Họa sĩ Nguyễn Chí Long: Cái duyên với tranh Trừu tượng
Một buổi sáng tại nhà họa sĩ Nguyễn Chí Long, anh mời chúng tôi tách trà hoa vàng Thạch Châu, nhẹ nhàng bắt đầu câu chuyện.
Cơ duyên nào đưa anh đến với con đường nghệ thuật?
Từ nhỏ tôi đã rất mê vẽ, vẽ trên đất, trên tường, giấy thừa, giấy ô ly… Lớn lên khi hết cấp ba, tôi thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp xong tôi được giữ lại trường, dạy học cũng được chục năm. Trong những năm tháng cơm áo gạo tiền, tôi vẫn nuôi đam mê với hội họa, đi xem triển lãm, nghiên cứu nghệ thuật, có thời gian rỗi là vẽ.
Sau khi chuyển vào Sài Gòn, cho đến nay đã là vài năm, tôi quyết định buông hết những việc mình làm trước đó, để tập trung vào sáng tác, thỏa mãn đam mê thật sự của mình. Đến thời điểm này tôi cũng nghĩ mình đã đủ cơ duyên để sống và làm việc với niềm yêu thích của mình.
Vì sao anh lại chọn lối vẽ Trừu tượng?
Nghệ sĩ mỗi người mỗi tạng, còn trường phái trong nghệ thuật thì cũng vô cùng phong phú. Người yêu nghề nghiêm túc luôn cần có thời gian trải nghiệm, lăn lộn với nghề, kinh qua những giai đoạn thăng trầm, để đến lúc nhận ra con đường mình phải theo đuổi là gì, và bản thân mình phù hợp với dạng tranh nào. Bạn có thể theo đuổi bất kỳ trường phái nào, nhưng quan trọng là ý thức và tâm thức của mình luôn hướng vào tác phẩm.
Trước đây tôi là học trò của cô Lê Thị Kim Bạch – một trong những nữ họa sĩ hàng đầu nền mỹ thuật Việt Nam, và theo đuổi lối vẽ Hiện thực. Sau này những biến cố trong cuộc sống đưa tôi đến với Phật pháp, để rồi thấy tâm mình cởi mở hơn, không chấp vào những lối mòn, rũ bỏ hết những thói quen vẽ từ ngày xưa, và chọn đi theo hướng Bán Trừu tượng và Trừu tượng. Có thể nói tất cả các tác phẩm của tôi đều có ít nhiều cảm hứng từ triết lý của Phật pháp.
Trong mắt anh, điểm hội ngộ giữa Phật giáo và Trừu tượng là gì?
Hội họa là phương tiện để tôi truyền tải chút hiểu biết của mình về triết lý nhà Phật và vũ trụ nhân sinh. Phật giáo có khái niệm gọi là trùng trùng duyên khởi, tức tất cả mọi thứ đều là nhân duyên tụ hội. Như tôi và bạn hôm nay ngồi với nhau trò chuyện, đó là sự sắp đặt của nhân duyên. Tranh cũng vậy, để sáng tác ra được một tác phẩm hội tụ rất nhiều cái nhân duyên.
Cái nhân đầu tiên là tâm mình phải khởi ý tưởng. Màu, cọ vẽ, toan tranh… là phương tiện cho duyên. Khi mình ngồi vào vẽ thì đó là hành động, từng nét bút cho cái duyên này, mỗi vệt màu cho cái duyên kia… Mọi thứ cứ thế hội tụ nên trùng trùng những hình tượng trên tranh. Tôi đặt tên cho các tác phẩm trong triển lãm tới đây là Mê Vũ, tức niềm say mê với vũ điệu của cuộc sống, sự chuyển động không ngừng của vũ trụ và vạn vật.
Quá trình sáng tác của anh diễn ra như thế nào?
Tôi cố gắng theo đuổi lối vẽ này để bản thân mình tích đủ cảm xúc, ý tưởng là hạ bút. Tôi thường không phác thảo, mà chỉ mường tượng trong đầu những ý niệm, chiêm nghiệm mình sẽ sử dụng màu sắc, vệt bút, hình tượng gì… để rồi bắt tay thực hiện.
Trong lúc vẽ sẽ có những biến hóa phong phú nảy sinh, tâm thức mình lại cuốn theo những trải nghiệm mới không dứt. Bức tranh chỉ hoàn thành khi mình buông bút, sau đấy là phần của công chúng và khán giả. Nhưng tôi sống và hành động vì trong chính những khoảnh khắc ấy.
Liệu lý trí có vai trò hay không trong quá trình ấy?
Tôi quan niệm một tác phẩm đẹp luôn cần đạt được sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí. Nếu bạn vịn vào cảm xúc không thôi thì nó không khác gì bản năng của những đứa trẻ, dẫn đến tình trạng ngẫu nhiên mình sáng tác được một bức tranh đẹp hay xấu mà không làm chủ được. Để duy trì và phát triển nghệ thuật theo thời gian thì vẫn cần lý trí, mà ở đây là đẩy tác phẩm của mình theo một trạng thái, câu chuyện, tư tưởng… nào đó, có thể lấy cảm hứng từ cuộc sống, lịch sử, thơ văn, triết học, tôn giáo…
Anh có xem việc sáng tác của mình là một trạng thái thiền?
Cũng có thể. Phần đông trong cuộc sống, mọi người thường hay nghĩ ngợi về quá khứ, hoặc hướng về tương lai, chứ không sống trong hiện tại. Ví như khi tôi và bạn uống trà đây, mình nhấc tách trà lên, chăm chú quan sát nó, để rồi uống vào, nhấp từng ngụm, biết cái vị ngọt thơm ra sao. Sống chậm, sống tỉnh thức trong từng khoảnh khắc, thì đấy là thiền.
Vì vậy việc sáng tác có thể gọi là thiền, tức mình tập trung thăng hoa trong từng hành động vẽ. Khi cảm nhận được một mảng màu đẹp, hay hoàn thiện một bức tranh, tự nhiên điều đó đem lại cho tôi cái tâm khoan khoái, tựa như thang thuốc bổ đem lại nội lực mạnh mẽ cho đời sống tinh thần.
Anh có quan trọng hay không việc sáng tác được một tác phẩm để đời?
Ta đang đứng trên vai của những người khổng lồ, luôn cộng hưởng và tương tác với tinh hoa để lại của những danh họa đi trước. Nghề cũng là nghiệp, cái nghiệp của mình là làm họa sĩ. Nỗi trăn trở lớn nhất của tôi là tìm được sự khác biệt chứ không thỏa hiệp hay rơi vào lối mòn. Tôi luôn quan niệm xấu đẹp thì hãy để cho công chúng và lịch sử phán xét, còn mình thì vẫn phải hết mình với công việc và luôn nỗ lực trong mỗi tác phẩm. Tất cả là tùy duyên.
Ảnh: RabHuu Studio
“nguyên” là triển lãm nhóm do Luxuo Art x GoMa tổ chức, quy tụ những cái tên đã ít nhiều gây ấn tượng với cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam: Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Lâm Nhật Thanh, Mai Đại Lưu, Hà Hùng, Huỳnh Cường, Lê Hải, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tùng, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Chí Long, Trần Thảo Tú, Mạc Hoàng Thượng. 13 họa sĩ với 13 phong cách khác nhau, tất cả sẽ cùng nhau mang đến triển lãm mỹ thuật “nguyên” 52 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác.