ART & CULTURE

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập xa xỉ 6.000 năm tại bảo tàng Pháp

May 01, 2021 | By Stephanie Nguyen

Musée des Arts Décoratifs ở Paris ghi lại lịch sử 6.000 của thế giới sang trọng qua bộ sưu tập xa xỉ trong triển lãm “Luxes”.

Ngày nay, thế giới xa xỉ đã không còn bị giới hạn bởi các ranh giới quốc gia nữa. Sự xa xỉ trong thế kỷ 21 chính thức trở thành “ngôn ngữ toàn cầu” mới – Bạn có thể nhìn thấy những biểu tượng xa xỉ giống nhau ở bất cứ đâu, dù đó là sân bay Thượng Hải hay thành phố Mexico.

Và nếu bạn thắc mắc liệu thế giới xa xỉ của 6.000 năm về trước trông có giống như bây giờ, thì mời bạn đến tham dự cuộc triển lãm quy mô lớn của Bảo tàng Musée des Arts Décoratifs ở Paris, để tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật xa xỉ và câu chuyện về thế giới hoàng kim kéo dài từ cách đây 6.000 năm.

Olivier Gabet, Giám đốc của bảo tàng kiêm người phụ trách chương trình triển lãm lần này, cho biết: “Bảo tàng của chúng ra đời vào thế kỷ 19 và xuất thân từ ngành công nghiệp xa xỉ. Do đó, sứ mệnh của chúng tôi là tôn vinh và bảo vệ giá trị vĩnh hằng của không những ngành công nghiệp xa xỉ của Pháp mà còn là một lối sống rất đặc trưng của người Pháp.”

Xa xỉ cũng chính là phản ánh cho sự phát triển văn hóa. “Chúng ta nói gì khi nói về sự xa xỉ?” Gabet đặt câu hỏi. “Chúng tôi muốn [thể hiện] nó trong bối cảnh kinh tế và chính trị.”

Buổi triển lãm mang tên “Luxes” kéo dài từ ngày 15/10/2020 đến hết ngày 02/05/2021, với khoảng 100 vật phẩm xa xỉ thu thập được trong khoảng thời gian 6.000 năm trở lại đây. Chúng sẽ kể cho những vị khách ghé thăm những câu chuyện tuyệt vời về thế giới hào nhoáng này.

Hãy cùng lướt qua một số tác phẩm tiêu biểu nhất của buổi triển lãm.

1/ Kỳ Lân, niên đại 1736-96

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Christophe Dellière

Đây là tạo vật xuất hiện trong bộ sưu tập của bảo tàng từ đầu thế kỷ 20 và là ví dụ điển hình cho phương pháp pháp lam (cloisonné – một kỹ thuật trang trí trên kim loại bắt nguồn từ Trung Quốc). Hình ảnh kỳ lân đại diện cho sức mạnh, sự dũng cảm, khát vọng và quyết tâm. Tạo vật này rất được đề cao trong triều đình Trung Hoa vào thế kỷ 18 và được giới sưu tầm châu Âu giữa thế kỷ 19 vô cùng yêu thích.

2/ Bình Nước Hoa, niên đại 1750

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Nếu như ngày nay, ngành công nghiệp nước hoa là một cách để các nhà thời trang tiếp cận thị trường đại chúng thì những năm 1700, nước hoa là biểu tượng tinh xảo chỉ dành cho giới quý tộc xa hoa. Gabet cho biết: “Đã từng có một khoảng thời gian dài trong lịch sử, nước hoa là những sáng tạo xa xỉ hoàn toàn độc quyền và không được phân phối rộng rãi.” Trên bình nước hoa kiểu Anh nhỏ bé này còn khắc dòng chữ: “Tôi yêu tự do.”

3/ Cặp bình hoa Kim Tự Tháp, niên đại 1700-10

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Hai chiếc bình bằng gốm sứ này không phải của người Trung Quốc, mà là của người Hà Lan và được dùng để cắm hoa tulip. Đó là thời kỳ có tên là “Hội chứng hoa tulip” hay “bong bóng Uất kim hương”, một giai đoạn trong thời hoàng kim của Hà Lan, lúc giá hoa tulip bị đẩy lên cao hơn cả giá vàng và đột ngột sụp đổ. Mặc dù giai đoạn ấy đã trôi qua nhiều thập kỷ, nhưng những bông hoa tulip tại đây vẫn được xem là biểu tượng của sự xa xỉ.

Gabet nói: “Bạn sẽ nhận ra câu chuyện về sự xa xỉ không chỉ về những hàng hóa về mặt vật chất, mà một bông hoa như tulip cũng có thể trở thành xa xỉ phẩm. Tương tự, muối và tiêu cũng thế. Đã từng có những thời điểm trong lịch sử chúng là biểu hiện cho sự xa xỉ và giàu sang.”

4/ Bàn Boudoir, niên đại 1867

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Chiếc bàn Boudoir là một kiệt tác trong bộ sưu tập triển lãm lần này. Gabet cho biết: “Đó là một ví dụ điển hình của một tạo vật cao cấp của Pháp xuất hiện trong Hội chợ Thế giới [năm 1889].” 

Chiếc bàn này do Émile Reiber thiết kế và Christofle & Cie sản xuất. Sau đó nó được gia đình Pereires, một gia đình Pháp gốc Do Thái nổi tiếng giàu có trong ngành ngân hàng, mua lại. Gabet nói thêm: “Gia tộc Pereires rất quan tâm đến việc bảo tồn nghệ thuật hiện đại.”

5/ Đồng hồ Pendulum do Xưởng Couët sản xuất cho Cartier, niên đại 1927

Ành: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Chiecs đồng hồ Pendulum là đặc trưng cho phong cách art deco cao cấp, một tác phẩm điêu khắc tinh tế sử dụng chất liệu tuyệt mỹ và công nghệ vô cùng tiên tiến..

Gabet giải thích: “Các bộ phận cơ học của chiếc đồng hồ được ẩn sau lớp vỏ nghệ thuật tuyệt đẹp bên ngoài, do đó nhìn vào, người ta sẽ không thấy gì khác ngoài bề mặt đậm tính nghệ thuật của nó.”

6/ Đĩa Potpourri, niên đại khoảng 1750

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Potpourri thực chất là một tác phẩm lai, với nửa trên là sản phẩm sơn mài tinh xảo của Nhật và nửa dưới là chiếc đế đồng do người Pháp chế tạo từ thế kỷ 18. 

Gabet nói: “Bạn phải biết rằng khi Đĩa Potpourri đến châu Âu, nó đã tạo nên một cú sốc! Người ta ấn tượng với nó đến nỗi họ muốn làm ra những chiếc bình tuyệt vời hoặc những đồ vật độc đáo khác để có thể đựng nó. Bản thân chiếc Đĩa Potpourri đã vô cùng giá trị rồi.”

7/ Tường Lửa của Clément Mère, niên đại khoảng 1923

Ành: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Đây là một vật dụng thường được đặt trước lò sưởi, đó là lý do cho tên gọi “Tường Lửa” của nó. Chiếc Tường Lửa này được làm từ gỗ mun Macassar với những đường nét chạm khắc siêu tỉ mỉ bọc ngoài lớp lót bằng lụa thêu. Trên là những mảng khảm bằng ngà voi chạm khắc và mài nhẵn. 

Những chiếc Tường Lửa này từng là nội thất được đặt trong nhiều phòng khách của gia đình Rothschild và sau này được tặng lại cho Bảo tàng. Tạo tác này là ví dụ tiêu biểu cho trình độ thủ công bậc thầy với sự khéo léo tuyệt vời và những ý tưởng siêu xa xỉ.

8/ Bộ đựng chén dĩa bằng sứ Saint-Cloud, niên đại 1740

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Trước thời kỳ cách mạng Pháp, những nhà quý tộc du hành thường sẽ phải dừng chân ở những quán trọ ven đường. Nhưng thay vì sử dụng bộ đồ ăn có sẵn của quán trọ thì họ sẽ tự mang theo bộ ly tách và chén dĩa riêng của mình. Đó là một biểu hiện của sự xa xỉ tột bậc, trong khi chiếc hộp này là một kho báu về công nghệ và kỹ thuật. Bởi cần phải có một đầu óc thiết kế cực kỳ tốt mới có thể sắp xếp ngay ngắn tất cả những đồ vật cao cấp này trong chỉ một chiếc hộp duy nhất.

9/ Mũ đội đầu hoàng gia nhà Thanh, Trung Quốc, thế kỷ 19

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Jean Tholance

Chiếc mũ đội đầu của hoàng gia nhà Thanh này được chế tạo vô cùng phức tạp. Với hàng chục chiếc lông chim bói cá xanh óng ánh, được dán một cách chắc chắn và khéo léo xung quanh cấu trúc có sẵn của chiếc mũ. Ngày nay, thật khó để có thể chế tạo một chiếc mũ như thế, một phần vì vấn đề bảo vệ động vật; phần khác, chiếc mũ này chính là biểu hiện cho uy quyền của cả một đế chế mà ngày nay đã không còn. Đây là một phần vô cùng quan trọng trong bộ sưu tập.

10/ Vòng cổ hạt phỉ của René Lalique, niên đại khoảng 1900

 

Ảnh: Musée des Arts Décoratifs, Paris / Christophe Dellière

Khác với những đồ vật trên, chiếc vòng cổ này được làm chủ yếu từ các vật dụng tương đối rẻ tiền như men và thủy tinh. Tuy nhiên, theo như Gabet, chiếc vòng vẫn được xem là một món hàng xa xỉ, không phải vì nguồn gốc nguyên liệu của chúng, mà bởi vì giá trị nghệ thuật và trình độ thủ công được thể hiện tinh vi qua chiếc vòng này. “Xa xỉ không chỉ là kim cương hay hồng ngọc, mà xa xỉ còn đến từ đầu óc thiên tài của các nghệ sĩ.”

Bloomberg


 
Back to top