại triển lãm SADEAI lần thứ hai vào năm 1936.

Xưởng sơn mài của Phạm Hậu ở Đông Ngạc (1938 – 1945)

Ông và Nguyễn Gia Trí được công nhận rộng rãi là hai bậc thầy sơn mài tiên phong tại Hà Nội [8]. Vào năm 1944, Phạm Hậu và Gia Trí tổ chức triển lãm chung tại Nhà Triển lãm Tràng Tiền với thành công vang dội. Năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại, một nhà bảo trợ thường xuyên của ông, đã tặng thưởng cho ông An Nam Long Bội tinh.

Giai đoạn 1935 – 1945 là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Hậu cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại, với các tác phẩm có quy mô lớn, chủ yếu được bán cho các quan chức thuộc địa, hoàng gia và quan lại cao cấp. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám diễn ra, xưởng vẽ của ông phải đóng cửa.

Xưởng sơn mài của Phạm Hậu ở Đông Ngạc (1938 – 1945)

Nhà của hoạ sỹ Phạm Hậu ở làng Đông Ngạc

Sau khi quay lại Hà Nội, ông mở một xưởng vẽ mới trong biệt thự của gia đình trên đường Trần Quốc Toản từ 1947 đến 1958 [9]. Do hạn chế về không gian cũng như sự khan hiếm của các nguyên vật liệu đắt tiền, các tác phẩm của ông trong thời kỳ này thường “không có nhiều bức tranh hoành tráng hay các tấm bình phong khổ lớn như thời kỳ trước” [10]. Ông cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc giảng dạy môn nghệ thuật sơn mài tại Trường Thủ công Mỹ nghệ Quốc gia (tiền thân của Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội) do ông thành lập năm 1949.

Nếu Nguyễn Gia Trí là bậc thầy của những hình ảnh đầy mộng mơ về các quý cô Việt Nam thanh lịch trong khung cảnh huyền ảo, thì Phạm Hậu có thể được coi là bậc thầy của phong cảnh Việt Nam. Trong tranh ông, chúng ta được ngắm nhìn những ngôi chùa cổ kính ẩn mình trong tán lá xanh mướt, những ruộng lúa châu thổ sông Hồng trải dài đến chân trời, những ngọn núi vùng cao hùng vĩ, những khu rừng nhiệt đới đầy quyến rũ, thế giới thủy sinh huyền diệu, và chốn làng quê yên ả với những tán cau ngút ngàn trong mây. Ông nắm bắt linh hồn của làng quê Việt Nam và đưa những hình ảnh ấy thành bất tử, trong sự tưởng tượng vô tận của người xem.

Trích các chi tiết của bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long”

Trích các chi tiết của bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” 

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” – một kiệt tác độc đáo

Bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” được sáng tác trong khoảng thời gian 1938 – 1945, giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của Phạm Hậu. Bức tranh này mang tất cả các yếu tố đặc trưng của một kiệt tác, với tầm nhìn độc đáo, phối cảnh thơ mộng, chi tiết tỉ mỉ và kỹ thuật sơn mài xuất sắc. Với kích thước lớn (100 x 195,8 cm) bức bình phong cho chúng ta cơ hội được đắm mình vào phong cảnh để tiếp nhận đẩy đủ mọi trải nghiệm trực quan và những cảm xúc mà nó mang lại. Theo gia đình Phạm Hậu, ông sáng tác rất ít tác phẩm về Vịnh Hạ Long [11]. Đây là bức thứ hai được biết tới cho đến thời điểm này nhưng với quy mô và chất lượng vượt hơn hẳn so với tác phẩm đầu tiên được bán đấu giá năm 2016.

“Vịnh Hạ Long” (75 x 120 cm), được bán đấu giá bởi Art Valorem, 23.05.2016

Với “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long”, Phạm Hậu mời người xem cùng thực hiện một chuyến du ngoạn lên đỉnh một ngọn núi trong Vịnh để có thể ngắm nhìn toàn cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp lạ thường nơi đây. Cảnh biển bao trùm tầm mắt và dường như không có một tiêu điểm thực sự.

Giống như trong hầu hết các bức tranh của Phạm Hậu, vẻ đẹp của thiên nhiên hiện ra theo từng tầng lớp. Ở tiền cảnh, người xem bị thu hút bởi cây phượng vĩ đỏ rực rỡ, khóm tre, những đám lá dương xỉ và lá cọ vàng ánh lên trong nắng và cuối cùng là một khối đá ở góc bên phải. Nép mình trong lòng Vịnh, ta thấy một làng chài yên bình với những tấm lưới đang được hong khô trên bờ cát.

Nối tiếp là trùng điệp những vách đá hùng vĩ, uốn lượn và cuộn xoáy, như những con rồng uy phong, tung hoành khắp mọi hướng, trước khi biến mất vào đường chân trời – ở nơi mà bầu trời và mặt biển như đang tan hòa vào nhau trong một sắc vàng ấm áp. Điểm xuyết trên mặt Vịnh là những chiếc thuyền mành truyền thống của Hạ Long, trên đó các ngư dân đang hạ buồm sau một ngày lênh đênh trên biển. Trong chốc lát, người xem không khỏi có cảm giác mình cũng là một phần của đời sống thường nhật thanh thản và bình yên ấy, được bao bọc và chở che bởi ánh nắng ấm áp, biển cả yên bình, núi non hùng vĩ và rừng cây rậm rạp.

Phạm Hậu (1903 – 1994), “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” (100 x 198 cm, tổng cộng sáu tấm kèm khung). Sơn mài, bột và vàng lá trên gỗ. Ký và đóng dấu triện của tác giả bên góc phải. Khoảng 1938 – 1945. Giá ước tính: 2.800.000 – 3.800.000 HKD. Đính kèm tác phẩm là danh thiếp của vua Bảo Đại.

Bức bình phong cho chúng ta thấy được kỹ thuật sơn mài thượng thừa của Phạm Hậu. Dù chung thủy với bảng màu sơn mài hạn chế, ông vẫn thể hiện một cách tài tình đủ mọi cung bậc và cấp độ sắc màu của vàng, nâu, đỏ son, hổ phách, qua đó cho thấy sức mạnh vô hạn của sơn mài trong việc diễn tả thế giới đầy màu sắc. Nhìn kỹ hơn, người xem thực sự phải trầm trồ trước sự tỉ mỉ và kỳ công trong quá trình làm tranh sơn mài, với hàng chục lớp màu và sơn được vẽ chồng lên nhau, rồi mài xuống để đạt đến hiệu ứng thị giác mà tác giả mong muốn. Chúng ta có thể thấy rõ nhất hiệu ứng này ở những dãy núi, nơi Phạm Hậu đã đạt được sự đan xen hoàn hảo của màu sắc, ánh sáng, kết cấu, để tạo nên một khung cảnh vừa chân thực lại huyền ảo.

Trích các chi tiết của bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long”

Đỏ và vàng, hai nguyên liệu đắt đỏ nhất, là màu sắc mang tính biểu tượng và tâm linh của phương Đông. Màu vàng đại diện cho sự thịnh vượng, hạnh phúc và phồn vinh, còn màu đỏ đại diện cho quyền lực và may mắn. Đây cũng là hai màu sắc chính thức của hoàng gia và triều đình, điều đó có lẽ lý giải tại sao hai màu này được chọn để tạo nên bảng màu chủ đạo cho bức bình phong này. Vàng lá và bột vàng được sử dụng một cách hào phóng. Ở phần tiền cảnh sắc vàng được dùng một cách tinh tế để điểm xuyết cho thảm thực vật và mặt nước, nhưng ở phần hậu cảnh thì vàng lá trở thành vật liệu chính tạo nên một phong cảnh rực rỡ, lấp lánh, vui tươi và sống động của ánh thiều quang đang phủ lên bầu trời và mặt biển.

Kiệt tác này của Phạm Hậu có một xuất xứ vô song. Bức bình phong từng thuộc về Hoàng đế Bảo Đại, người đã đặt mua một số tác phẩm tranh và bình phong từ Phạm Hậu cho bộ sưu tập cá nhân, cũng như làm quà tặng chính thức cho các chính khách và chính trị gia. Năm 1951, bức bình phong được trao tặng cho Edgar Ansel Mowrer (1892 – 1977), khi ông đến thăm Bảo Đại tại Đà Lạt cùng Bộ trưởng Mỹ Donald Heath và Toàn quyền Thống chế Pháp Jean de Lattre [12]. Edgar là một nhà báo và tác giả nổi tiếng của Mỹ, người từng đoạt giải Pulitzer. Trong thời gian này, ông đi khắp nơi ở miền Viễn Đông để đưa tin về các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực cho các tờ báo Mỹ và Anh. Bức bình phong được giữ tại căn nhà ở vùng ngoại ô tại New Hampshire của gia đình ông từ đó. Gia đình cũng giữ tấm danh thiếp của Bảo Đại, ở mặt sau có ghi chú của Edgar Mowrer về bức tranh này [13].

Danh thiếp của Hoàng Đế Bảo Đại

Như Alix Ayme từng viết: “Tác phẩm sơn mài được thai nghén chậm rãi từng lớp một, được gia công, mài dũa bằng một tình yêu say mê và chỉ đạt đến độ hoàn mỹ sau nhiều tháng hoặc nhiều năm… Những hoàn phẩm sơn mài đẹp là minh chứng cho sự am tường của những ai không ngại đeo đuổi yêu cầu khắt khe và tinh xảo của môn nghệ thuật này, nhằm đạt được sự hòa hợp kỳ diệu giữa vật chất và tinh thần[14]. “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” mở ra một cánh cửa cho chúng ta chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại và tương lai của nghệ thuật sơn mài, đồng thời cho ta thấy tài năng tuyệt vời của một trong những bậc thầy chân chính của môn nghệ thuật này.

Trích các chi tiết của bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long”, với chữ ký và dấu triện bên góc phải.

Bài: Đạt Phạm

* THÔNG TIN ĐẤU GIÁ

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” (1938 – 1945), bình phong sơn mài 6 tấm, tổng kích thước 100 x 198 cm. Sơn mài, bột và vàng lá trên gỗ. Ký và đóng dấu triện của tác giả bên góc phải. Tác phẩm độc đáo này của hoạ sỹ Phạm Hậu sẽ được đưa ra trong phiên đấu giá “Southeast Asian Modern & Contemporary Art” của nhà Bonhams, tại Hồng Kông, vào lúc 10am (HKT) ngày 27.11.2021. Lô 18. Giá ước tính từ 2.800.000 – 3.800.000 HKD.

Để tham quan phiên đấu giá “Southeast Asian Modern & Contemporary Art”, vui lòng truy cập tại đây.

Chú thích

[1] Bảo Đại (1913 – 1997) là vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam (1926 – 1945) giữ chức vụ Quốc trưởng từ năm 1949 đến năm 1955 trước khi sang Pháp.

[2] Gouvernement Général de L’Indochine, Les Ecoles D’Art de L’Indochine (Hanoi, Imprimerie D’Etrême Orient, 1937), trang 7.

[3] Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis, Aymé_Denis 3935, thư Alix Aymé gửi Maurice Denis.

[4] Thư viện INHA, Fonds Victor Tardieu, Achieves 125,52,81. Báo cáo về đề xuất cắt giảm số giờ hoạt động của EBAI, gửi cho Tổng cục Quản lý Công ở Đông Dương, ngày 06.05.1933

[5] Xem: Phạm Gia Yên, Sơn mài Phạm Hậu (Nhà Xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội, Việt Nam, 2019).

[6] Alix Aymé, “L’Art de la Laque (The Art of Lacquer),” Tropiques: revue des troupes coloniales 327 (1950): 53, 60.

[7] Tóm tắt về sự phát triển của kỹ thuật sơn mài được dựa trên các nguồn tư liệu: Nguyễn Quang Phong, Các Họa Sĩ Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, (Hà Nội: Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1993); Quang Việt – Hội Họa Sơn Mài Việt Nam (Hà Nội, NXB Mỹ Thuật 2014); và Alix Aymé, “La Laque en Indochine et L’École des Beaux-Arts D’Hanoi,” – Etudes D’Outre Mer – 12/1952: 411.

[8] Tuần báo Đông Dương Indochine-Hebdomadaire Illustré, số 22, ra ngày 06.02.1941, Maîtres-laqueurs de Hanoï

[9] Phạm Gia Yên, Sơn mài Phạm Hậu, trang 28.

[10] Ibid trang 28

[11] Phỏng vấn ông Phạm Gia Yên vào ngày 09.09.2021

[12] Edgar Ansel Mowrer, Triumph and Turmoil: A Personal History of Our Time (London: George Allen & Unwin Ltd., 1968), 388.

[13] Ngoài ra, có một nhãn viết tay bằng tiếng Pháp ở mặt sau của bức bình phong như sau “Tấm bình phong này thuộc sở hữu của Ngài Nguyễn Đệ”. Nguyễn Đệ là Đổng lý Văn phòng của Bảo Đại, phụ trách toàn công việc trong triều đình.

[14] Alix Aymé, “L’Art de la Laque (The Art of Lacquer),” Tropiques: revue des troupes coloniales 327 (1950): 53, 60.


 
Back to top