Nghệ thuật

Thưởng lãm “Nhựa cây vẫn chảy” tại Millennium Masteri, Sài Gòn

Apr 20, 2019 | By Trang Ps

Triển lãm “Nhựa cây vẫn chảy” là lời mời gửi đến cộng đồng yêu thích nghệ thuật tại Sài Gòn cùng thưởng thức những tác phẩm giàu chất thơ của hai nghệ sĩ Freddy Nadolny Poustochkine và Trương Công Tùng gồm sketchbook (sách nhật ký), video và sắp đặt.

Triển lãm khai mạc lúc 19h, ngày 24/04/2019 tại Sàn Art – Tòa nhà Millennium Masteri, B6.16 & B6.17, 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Sài Gòn. Sự kiện do Sàn Art và Viện Pháp tại Việt Nam đồng tổ chức, nhằm mang đến những tác phẩm ý nghĩa và giàu chất thơ của nghệ sĩ Freddy Nadolny Poustochkine cũng như nghệ sĩ Trương Công Tùng.

Ý niệm “Nhựa cây vẫn chảy” bắt nguồn từ hình ảnh cây thông bị đốn hạ ở vùng Cévennes (Pháp), một tình huống Poustochkine tình cờ thấy như cộng hưởng duyên cớ với loạt cây cao su rớt giá bị chặt đốt ở Tây Nguyên; hiện tượng xoay vòng ở Gia Lai anh biết đến qua thực hành lưu nhặt và hoá xác cây thành tác phẩm của Trương Công Tùng.

Tác phẩm “Bụi rừng” – Trương Công Tùng – 2019. Sắp đặt đa phương tiện – Kích cỡ đa dạng.

Trong triển lãm “Nhựa cây vẫn chảy”, Freddy Nadolny Poustochkine, họa sĩ truyện tranh và nghệ sĩ cộng tác của nhóm Art Labor, giới thiệu chuỗi phác thảo màu bột và nhật ký dạng video ghi lại ký ức mật thiết với những chùm đô thị tràn lan, cảnh quan gợi cảm và khuôn mặt vô danh mà nghệ sĩ băng qua sau nhiều dịp thăm Sài Gòn và Buôn Ma Thuột.

Được biết, Poustochkine đã ấp ủ chùm tác phẩm du ký này trong nhiều năm từng sống tại Việt Nam và gần đây nhất, trong kỳ lưu trú sáng tác ở Villa Saigon.

Tác phẩm “Sài Gòn, cây xanh và đổ nát” – Freddy Nadolny Poustochkine – 2019. Bột màu trên giấy – 32.7 x 14 cm.

Song song với đó, nghệ sĩ sinh năm 1986 – Trương Công Tùng, trong một đối-thoại-mơ siêu hình với Poustochkine, gửi vào không gian bộ tác phẩm sắp đặt sử dụng nhiều phương tiện lạ quen, từ những sinh vật được dịu dàng tiếp đoạt hoặc lưu trữ—một rễ cây cháy khô, một tràng hạt gỗ, một khúc phim ẩn hiện côn trùng bay—đến ghi chép dân tộc ký về tín ngưỡng bản địa vùng Tây Nguyên.

Nhẫn nại sưu tầm, linh hoạt mày mò với chất liệu tìm thấy, nghệ sĩ đối diện với chủ nghĩa khai thác và thực tế mong manh dọc chuỗi rừng cao nguyên đang vỡ, và nhìn từ chiều kích không-thời giãn mở hơn, khắp những mạch rãnh lịch sử (tân) thuộc địa trong bối cảnh Việt.


 
Back to top