Trần Thanh Cảnh: “Nghệ sĩ tập trung vào chữ tín sẽ luôn có cơ hội nâng giá trị tác phẩm”
Gần đây, họa sĩ Trần Thanh Cảnh gây tiếng vang trong cộng đồng mỹ thuật nước nhà khi dự án Huyền thoại Mị Nương của anh được chọn là 1 trong 59 dự án nhận tài trợ số tiền 839.500 đô la Úc. Luxuo đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng anh để hiểu hơn về con đường sáng tác bền bỉ của người nghệ sĩ, cũng như quan điểm của anh trong đầu tư nghệ thuật và tầm ảnh hưởng của mỹ thuật Việt trên trường quốc tế.
Vắn tắt cuộc đời của một họa sĩ trẻ gồm trên 20 giải thưởng, 4 triển lãm cá nhân, trên 50 triển lãm nhóm hay chủ nhiệm CLB họa sĩ trẻ và giảng viên ở nhiều trường đại học… thật sự ấn tượng. Điều đó khiến tôi tò mò không biết anh đã bén duyên với nghề trong hoàn cảnh đặc biệt nào?
Gia đình tôi không có truyền thống nghệ thuật, nhưng bố tôi hồi xưa là một kiến trúc sư, và có thể tôi thừa hưởng yếu tố ấy từ ông. Con đường nghệ thuật là con đường tôi chọn. Theo hồi ức của mẹ, ngay từ thời bé, tôi biết vẽ trước khi biết viết. Tôi bộc lộ thiên hướng rất rõ ràng nên mãi sau này, thời sinh viên, tôi cũng chọn học vẽ và giành nhiều giải thưởng khác nhau cho đến bây giờ.
Câu chuyện bén duyên với nghệ thuật không thể chỉ nhắc đến quãng đường khi tôi đã trưởng thành. Có thể nói, từ thời thơ ấu xuyên đến quãng đường sau này là hành trình nỗ lực dai dẳng và không mệt mỏi. Tôi nhận thấy trong mọi hoàn cảnh hay thời điểm, bản thân phải nỗ lực cao nhất bằng chính năng lực mà mình đang có. Và nỗ lực ấy quyết định đến 99% kết quả, 1% may mắn còn lại có thể do ông trời ban tặng. 1% ấy là hạt giống ban đầu, nhưng để nó nảy mầm là nhờ quá trình tu chí rèn luyện bao nhiêu năm liên tục.
Hẳn là anh hãy còn nhớ triển lãm đầu tiên của mình? Và kể từ đó đến nay, con đường mỹ thuật của anh đã kinh qua những bước ngoặt nào để hình thành nên cá tính nghệ thuật lúc bây giờ?
Học xong trung cấp mỹ thuật, tôi bước vào đại học và tham gia triển lãm nhóm đầu tiên khá chuyên nghiệp mang tên “Triển lãm Họa sĩ trẻ” vào năm 2005, với sự tham gia của những họa sĩ dưới 46 tuổi tại Sài Gòn. Lúc ấy, tôi vẫn chỉ là một cậu sinh viên năm nhất đại học, nhưng bản thân không chỉ có cơ hội được trưng bày tác phẩm của mình mà còn nhận được giải thưởng tác phẩm tiêu biểu trong triển lãm.
Cũng quãng thời gian sinh viên ấy, triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi ra đời. Vân Art Gallery ở Sài Gòn đã hỗ trợ tôi trong công tác tổ chức triển lãm. Đối với sinh viên đại học, tổ chức triển lãm cá nhân là một bước ngoặt đặc biệt. Mặc dù từ triển lãm nhóm đầu tiên đến triển lãm cá nhân đầu tiên này, tôi cũng tham gia nhiều triển lãm nhóm khác nhau.
Chia sẻ về bước ngoặt trong con đường sáng tạo nghệ thuật, tôi nhớ đến hai dấu ấn hết sức quan trọng. Đầu tiên, thời sinh viên năm 2 chuẩn bị bước sang năm 3, tôi nhận giải thưởng Melboure trao tặng cho họa sĩ ở Sài Gòn, trong đó bản thân mình đứng lấp ló giữa hầu hết những họa sĩ gạo cội. Sau này, một bước ngoặt nữa đánh dấu mối nhân duyên giữa tôi và nhà sưu tầm Thanh Kiều Moeller ở Singapore. Cô đã giúp tôi ghé thăm những hội chợ và triển lãm nghệ thuật trên thế giới như Singapore, Malaysia, Indonesia, Hong Kong,…
Có thể nói, những dấu mốc trong sáng tạo nghệ thuật của tôi diễn ra liên tục. Năm 2014, tôi có triển lãm cá nhân lần thứ 3 tại Singapore. Triển lãm này vinh dự được Tổng lãnh sự Việt Nam tại Singapore cắt băng khai mạc và giới thiệu tôi như họa sĩ trẻ đại diện cho Việt Nam tổ chức triển lãm cá nhân ở Singapore. Và năm 2019 là triển lãm Huyền thoại Mị Nương.
Còn trẻ nên sức sáng tạo hãy còn lớn, vì thế, tôi không cho phép bản thân rơi vào vòng tròn của sự lặp lại. Mỗi bộ sưu tập của tôi chỉ dừng lại từ 5 đến 8 tác phẩm, sau đó, tôi lập tức chuyển qua bộ tranh mới. Nhìn ở góc độ sáng tạo, người nghệ sĩ như tôi luôn tự phản biện và thay đổi.
Những dấu mốc liên tục này góp phần truyền thông đến công chúng và nhà sưu tầm thông điệp rằng bản thân mình là nghệ sĩ hoạt động, cống hiến không ngừng nghỉ như một cái cây luôn thay vỏ, thay lá vậy. Bản thân tôi cảm thấy mình lớn lên mỗi ngày, mỗi bộ sưu tập, mỗi series là một sáng tạo mới, một thể nghiệm mới. Còn trẻ nên sức sáng tạo hãy còn lớn, vì thế, tôi không cho phép bản thân rơi vào vòng tròn của sự lặp lại. Đã có những nơi yêu cầu tôi vẽ tranh với số lượng nhiều và cùng một phong cách nào đó cho mục đích thương mại, nhưng tôi đã đẩy những cơ hội ấy qua một bên để dấn thân vào con đường sáng tạo mới mẻ.
Gần đây, dự án “Huyền thoại Mị Nương” của anh đã xuất sắc được chọn là 1 trong 59 dự án nhận tài trợ 839.500 đô la Úc. Anh có thể chia sẻ hành trình anh đến với triển lãm tầm quy mô quốc tế này? Anh đã chuẩn bị cho dự án trong bao lâu?
Huyền thoại Mị Nương đánh dấu hành trình 5 năm trăn trở đi tìm bản sắc văn hóa. Đó là một chặng đường dài. Sau triển lãm cá nhân diễn ra vào năm 2014, tôi trở về Việt Nam và tập trung khá nhiều cho mảng giáo dục. Ngoài công tác giảng dạy, hướng dẫn đồ án cho sinh viên, tôi cũng dành nhiều thời gian sáng tạo nhưng nó chuyển hóa qua giai đoạn mang tính nghiên cứu và thể nghiệm lớn, tôi kết hợp yếu tố hội họa và thời trang cùng nhau. Ban đầu, nó đơn thuần là nghiên cứu cá nhân, trong thể nghiệm mới của nó. Và phải mất từ 2 đến 3 năm, tôi mới có thể đưa ra kết quả ban đầu của thể nghiệm.
Cũng chính vì mục đích thể nghiệm, nên bản thân không làm theo yêu cầu của các phòng tranh để bán, hoạt động thương mại giờ đây không liên tục. Khoảng 3 năm khi tác phẩm ra đời và hình thành dòng, tôi bắt đầu tìm đến cơ hội trưng bày. Trong quá trình đó, tôi may mắn tìm thấy chương trình Melboure Council với số tiền tài trợ lớn cho dự án nghệ thuật quốc tế. Tôi bèn chuẩn bị mọi thứ để gửi đi dự án nghệ thuật của mình.
Giai đoạn chuẩn bị này rơi vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, tôi cùng cộng sự Châu Thúy Hằng đã viết proposal hình nên dự án đầy đủ các yếu tố, góc độ thông tin để trình bày hội đồng đánh giá Melboure, Úc. Họ nhận dự án trong vòng một tuần lễ. Chúng tôi đã vô cùng hồi hộp vì đây là cuộc đấu san phẳng trên phạm vi toàn cầu. Mỗi nhóm nghệ sĩ chiến đấu bằng chính năng lực của mình.
Kết quả đến vào đầu tháng 9, chúng tôi bất ngờ và không tin vào mắt mình khi đọc email. Dự án Huyền thoại Mị Nương lọt top 5 dự án xuất sắc và đáng mong đợi nhất, đồng thời là dự án cá nhân duy nhất trong top 5 đấy. Vì hầu hết, các dự án tham dự triển lãm là dự án tập thể với thế mạnh thu hút hiệu ứng hơn. Thông thường, tầm vóc của dự án cá nhân sẽ không bằng, thế nên, sức cạnh tranh phần nào bị yếu thế. Tuy nhiên, dự án cá nhân của tôi lại thắng, nó quá sức tưởng tượng và ngoài mong đợi.
Một ai đó từng nói rằng “càng biết nhiều, con người càng bớt đi khả năng sáng tạo”, ý ám chỉ rằng tác phẩm của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi những tri thức mà họ đã tiếp thu khiến nó không còn độc đáo nữa. Còn cá tính sáng tác của anh thì sao?
Tôi là người ham thích du lịch, tôi đã qua châu Âu, đi gần hết các quốc gia Đông Nam Á và một số quốc gia châu Á. Đến bất cứ vùng đất nào, tôi đều ưu tiên ghé thăm bảo tàng, từ cổ điển đến đương đại, bản thân tôi cũng tham khảo online rất nhiều. Nhưng khi đã bước vào sáng tác, tôi thoải mái quên hết những gì mình học và xem để tập trung vào những trăn trở, rung động và xúc cảm riêng tư của chính mình. Tôi thực hiện những nghiên cứu mang tính thể nghiệm cá nhân, và khi đã làm việc thì không đi theo một người thầy hay phong cách nào cả, để mình được là chính mình.
Chẳng hạn hồi xưa, chuyên ngành tôi học là sơn dầu nhưng khi sáng tác tranh, bản thân đã thể nghiệm nhiều kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi tôi phải tự mình rèn luyện. Chất liệu là phương tiện. Nếu dự án nào mang yếu tố truyền thống thì bắt buộc, mình phải lựa chọn chất liệu kỹ thuật thể hiện yếu tố truyền thống ấy. Nếu dự án là đương đại, tôi tổng hợp các kỹ thuật khác nhau, ngay cả digital, công nghệ code… để đạt được ý đồ nghệ thuật đó.
Vì thế, bản thân nghệ sĩ như tôi không gò ép mình vào khuôn chất liệu đúc sẵn nào. Tôi muốn biến hóa trong sự đa dạng đấy, để phù hợp với từng dự án. Sắp tới, tôi sẽ còn thực hành điêu khắc hay những tác phẩm liên quan đến công nghệ hiện đại bây giờ, chúng phục vụ ý đồ nghệ thuật của tôi.
Ước mơ xuyên suốt cuộc đời của một người họa sĩ như anh là gì?
Thời bé, tôi luôn có một ước mơ rõ ràng là lớn lên làm họa sĩ. Tôi nghĩ, cứ cho là con người có thể sống tối đa 100 năm rồi sau đó chết đi, nhưng con đường sáng tạo sẽ khiến họ sống mãi. Sáng tạo ở đây hiểu rộng ra là lĩnh vực khoa học kỹ thuật, hoặc nghệ thuật.
Lớn lên, cuộc sống khiến mình thực tế hơn, trần trụi hơn, nhưng ở đâu đó, vẫn là những hoài bão âm ỉ và mạnh mẽ. Mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh trong đời. Khi ông trời cho mình tài hoa, ông trời cũng cần mình cam kết sử dụng tài hoa đấy cho thật hiệu quả và lâu dài, như vậy thì không thể nào đo bằng số tuổi được mà là những gì mình để lại cho cộng đồng và văn hóa. Tôi nghĩ rằng đó là điều xuyên suốt.
Nếu muốn tạo ra những sản phẩm để đời, quá trình sáng tạo không bao giờ có thể dễ dãi. Mình phải luôn nỗ lực, tự phản biện mình và tìm ra những phương thức thể hiện mới không chỉ dừng lại ở tính hấp dẫn, đương đại mà còn có thể mang tính dự báo các yếu tố đi trước thời đại. Trong quá trình sáng tác, tôi không thường bằng lòng với những gì mà mình đã có hay những gì mà con người cho là kinh điển, cổ điền.
Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng mình phải vươn tới đỉnh cao của cổ điển, vì tôi tin, thế hệ mình cần phải có sứ mệnh khác. Và khi nỗ lực 200%, may ra, mình sẽ đạt được một chút nào đó gọi là sáng tạo, thì sáng tạo của mình lúc này có đời sống nhất định, ngay cả khi mình chết đi.
Đối với một người làm nghệ thuật nghiêm túc, anh đề cao điều gì nhất trong quá trình sáng tác? Điều anh kỵ nhất trong quá trình sáng tác nghệ thuật là gì?
Trong sáng tạo nghệ thuật, bản thân tôi cũng hình thành những nguyên tắc riêng để hoạt động nghệ thuât chuyên nghiệp và lâu dài. Chữ tín đảm bảo con đường bạn đi lâu dài hay không. Chữ tín tạo nên độ uy tín của người nghệ sĩ trong giới chuyên môn, giới sưu tập và công chúng. Đó là kim chỉ nam để tôi hoạt động.
Khi đã đặt chữ tín lên hàng đầu, thì trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, bản thân phải ý thức rõ về tác phẩm của mình, về chất lượng, độ sáng tạo (ý nói đến sự nguyên thủy, riêng biệt, không bị lặp lại), kỹ thuật bảo quản,… Tôi cũng phải quan tâm đến yếu tố thị trường khi tham gia vào một hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, bản thân phải tham gia các hoạt động nghệ thuật quốc tế, chứng tỏ sức sáng tạo và lao động nghệ thuật của mình ngày càng tiến xa hơn.
Một người nghệ sĩ tập trung vào chữ tín sẽ luôn có cơ hội nâng giá trị tác phẩm mà họ đang gìn giữ vì sự nghiệp của anh ta đang lên. Bởi vật, sự lao động không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ là bảo chứng, chữ tín rất lớn để nhà sưu tầm tin rằng họ đang nắm giữ một tài sản đang lên giá hàng ngày, chứ không phải là một tác phẩm có nguy cơ mất giá khi người nghệ sĩ có những thiếu sót, lỗi lầm.
Nếu một nhà sưu tập sở hữu một tác phẩm nghệ thuật mà theo thời gian, giá trị của tác phẩm ấy được nâng lên bởi chính thương hiệu của người họa sĩ vẽ ra tác phẩm đấy thì đó là cách mà họa sĩ trả ơn cho người sưu tập trước đây đã đặt niềm tin vào mình, quyết định xuống tiền mua tác phẩm của mình và giữ gìn nó. Đó là cách làm việc đầy trách nhiệm, lương tâm, đảm bảo thương hiệu cá nhân càng uy tín càng giá trị.
Sợ nhất là những người sẵn sàng thỏa hiệp, vì đồng tiền mà chép tranh để rồi làm hư hại niềm tin của thị trường, đặc biệt là của nhà sưu tập. Hiện nay, thị trường mỹ thuật Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đang bị trả giá một chuyện là chúng ta bị chính thương hiệu mỹ thuật Việt Nam làm cho thảm hại.
Giới sưu tập quốc tế rất sợ hãi khi nói đến nghệ sĩ Việt Nam đương đại vì trong quá khứ, họ đã bị lừa dối nhiều lần. Họ đã từng mua tranh Việt bởi niềm tin rằng họ đang sở hữu tác phẩm độc đáo nhưng sau đó, họ phát hiện ra nhiều tác phẩm na ná như vậy với số lượng cực kỳ nhiều. Họ hoang mang và bắt đầu kỳ thị thương hiệu họa sĩ và tác phẩm đến từ họa sĩ Việt Nam.
Thế hệ người trẻ Việt Nam hôm nay có thể vô can nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính thương hiệu mỹ thuật nước mình trên trường quốc tế. Một lần bất tín, vạn lần mất tin là ở chỗ đó.
Vào năm 2018, nghệ thuật đứng top đầu trong khoản đầu tư khôn ngoan của giới tài phiệt, điển hình như tác phẩm The Portrait of an artist được bán đấu giá với giá kỷ lục 90 triệu USD cho nghệ sĩ đang sống. Theo anh, nghệ thuật có đúng là tiêu dùng xa xỉ? Và tại sao?
Trước tiên, bạn cần định nghĩa xa xỉ là gì và chỉ ra đối tượng đang sử dụng sản phẩm được cho là xa xỉ ấy là ai. Hơn nữa, khái niệm xa xỉ này cần hiểu ở góc độ tích cực hay tiêu cực.
Thứ nhất, tôi nghĩ “xa xỉ” là đánh giá của tầng lớp A dành cho tầng lớp B. A là tầng lớp không sử dụng sản phẩm ấy vì nó khác hay vượt xa mức nhu cầu của họ. Và khi A thấy B tiêu xài nhiều hơn, một cách vô lý hay có lý, A sẽ nghĩ rằng B đang tiêu xài xa xỉ. Xa xỉ trong định nghĩa của A lúc này mang ý nghĩa tiêu cực, họ cho rằng B đang tiêu xài quá trớn hay không phù hợp. Nhưng nếu xa xỉ mang ý nghĩa xa hoa, hoặc là cái mà người ta khao khát vươn tới, lúc này, xa xỉ là một mỹ từ, một loại giá trị khiến người ta có động lực, kế hoạch, mục tiêu để đạt được.
Nếu chúng ta nói ai đó tiêu dùng xa xỉ thì có nghĩa rằng mình không đang tiêu dùng như người ta. Trong vấn đề sưu tập tranh, việc một nhà sưu tập bỏ ra số tiền hàng triệu USD để sở hữu một tác phẩm nghệ thuật thì đầu tiên, chúng ta phải công nhận rằng họ có khả năng tài chính, họ có nhu cầu được thể hiện. Họ có thể thích tác phẩm nghệ thuật ấy, mua để đầu tư hay những động cơ nào đó khác đi… Nhưng cuối cùng, họ đã quyết định xuống tiền và dựa trên một cơ sở logic nào đó. Như vậy, xa xỉ bây giờ không còn là định nghĩa hợp lý mà đơn thuần mang tính chủ quan của người khác, chứ chưa chắc đã đúng trong lăng kính của người trong cuộc.
Nên theo tôi, nghệ thuật không phải là tiêu dùng xa xỉ.
Anh có dự đoán như thế nào về tiêu dùng nghệ thuật của Việt Nam trong hiện tại và tương lai? Liệu cần bao lâu/ hoặc khả năng người giàu Việt chi mạnh tay vào nghệ thuật sẽ như thế nào?
Thị trường nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay nhìn chung khá non trẻ so với các nước Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đã hình thành những nhà sưu tập mới nổi, bắt nguồn từ nhu cầu được thể hiện đẳng cấp, gu thẩm mỹ hay đơn thuần là kênh đầu tư. Đó là nhu cầu tự nhiên khi mà xã hội đặt ra những ngưỡng nhất định nào đó về văn minh và kinh tế tài chính.
Tôi không dự đoán nhưng kỳ vọng rằng 5 hay 10 năm nữa, ở Việt Nam sẽ hình thành một thị trường nghệ thuật thứ cấp chuyên nghiệp không chỉ phục vụ mục đích sưu tập mà còn là hoạt động trao đổi mua đi bán lại, đấu giá và nhiều hơn nữa những hội chợ, triễn lãm nghệ thuật ra đời nhằm lôi kéo các yếu tố trong hệ sinh thái nghệ thuật phát triển đồng bộ.
Gần đây, nhà sưu tập Phạm Hùng Tuấn có đưa bộ sưu tập của mình đấu giá tại Hong Kong, với bức tranh Khỏa Thân của nghệ sĩ Lê Phổ đạt giá 1,4 triệu USD. Tranh Việt trên trường quốc tế đã được công nhận với mức giá cao nhưng khi so sánh với các tác phẩm nghệ sĩ nước ngoài khác thì hãy còn khiêm tốn. Anh có suy nghĩ vậy không?
Về vấn đề này, chúng ta cần nhìn trong bình diện chất lượng lẫn số lượng. Thông tin mà bạn đưa ra về việc đấu giá thành công của họa sĩ Lê Phổ chỉ là con số đơn vị, lâu lâu mới có một lần như thế. Chúng ta không có những cái thắng liên tục so với những quốc gia ngang hàng như Indonesia.
Indonesia là quốc giá có lịch sự hội họa cũng tương đồng Việt Nam, nhưng họ có những bậc thầy về hội họa được định nghĩa rõ ràng trong giới sưu tập và trên thế giới. Trên sàn đấu giá, rất nhiều tác phẩm của nghệ sĩ gạo cội và đương đại của Indonesia đạt giá kỷ lục mấy trăm ngàn USD hay thậm chí triệu USD, liên tục nhiều phiên, nhưng chúng ta lâu lâu mới có cảm giác tận hưởng chiến thắng với một, hai lô đơn lẻ. Về góc độ so sánh, chúng ta đã thua những quốc gia ngang hàng mình.
Chúng ta có những bậc thầy trong giới hội họa, như Nghiêm – Liên – Sáng – Phái, Trí – Lân – Vân – Cẩn, đều là hai bộ tứ hoành tráng nhưng thực ra, những người đó lại không thắng trên những sàn đấu giá. Chúng ta hiếm khi thấy một trong 8 vị đó thắng giòn giã, mà chỉ thấy mức độ 10.000 đến mười mấy ngàn USD. Lê Phổ không nằm trong bộ tứ nổi tiếng nào nhưng lại thắng nhiều phiên với những bức đạt giá hàng chục ngàn USD, vài trăm ngàn USD đến triệu USD. Ngoài Lê Phổ, chúng ta có họa sĩ lụa Nguyễn Phan Chánh với bức tranh lụa “Em bé trên chú chim” đạt giá kỷ lục gần 20 tỷ đồng.
Cả Lê Phổ hay Nguyễn Phan Chánh đều không thuộc bộ tứ huyền thoại nào nhưng các tác phẩm của họ đã được hệ thống các nhà sưu tập và gallery ở Pháp và trên thế giới trân trọng gìn giữ, tuân thủ luật chơi quốc tế. Họ tiếp tục mua bán sang tay, bảo chứng độ minh bạch để đảm bảo tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ đều là tác phẩm thật. Chính cách làm việc trong môi trường minh bạch và chuẩn mực nên đã khiến thương hiệu cá nhân Lê Phổ tăng lên, giá trị tranh nhờ vậy mà đi lên.
Khi họa sĩ Lê Phổ thành công ở thị trường thứ cấp, ở phiên đấu giá mua đi bán lại uy tín, danh tiếng của họa sĩ tăng lên nhiều lần. Còn khi chúng ta nói về giá trị bậc thầy trong nước nhưng chính chúng ta không đã và đang hoạt động chuyên nghiệp, không tạo dựng môi trường chuyên nghiệp, không có hoạt động mua bán thứ cấp để tăng giá trị nghệ sĩ và tác phẩm lên, mà đầy rẫy những câu chuyện tranh thật giả lẫn lộn. Chính cách cư xử của chúng ta đã làm cho thị trường nghệ thuật nước nhà bất ổn.
Nếu xét về lĩnh vực đầu tư, nghệ thuật khác bất động sản ở chỗ là nó dựa trên cảm xúc nhiều hơn, và đó có vẻ cũng là điểm yếu của nghệ thuật. Anh có thấy vậy? Anh có lời khuyên nào cho người mua tác phẩm nghệ thuật để đầu tư?
Thật ra, đầu tư bất động sản cũng dựa trên cảm xúc, chỉ là ít hay nhiều. Họ có những phán đoán và dữ liệu để đầu tư nhưng họ có cảm xúc trong đó. Nhưng cũng như bất động sản, đầu tư nghệ thuật cũng cần kiến thức, độ am hiểu và hệ thống đi kèm. Những người đầu tư, đầu cơ nghệ thuật trên thế giới đều trang bị cho mình nhiều kiến thức. Họ đi bảo tàng, tham gia nhiều buổi đấu giá khác nhau, họ phải đầu tư vào những phiên đấu giá nhỏ, họ chịu rủi ro và trưởng thành từ trong chính rủi ro đó để rồi mới đạt được con mắt tinh tường và quyết định sáng suốt. Đầu tư nào cũng cần quá trình học hỏi liên tục, nó làm việc đầy lý trí, đường dài và tính toán.
Có những người có thể mua tranh vì thú vui, sở thích nhưng nếu đã nói đến đầu tư, cảm xúc chỉ là yếu tố phụ. Đó là sự dấn thân chứ không phải cảm tính. Những người đầu tư nghệ thuật phải đi từng bước nhỏ, họ mua tranh giá rẻ trước, đọc lịch sử nghệ thuật, thân quen với các họa sĩ, thường xuyên đến gallery, theo dõi thị trường, nghiên cứu nhiều yếu tố xoay quanh nghệ thuật,… Mọi tác phẩm, họa sĩ, gallery hay bảo tàng đều là các yếu tố nằm trong hệ sinh thái bao gồm nhiều yếu tố khác nhau để cấu thành thị trường mỹ thuật.
Ai đó muốn đầu tư nghệ thuật có thể tham gia các khóa học về đầu tư nghệ thuật do các hãng đấu giá lớn tổ chức. Khi quyết định mua tranh, họ cần biết lịch sử tác phẩm, lịch sử nghệ sĩ và lịch sử giao dịch. Bạn phải nghiên cứu nghệ sĩ đó để có cơ sở niềm tin và độ kết nối giữa bạn và người nghệ sĩ mà bạn dự đóan trong tương lai.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về dự định tương lai?
Trong tương lai ngắn, tôi sẽ mang dự án Huyền thoại Mị Nương về Việt Nam triển lãm. Trong tương lai dài, tôi vẫn nỗ lực thực hiện những dự án tiếp theo, đề cao sự sáng tạo và tính độc đáo cá nhân trong tác phẩm của mình, để đưa ra công chúng những tác phẩm nghệ thuật với chữ ký của mình, thật sự đặc biệt và đáng giá. Từ đó, công chúng và giới sưu tập quyết định có sưu tầm, đầu tư hay không. Tôi nghĩ đó là cách làm việc chuyên nghiệp đầy trách nhiệm, lương tâm và nghiêm túc.